24/01/2025 | 02:57 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kinh tế nhà nước trong kỷ nguyên số


Tháng 9-2024, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) công bố khoản cho vay trị giá 350 triệu euro nhằm giúp nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng Deutsche Glasfaser (Đức) mở rộng mạng lưới Internet tốc độ cao, phục vụ gần nửa triệu hộ gia đình và doanh nghiệp tại các vùng nông thôn nước này. Đây chỉ là một trong nhiều dự án mà Liên minh châu Âu (EU) đã và đang triển khai nhằm giải quyết tình trạng thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở những vùng ít dân cư, nơi chi phí đầu tư và rủi ro thường cao, không hấp dẫn các nhà cung cấp dịch vụ, qua đó góp phần hiện thực hóa những mục tiêu đã được xác định trong chương trình “Thập niên số” của khu vực.

Những động thái trên của EU nói chung hay EIB nói riêng không chỉ thể hiện mối quan tâm của các quốc gia, khu vực trong kỷ nguyên số - kỷ nguyên có khả năng thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức phát triển của thế giới - mà còn cho thấy những cách thức, công cụ mà chủ thể nhà nước có thể sử dụng, trong đó có việc phát huy vai trò của kinh tế nhà nước, để tạo nên những tác động tích cực tới sự phát triển quốc gia trong giai đoạn phát triển đặc biệt này.

I. NHẬN DIỆN KỶ NGUYÊN SỐ

Kỷ nguyên số

Những năm gần đây, thuật ngữ “kỷ nguyên số” hay “thời đại kỹ thuật số” (Digital Age) được hầu hết các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, nhanh chóng trở nên phổ biến.

Thuật ngữ này dùng để chỉ một giai đoạn mới trong lịch sử nhân loại, với sự chuyển đổi từ ngành công nghiệp truyền thống mà 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã mang lại thông qua công nghiệp hóa, sang giai đoạn công nghệ số trở thành nhân tố quan trọng trong lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội, trở thành động lực tiến hóa của xã hội.

Kỷ nguyên số được cho là bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ XX, cùng với sự ra đời của máy tính cá nhân và việc sử dụng rộng rãi Internet vào thập niên sau đó. Trong kỷ nguyên này, các hoạt động/quá trình xã hội, kinh tế và chính trị được thúc đẩy bởi ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ kỹ thuật số, như: máy tính, email, Internet, trò chơi điện tử, video... 

Những năm gần đây, kỷ nguyên số được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với quá trình chuyển đổi số toàn diện. Kỷ nguyên số cũng làm xuất hiện những dạng thức mới trong đời sống xã hội của thế giới đương đại, như đời sống số, tri thức số, văn hóa số, chính phủ số, đô thị số, công dân số... 

Đây cũng được xem là những yếu tố có thể tạo nên những tác động mạnh mẽ tới sự phát triển, vận động của thế giới cũng như của từng quốc gia, doanh nghiệp, người dân trong nhiều thập niên tới.

Một số yếu tố cấu thành kỷ nguyên số

Kỷ nguyên số được cấu thành bởi 2 yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau, đó là kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, 2 yếu tố này không phải là bất biến mà gắn liền với quá trình chuyển đổi số.

Kinh tế số

Kinh tế số là nền kinh tế mà toàn bộ các hoạt động kinh tế đều dựa trên công nghệ số và nền tảng số. Kinh tế số cũng là cốt lõi của các loại hình kinh tế đang được lan tỏa, như kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế thông minh, kinh tế tuần hoàn. 

Kinh tế số tạo điều kiện để tăng năng suất lao động, mở ra không gian tăng trưởng mới cho sự phát triển bền vững, bao trùm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần tạo những nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững.

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, định hình lại cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu để xây dựng và phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.

Khi đề cập đến kinh tế số, người ta cũng thường đề cập đến chuyển đổi số nền kinh tế. Đây là quá trình thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp số, các ngành công nghiệp dựa trên số và phát triển thị trường dịch vụ - hàng hóa số, bao gồm thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); kích thích nhu cầu các hàng hóa, dịch vụ số thông qua tích hợp ICT vào hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp; thúc đẩy sự cạnh tranh và đổi mới của các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng ứng dụng ICT...

Xã hội số

Xã hội số là xã hội mà mọi hoạt động của đời sống xã hội và con người đều được ứng dụng và tích hợp công nghệ số, làm thay đổi trên mọi phương diện của tổ chức xã hội, từ chính phủ, cộng đồng tới từng người dân. 

Chuyển đổi số xã hội tập trung vào việc ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm khoảng cách xã hội và địa lý, giảm chi phí cuộc sống, hiện thực hóa quyền lợi người dân,... trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa, an toàn an ninh xã hội...

Xã hội số gồm 3 yếu tố cơ bản nhất là chính phủ số, văn hóa số và công dân số. Trong đó:

- Chính phủ số là bộ máy chính quyền sử dụng công nghệ số, ICT vào việc quản lý, điều hành để xây dựng nền hành chính khoa học, hiệu quả, minh bạch, dân chủ; xây dựng đô thị thông minh, nông thôn văn minh... 

Chuyển đổi số trong cơ quan chính phủ hướng tới cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, tăng cường sự tham gia người dân trong các hoạt động của cơ quan nhà nước; tăng cường hiệu quả hoạt động và đổi mới trong các cơ quan nhà nước; phát triển dữ liệu mở của các cơ quan này để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

- Trong xã hội số, văn hóa số là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức và sự hưởng thụ các giá trị văn hóa của con người trong môi trường số.

- Công dân số là công dân thành thục công nghệ số, có khả năng truy cập các nguồn thông tin số, có khả năng giao tiếp theo chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, thực hiện quyền và trách nhiệm trong môi trường số, có kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ số hiệu quả phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân và phục vụ cộng đồng.

Những nền tảng của kỷ nguyên số

Hạ tầng số

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bao gồm mạng Internet, điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhận tạo (AI),... là nền tảng cho sự vận hành và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và xã hội số.

Phát triển hạ tầng số bao gồm cả hạ tầng vật lý và hệ sinh thái tạo điều kiện cho các hoạt động số.

Lực lượng lao động số

Trong kỷ nguyên số, lực lượng lao động phải có đầy đủ năng lực và kỹ năng số theo chuẩn quốc tế và có khả năng sử dụng công nghệ một cách đầy đủ, sáng tạo để áp dụng cho công việc.

Yêu cầu đặt ra là cần xây dựng chương trình nghị sự nhân lực cho chuyển đổi số, gia tăng nguồn cung cấp các chuyên gia ICT có trình độ cao, chú trọng đào tạo lĩnh vực này trong các trường nghề; phát triển các tài nguyên học tập số; tăng cường kết nối giữa giáo dục - đào tạo và thị trường lao động; phát triển thị trường lao động trong thời đại số.

Hoạt động nghiên cứu công nghệ số

Để kinh tế số và xã hội số phát triển, hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ số có vai trò rất quan trọng. Hoạt động này bao gồm: tăng cường hoạt động nghiên cứu về các giải pháp công nghệ mới, chủ đề nghiên cứu mới; có chiến lược phát triển hạ tầng nghiên cứu số như mở rộng nguồn tài liệu, kho dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ để hỗ trợ và bổ trợ cho các hạ tầng điện tử khác...

Môi trường pháp lý cho kinh tế số và xã hội số

Để bảo đảm môi trường an toàn, tin cậy, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số, cần có các chính sách về an toàn an ninh thông tin; chính sách bảo vệ quyền sở hữu, thông tin riêng tư trên các nền tảng số; chính sách chấp nhận các nguyên tắc quốc tế về thông tin công; chính sách coi dữ liệu là tài sản để quản lý; chính sách quốc gia về định danh an toàn bảo mật; chính sách về công nghệ tài chính (Fintech), thương mại điện tử, thanh toán điện tử...; chính sách cho các lĩnh vực như chính phủ số, giáo dục số, y tế số, kinh tế số...

II. KINH TẾ NHÀ NƯỚC TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

Kinh tế nhà nước

Không chỉ là doanh nghiệp nhà nước

Lâu nay, nhiều người thường đánh đồng kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước (SOE). Tuy nhiên, kinh tế nhà nước không đồng nhất với doanh nghiệp nhà nước mà là thành phần kinh tế bao gồm các yếu tố thuộc sở hữu nhà nước và các yếu tố thuộc sở hữu toàn dân mà nhà nước được giao quyền đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý do nhà nước tổ chức, quản lý, điều hành. 

Ngoài doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước còn bao gồm các yếu tố khác như tài nguyên quốc gia, tư liệu sản xuất, ngân hàng nhà nước, ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia...

Xét về quy mô, kinh tế nhà nước chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế các quốc gia. Chẳng hạn như ở Mỹ, toàn bộ sở hữu nhà nước vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX đã chiếm khoảng 20% tổng tài sản quốc gia. 

Tỷ trọng chi ngân sách của Chính phủ Mỹ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới trên 40% vào năm 2010. Trong khi đó, tỷ trọng sở hữu nhà nước ở một số nền kinh tế phát triển khác cũng đều ở mức khoảng 30% tổng tài sản quốc gia.

Doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước là một trong những bộ phận quan trọng của kinh tế nhà nước. Đây là một thực thể do nhà nước thành lập nhằm mục đích tham gia vào các hoạt động kinh tế, do nhà nước nắm giữ toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu. Các doanh nghiệp nhà nước có mặt và hoạt động ở mọi quốc gia nhưng đặc biệt phát triển mạnh ở những nước như Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Nam Phi, Ấn Độ, Nga... 

Khi đề cập đến doanh nghiệp nhà nước, trong một số trường hợp, người ta còn tính cả các doanh nghiệp được chính phủ tài trợ (GSE) như các công ty dịch vụ tài chính Freddie Mac và Fannie Mae của Mỹ hay các công ty liên kết với chính phủ (GLC) ở Malaysia...

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong những năm qua, quy mô của các doanh nghiệp nhà nước trên toàn thế giới, nhất là ở các thị trường mới nổi, liên tục gia tăng. Tính đến năm 2020, giá trị tài sản của các doanh nghiệp nhà nước ở tất cả các quốc gia ước khoảng 45.000 tỷ USD.

Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vào năm 2023, các nhà nước sở hữu hơn 25% trong số 2.037 công ty niêm yết trên toàn cầu, chiếm 11,6% tổng vốn hóa thị trường.

Một số báo cáo khác cho thấy, 19 trong số 100 công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới là doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát. Trong phạm vi quốc gia, các doanh nghiệp nhà nước chiếm 80% vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán Trung Quốc. 

Tại Brazil, loại hình doanh nghiệp này chiếm 35% vốn hóa thị trường... Các ví dụ về doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn có rất nhiều, như Hãng hàng không Emirates lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất Trung Đông của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE); Công ty khí đốt Gazprom của Nga hay công ty viễn thông di động có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới China Mobile của Trung Quốc...

Vai trò quan trọng

Với quy mô lớn và phạm vi bao phủ rộng, kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục những hạn chế của cơ chế thị trường. 

Các nguồn lực kinh tế của nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước, nhằm ngăn ngừa những nguy cơ có thể ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế; đồng thời thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Mỹ, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu 2008 - 2009, chính phủ nước này đã chi tới 700 tỷ USD để mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng, kích thích tài chính, thúc đẩy tăng trưởng,... nhằm cứu vãn nền tài chính quốc gia. 

Tại Anh, từ năm 2018, chính phủ đã quyết định dừng hẳn các dự án về kết cấu hạ tầng tư nhân hóa với lý do các dự án công có tư nhân tham gia tốn phí hơn so với các dự án công chỉ do nhà nước thực hiện.

Riêng với doanh nghiệp nhà nước, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, đây là loại hình doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng ở nhiều nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, nơi chính phủ sử dụng doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội và chính trị thông qua việc cung cấp và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ, lấp đầy khoảng trống trên thị trường, phát triển các ngành hoặc khu vực trọng điểm và tạo việc làm...

Kinh tế nhà nước - thách thức trong kỷ nguyên số

Là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, kinh tế nhà nước cũng phải chịu những tác động từ cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng như tiến trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Ở góc độ kỹ thuật, sự ra đời và phát triển nhanh chóng các công nghệ then chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như Cloud Computing, IoT, Big Data, AI,... một mặt đã tạo cơ hội cho khu vực kinh tế nhà nước nâng cao khả năng quản trị, thúc đẩy tính hiệu quả, nhưng cũng đặt ra thách thức rất lớn cho khu vực này trong quá trình chuyển đổi số, để không trở nên tụt hậu so với các bộ phận khác của nền kinh tế vốn rất năng động như khu vực tư nhân. 

Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, bởi tốc độ thay đổi công nghệ theo cấp số nhân trong kỷ nguyên số được xem là vượt xa khả năng thích ứng của các tổ chức chính trị, xã hội và nhiều tổ chức kinh tế. Thực tế đã có không ít ví dụ về vấn đề này. 

Chẳng hạn như vào những năm 60 của thế kỷ XX, Chính phủ Mỹ đã đi đầu trong việc phát triển ngành máy tính và giữ vai trò “thống trị” ngành công nghiệp mới ra đời này trong nhiều năm, là khu vực sử dụng tới hơn 60% sản lượng của toàn bộ ngành công nghiệp máy tính Mỹ. Tuy nhiên, cho đến đầu thế kỷ XXI, máy tính tiên tiến tại Mỹ đã trở thành lĩnh vực do khu vực tư nhân nắm giữ.

Bên cạnh đó, trong kỷ nguyên số, chủ sở hữu của kinh tế nhà nước cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn về tính bảo mật, an toàn trực tuyến, tính toàn vẹn của thông tin khoảng cách số, sự gắn kết xã hội, quyền con người trong thời đại số.

Không chỉ phải tập trung giải quyết những rào cản về kỹ thuật, vai trò của nhà nước nói chung, kinh tế nhà nước nói riêng trong kỷ nguyên số với sự chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ cũng đang bị thách thức. Những người theo chủ nghĩa thị trường và nhiều nhà công nghệ cho rằng, chỉ có doanh nghiệp mới thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi công nghệ. 

Họ tin rằng kỷ nguyên số giúp thị trường trở nên hiệu quả hơn và người dân được trao quyền nhiều hơn, điều đó cũng đồng nghĩa với nhu cầu hoặc không gian cho chính phủ hoạt động trong kỷ nguyên số trở nên ít hơn; nền kinh tế số đã trở nên tách biệt khỏi nền kinh tế truyền thống mà ở nhiều quốc gia đang chịu sự dẫn dắt của kinh tế nhà nước và sự “giám hộ” của nhà nước...

III. KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

Nguồn lực quan trọng

Dựa trên việc phân tích về lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp và các giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế thế giới, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, một mặt, quá trình này được dẫn dắt bởi nguồn lực tài chính và sự phát triển mạnh của thị trường tự do, nhưng mặt khác, cũng được thúc đẩy bởi các hoạt động tích cực của nhà nước trong vai trò “nhà đầu tư”, hỗ trợ vốn cho các ngành sản xuất.

Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, trong kỷ nguyên số, vai trò của nhà nước, trực tiếp là kinh tế nhà nước, cũng cần được phát huy. Từ cách tiếp cận không can thiệp vào nền kinh tế, nhà nước cần tạo điều kiện cho các mô hình thử nghiệm mới được thúc đẩy bởi các nguồn lực tài chính, đầu tư để điều chỉnh các tác động tiêu cực bên ngoài do công nghệ mới gây ra, giải quyết bất bình đẳng và phân cực thu nhập, hỗ trợ thêm cho sự lan truyền công nghệ. 

Thông qua các khoản đầu tư công, nhà nước có thể tạo ra hệ sinh thái kỹ thuật số phù hợp để thúc đẩy những công nghệ mới, phát minh mới, từ đó tạo điều kiện kích hoạt sự phát triển của kỷ nguyên số.

Một số lựa chọn

Nâng cao năng lực chính phủ số

Nguồn lực kinh tế nhà nước cần được ưu tiên sử dụng vào quá trình chuyển đổi số các cơ quan nhà nước, trước hết là để cải thiện khả năng cung cấp dịch vụ công cho người dân, nâng cao năng lực sử dụng công nghệ số vào công tác quản lý, điều hành để xây dựng nền hành chính khoa học, hiệu quả, minh bạch, dân chủ; xây dựng đô thị thông minh, nông thôn văn minh...; tăng cường hiệu quả hoạt động và đổi mới trong các cơ quan nhà nước; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu mở, có tính kết nối cao của các cơ quan này để tạo điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đầu tư vào những nền tảng quan trọng

Kinh tế nhà nước cần được sử dụng để hỗ trợ phát triển những nền tảng quan trọng của kỷ nguyên số như hạ tầng kỹ thuật số, lực lượng lao động kỹ thuật số và hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Về việc phát triển hạ tầng số, mặc dù khả năng và vai trò của khu vực tư nhân là rất quan trọng, nhưng trong nhiều trường hợp, vai trò của kinh tế nhà nước là không thể thiếu. Chẳng hạn, việc mới đây Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cung cấp khoản vay trị giá 350 triệu euro nhằm giúp Deutsche Glasfaser mở rộng mạng lưới Internet tốc độ cao được xem là rất cần thiết vì việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở những vùng ít dân cư, nơi chi phí đầu tư và rủi ro cao thường không hấp dẫn các nhà cung cấp dịch vụ. 

Hoạt động hỗ trợ đầu tư của nhà nước như trong trường hợp này không chỉ giúp cải thiện hạ tầng kỹ thuật số, mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền hay giữa các nhóm dân cư; đồng thời tạo nên những tác động lan tỏa khác...

Để phát triển công nghệ số, nguồn nhân lực số cũng rất quan trọng. Để có nguồn nhân lực số có khả năng đáp ứng yêu cầu đặt ra trong nền kinh tế số, đòi hỏi phải có nguồn đầu tư rất lớn, bài bản và thực hiện trong thời gian dài. Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp trong khu vực tư, các hoạt động giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cần có sự hỗ trợ lớn từ nhà nước, có thể thông qua hình thức hợp tác công - tư.

Hoạt động R&D có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế số và xã hội số. Một nhà nước sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro sẽ trở thành “bà đỡ” cho các hoạt động nghiên cứu công nghệ mới, hỗ trợ thúc đẩy sự cạnh tranh và đổi mới giữa các nhà cung cấp công nghệ kỹ thuật số. 

Nhà nước cũng có thể đóng vai trò là doanh nhân trong việc nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp mới. Tuy nhiên, vai trò của nhà nước trong vấn đề này còn có thể được thực hiện thông qua việc khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm công nghệ có được từ hoạt động R&D.

Sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên quan trọng

Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số cùng sự gia tăng, thay đổi liên tục của những thiết bị kỹ thuật số đang khiến nhu cầu về các nguyên liệu, khoáng sản quan trọng cho công nghệ số tăng vọt. Chẳng hạn như theo WB, nhu cầu về coban, than chì và lithium dự kiến sẽ tăng 500% vào năm 2050.

Bên cạnh đó, nhu cầu về năng lượng cũng ngày càng gia tăng trong quá trình số hóa. Thống kê của WB cho thấy, giai đoạn 2018 - 2022, mức tiêu thụ điện của 13 nhà điều hành trung tâm dữ liệu lớn nhất đã tăng gấp đôi; mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu của hoạt động khai thác bitcoin đã tăng 34 lần từ năm 2015 đến năm 2023...

Điều đó khiến việc bảo đảm quyền tiếp cận các nguồn khoáng sản, năng lượng quan trọng ngày càng trở thành ưu tiên chiến lược của nhiều quốc gia. Ở hầu hết các nước, đây chính là nguồn lực chính của kinh tế nhà nước. Việc sử dụng nguồn lực này như thế nào, hiệu quả ra sao hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các quốc gia trong kỷ nguyên số.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước

Là một bộ phận trọng yếu của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có thể tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Theo đó, loại hình doanh nghiệp này có thể trở thành mắt xích hỗ trợ quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của quốc gia; kết nối các thành phần kinh tế khác trong nước và quốc tế để hình thành các trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Với nguồn lực của mình, doanh nghiệp nhà nước có điều kiện để trở thành nhà đầu tư lớn trong các ngành hỗ trợ cho quá trình đổi mới, sáng tạo như phát triển hạ tầng số, y tế số, giáo dục số, đóng vai trò dẫn dắt trong các ngành, công nghệ trọng điểm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Để đảm đương tốt vai trò này, theo khuyến nghị về quản trị tốt doanh nghiệp nhà nước của OECD, chủ sở hữu nhà nước cần đặt ra các mục tiêu cụ thể để bảo đảm giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, các mục tiêu về đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ và các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm, kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là rất cần thiết. 

Với các công nghệ ưu tiên phát triển, cần đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho các doanh nghiệp nhà nước thuộc các lĩnh vực tương ứng thực hiện nghiên cứu làm chủ, từng bước phát triển, nâng tầm công nghệ; khuyến khích cạnh tranh để cải tiến, sáng chế ra các công nghệ phù hợp nhất với thị trường...

IV. CHIẾN LƯỢC VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA MỘT SỐ KHU VỰC, QUỐC GIA TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

Tại Liên minh châu Âu

Cuối năm 2020, Hội đồng châu Âu (EC) thông qua Kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 với tên gọi NextGenerationEU (Thế hệ tiếp theo của EU - NGEU) có tổng giá trị 1.800 tỷ euro theo giá năm 2018 (hơn 2.000 tỷ euro theo giá hiện tại).

Ngân sách thực hiện kế hoạch này được hình thành từ thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) của các quốc gia thành viên và đóng góp dựa trên tổng thu nhập quốc dân (GNI). Ngoài ra, kể từ đầu năm 2021, một khoản đóng góp quốc gia mới dựa trên thuế đánh vào rác thải bao bì nhựa không tái chế cũng được huy động để thực hiện NGEU.

Kế hoạch phục hồi lớn nhất từ trước đến nay này của EU được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2027 hướng tới 3 mục tiêu gồm: hỗ trợ cải tổ kinh tế và xã hội sau đại dịch; thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh hơn, kỹ thuật số hơn và chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức hiện tại cũng như trong tương lai. Trong đó, một phần đáng kể sẽ được phân bổ để duy trì chiến lược tăng trưởng kỹ thuật số.

Theo đó, NGEU đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ để xây dựng nền kinh tế khu vực dựa trên dữ liệu, coi đây là chất xúc tác cho sự đổi mới và tạo việc làm; cải thiện khả năng kết nối và triển khai cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến, linh hoạt như 5G; tăng cường số hóa và đổi mới quản lý công (bao gồm hệ thống tư pháp và chăm sóc sức khỏe); thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp; cải thiện năng lực trong các lĩnh vực quan trọng nhằm nâng cao năng lực số như AI, an ninh mạng; điều chỉnh hệ thống giáo dục, đào tạo và đào tạo lại để nâng cao kỹ năng số...

Với mục tiêu củng cố vai trò lãnh đạo kỹ thuật số, trước đó EU đã đưa ra Chiến lược công nghiệp mới cho châu Âu, thiết lập nền tảng cho quá trình chuyển đổi kép sang nền kinh tế xanh và kỹ thuật số, giúp ngành công nghiệp trở nên cạnh tranh hơn và tăng cường quyền tự chủ chiến lược của khu vực.

Cùng với đó, EU đã thông qua chiến lược hỗ trợ nhằm phát triển tài chính kỹ thuật số và thanh toán bán lẻ số... Trong đó, mục tiêu của Chiến lược Tài chính kỹ thuật số là giúp các dịch vụ tài chính của châu Âu thân thiện hơn với kỹ thuật số; người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm tài chính xuyên biên giới; các công ty khởi nghiệp Fintech mở rộng quy mô và phát triển.

Sau khi đưa ra Chương trình nghị sự Đổi mới sáng tạo mới vào giữa năm 2022, nhằm đưa EU trở thành khu vực dẫn đầu toàn cầu về đổi mới công nghệ, năm 2023, EU tiếp tục thông qua Đạo luật Chips với mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn và tăng cường sức mạnh dẫn đầu về công nghệ chip của châu Âu. Đạo luật này sẽ huy động hơn 43 tỷ euro đầu tư chính phủ và tư nhân vào lĩnh vực này cho đến năm 2030.

Tại Trung Quốc

Những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt kế hoạch nhằm xây dựng một xã hội số và phát triển nền kinh tế số.

Từ năm 2015, Trung Quốc đã đưa ra Chiến lược Made in China 2025 (Sản xuất tại Trung Quốc 2025-MIC) với mục tiêu đưa ngành công nghiệp chế tạo nước này trở thành nhà vô địch toàn cầu trong những phân ngành cao cấp như công nghệ thông tin thế hệ mới; robot và máy móc điều khiển số công nghệ cao; sản xuất linh kiện điện tử; chế tạo vật liệu mới...

Để thực hiện các mục tiêu đó, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư hàng trăm tỷ nhân dân tệ. Theo nhận định của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (2017), MIC thể hiện tính chất mới của chính sách công nghiệp của Trung Quốc, gia tăng sự can thiệp, kiểm soát của nhà nước với thị trường. 

Doanh nghiệp nhà nước cũng được kỳ vọng là một trong những công cụ đắc lực để thực hiện MIC 2025. Trung Quốc đã sử dụng ngân sách, các chính sách ưu đãi, khuyến khích, chính sách tài chính để thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước hợp nhất trong một số ngành trọng tâm trong chiến lược MIC 2025.

Theo nhận định của các chuyên gia, Trung Quốc đã hoàn toàn bước vào kỷ nguyên kinh tế số. Trên thực tế, vào năm 2020, nền kinh tế số đã chiếm hơn 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc dự đoán rằng, nền kinh tế số của quốc gia này có thể đạt 60.000 tỷ nhân dân tệ (8.400 tỷ USD) vào năm 2025.

Tháng 7-2016, Quốc vụ viện Trung Quốc phát hành “Ý kiến hướng dẫn về thúc đẩy sự tái cấu trúc và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” để khuyến khích khu vực doanh nghiệp này tăng cường năng lực và khả năng thống lĩnh của mình. Tháng 4-2021, Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước (SASAC) triển khai các chính sách công nghiệp nhằm khuyến khích chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhà nước. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước cũng được nhà nước hỗ trợ, khuyến khích để tăng cường đầu tư vào R&D, phát triển các công nghệ mới, thâu tóm bí quyết công nghệ hiện đại của thế giới và nắm giữ các nguồn tài nguyên quan trọng, các thương hiệu lớn...

Trong giai đoạn kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (2021 - 2025), các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp trung ương, coi chiến lược chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch kinh doanh và năng lực số cũng trở thành chỉ số đo lường hiệu quả cải cách doanh nghiệp nhà nước...

Tại Singapore

Smart Nation (Quốc gia Thông minh) là một trong những sáng kiến tiêu biểu nhất về việc xây dựng quốc gia thông minh, được Chính phủ Singapore khởi xướng vào năm 2014. Mục tiêu của sáng kiến này là tận dụng công nghệ và dữ liệu để cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cường hiệu quả của các dịch vụ công cộng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, kết nối và tích hợp các hệ thống công nghệ IoT, Big Data, AI, an ninh mạng và các nền tảng số khác để thu thập và phân tích dữ liệu nhằm đưa ra các quyết định nhanh chóng và chính xác hơn...

Trước đó, Singapore đã tập trung thực hiện kế hoạch tổng thể 10 năm iN2015 nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ thông tin cho quá trình chuyển đổi kinh tế của mình. Các ứng dụng công nghệ thông tin trong khu vực công được hỗ trợ bởi sự phát triển bổ sung về cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển năng lực và hiểu biết về công nghệ thông tin... 

Các chương trình chính phủ điện tử cũng dựa trên nền tảng chung về cơ sở hạ tầng và dịch vụ được chia sẻ và qua các chuyển đổi hỗ trợ theo từng ngành như logistics, kinh tế, giáo dục và y tế... Sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Singapore dựa trên một chương trình toàn diện với sự hỗ trợ từ chính phủ...

Đầu tháng 10-2024, Chính phủ Singapore chính thức công bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia phiên bản mới, còn gọi là Chiến lược Quốc gia thông minh (Smart Nation) 2.0. Smart Nation 2.0 đặt mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế và khai thác tiềm năng của công nghệ để cải thiện năng suất, mở rộng cơ hội cho người dân và doanh nghiệp thông qua tập trung đầu tư vào công nghệ AI và thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành. 

Chính phủ Singapore cũng đặc biệt chú trọng vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng công nghệ để cải thiện quy trình kinh doanh và tận dụng tối đa tiềm năng của AI. Để theo kịp sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ, Smart Nation 2.0 của Singapore sẽ bao gồm một quỹ trị giá 120 triệu đô la Singapore đầu tư vào ứng dụng AI.

Cùng với việc triển khai iN2015, năm 2013, Cơ quan Khoa học - Công nghệ và Nghiên cứu (A*STAR) cho ra đời chương trình Technology Adoption Program (TAP) có trị giá 51 triệu USD, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi khoa học - công nghệ số. 

Năm 2019, Cơ quan Phát triển truyền thông thông tin Singapore (IMDA) đã triển khai các chương trình như“5G Inovation” để đánh giá những tác động của 5G lên nền kinh tế, vấn đề an ninh mạng, từ đó đưa ra những chính sách, quy định phù hợp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và phát triển. 

Nhằm bảo đảm hạ tầng số của nền kinh tế, Singapore đã ban hành Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thu thập, sử dụng, chia sẽ dữ liệu cá nhân; đồng thời giúp tăng cường bảo vệ hạ tầng thông tin quan trọng, bảo vệ dữ liệu của cá nhân, doanh nghiệp...

Một trong những kinh nghiệm của Singapore trong triển khai các chương trình, kế hoạch này đó là sự lãnh đạo và cam kết lâu dài của chính phủ đối với quá trình chuyển đổi số. Một yếu tố khác là chính phủ đã tạo ra các cơ hội và cung cấp các quan hệ đối tác, thúc đẩy khu vực tư nhân tích cực tham gia. 

Chính phủ cũng đã hợp tác với ngành công nghiệp về đổi mới, chẳng hạn như Chương trình thử nghiệm và thí nghiệm công nghệ; bảo đảm sự cân bằng trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng số. Các doanh nghiệp Singapore cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ cho các giải pháp công nghệ được phê duyệt để số hóa... 

Với tầm nhìn đầy cảm hứng về nền kinh tế thông minh và tri thức, Singapore đã xây dựng năng lực đổi mới và tạo ra các mô hình kinh doanh và dịch vụ mới, đồng thời tích hợp các nguồn lực và năng lực trên khắp các tổ chức công và tư.

Với những nỗ lực đó, tính đến năm 2023, nền kinh tế số của Singapore đã đạt khoảng 78 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2017 và chiếm khoảng 17,3% GDP.

V. VIỆT NAM: TẬN DỤNG THỜI CƠ ĐỂ PHÁT TRIỂN

Một số định hướng lớn

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030, việc tham gia cuộc cách mạng này có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 28,5 đến 63 tỷ USD, tùy theo mức độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp, tương đương với mức tăng thêm 7 - 16% GDP năm 2030. 

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc việc làm của nền kinh tế, nhưng sẽ mang lại thêm 2,7 - 2,9 triệu việc làm. Năng suất lao động tính bằng GDP/lao động sẽ tăng thêm 315 - 640 USD/lao động.

Nhận thức rõ những lợi ích đó, Đảng ta sớm có định hướng xây dựng chính sách và một số chương trình để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh tới ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, như Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018, của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Theo đó, về chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, với quan điểm phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo, Nghị quyết số 23-NQ/TW đã đưa ra nhiều định hướng, trong đó có việc đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp. 

Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Hỗ trợ xây dựng và phát triển các doanh nghiệp khoa học - công nghệ trong công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên...

Tại Nghị quyết về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Chính trị nêu rõ việc: phát huy tối đa các nguồn lực, bảo đảm đủ nguồn lực cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài...

Dù không đề cập cụ thể tới việc sử dụng kinh tế nhà nước, nhưng Nghị quyết cũng đề cập tới những vấn đề cần ưu tiên, trong đó có liên quan trực tiếp tới việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước, như Nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Có cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Hoàn thiện chính sách đặt hàng sản xuất và mua sắm công đối với các sản phẩm công nghệ số do Việt Nam sản xuất. Nâng cao hiệu quả đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng để chuyển đổi công việc...

Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt đề cao vai trò quan trọng của chuyển đổi số: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Tổng Bí thư khẳng định cần phải thực hiện là: “Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trích ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết: “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

Tăng cường nguồn lực từ kinh tế nhà nước

Để thích ứng và khai thác hiệu quả cơ hội từ kỷ nguyên số, căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kinh phí thực hiện Chương trình này bao gồm: ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. 

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số. Kinh phí từ ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên để phục vụ các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn an ninh mạng, hợp tác quốc tế, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số và chuyển đổi kỹ năng trong môi trường số và các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình này do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện.

Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tổ chức giữa năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Trên cơ sở đánh giá quy mô đầu tư phát triển và sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước vào các dự án trọng điểm quốc gia còn khiêm tốn, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực mới, như năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen, công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn, AI; năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ còn nhiều bất cập, còn lạc hậu so với xu thế phát triển..., Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp nhà nước cần phát huy vai trò trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển AI... 

Thủ tướng cũng đề nghị doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt “5 tiên phong”, trong đó có tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ khoa học - công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

Duy Anh - Thành Nam - Tiến Thắng - Công Minh - Khôi Nguyên (thực hiện)

Chuyên mục: Hồ sơ