20/09/2024 | 18:33 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nhật Bản đối phó với tình trạng quá tải khách du lịch nước ngoài

Tường Linh
Nhật Bản đối phó với tình trạng quá tải khách du lịch nước ngoài Khách du lịch tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản_Ảnh: Kyodo/TTXVN
Du lịch là ngành kinh tế có lợi nhuận lớn thứ hai ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tình trạng quá tải khách du lịch nước ngoài đang gây ra những vấn đề xã hội ở nhiều địa phương, buộc chính quyền trung ương và các cấp phải tìm giải pháp tháo gỡ.

Mặt trái của “Niềm đam mê Nhật Bản”

Với việc các hạn chế đi lại trong thời đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ và đồng yên yếu, số lượng khách du lịch nước ngoài đổ vào Nhật Bản đã tăng lên mức kỷ lục. Theo Sách trắng du lịch Nhật Bản 2024, năm ngoái, số lượng khách du lịch đến thăm “đất nước Mặt trời mọc” là hơn 25 triệu lượt, tăng hơn 6 lần so với năm trước. 

Con số này tuy chỉ mới đạt khoảng 80% so với năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra, nhưng mức chi bình quân của mỗi du khách tăng tới hơn 59%, lên gần 70.000 yên, đưa tổng mức chi tiêu của du khách nước ngoài đến Nhật Bản lần đầu tiên vượt mức 5.290 tỷ yên (tương đương 36 tỷ USD).

“Niềm đam mê Nhật Bản là có thật”, anh Rory Dent - hướng dẫn viên du lịch, người đã tổ chức tới 291 chuyến thăm Tokyo cho du khách nước ngoài vào năm 2023 - nhận xét. 

Còn cô Grace O’Mara và Bronagh Ronaghan đến từ Anh đã dành hẳn 2 tuần ở Nhật Bản để khám phá các địa danh nổi tiếng Kyoto, Osaka, Hiroshima và đảo Miyako ở tỉnh Okinawa. Cả hai đều ấn tượng với sự lịch thiệp của người dân địa phương và nhiều món ăn ngon giá rẻ mà họ được thưởng thức.

Du khách nước ngoài đổ vào đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Nhật Bản. Theo tạp chí Nikkei Asia, du lịch hiện là ngành kinh tế có lợi nhuận lớn thứ hai ở Nhật Bản, chỉ sau ngành công nghiệp ô tô. 

Tuy nhiên, trong khi các nhà quản lý phấn khởi trước con số du khách nước ngoài tăng nhanh, thì điều này dường như lại đang gây khó chịu với không ít người dân địa phương vì các nhà hàng, nơi lưu trú, điểm tham quan và mạng lưới giao thông đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng cao của du khách. 

Sách trắng du lịch Nhật Bản 2024 đã nêu thực trạng du khách nước ngoài tập trung quá đông tại những thành phố lớn như Tokyo, Kyoto, Osaka, Nagoya,... gây ra sự quá tải và nhiều vấn đề với địa phương.

Cố đô Kyoto là ví dụ điển hình. Thành phố văn hóa nổi tiếng với những con phố cổ, đền thờ và chùa chiền này đang phải vật lộn để duy trì trật tự do lượng khách du lịch đổ về quá nhiều. Đây là 1 trong 20 địa điểm tuyệt đẹp trên thế giới được cảnh báo là đang bị hủy hoại do tình trạng du lịch quá mức. 

Tháng 4 vừa rồi, thành phố đã phải ban hành lệnh cấm du khách đi vào những con phố hẹp, riêng tư ở khu phố geisha Gion sau khi có khiếu nại rằng có những du khách đã phớt lờ yêu cầu giữ khoảng cách với những người biểu diễn mặc kimono và chụp ảnh họ mà không được phép.

Một điểm du lịch nổi tiếng khác cũng gặp phải tình trạng quá tải là núi Phú Sĩ, nhất là trên cung đường mòn nổi tiếng leo lên đỉnh núi. Cũng ở tỉnh Yamanashi, một hàng rào lưới lớn đã được dựng lên trước cửa hàng tiện lợi Lawson ở Fujikawaguchiko để ngăn khách du lịch xả rác và tụ tập quá đông ở phía sau cửa hàng, nơi thuận lợi để chụp ảnh núi Phú Sĩ.

Ở tỉnh Chiba có một nơi được gọi là “chibafornia” vì có một đoạn đường dọc theo bờ biển được bao phủ bởi những cây cọ California. Phong cảnh đẹp khiến du khách nước ngoài đổ xô đến để ngắm cảnh và chụp ảnh khiến nhiều lúc giao thông tắc nghẽn, khiến người dân địa phương bức xúc. 

Những người này đã dán các băng màu vàng trên thân các cây cọ cảnh báo du khách không được dừng lại và chụp ảnh. Du khách nước ngoài đã phản ứng mạnh, coi đó là hành vi phân biệt.

Cân bằng giữa du lịch và chất lượng sống người dân

Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đặt mục tiêu đón 60 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm 2030, gấp đôi mức kỷ lục 31,9 triệu vào năm 2019, khi tổng chi tiêu của du khách quốc tế đạt 4.800 tỷ yên (khoảng 44 tỷ USD vào thời điểm đó). 

Tuy nhiên, làm thế nào quản lý số lượng du khách nước ngoài ngày càng tăng để không xảy ra căng thẳng xã hội là câu hỏi khó với ngành du lịch.

Trong cuộc họp báo hồi tháng 5-2024, ông Ichiro Takahashi - người đứng đầu Tổng cục Du lịch Nhật Bản - khẳng định: “chúng ta phải cân bằng giữa việc chào đón khách du lịch với việc bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương”. Ông cho biết, chính phủ sẽ đẩy mạnh thu hút khách du lịch đến Nhật Bản vui chơi và mua sắm nhưng sẽ hỗ trợ các địa phương khắc phục tình trạng quá tải du lịch. 

Tổng cục Du lịch Nhật Bản đã chọn 20 khu vực có đông du khách để thí điểm mô hình xử lý tình trạng quá tải. Chính phủ sẽ trợ cấp 2/3 kinh phí vận hành, tối đa là 80 triệu yên (hơn 500.000 USD). Nhiều biện pháp khác cũng được áp dụng như tăng cường hệ thống giao thông ở các thành phố lớn, khuyến khích du khách đa dạng hóa điểm đến và thu thuế du lịch.

Trong khi đó, ông Tomohisa Ishikawa - nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản - khuyến nghị giải quyết tình trạng quá tải du lịch bằng cách chuyển mục tiêu đến du khách giàu bằng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Trên thực tế, Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) đã đặt mục tiêu tăng số lượng khách du lịch hạng sang, những người có khả năng chi tiêu hơn 1 triệu yên (6.300 USD) trong thời gian lưu trú, chứ không tập trung vào tăng số lượng khách du lịch. 

Từ tháng 2-2024, JNTO đã tổ chức các cuộc gặp giữa các công ty lữ hành nước ngoài chuyên phục vụ khách du lịch hạng sang với các khách sạn cao cấp và các công ty quản lý điểm đến để giới thiệu các sản phẩm du lịch mà những thị trấn và làng mạc ở Nhật Bản có thể cung cấp.

Các địa phương cũng bắt đầu áp dụng giải pháp giảm thiểu tình trạng quá tải du khách nước ngoài. Hiện nay, ngoài khoản thuế khởi hành 1.000 yên và thuế lưu trú đang áp dụng cho cả khách du lịch trong nước và quốc tế tại các thành phố lớn như Tokyo, Kyoto và Kanazawa, không có địa phương nào ở Nhật Bản áp dụng chính sách thuế riêng cho du khách nước ngoài. 

Tuy nhiên, đầu năm nay, Osaka bắt đầu xem xét tính “phí vào cửa” với du khách nước ngoài lưu trú tại tỉnh này để ngăn chặn tình trạng quá tải du lịch. Tại núi Phú Sĩ, những người muốn leo lên đỉnh theo đường mòn sẽ phải trả 2.000 yên, số lượng người tham gia tối đa là 4.000 người mỗi ngày để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn.

Một giải pháp khác là chuyển sự quan tâm của du khách nước ngoài đến những địa điểm du lịch mới. Có một thực tế là hàng thập niên qua, các cuốn sách du lịch Nhật Bản đã quá quen với lối mòn khi chủ yếu tập trung vào 3 thành phố là Tokyo, Kyoto và Osaka. 

Hệ quả là có tới 72,1% số khách qua đêm là ở 3 khu vực đô thị lớn đó, trong khi Nhật Bản còn rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác. Ba khu vực đô thị lớn đó cũng chiếm tới 80% tổng chi tiêu của du khách quốc tế đến Nhật Bản, mức chênh lệch giữa các địa phương là rất lớn. Tokyo là nơi mà du khách quốc tế chi tiêu nhiều nhất, lên tới 1.576 tỷ yên, trong khi Fukui chỉ thu được 1,2 tỷ yên, chênh lệch hơn 1.300 lần.

Tháng 6-2024, Chính phủ Nhật Bản đã công bố Sách trắng du lịch năm 2024, trong đó xác định phương hướng trọng điểm là hút du khách đến các địa phương. Mục tiêu là chuyển hướng du khách khỏi các tuyến du lịch đã quá quen thuộc. 

Theo đề án của chính phủ, 11 khu vực thí điểm đã được chọn để tạo ra các điểm đến du lịch nội địa có giá trị gia tăng cao để thu hút khách du lịch đến các vùng nông thôn trải nghiệm thiên nhiên thay vì tập trung quá đông vào các điểm đến truyền thống.

Các công ty lữ hành cũng chủ động cung cấp thông tin và thuyết phục du khách tới khám phá những vùng đất mới. Bà Anne Kyle - Tổng Giám đốc điều hành của Arigato Travel - cho biết, công ty của bà đang khuyến khích khách du lịch đến thăm những khu vực ít được biết đến của Nhật Bản. Chẳng hạn, khi du khách muốn thăm Kyoto, hướng dẫn viên sẽ nhẹ nhàng trao đổi: “chắc chắn rồi, đấy là nơi tuyệt vời. Nhưng bạn có biết chỉ cách ga Kyoto 15 phút có một vùng tuyệt vời tên là Shiga không?”, ám chỉ đến tỉnh phía Đông Kyoto nổi tiếng với hồ nước ngọt Biwa rộng lớn./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện