16/10/2024 | 02:25 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vịnh Hạ Long: Cần giải bài toán quá tải vào thời kỳ cao điểm, ở một số điểm đến

Gia Ngọc
Vịnh Hạ Long: Cần giải bài toán quá tải vào thời kỳ cao điểm, ở một số điểm đến Đông đảo du khách tham quan hang động trên Vịnh Hạ Long_Ảnh: thanhnien.vn
Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) được đánh giá là lượng du khách còn thấp hơn sức tải khá nhiều. Tuy nhiên, đáng nói là du khách thường tập trung vào một số thời kỳ cao điểm chứ không phải quanh năm, và một vài điểm chứ không rải đều ra hơn 300km2 diện tích của toàn di sản. Thế nên, sự quá tải vào một số thời điểm, một số điểm đến cần được giải tỏa, để đỡ gây thêm sức ép lên Vịnh Hạ Long.

Được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên từ năm 1994, Vịnh Hạ Long - vốn được người Việt Nam tự hào nhận là kỳ quan thiên nhiên - khẳng định lại giá trị của nó khi vào năm 2000 được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) lần thứ hai công nhận Di sản thiên nhiên thế giới bởi giá trị địa chất nổi bật của nó. Đến năm 2023, Vịnh Hạ Long cùng quần thể đảo Cát Bà được vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ ba.

Vịnh Hạ Long, với 1.969 hòn đảo, vùng lõi có diện tích 334km2, được bầu chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới. Tại đây có các hệ sinh thái rừng kín, hệ sinh thái biển, ven bờ, mưa ẩm nhiệt đới,... với hàng nghìn loài động thực vật quần cư, có hệ thống hang động đá vôi kỳ thú trên biển, nhiều vũng vịnh nhỏ với các bãi biển hoang sơ. Vịnh Hạ Long còn mang màu sắc huyền bí với nhiều truyền thuyết, huyền thoại cổ xưa lưu truyền đến ngày nay.

Di sản bị co dần vào lõi

Ngay từ năm 2006, UNESCO đã cảnh báo về việc xây dựng hạ tầng ven bờ Vịnh - nơi được xác định là vùng đệm di sản. Theo một thống kê của Ban quản lý Vịnh Hạ Long, năm 2005 khu vực Hạ Long - Cẩm Phả có 21 dự án lấn biển và 17 dự án đổ bùn thải. Tốc độ đô thị hóa ven bờ Vịnh Hạ Long được đánh giá là “đáng kinh ngạc”, số lượng dự án tính từ quốc lộ 18 về phía Đông tới khoảng 40, với tổng diện tích hàng nghìn héc-ta.

Năm 2012, tại một hội thảo nhân dịp kỷ niệm 15 năm Vịnh Hạ Long trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thông báo: “chúng ta chứng kiến hệ thống rừng ngập mặn bảo vệ Hạ Long ở ven bờ hầu như bị hủy hoại hoàn toàn, các rạn san hô cũng suy kiệt dần”. 

Ở góc độ người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, ông Tuấn cho rằng, ở Hạ Long các hoạt động du lịch đang bán rẻ tài nguyên mà không hiệu quả, di sản này là điểm đến với sự lộn xộn tại cảng tàu, hành vi lừa đảo gian lận về chất lượng dịch vụ chưa được kiểm soát.

Năm sau đó, 2013, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) kiểm tra thực địa Vịnh Hạ Long, đưa ra 7 khuyến nghị về tình trạng bảo tồn tại đây. Sở dĩ có cuộc kiểm tra này vì liên tục trong các năm 2009 - 2011, UNESCO đưa ra các khuyến nghị về bảo tồn Vịnh Hạ Long. 

Sau nhiều lần giải trình và báo cáo, những lo ngại của UNESCO về sức ép lên vùng di sản vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Nguyên nhân chủ yếu được cho là có sự khác biệt về quan điểm, khi chính quyền địa phương cho rằng ranh giới vùng đệm được tính toán và trình UNESCO từ nhiều năm trước, đặt hầu hết các phường tại thành phố Hạ Long vào vùng đệm di sản, đã không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương. Do đó, địa phương muốn điều chỉnh thu hẹp ranh giới vùng đệm.

Thực tế điều này không chỉ là mong muốn, mà đang diễn ra. Các dự án lấn biển, dự án bất động sản ở Hạ Long đang tiến gần đến vùng lõi di sản. Năm 2023, một dự án đô thị lấn biển đình đám “quây núi đá làm hòn non bộ” bị xử phạt hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên đáng chú ý là phần diện tích nằm trong vùng đệm di sản của dự án này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến thỏa thuận và sau đó nó vẫn được triển khai.

Du lịch bội thu, di sản... bội thực

Năm 2023, Vịnh Hạ Long đón gần 2,7 triệu lượt khách. Con số này vẫn còn kém đỉnh năm 2019, khi Hạ Long đón khoảng 4,4 triệu lượt khách du lịch, riêng tiền bán vé tham quan đã đạt 1.200 tỷ đồng.

Theo cơ chế của địa phương, 11% số tiền bán vé tham quan Vịnh được trả cho Ban quản lý để trả lương, 89% còn lại điều tiết cho thành phố Hạ Long chi cho các mục tiêu bảo vệ phát triển Vịnh Hạ Long (cả trên bờ lẫn dưới nước). 

Tính đến hết năm 2023, thành phố Hạ Long đã điều tiết hơn 2.936 tỷ đồng từ nguồn này cho các dự án trên Vịnh lẫn trên bờ. Trong số này có dự án đường 10 làn xe cửa ngõ thành phố Hạ Long (tổng vốn 380 tỷ đồng), dự án mở rộng đường Trần Quốc Nghiễn (680 tỷ đồng). Danh sách 57 công trình sử dụng nguồn vốn này chủ yếu là hạ tầng giao thông trên bờ.

Có thể thấy rằng, tỷ lệ ngân sách chi cho bảo vệ, tu bổ, gìn giữ di sản không còn nhiều. Một trong những di sản của Hạ Long là các làng chài cổ. Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã di dời hơn 300 hộ dân ở 7 làng chài lâu đời trên Vịnh lên bờ sinh sống với lý do bảo vệ môi trường của Vịnh. Nhưng môi trường vẫn tiếp tục là bài toán chưa được giải xong, còn sản phẩm du lịch làng chài cổ thì gần như mất tích.

Một nghiên cứu của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đánh giá các yếu tố độc hại trong các hang động trên Vịnh Hạ Long cách đây hơn 10 năm cho thấy, không khí trong hang động của Di sản này có 4 loại khí không đạt tiêu chuẩn cho phép, khí ô-xy tuy vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng thấp hơn nồng độ tự nhiên tới 21%, còn lượng khí carbonic lại tăng cao. 

Nguyên nhân của tình trạng này được các nhà khoa học kết luận là do lượng khách tham quan hang động quá đông, trong khi điều kiện thông gió không bảo đảm.

Sự chênh lệch đầu tư dẫn đến 2 xu hướng trái chiều: đô thị lấn biển, hạ tầng và dịch vụ trên bờ được đầu tư hiện đại làm tăng sức chứa cho thành phố Hạ Long trên đất liền. Ở phía biển, vùng đệm bị co hẹp cũng hàm ý sức chứa du lịch của Vịnh Hạ Long giảm đi. Du khách đi trên tàu thăm Vịnh Hạ Long không khỏi ngán ngẩm vì trên mặt nước của Di sản thiên nhiên này lềnh bềnh những rác. 

Mặc dù cơ quan chức năng cho biết họ thường thu gom rác với khối lượng lên đến cả trăm tấn, nhưng thực tế là rác vẫn trôi nổi dọc các tuyến du lịch, và một phần nguồn xả rác đến từ đội tàu du lịch hùng hậu cùng lượng du khách đông đảo của nó.

Năm 2022, Hạ Long thực hiện đánh giá sức tải của Vịnh và kết luận đưa ra rất đáng mừng: lượng du khách còn thấp hơn sức tải của Vịnh Hạ Long khá nhiều. Tuy nhiên, du khách thường tập trung vào một số thời điểm cao điểm, và một vài điểm như hang Sửng Sốt, động Thiên Cung..., chứ không “chịu” rải đều ra hơn 300km2 diện tích của toàn di sản. Từ đó, một số biện pháp được đưa ra, đáng chú ý là điều tiết du khách để giảm quá tải vào các thời điểm, địa điểm nhất định.

Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được việc mới đây tạp chí du lịch nổi tiếng Fodors Travel đưa Vịnh Hạ Long vào “No list 2024” (danh sách các địa điểm không nên đến, trái ngược với “Go list”). Điều này không có nghĩa Fodors Travel tẩy chay Di sản thiên nhiên tuyệt đẹp này, mà họ đang khuyến cáo du khách tránh gây thêm sức ép lên Vịnh Hạ Long./.