21/02/2025 | 03:09 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

“Sắc hoa bí ẩn” quanh “nóc nhà thế giới”

Đỗ Doãn Hoàng
“Sắc hoa bí ẩn” quanh “nóc nhà thế giới” Tác giả tác nghiệp tại Tây Tạng_Ảnh: TGCC
Tôi nghĩ, chắc có duyên nghiệp tự tiền kiếp, thì tôi mới sớm được đi đủ các nước viền quanh “nóc nhà thế giới” Everest Hy Mã Lạp Sơn chứ. Đỉnh Thánh mẫu vũ trụ vòi vọi gần 8.850m này đã, đang và sẽ còn thách thức cơ bắp và trí tuệ của loài người mãi mãi. Tôi đi khắp Tây Tạng, Bhutan, Nepal, Ấn Độ, Tứ Xuyên (Trung Quốc)..., rồi theo con nước Mê Kông đi đủ các dòng sông Phật giáo thiện lương, ra tít Thái Bình Dương vời vợi, với cửa sông Tiền, sông Hậu - miền đất chín rồng - của Việt Nam ta. Giữa hành trình mê mải đó, “đóa hoa bí ẩn và rực màu”, một hình thức nghệ thuật thiêng quý của Phật giáo quanh “nóc nhà thế giới” đã ám ảnh tôi: tranh cuộn thangka.

Những bức tranh phủ kín cả ngôi đền, rông núi

Ở Tây Tạng, ở Bhutan, có khi ở Mông Cổ rồi vùng Tứ Xuyên với những làng dân tộc Khương, dân tộc Tạng, tôi đều gặp các hình thức nghệ thuật Phật giáo độc đáo và đặc biệt ấn tượng này. Thangka, theo tiếng của người Nelal, người Tây Tạng, đều là để chỉ một loại tranh hoặc thêu hoặc vẽ, hoặc tỉ mỉ khâu kết những mảnh vải nhỏ trên các mặt phẳng. 

“Thang” chiết tự ra là phẳng (có thể là giấy, vải, hoặc da thuộc của động vật); tranh thường được dùng mang ý nghĩa thờ tự trong các gia đình hay tu viện linh thiêng, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nói chung. 

Ngày nay, thangka là cách gọi cho các loại họa phẩm có thể cuộn (cuốn) lại sau khi dùng. Khi cần vận chuyển hay cất giữ cũng gọn nhẹ, an toàn, kín đáo. Có thể gọi nôm na, đây là một hình thức “tranh cuộn”, vẽ chuyên sâu về các chủ đề Phật giáo, với các vị Phật, Thánh thần, Phật sống, với đạo pháp, tín ngưỡng...

Tương tự, ở nhiều nước Á Đông cũng rất phổ biến hình thức “ống quyển”, “ống đựng giấy vẽ”, là một cái ống bên trong có cuộn các tờ giấy, trang sách, bức tranh. Nhiều dân tộc ở Việt Nam có tranh thờ (như người Dao) cũng chỉ ngày lễ mới trưng bày ra. 

Tranh phủ kín các bức vách quanh nhà. Trong tiếng hát, tiếng thanh la não bạt chiêng trống, trong những điệu dân vũ xuyên ngày đêm, hình ảnh các vị thần trong tranh thờ của người Dao cùng các linh vật (khi trưng bày kín các bức tường của căn nhà kia) như bước ra, chỉ dạy, thiêng quý, chung vui với bà con trong một kỳ tiệc núi. 

Theo nhiều nhà nghiên cứu, một số loại tranh, sở dĩ được cuộn kỹ, bọc trong túi nhỏ treo gần ban thờ, là vì xưa kia, bà con thường du canh du cư, thậm chí vượt biển thiên di đến một xứ hoàn toàn xa lạ. Nên họ cần “đóng gói” đồ tế lễ một cách gọn nhẹ, bảo quản an toàn nhất. 

Chắc cũng như dân “phượt” bây giờ: cái gì cũng phải gấp gọn, đa chức năng, với những sáng tạo tiện ích ma-gic (như có phép thuật, như trò ảo thuật).

Lịch sử ghi lại, bức thangka đầu tiên đã được vẽ Nữ thần hộ pháp Bạch Lạp Mỗ của người Thổ Phiên (đế quốc của người Tạng tồn tại từ thế kỷ thứ VII đến thứ kỷ thứ IX). Từ bấy đến nay, đã khoảng 1.400 năm trôi qua, tranh thangka đã trải qua bao nhiêu binh lửa, bao nhiêu va đập “cạnh tranh” với muôn vàn hình thức nghệ thuật tân kỳ và quyến rũ khác nhau; nhưng chúng vẫn trường tồn.

Tranh thangka thông thường có kích thước: rộng 40cm, dài 100cm. Nó khá phù hợp để treo ở tư gia hoặc chùa chiền, tu viện, cung điện. Tuy nhiên, nhiều bức thangka chỉ bé bằng bàn tay. Và, ở Cung điện Potala, Tây Tạng nổi tiếng toàn nhân loại với việc trưng bày các bức thangka cổ xưa khá lớn. 

Ở Bhutan, chúng tôi gặp những bức vẽ choán hết cả một sườn núi cũng theo phong cách này. Ở đó, vẽ các vị thần đầy màu sắc, với gương mặt bí ẩn, xung quanh hàng nghìn lá cờ, phướn lộng lẫy xanh đỏ tím vàng tung mình trong gió. 

Mỗi lá cờ nhỏ chứa những hình vẽ, câu kinh, họ cầu nguyện, quay các “pháp khí” chuyển pháp luân trên tay (hoặc cùng hợp sức đẩy cho quay, khi chúng to bằng thùng phuy, bằng gian nhà ngự ở vị trí linh thiêng nào đó), rồi nhờ gió cao nguyên lồng lộng gửi lời mật chú đến cõi của chư vị thánh thần. 

Nhiều bức vẽ thangka to đến mức, trong kỳ lễ trọng, người ta trải tranh ra, nó phủ kín cả một tòa tu viện, một ngôi chùa, rông núi.

Tranh cuộn mang theo nguồn năng lượng huyền bí

Người Tạng sống trên sườn Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) có một niềm tin đắm đuối vào thánh thần. Và họ có thể đi bộ nhiều năm ròng, đi trong gió quật và tuyết rơi ràn rạt, đi theo quy cách thành kính “tam bộ nhất bái, ngũ thể nhập địa”. 

Tức là đi 3 bước thì lại bái thần linh một lần, lần bái ấy tuân thủ kỳ công cho 5 bộ phận của cơ thể cùng chạm xuống đất, gồm trán, ngực, tay, chân... 

Tôi tận mắt thấy họ cứ đi và cứ nằm sõng soài, có khi đập bồm bộp cơ thể mình xuống đường xa mây trắng tuyết rơi. Sử sách viết, nhiều người bị cướp, bị ốm chết dọc đường, họ vẫn tiếp tục đi hành lễ. Với niềm tin tôn giáo thánh thiện và dốc cạn tâm can đó, dĩ nhiên, khi các bức tranh thangka thiêng quý to bằng gian nhà, phủ kín tu viện hay sườn núi được trải ra, thì người ta cực kỳ tín tâm. 

Họ nghĩ, các vị Phật đã về bao bọc họ, thậm chí, biết đâu, họ nghĩ, họ đã hóa thân thành một đấng linh thiêng, trong không gian kỳ ảo mà hình thức nghệ thuật thangka cổ truyền đã gợi ra?

Bởi, tranh thangka luôn kể các câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, các vị Phật sống (Lạt Ma) danh tiếng, chư vị thánh thần, Bồ Tát, pháp luân... Tranh luôn được “trưng” ở các tu viện, đền đài, chùa chiền và ở nơi thâm nghiêm nhất của tư gia, thế nên vẻ thần bí của tranh càng được tôn thêm. 

Với nét vẽ tinh tế, chuyên chở đa tầng ngôn ngữ tôn giáo, màu sắc rực rỡ vàng son, các nhân vật tôn giáo được tranh thangka thể hiện luôn trở nên thần bí, ám ảnh, kể cả với người thưởng lãm không theo đạo Phật.

Tranh thangka và không gian thần thánh đó đã giúp các tín đồ của Phật lưu giữ niềm tin rằng thần linh đang hiện diện đẫm đầy trong mọi sát na của cuộc sống, bảo hộ cho chúng sinh, xua đuổi tà ma, giữ gìn các giá trị thiêng quý của phẩm hạnh...

Về mặt vật chất, tranh thangka cũng trường tồn được với thời gian, nhờ vật liệu và công nghệ pha chế màu từ vật liệu ngoài tự nhiên. Kinh nghiệm này được đúc kết qua nhiều thế kỷ, với niềm tin vĩ đại vào sức mạnh của các vị Thần, Phật. 

Người Tây Tạng quan niệm: “thangka mang theo nguồn năng lượng huyền bí của miền đất Phật”. Không chỉ hiện diện trong đức tin tôn giáo, mà các vị Thần, Phật còn hiện lên rõ ràng, gương mặt biểu cảm, sắc nét; bao quanh là lộng lẫy, vàng son, tinh tế. 

Các bảo bối/ pháp khí đầy uy lực. Người chiêm bái ngước lên bức tranh lớn, thấy các “nhân vật trong tranh thangka” tất thảy đều sừng sững, kỳ bí, đôi lúc to hơn người thật rất nhiều, giữa một không gian tĩnh lặng thành kính, bên ngọn lửa leo lét đốt bằng mỡ bò yak.

Người Tạng, người Khương nuôi bò yak từ thượng cổ, họ tận dụng tối đa mọi giá trị khó có thể thay thế của loài vật được trân trọng này. Sống ở miền tuyết sơn vĩnh cửu, loài bò này đã phải tiến hóa để có bộ lông dày và dài, thậm chí tới gần 1m để bảo vệ cơ thể mình. 

Để có lông (họ cắt như cắt lông cừu) làm mũ mãng, áo quần phục vụ cho mùa đông ấm của các cư dân sống chỏm chòe ở nơi cao tới mức, lần nào “thượng sơn”, tôi và nhiều người cũng phải thở bình ô-xy vì không khí quá loãng. 

Họ nuôi “linh vật - quái thú” bò yak để lấy sức kéo làm nông nghiệp, để cưỡi như một phương tiện giao thông. Để lấy sữa. Để ăn thịt chúng. Để lông của chúng làm quần áo ấm. Lấy xương và sừng của chúng làm vật tế lễ. Lấy phân chúng làm chất đốt. Và lấy mỡ đốt trên các ban thờ của hàng vạn tu viện, chùa chiền trên xứ tuyết. 

Nhiều tu viện, được ghi chép rõ, hơn nghìn năm qua, những ngọn nến đốt bằng mỡ bò chưa từng bị tắt một giây nào.

Tôi từng lạc vào những nhà kho chuyên dụng được bảo vệ cẩn mật với người canh gác 24/24 ở Tây Tạng, Bhutan, hỏi ra mới biết: đó là nhà kho chứa mỡ trâu (bò) yak, phục vụ nhang khói đèn nến trong tu viện. Nếu đem bán đi, mỡ loài vật này là thứ tài sản khá đắt đỏ.

Tất nhiên, về mặt cơ học, tranh thangka không phai màu vì chúng được làm bằng các chất liệu bền bỉ, người Nepal, người Tây Tạng đã qua đúc kết kinh nghiệm này hàng nghìn năm. Tranh thờ cũng đã được tạo tác với chất lượng cao nhất, với tinh thần toàn tâm thành kính nhất để hướng về đạo pháp.

Thêm nữa, tranh được cuộn lại quanh năm, ít dùng nên bền lâu hơn, lúc mở ra chuẩn bị hành lễ thì có nước thiêng tẩy uế không gian, có tấm lụa kuda mịn màng phủ lên trên. 

Lúc hành lễ, đạo sư phải đọc thần chú rồi mới mở tranh ra. Màu vẽ tranh thangka được chế tạo với nhiều “vàng ròng”, từ một số chất khoáng lấy ở trong đá núi và chất hữu cơ trộn với một loại keo bí truyền làm từ thảo dược. 

Các ông thầy vẽ tranh phải trải qua một quá trình khổ luyện kéo dài, để đắc đạo cả về Phật pháp lẫn bút lực. Bởi đây là hội họa của tôn giáo. Tranh thangka được nhiều tài liệu xưng tôn là: đóa hoa huyền bí của nghệ thuật Phật giáo.

Về nguồn gốc tranh thangka

Theo tư liệu, từ Nepal, Phật giáo Đại thừa đã truyền sang Tây Tạng hồi thế kỷ thứ VII. Khi ấy, đòi hỏi có nhiều tượng thờ và kinh sách cung ứng cho các tu viện mới thành lập trên khắp Tây Tạng. Các nghệ nhân Nepal đã tạo tác khối lượng lớn tác phẩm kim loại, tranh tường, các bản kinh có vẽ hình minh họa tại Tây Tạng. 

Xuất phát từ cầu to lớn đó, nhiều nghệ nhân Nepal theo chân các nhà sư và đội ngũ thương nhân tới “nóc nhà thế giới” Tây Tạng. Từ sự kết hợp văn hóa, tín ngưỡng và tay nghề của các nghệ nhân này, ở Tây Tạng đã ra đời một loại tranh tôn giáo mới trên vải có thể cuốn lại dễ dàng để mang đi. Loại tranh này trở nên phổ biến ở cả Nepal lẫn Tây Tạng (cả Mông Cổ) và vậy là: một trường phái mới trong vẽ tranh (thangka) ra đời và phát triển rực rỡ từ đó.

Nghệ thuật thangka vẫn được ngưỡng mộ cho tới ngày nay. Nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu Việt Nam đã dành cả tuổi thanh xuân của mình tìm hiểu thứ nghệ thuật này, sau các hành trình khám phá Tây Tạng, Nepal, Mông Cổ, Tứ Xuyên liên tục. Khi chúng tôi liên lạc, ngỏ ý muốn tiếp xúc để tìm hiểu thực hiện bài viết này, hầu hết các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ trên đều từ chối, với lý do “ẩn tu” để ngẫm ngợi, thực hành, mong sao hiểu thêm về huyền bí thangka.

Phải mất 11 năm “tu luyện” mới vẽ được tranh thangka

Một nhà nghiên cứu nổi tiếng đã đúc kết về nghệ thuật vẽ tranh thangka: muốn cầm được bút vẽ, họ trước hết phải là người tu hành. Tâm thân của họ tịnh, trí tuệ mới đả khai và cảnh giới bức vẽ mới mang theo được năng lượng, uy lực của Phật pháp. 

Thông thường, để trở thành một người vẽ tranh thờ thangka, người tu hành - nghệ sĩ ấy phải mất 11 năm học việc: 3 năm đầu nghiên cứu chư vị Thần Phật trong kinh Phật. Hai năm tiếp theo học cách chế biến các loại khoáng chất, nhựa cây (keo thảo mộc), các loại “vàng ròng” để “bôi màu” lên tranh. 

Tinh tế nhất là việc học về những biểu tượng phức tạp trong kinh sách, để sáng tạo nên các bức vẽ với hiệu ứng thị giác vừa tài hoa phá cách nhất mà vẫn vừa đúng với sách Phật nhất. Các tiêu chí đăng đối, tỷ lệ các bộ phận trên cơ thể của thần linh được vẽ trên tranh thờ theo “ô kẻ” và vô khối quy ước mà tôi đọc mãi vẫn thấy rối mù...

Thế nên, một người học nghề vẽ tranh thangka, họ phải mất nhiều tháng ròng mới hoàn thành được một bức. Gần đây, ở Tây Tạng, du khách quan tâm tìm hiểu, mua tranh về nghiên cứu, trưng bày và lưu niệm nhiều; từ đó, giá một bức thangka trở nên đắt quá (bức “vừa phải” ở chợ đồ lưu niệm thôi, chứ chưa nói bức cổ, cũng gần 30 triệu đồng); nên không ít họa sĩ trẻ vội vàng đi học cách sáng tạo thangka. 

Đôi khi họ cũng làm ẩu, cốt lấy tiền cho nhanh. Khách du cũng chẳng biết thế nào là tranh theo lối cổ, tranh biến tướng. Điều này ít nhiều khiến những người tâm huyết với hình thức nghệ thuật độc đáo này cảm thấy trăn trở.

Ông Zhao Chunseng - thành viên Hiệp hội các nhà sưu tầm Trung Quốc, tác giả cuốn Kho báu Thangka (Treasures of Thangka) - trăn trở cho biết: ví dụ, chỉ với 1.700 dân của ngôi làng Wutun được khảo sát, đã có tới gần 1.000 có thể “vẽ thangka”. Bởi thế, chất lượng của dòng tranh này đang ngày càng khó kiểm soát”./.

8 February 2025