16/10/2024 | 02:09 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Mùa hè “nóng gắt” ở châu Âu

Phan Lương
Mùa hè “nóng gắt” ở châu Âu Du khách và người dân tránh nóng vào ban đêm bên đài phun nước Trevi ở Roma, Italia_Ảnh: Trí Dũng
Châu Âu đang trải qua một mùa hè nắng nóng gay gắt, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, khi số lượng du khách đang trở lại mức cao trước dịch COVID-19 ở nhiều thắng cảnh du lịch nổi tiếng và phổ biến. Tình trạng quá tải và làm thế nào để bảo vệ các cộng đồng địa phương một lần nữa trở thành vấn đề cấp thiết và buộc nhà chức trách phải đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết.

Tác động từ quá tải

Từ Cung điện Hoàng gia ở London (Anh) đến phế tích tại Athens (Hy Lạp), các điểm tham quan trên khắp châu Âu đã và đang chứng kiến lượng du khách tăng vọt trong mùa du lịch cao điểm hè. Đám đông đứng chật các cầu dẫn lối vào Thánh đường St Mark ở Venice (Italia), hay không ít người phải xếp hàng nhiều giờ để được vào tham quan thành cổ Acropolis ở Athens là những hình ảnh quen mắt với người dân bản địa và du khách.

Bất chấp nguồn thu lớn từ du lịch cho cộng đồng địa phương, tình trạng quá tải đồng nghĩa với chi phí sinh hoạt tăng cao, ô nhiễm môi trường, đồng thời là một trải nghiệm khó chịu với chính du khách và người dân bản địa, do những khác biệt về văn hóa, lối sống và cách hành xử. 

Thực tế đây không phải một vấn đề mới với châu Âu, ngay cả trong điều kiện thời tiết không thuận lợi do biến đổi khí hậu. Hè năm ngoái đã thực sự là quá “nóng” với nhiều nước. Các vụ cháy rừng lớn hoành hành ở Nam Âu và Balkan không ngăn nổi dòng du khách đổ về những điểm du lịch nổi tiếng, với số lượng gần như không thể kiểm soát và áp lực gia tăng đè nặng lên nguồn lực bản địa.

Với cộng đồng địa phương ở những điểm du lịch nổi tiếng, tình trạng quá tải du khách có thể ảnh hưởng đến cuộc sống trên nhiều phương diện, từ nhà ở, giao thông, rác thải đến ô nhiễm. Nạn đầu cơ và tình trạng đô thị hóa khó kiểm soát thực sự khiến các cộng đồng bản địa gặp rất nhiều khó khăn. 

Tại Lisbon (Bồ Đào Nha), nơi giá thuê nhà và bất động sản tăng cao khiến nhiều người dân địa phương không đủ khả năng chi trả, buộc không ít người phải rời khỏi khu vực trung tâm thành phố. Hay như ở Barcelona (Tây Ban Nha), những dòng chữ như “Du khách về nhà” và “Du lịch giết cộng đồng bản địa” có thể được nhìn thấy thường xuyên.

Những nỗ lực chủ động

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đã hoãn triển khai hệ thống cấp phép du lịch trực tuyến ETIAS đến năm 2025, giới chức nhiều địa phương đã buộc phải đưa ra những lựa chọn khác nhau nhằm giải quyết tình trạng quá tải du lịch. 

Khá nhiều chiến lược sáng tạo và mới mẻ đã được áp dụng nhằm mục đích không chỉ quản lý du khách mà còn hướng đến bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và duy trì chất lượng cuộc sống cho người dân bản địa.

Tại Amsterdam (Hà Lan), chính quyền thành phố đã tăng thuế du lịch từ 7% lên 12,5% đối với chi phí chỗ ở trong năm 2024, đồng nghĩa, để thuê một phòng khách sạn trung bình có giá 120 euro giờ đây du khách sẽ phải trả thêm khoản phí 15 euro mỗi đêm. Đây là tỷ lệ tăng thuế du lịch cao nhất ở châu Âu hiện nay, và được áp dụng với tất cả cơ sở lưu trú dành cho du khách, từ khách sạn, nhà nghỉ tới các khu cắm trại. 

Nhà chức trách cũng cấm các xe buýt hơn 7,5 tấn đi vào trung tâm thành phố, trừ những trường hợp đặc biệt, cũng như tăng phí với du khách đi du thuyền tham quan thành phố từ 8 euro lên 14 euro/người/ngày. Không chỉ có vậy, dịch vụ cho thuê nhà B&B cũng sẽ không được mở rộng ở một số quận trung tâm.

Còn tại Pháp, chính quyền Thủ đô Paris cũng tăng thuế du lịch lên 200%. Theo France24, đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm bổ sung ngân sách để tăng cường chất lượng giao thông công cộng. Trong bối cảnh Paris đăng cai Olympics 2024 từ ngày 26-7 đến 11-8, liệu biện pháp này có giải quyết được tình trạng quá tải? 

Thay vì hạn chế hay cấm đoán, Chính phủ Pháp áp dụng cách tiếp cận tích cực hơn. Theo đó, nhà chức trách phối hợp với những nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội để thúc đẩy quảng bá cho những khu vực ít được biết đến trở nên “nổi tiếng” hơn. Chính phủ Pháp trông đợi mạng lưới kết nối này sẽ điều hướng du khách đến với những trải nghiệm độc, lạ như nghỉ dưỡng sinh thái hay glamping ở nước này.

Là di sản thế giới UNESCO, tình trạng quá tải lâu nay vẫn đè nặng lên Venice, bất chấp việc thành phố đã cấm các siêu du thuyền đến thành phố từ năm 2021. Trong nỗ lực hạn chế lượng du khách, Venice đang thử nghiệm cách thu phí “vào cửa” mới với du khách tham quan không ở lại qua đêm. 

Theo đó, mỗi du khách sẽ phải trả phí 5 euro/ngày để ở lại Venice từ 8h30 sáng đến 4h chiều. Biện pháp này được áp dụng định kỳ trong 10 ngày cao điểm du lịch của tháng 5, 6 và 7-2024. Dựa trên kết quả thu được, Venice sẽ đưa ra những điều chỉnh chính thức trong năm 2025.

Đáng chú ý, Venice cũng đã giới hạn khách đoàn ở mức dưới 25 người và cấm sử dụng loa cầm tay trong thành phố từ ngày 1-6. Biện pháp này phù hợp với nỗ lực “Detourism” nhằm quảng bá cho một Venice ít được biết đến hơn với du khách. Ngoài ra, Venice có thể cùng với Rome và Florence hạn chế dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn, trong một nỗ lực lớn hơn của chính phủ trung ương.

Cần giải pháp bền vững

Tuy nhiên, những chiến lược quản lý từ giới hạn số lượng du khách, áp thuế du lịch, kéo dài mùa du lịch truyền thống (nếu cơ sở hạ tầng cho phép), hạn chế thời gian mở cửa, yêu cầu đặt trước tour tham quan các điểm nổi tiếng và quảng bá những điểm đến ít được biết đến hơn, dường như chỉ đơn thuần chuyển vấn đề từ nơi này sang nơi khác. 

Trên thực tế, đây là bài toán khó mà nhà chức trách các nước đang phải đối mặt khi cân bằng lợi ích của du lịch và cơ sở hạ tầng với hoạt động du lịch bền vững.

Theo các chuyên gia, trách nhiệm dường như đặt lên vai chính phủ và công ty lữ hành khi các bên cần phải cân nhắc kỹ khi chuẩn bị các phương án đáp ứng cần thiết của một điểm tham quan hoặc một khu nghỉ dưỡng mới. 

Dù đây là sinh kế cho nhiều người dân địa phương và là một ngành công nghiệp phát triển mạnh, nhưng không nên vì thế mà để du lịch ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhà ở và những tiện ích khác của cộng đồng bản địa. Du lịch bền vững cần phải được các chính phủ ủng hộ thông qua chính sách.

Đánh giá đầy đủ địa điểm du lịch, tiếp đó là tư duy chiến lược, sáng suốt, mang tính dài hạn thay vì chỉ khắc phục “vá víu” ngắn hạn phải là một biện pháp. Nhiều câu hỏi đặt ra cần được xem xét, như thành phố có cần thêm khách sạn mới? Sự cân bằng lý tưởng giữa người dân địa phương và du khách là gì? 

Du khách có muốn thăm một khu phố cổ hay “làng cổ” không có cộng đồng dân cư hay không, nơi mọi tòa nhà đều là khách sạn, cửa hàng lưu niệm và nhà hàng hay không. Hay du khách muốn tới một khu phố cổ thực sự mang hơi thở của người dân địa phương?

Du lịch nông thôn, thị trấn nhỏ, nghỉ dưỡng trên núi hay ven hồ chỉ là một vài thí dụ về những lựa chọn thay thế cho những điểm du lịch đô thị, tắm biển và khu nghỉ dưỡng phổ biến vốn đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn hơn để khắc phục. 

Trong bối cảnh đó, hợp tác công tư giữa chính quyền địa phương, chính phủ trung ương và các công ty lữ hành có thể là một chìa khóa, từ đó tạo nên nhiều cơ hội mới để tối ưu hóa năng lực và quản lý dòng du khách./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện