21/11/2024 | 17:13 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ngỡ ngàng chuyện xóa nghèo ở xã biên giới thuộc huyện nghèo nhất nước

Vũ Toàn
Ngỡ ngàng chuyện xóa nghèo ở xã biên giới thuộc huyện nghèo nhất nước Ngôi nhà mới của anh gia đình anh Vi Văn Khánh ở xã Quang Chiểu được xây dựng sau 4 năm đi lao động ở Hàn Quốc_ Ảnh: Vũ Toàn
Chúng tôi ngỡ ngàng trước những ngôi nhà cao tầng hiện lên hai bên tuyến đường 520 thuộc địa bàn bản Pùng, bản Sim, bản Sáng của xã Quang Chiểu, huyện vùng cao Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Ngỡ ngàng bởi đây là xã biên giới giáp Lào của huyện nghèo nhất nước nhưng đã có phương cách xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Mơ một phố nhỏ trên chót vót vùng cao

Cách thị trấn huyện Mường Lát 30km, tuyến tỉnh lộ 520 như khoác thêm một màu áo mới. Màu áo của những ngôi nhà cao tầng hiện lên như một nét tạo dáng giữa núi rừng biên giới. Đây chính là những đầu mối của mạng lưới dịch vụ với hàng loạt biển hiệu các đại lý mua bán vật liệu xây dựng, hàng điện tử, điện dân dụng... 

Anh Lò Văn Văn - cán bộ chính sách xã Quang Chiểu - còn chưa hết hào hứng: “ngày 20 hằng tháng, ai muốn mua hàng tạp hóa, chăn chiếu, hoa, rau, củ, quả như măng, cà, dưa, dứa, dừa của Quang Chiểu, của Mường Lát, của Lào và của Thái Lan thì cứ đến đây”.

Tôi hỏi: “ngày 20 là ngày gì?”. Anh Văn giới thiệu: “đó là ngày chợ phiên sầm uất, mỗi tháng một phiên ở Quang Chiểu. Các nhà buôn dưới thành phố Thanh Hóa cũng có vài ba xe ô tô chở hàng lên. Nhà buôn từ 2 huyện Xốp Bâu và Viên Xẩy, tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào cũng “điều” vài xe bán tải đưa hàng qua cửa khẩu Tén Tằn đến chợ. Tối ngày 19, chợ đã họp thâu đêm suốt sáng. Đêm ấy, Quang Chiểu vui nhộn không kém phiên chợ tình”.

Vậy là câu chuyện về những ngôi nhà cao tầng của xã Quang Chiểu do anh Trường Văn Bình - Trưởng phòng và anh Lê Duy Hải - chuyên viên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Lát - kể đang dần hiện lên trước mắt. Tôi nói ý nghĩ đầu tiên: “những ngôi nhà cao tầng này là những ngôi nhà xóa nghèo cho bản, cho xã, phải không cán bộ Văn?”. 

Anh Văn cười: “từ ngôi nhà mở ra dịch vụ thương mại, đại lý, cửa hàng mua bán cho một vùng cư dân rộng lớn xung quanh xã Quang Chiểu. Thực tế này đang biến đổi khung cảnh làng mạc và cuộc sống của người dân, khác xa với 10 năm trước”.

Đi lao động ở nước ngoài góp phần lớn xóa đói, giảm nghèo bền vững

“Hiện bản Pùng, bản Sim, bản Sáng cùng 10 bản khác của xã Quang Chiểu đều là các đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới nhờ hiệu quả làm việc và cách sử dụng đồng tiền đi lao động nước ngoài của họ để kinh doanh. Thấy rõ hiệu quả này, không ít lao động hết hạn nay đăng ký đi tiếp.

Huyện Mường Lát có 1 thị trấn và 7 xã. Hiện có 30 bản của 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong số 77 bản đang trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Để việc đi lao động nước ngoài góp phần lớn hơn, có hiệu ứng tốt hơn với các bản vùng xa trong xây dựng nông thôn mới, huyện đang mở rộng cách vận động, giúp dân bản thay đổi nhận thức để thích ứng với đời sống thị trường đang tác động hằng ngày đến cuộc sống mỗi người dân. Đó là một trong những phương cách góp phần xóa nghèo bền vững nhất hiện nay ở Mường Lát”.

Ông Trần Văn Thắng - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Mường Lát


 Anh Văn nói, địa hình xã Quang Chiểu là địa hình đồi núi. Diện tích đất nông nghiệp để làm ra củ khoai, củ lạc, bông ngô, hạt lúa là “không sẵn” nên cái nghèo cứ chờ chực trước ngõ, sau vườn mỗi hộ gia đình khiến tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 lên tới 69,61%. Số liệu mới nhất đầu năm 2024 cho biết, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 20,18%.

Tôi chợt vui với con số này, bởi Quang Chiểu có gần 6.000 người dân gồm 3 dân tộc Thái, Mông và Dao, là xã biên giới nhưng tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện, chỉ sau thị trấn Mường Lát. Và vui hơn là cách xóa nghèo cho bản ở Quang Chiểu đang ở thế bền vững.

Anh Văn chứng minh: năm 2012, Quang Chiểu mới chỉ có 3 thanh niên đi lao động tại Hàn Quốc theo chương trình EPS do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc tổ chức. Sau 4 năm, cả 3 người này đều tích góp tiền lao động, mang về xây dựng nhà cửa cho bố mẹ ở mặt tiền tuyến tỉnh lộ 520. Mỗi ngôi nhà trị giá khoảng 800 triệu đồng.

Bẵng đi 5 năm do gián đoạn việc xuất khẩu lao động, năm 2017 xã Quang Chiểu tiếp tục tuyển dụng lao động. Hiện tại, Quang Chiểu có 282 lao động tại Hàn Quốc (82 người), Nhật Bản (45), Đài Loan (150), Liên bang Nga (7). Thực tế này cho thấy Quang Chiểu là xã dẫn đầu phong trào đi lao động nước ngoài của huyện. Mới đầu năm 2024, đã có 5 lao động rời bản làng đi Hàn Quốc. Khả năng, hết năm nay, riêng Hàn Quốc sẽ có thêm 50 lao động đến từ Quang Chiểu.

Kể thêm về tiềm năng đi lao động nước ngoài của xã mình, anh Văn cho hay, Quang Chiểu có 13 bản thì 13 bản đều có người đi lao động ở nước ngoài. Hiện bản Pùng, bản Sim và bản Sáng dẫn đầu lĩnh vực này. Riêng bản ít người đi nhất là bản Con Dao của người Dao mới có 1 lao động tại Nhật Bản. 

Kết quả đi lao động nước ngoài tại Quang Chiểu cho thấy đã có 16 ngôi nhà cao tầng “mọc” lên, tạo nên một phố mới của người Thái, người Mông hai bên tỉnh lộ 520. Phần lớn chủ nhân 16 ngôi nhà này là chủ đại lý, cửa hàng kinh doanh. Một số gia đình khác có người đi lao động nước ngoài tập trung vốn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng mở trang trại lớn, thu hút lao động nông nhàn. “Dân bản chúng tôi đang mơ về một phố mới ngày càng sầm uất hơn”, anh Văn nói.

Có một câu hỏi tôi phân vẫn mãi mới trao đổi với anh Văn: “sự xuất hiện những ngôi nhà xây cao tầng có làm mất đi vẻ đẹp cổ xưa của những nếp nhà sàn bao đời nay của bà con dân tộc thiểu số không?”. Anh Văn bộc bạch: “tôi là người Thái nên hiểu rõ chuyện di sản và bảo tồn vốn cổ.

Nhưng có một thực tế là, xã Quang Chiểu vốn dĩ không nhiều nhà sàn cũ và cổ. Có lẽ do địa hình đồi núi nên diện tích đất đai cho mỗi hộ gia đình không nhiều. Đất chật không thích hợp với nhà sàn, nhất là điều kiện sống hiện nay. Vậy nên, chúng tôi cứ phải “chiều” theo lẽ tự nhiên vậy chứ không khuyến khích xóa bỏ nhà sàn để xây nhà cao tầng”.

Chuyển động từ huyện

Ở Quang Chiểu, những lao động nhàn rỗi đang đua nhau đi lao động ở nước ngoài. Việc đi lao động tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia) đang dần trở thành phong trào không chỉ ở Quang Chiểu. Anh Trương Văn Bình cho biết: “phong trào đi lao động nước ngoài của huyện Mường Lát sôi động từ năm 2020 đến nay. 

Hiện toàn huyện có hơn 600 lao động làm việc tại các thị trường nêu trên. Sở dĩ có phong trào này là do họ nhìn vào thực tế người đi xuất khẩu lao động đem tiền về xây dựng nhà cửa và làm vốn kinh doanh. Nhờ vậy, đời sống của họ khấm khá hơn trước. Sau Quang Chiểu, phong trào này đang được thực hiện tốt tại thị trấn Mường Lát, xã Tam Chung và xã Mường Chanh...”.

Cũng theo anh Bình, để các xã gây dựng được phong trào đi lao động ở nước ngoài, sự chuyển động từ huyện là bước khởi đầu mang tính quyết định. Bởi, đồng bào các dân tộc đã ràng buộc nếp sống xưa với bản làng bằng những tập tục truyền đời. Lúc ấy, đa số lao động chính trong từng hộ gia đình không muốn rời xa ngôi nhà, dân tộc của mình. 

Do nhận thức hạn chế như vậy nên họ rất khó từ bỏ nếp sống tự cung, tự cấp từ rừng, từ rẫy hoặc khi mất mùa, đói kém thì trông chờ được Nhà nước hỗ trợ... Đó là chặng thời gian họ rất khó khăn, kể cả đi làm việc trong nước nói gì đến việc ra nước ngoài lao động. Khó đến mức, mỗi năm cả huyện cũng chỉ có 10 - 15 người “lưỡng lự” đi lao động ở Malaysia.

Nhưng thực tế sinh động của những người đi lao động từ nước ngoài trở về đã tác động trực tiếp đến dân bản. Đặc biệt công tác tìm kiếm, giải quyết việc làm cho đồng bào các dân tộc để xóa đói, giảm nghèo được huyện thực hiện hiệu quả thông qua truyên truyền, vận động người đi làm việc ở nước ngoài. Hai cung cách này kết hợp tạo nên phong trào đi làm kinh tế để xóa đói, giảm nghèo như người dưới xuôi. 

Anh Bình nêu một con số hấp dẫn: “người đi lao động ở nước ngoài có thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng. Người làm nông nghiệp ở làng bản địa phương chỉ được 5 triệu đồng/tháng. Nhận biết hiệu quả này, số người đăng ký đi lao động nước ngoài đang có xu hướng tăng cao”./.

14 March 2024