Cảnh báo với Mỹ: Khoa học công nghệ Trung Quốc đang tiến nhanh hơn bao giờ hết
Gia Ngọc
Cuộc soán ngôi về số lượng bằng sáng chế
Giữa năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, trong thập niên qua, trên toàn thế giới có hơn 50.000 đơn xin cấp bằng sáng chế về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh - lĩnh vực được coi là đang bùng nổ nhất hiện tại, riêng số đơn đăng ký trong năm 2023 đã chiếm 1/4 tổng số đơn của cả 10 năm.
Trong đó, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với hơn 38.000 hồ sơ phát minh về AI tạo sinh, gấp 6 lần so với Mỹ - quốc gia đứng thứ hai - với 6.276 phát minh.
Nhìn rộng hơn, gần 50% số đơn xin chứng nhận sáng chế được phê duyệt trong năm 2022 trên toàn thế giới được nộp từ Trung Quốc. Trong năm 2023, số đơn của cả Trung Quốc và Mỹ đều giảm chút ít, nhưng trong khi Trung Quốc chỉ giảm 0,6% và vẫn dẫn đầu thế giới, thì Mỹ giảm tới 5,3% so với năm 2022.
Mỹ từng duy trì rất lâu vị trí số 1 về số bằng sáng chế được cấp hằng năm cho mãi tới năm 2019 - khi lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua họ trong cuộc đua. Tốc độ tăng số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế của Trung Quốc rất khủng khiếp: gấp 200 lần sau 20 năm. Cứ đà này, có lẽ người Mỹ không bao giờ có hy vọng lấy lại ngôi vị số 1 về bằng sáng chế từ tay Trung Quốc nữa.
Mặc dù vẫn còn thua kém trong nhiều lĩnh vực quan trọng như robot, dược phẩm sinh học, hóa chất..., nhưng Trung Quốc đã khẳng định ngôi đầu trong những lĩnh vực như năng lượng hạt nhân thương mại, xe điện, pin.
Hồi đầu năm 2023, Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) đưa ra một danh sách các lĩnh vực mà các quốc gia đang dẫn đầu, và mức độ rủi ro dẫn đến độc quyền về công nghệ. Trong 43 lĩnh vực được xem xét, Trung Quốc dẫn đầu toàn bộ 12 ngành của lĩnh vực chế tạo và vật liệu tiên tiến (bao gồm cả vật liệu nano, vật liệu thông minh...), dẫn đầu 7 trong 10 ngành của lĩnh vực AI, điện toán và truyền thông, toàn bộ 8 ngành của lĩnh vực năng lượng và môi trường, 3 trong 4 ngành của lĩnh vực lượng tử, 2 trong 3 ngành của lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ gene và vaccine, 4 trong 6 ngành của lĩnh vực phòng thủ, robot, vũ trụ, vận tải, độc chiếm lĩnh vực cảm biến và điều hướng.
Trong từng lĩnh vực, chỉ có Mỹ chiếm các vị trí dẫn đầu còn lại và đều với số lượng ít hơn Trung Quốc. Mỹ cũng không có ưu thế đến mức tạo ra rủi ro độc quyền công nghệ trong bất cứ ngành nào, trong khi Trung Quốc được cho là có thể tạo thế độc quyền công nghệ trong 8 ngành.
Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển: xu hướng trái ngược
Điều gì đã đưa tới những thành tựu công nghệ ngoạn mục như vậy cho Trung Quốc - vốn bị coi là nền kinh tế sao chép, hay thậm chí “ăn cắp”, bản quyền sáng chế trong một thời gian dài? Hóa ra, người Trung Quốc chú trọng vào khoa học công nghệ hơn Mỹ và châu Âu, và hơn xa mức mà người Mỹ cũng như châu Âu tưởng tượng. Trung Quốc đã đổi mới hơn nhiều những gì phương Tây biết.
Nhờ vào sự bùng nổ kinh tế, đầu tư của Trung Quốc cho nghiên cứu và phát triển (R&D) những năm gần đây ngày càng lớn. Năm 2024 Trung Quốc chi 52 tỷ USD cho R&D, tăng 10% so với năm trước đó, và là mức tăng phần trăm lớn nhất trong tất cả các lĩnh vực của họ, kể cả so với chi tiêu quân sự.
Ngược lại, Mỹ đã cắt giảm 2,7% tổng đầu tư R&D năm 2024, trong đó nghiên cứu phát triển phi quốc phòng bị cắt giảm mạnh tới 11,3%, Quỹ Khoa học quốc gia bị cắt 8% ngân sách. Vào năm 1964 - khi cuộc chạy đua vào không gian lên đến đỉnh cao - chi tiêu cho R&D của Mỹ lên tới 1,9% GDP, còn hiện tại chưa tới 0,7%. Trong lĩnh vực công nghệ lượng tử, Trung Quốc đã đầu tư quá 15 tỷ USD, trong khi Mỹ mới đầu tư khoảng 3,8 tỷ USD.
Sự cắt giảm này khiến Đồng chủ tịch Ủy ban Hành động khoa học và công nghệ (STAC) của Mỹ S. Parikh phải than phiền: chúng ta đang tự hy sinh khả năng cạnh tranh của chính mình. Thăm dò của STAC cho thấy, 75% số người được hỏi tin rằng Mỹ đang hoặc đã mất vị thế dẫn đầu toàn cầu về khoa học công nghệ, và 60% tin rằng Trung Quốc sẽ là quốc gia dẫn đầu chỉ trong vòng 5 năm nữa.
Nhìn trên bình diện toàn cầu, trong thập niên từ 2010 đến 2019, tỷ trọng chi tiêu R&D của Mỹ trong tổng chi tiêu nghiên cứu toàn cầu giảm từ 29% xuống còn 27%, trong khi tỷ trọng của Trung Quốc tăng từ 15% lên 22%. Chuyển động ngược chiều về chi tiêu cho nghiên cứu của 2 siêu cường khiến người Mỹ không khỏi cảm thấy rằng, mục tiêu của Trung Quốc chính là nhằm hạ bệ Mỹ khỏi vị trí dẫn đầu thế giới.
Nghiên cứu có chiến lược, có tầm nhìn, không viển vông
Không chỉ đổ lượng lớn tiền đầu tư, Trung Quốc còn có chiến lược và những mục tiêu rất rõ ràng cho lĩnh vực R&D: kết hợp lợi thế truyền thống về chi phí sản xuất thấp với năng lực đổi mới và sáng tạo để tối đa hóa sức mạnh kinh tế kỹ thuật, trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh nhất trên toàn cầu. Các mục tiêu quốc gia dài hạn được ưu tiên hơn lợi ích tiêu dùng ngắn hạn.
Trung Quốc lập ra các cụm nghiên cứu, trong đó các viện nghiên cứu tập trung vào những chủ đề nhất định. Điều này được cho là có hiệu quả hơn so với mô hình nghiên cứu phân tán ở Mỹ. Số lượng cụm nghiên cứu khoa học và công nghệ Trung Quốc đã tăng từ 6 cụm vào năm 2017 lên 23 cụm vào năm 2023. Một số lĩnh vực tiên tiến đang được tập trung nghiên cứu mạnh là AI, hàng không vũ trụ, robot, pin xe điện, năng lượng nhiệt hạch từ tính...
Những lĩnh vực có thể bị coi là “kém hiệu quả hơn” xét ở góc độ thị trường cũng không bị bỏ qua, do quan điểm ưu tiên mục tiêu chiến lược dài hạn - điều này rõ ràng là tốt hơn nhiều so với cách tiếp cận từ thị trường, ít có sự tham gia của nhà nước như ở Mỹ.
Mặc dù quan tâm đến các mục tiêu dài hạn, Chính phủ Trung Quốc không hề tỏ ra xa rời thực tế khi mạnh tay đầu tư vào R&D ứng dụng, mang lại lợi ích trực tiếp cho các công ty. Họ cung cấp các khoản trợ cấp đáng kể cho các công ty trong những lĩnh vực chiến lược. Một số trung tâm chuyên biệt được thành lập để chuyển đổi nghiên cứu thành thương mại, ví dụ Quantum Avenue ở Hợp Phì.
Nước Mỹ, với truyền thống tập trung nghiên cứu cơ bản và cho rằng khu vực tư nhân sẽ tự tiếp quản phát triển các ứng dụng thực tế, gần đây cũng đã phải có sự chuyển hướng sang nghiên cứu ứng dụng, như thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn.
Nhằm tận dụng tối đa các khoản chi cho nghiên cứu phát triển, Chính phủ Trung Quốc, bằng nhiều cách khác nhau như tài trợ, đầu tư của nhà nước, ưu đãi thuế, chỉ thị trực tiếp các doanh nghiệp nhà nước, hoặc các quy định không chính thức khác, bảo đảm các công ty trong nước luôn có được thị phần ở thị trường rộng lớn trong nước. Hệ thống của Mỹ dựa nhiều hơn vào điều tiết của thị trường, có tính phân mảnh và ít có sự phối hợp của toàn bộ các cơ quan chính phủ hơn.
Trung Quốc, với nguồn đầu tư dồi dào và cơ chế ưu đãi mạnh, cũng được cho là có ưu thế trong việc thu hút nhân tài hơn, thậm chí có thể thu hút nhân tài công nghệ của Mỹ. Với một thế trận toàn diện và kín kẽ như vậy, Trung Quốc thật sự là mối lo ngại lớn với Mỹ trong cuộc cạnh tranh ngôi vị số một về khoa học công nghệ./.
Các bài cũ hơn



