20/09/2024 | 18:27 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Báo động ô nhiễm từ “ngành công nghiệp không khói”

Nguyễn Sơn
Báo động ô nhiễm từ “ngành công nghiệp không khói” Chương trình “Chung tay làm sạch biển, dọn dẹp vệ sinh môi trường biển” tại khu vực bến cá Long Hải, khu phố Hải Hà, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu_Ảnh: vnanet.vn
Từ lâu, chúng ta quen nghĩ du lịch là “ngành công nghiệp không khói” tạo ra giá trị gia tăng cao như nhiều ngành công nghiệp khác, nhưng lại không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sự phát triển quá mức của ngành công nghiệp này đang cho thấy điều ngược lại.

“Ô nhiễm trắng” và vô vàn ô nhiễm khác

Đi cùng với sự quá tải của du lịch, môi trường cũng đang quá tải vì rác thải. Ngày nay, chúng ta không còn xa lạ với những bãi rác trắng xóa hình thành từ túi nilon, hộp xốp, chai nhựa, ống hút, bàn chải, lược, bao ủ tóc, tăm bông,... mà du khách vứt lại trên biển hoặc các cung đường dã ngoại leo núi, du lịch tâm linh... 

Lượng du khách tăng mạnh làm phát sinh một khối lượng lớn chất thải ra môi trường, vượt qua năng lực quản lý, thu gom và xử lý chất thải của các khu du lịch biển, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhất là tại một số bãi tắm gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn...

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển du lịch, mỗi du khách lưu trú thải ra 1,2kg rác một ngày đêm, trong đó khoảng 50% - 80% là rác thải nhựa. Ước tính mỗi năm, du khách để lại 230.000 - 250.000 tấn rác thải nhựa ngoài môi trường, chiếm tới 1/3 lượng rác thải nhựa toàn quốc, khiến Việt Nam trở thành nước đứng thứ 4 trên thế giới về rác thải nhựa.

Lượng rác thải ấy lớn tới mức sự vĩ đại của rừng và biển cũng không thể bao dung nổi. Ảnh hưởng đầu tiên của chúng là việc các sinh vật biển nhầm lẫn giữa rác nhựa và thức ăn, nên nuốt phải phế thải nhựa ngày càng phổ biến. Rùa biển và cá voi là những nạn nhân thường xuyên được phát hiện có rác thải nhựa trong ruột. 

Những con chim non cũng hay ăn phải nhựa hơn bố mẹ chúng, vì khả năng phân biệt nhựa với thức ăn chưa cao. Nuốt phải nhựa khiến chúng bị đầy dạ dày, tắc ruột... Nhiều sinh vật vướng phải rác thải nhựa cũng không thoát ra được và nằm im chờ chết.

Chưa hết, các bãi biển tập kết nhiều rác thải nhựa thường nóng lên chậm hơn và đạt nhiệt độ tối đa thấp hơn, gây biến đổi môi trường sống, thường là theo hướng bất lợi cho các sinh vật sống tại đó. 

Rác thải nhựa phân hủy thành các hạt vi nhựa thấm vào ruột hải sản truyền sang người, do thói quen ăn hải sản không bỏ ruột. Đã có bằng chứng rõ ràng về việc tiếp xúc với hạt vi nhựa thông qua thức ăn đe dọa an toàn thực phẩm, nhưng ý thức phòng tránh nguy cơ này vẫn còn thấp.

Ngoài ra, rác thải nhựa đại dương gây ra thiệt hại về thu nhập của ngư dân. Ô nhiễm nhựa làm hỏng chất lượng hải sản, giảm giá trị thương phẩm và tiêu tốn thêm thời gian để làm sạch, cũng như sửa chữa lưới và tàu thuyền. 

Về lâu dài, khi ý thức về nguy cơ đối với sức khỏe do hạt vi nhựa gây ra được nâng lên, người tiêu dùng có thể quay lưng với hải sản. Rác thải cũng làm xấu đi cảnh quan, khiến du khách ngần ngại hơn với việc du lịch biển.

Tuy nhiên, rác thải nhựa không phải là toàn bộ những gì ngành du lịch khiến môi trường bị ô nhiễm. Nhiền khu du lịch thiếu hệ thống xử lý nước thải và nước từ bồn cầu được xả thẳng ra biển. Có không ít thành phố biển mà các khách sạn tư nhân được cấp phép đều không có hệ thống xử lý nước thải.

Ô nhiễm tiếng ồn cũng là một “phụ phẩm” của ngành du lịch. Du khách thường có thói quen mở nhạc to quá mức, gây ồn ào tại các hàng quán và điểm sinh hoạt công cộng, khiến người dân địa phương bất bình. Tác động môi trường do phát triển kinh tế đêm ở những điểm du lịch chưa được đánh giá đúng mức còn đẩy bất bình này lên cao hơn, dẫn tới thái độ, phản ứng thiếu thiện cảm từ cư dân địa phương.

Hệ lụy khác từ du lịch quá mức còn có thể kể đến những rạn san hô bị hư hỏng do lặn biển, những công trình du lịch không hài hòa với tổng thể hiện hữu tại địa phương, những việc san lấp làm thay đổi đất nền gây sạt lở, những bến thuyền tạo ra điểm yếu trên các tuyến đê quai ngăn sóng biển... Ngành du lịch đang dần trở thành một trong những tác nhân lớn hủy hoại môi trường sinh thái.

Làm gì để giảm tác hại?

Để quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa; đến năm 2025, cả nước không sử dụng túi nilon dùng một lần. 

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 75% lượng rác thải nhựa đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa...

Điều đó có thể gây bất tiện ít nhiều cho du khách, bởi việc dùng bao bì nhựa đã trở thành thói quen khi đi du lịch vì tính tiện lợi của nó. Tuy nhiên, nếu đặt giá trị môi trường du lịch lên trên thói quen đó, du khách cần hy sinh quyền lợi nhỏ vì những kỳ nghỉ chất lượng hơn. Trước mắt, khi bao bì nhựa chưa bị cấm hoàn toàn, du khách cần có ý thức về việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa, không vứt bỏ lung tung ngoài môi trường.

Bên cạnh chính sách và ý thức hạn chế rác thải nhựa của du khách, rất cần những hoạt động cộng đồng như “đừng để lại gì sau du lịch ngoài dấu chân của bạn”, “chung tay làm sạch bãi biển cho các kỳ nghỉ tuyệt vời tiếp theo”, “vườn hoa thì không có rác”, “biển Việt Nam xanh”...

Công tác đánh giá tác động môi trường cũng cần được chú ý đúng mức với các khách sạn, khu du lịch, khu chợ đêm hiện hữu và xây mới. Đặc biệt, ở các địa phương có ngoại cảnh đẹp, việc xây mới các công trình du lịch rất cần được thiết kế hài hòa với cảnh quan, tránh tạo ra những “vết sẹo” trên gương mặt địa phương. 

Các khu chợ đêm cần bố trí phù hợp để tránh ảnh hưởng giấc ngủ của cư dân địa phương. Ánh sáng và tiếng nhạc đêm ở các khu “phố Tây” cũng là vấn đề phải đưa vào quản lý rốt ráo.

Du lịch mạo hiểm và du lịch sinh thái đang nổi lên như những trào lưu tạo sự gia tăng mạnh mẽ cho ngành du lịch, nhưng việc giữ gìn cảnh quan sinh thái còn chưa được chú ý đúng mức. Các rạn san hô ngầm cần được bảo vệ, thậm chí hạn chế số lượt tham gia lặn ngầm ở mức độ phù hợp; sông suối, hang động kỳ vĩ cần được giữ gìn theo tinh thần “du khách đừng để lại gì ngoài dấu chân”. 

Những cuộc du lịch săn bắn cần được quản lý chặt chẽ và hạn chế nhiều nhất có thể, tránh đặt bẫy chim muông tràn lan, bảo vệ sinh vật quý hiếm trong sách đỏ đang ngày càng vắng bóng trong tự nhiên...

Ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn nạn của ngành du lịch khi nhu cầu trở nên quá tải. Nhưng nếu chung sức đồng lòng, chúng ta vẫn có thể hạn chế ô nhiễm, để du lịch xứng với danh xưng vốn dĩ - “ngành công nghiệp không khói”./.