21/02/2025 | 03:02 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Lời chào Việt Nam từ Algeria

Tạ Ngọc Tấn
Lời chào Việt Nam từ Algeria Một góc khu bảo tồn ở thành phố Tipsza_Ảnh: Tạ Ngọc Tấn
Sắp xếp mãi về lịch làm việc và phải đẩy lùi thời gian, cuối cùng chúng tôi cũng thực hiện được chuyến thăm, làm việc tại quốc gia Bắc Phi là nước Cộng hòa Algeria dân chủ và nhân dân. Trong cái không may là thời gian thực hiện muộn so với dự kiến, lại gặp cái may là thời điểm chúng tôi đến đúng vào đầu thu, thời tiết ở Algiers - Thủ đô của Algeria khá đẹp.

Chào Việt Nam! Việt Nam - Hồ Chí Minh!

Những ngày làm việc của chúng tôi ở Thủ đô Algiers khá bận rộn. Các cuộc làm việc chính thức theo kế hoạch với các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các viện nghiên cứu hầu như chiếm hết thời gian. Chỉ có thể lách vào cuối buổi chiều để đến thăm một vài địa điểm, ngắm nghía, cảm nhận.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, cuối buổi chiều, sau khi kết thúc cuộc trao đổi với một cơ quan nhà nước, chúng tôi tranh thủ đi thăm thành phố, quan sát cuộc sống của người dân, tìm hiểu thêm về văn hóa của Thủ đô Algiers. Nơi chúng tôi đến là khu phố cổ Caspa - một địa điểm rất nổi tiếng của Algiers. 

Đó là một khu vực rộng lớn, gồm 2 phần - Caspa cao và Caspa thấp, đều hướng tầm nhìn ra phía vịnh biển và khu vực hải cảng. Trong khu phố Caspa cao, đường đi lại khá chật chội lại rất dốc, vì thế người ta phải dùng lừa làm phương tiện chính để vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng hay đưa rác thải ra ngoài.

Chúng tôi đến Caspa cao khi ánh nắng cuối ngày đã gần tàn, chỉ còn le lói những vệt sáng yếu ớt đâu đó nơi mái nhà, góc phố. Khi cả đoàn đang ngó quanh tìm người giúp ghi lại hình ảnh, có một người đàn ông người địa phương luống tuổi, dáng người lao động, thấp bé, ăn mặc đơn giản, đi qua và hỏi có phải người một nước châu Á không. 

Thấy chúng tôi nói không phải người nước nào khác mà là người Việt Nam, khuôn mặt anh ta sáng hẳn lên với nụ cười hồn nhiên và câu nói như reo lên, ra chiều rất vui: “ôi, Chào Việt Nam! Việt Nam - Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp!”. Đó là một thứ tiếng Việt chưa hẳn chuẩn về ngữ âm nhưng đối với người nước ngoài thì nói như vậy đã là quá rõ thông điệp và chắc đã là câu nói cửa miệng quen thuộc. 

Sau màn chào hỏi khá bất ngờ làm chính chúng tôi cũng ngạc nhiên và xúc động ấy, người đàn ông đó chỉ vị trí cho đoàn chụp ảnh rồi đứng ra nhận các máy điện thoại để chụp ảnh cho đoàn. Khi hỏi tên là gì, ông ta bảo tên dài, khó nhớ, cứ gọi là Buma cho dễ.

Buma tỏ ra rất vui khi được làm quen với chúng tôi. Ông bảo: “tôi rất yêu quý Việt Nam vì Việt Nam rất anh hùng. Việt Nam đã chiến đấu chống thực dân xâm lược Pháp làm nên chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ. Việt Nam đã đánh thắng đội quân hùng mạnh của đế quốc Mỹ. Việt Nam có Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Ở Algeria, ai cũng khâm phục Việt Nam, ai cũng yêu quý Việt Nam!”. 

Rồi Buma rủ thêm một người trông cũng nhang nhác giống ông, có lẽ là anh em và hai người tình nguyện làm hướng dẫn viên cho chúng tôi. Ông dẫn chúng tôi đến các ngõ hẻm, góc phố, vào các ngôi nhà cổ, đền thờ, giải thích các câu hỏi của chúng tôi. Ông kể rằng mình sinh ra và lớn lên ở đây nên biết mọi ngõ ngách của khu phố. 

Trên đường đi, gặp ai là người quen, ông đều giới thiệu: “đây là các bạn người Việt Nam!”. Nhiều người khi nghe thấy Buma giới thiệu đều nói: “chào các bạn Việt Nam! Việt Nam - Hồ Chí Minh!”. Tiếc rằng trời đã bắt đầu tối, chúng tôi không thể đi tiếp, phải chia tay Buma ở cửa ngõ Caspa cao, ngay dưới chân tượng Appel Kader - lãnh tụ chống Pháp của Algeria hồi cuối thế kỷ XIX. 

Khi chia tay, Buma cứ tiếc là chưa được đưa chúng tôi đi thăm khu phố Caspa thấp. Khi đoàn đưa tiền bồi dưỡng, Buma kiên quyết từ chối. Ông bảo, được làm quen và giúp các bạn Việt Nam là vui lắm, hạnh phúc lắm rồi!

Chúng tôi rời khu phố Caspa cao với ấn tượng thật tốt đẹp về Buma và những người dân Algeria rất thân thiện, rất yêu quý Việt Nam!

Cây lạ ở Algiers

Ở các nước Hồi giáo, hầu như nhà thờ Hồi giáo là công trình lớn nhất, dễ nhận ra nhất ở bất cứ đâu. Ở Algeria - đất nước có đến 99% cư dân theo Hồi giáo - cũng vậy. Hầu như ở bất cứ vị trí nào trong thành phố cũng có thể nhìn thấy Tháp Minarer (tiếng Arab có nghĩa là Cột buồm) của Đại Thánh đường Hồi giáo Algiers, còn được người dân địa phương gọi là Djamaa El-Djazair. 

Khi đến nơi, tận mắt nhìn, càng thấy những kích cỡ “khủng” của công trình. Phòng cầu nguyện chính của Thánh đường rộng thênh thang như một sân bóng đá, trần cao 44m được chống đỡ bởi 32 cây cột hình nấm. Mỗi cây cột vừa là trụ đỡ cho mái nhà, vừa là đường thoát nước mưa để dẫn ra bể ngầm ngoài sân nhằm trữ nước phục vụ cho việc phát điện, tưới cây và làm vệ sinh. 

Vây quanh các chân cột có cửa ra của hệ thống điều hòa không khí tự nhiên bằng cách trao đổi giữa khí trời với dòng không khí từ độ sâu 60m dưới lòng đất, vận chuyển theo mùa. Phòng cầu nguyện có tầng 1 dành cho nam giới và tầng lửng dành cho nữ giới, có thể tiếp nhận cùng lúc đến 37.000 tín đồ và khi cần có thể mở rộng không gian ra ngoài trời để phục vụ 120.000 người đến cầu nguyện.

Phần nổi nhất của Đại Thánh đường Hồi giáo Algiers là Tháp Minare cao 265m, giữ kỷ lục số một về chiều cao trong các nhà thờ Hồi giáo trên toàn thế giới. Tháp có 5 modul, tượng trưng cho 5 trụ cột của Hồi giáo là Đức tin, Cầu nguyện, Bố thí, Nhịn ăn và Hành hương, cũng là tượng trưng cho 5 lần cầu nguyện mỗi ngày của tín đồ Hồi giáo. 

Mỗi modul có 5 tầng nhà. Giữa các modul có một tầng dành cho không gian nghỉ ngơi. Ba modul bên dưới là khu vực của Bảo tàng Văn minh Hồi giáo. Hai modul phía trên dành cho Viện Nghiên cứu khoa học Hồi giáo. Trên tầng cao nhất của Tháp Minarer là một hành lang tròn, rộng, nơi dành cho khách tham quan có thể quan sát toàn cảnh thành phố Algiers, một thành phố nổi bật với màu trắng của hầu hết các công trình xây dựng.

Đại Thánh đường Hồi giáo Algiers được xây dựng trên diện tích gần 30ha. Ngoài khu vực Phòng cầu nguyện và Tháp Minarer, ở đây còn có một thư viện với hơn 1 triệu đầu sách; trường đào tạo Hồi giáo, mỗi năm có thể tiếp nhận 300 nghiên cứu sinh đến học tập, nghiên cứu; Trung tâm Văn hóa Hồi giáo với phòng hội thảo đủ chỗ cho 1.500 người; có sân bay trực thăng, các phòng tiếp khách, khu vực nghỉ lại cho khách từ xa đến và công viên cây xanh rộng lớn. 

Công trình đồ sộ này được khởi công từ năm 2010, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có những biến cố chính trị, xã hội phức tạp trong nước nên đến tháng 2-2024 mới khánh thành. Tuy nhiên, riêng Tháp Minarer vẫn chưa hoàn thiện đầy đủ, chỉ đón những đoàn khách đặc biệt. Người hướng dẫn bật mí cho chúng tôi biết, kinh phí xây dựng Đại Thánh đường lên đến 1,7 tỷ USD.

Những con số rất lớn về kích cỡ công trình và kinh phí xây dựng Đại Thánh đường Hồi giáo Algiers cũng không có gì là lạ, bởi với bất cứ tôn giáo nào, người ta đều chú ý, chăm chút và đầu tư rất lớn cho các công trình mang ý nghĩa tâm linh như thế. 

Chẳng phải chỉ có thế giới Hồi giáo mà ở bất cứ làng mạc, thành phố của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, ở đâu có tôn giáo thì ở đó công trình kiến trúc dễ nhận thấy nhất về quy mô, chiều cao hay sự hoành tráng vẫn là những công trình liên quan đến tôn giáo như: chùa chiền, nhà thờ, đền thờ. 

Nhưng có một thứ ở Algiers làm cho chúng tôi rất ngạc nhiên, đó là một loài cây trồng khá nhiều trên các hè phố, có thân cây màu bạc mốc, cành nhánh xum xuê, vươn ra rất rộng, lá chỉ nhỏ gần như đồng xu, màu xanh đen. Những cây trồng cách nhau cả chục mét mà tán lá đan vào nhau râm mát cả vùng. Vì mê loài cây đẹp mà tôi đi theo suốt cả con phố dài, dưới bóng mát của vòm lá, chỉ để ngắm nhìn.

“Các bạn có loài cây đẹp thế. Cây này mà trồng ở Việt Nam thì tuyệt vì nó có thể tạo bóng rợp vào mùa hè cho những đường phố của chúng tôi. Không biết chúng tôi có thể mang giống cây này về Việt Nam không?”. Khi nghe tôi hỏi, anh bạn người Algeria đi cùng mỉm cười, bảo rằng: “đó là loài cây của Việt Nam, loài cây mà chúng tôi có được từ Việt Nam”. 

Và bạn giải thích rằng, người Pháp nghiên cứu thấy loài cây này của Việt Nam có sức sống rất mạnh mẽ, có thể sống ở những nơi khan hiếm nước, cho bóng mát quanh năm do không rụng lá vào mùa đông, vì thế họ đã đem về trồng ở Algiers. Bây giờ, hầu như loài cây đó đã thích nghi với khí hậu, sinh trưởng rất tốt và được trồng làm cây xanh ở Algiers và một số đô thị ở Algeria. 

Khi nhìn kỹ, chúng tôi mới nhận ra, đó là cây xanh, thuộc loài si - xanh, loài cây rất phổ biến, rất dễ trồng và sống rất khỏe của Việt Nam. Chỉ có điều, khi trồng trên hè phố ở Algiers, loài cây này cũng có ít nhiều biến đổi, nhất là tán cây được cắt tỉa, nuôi dưỡng để tạo thành một vòm lá xanh lan rộng.

Hóa ra, Việt Nam và Algeria không chỉ cùng cảnh ngộ bị thực dân Pháp đô hộ một thời, mà còn đã chia sẻ cùng nhau cả những giống cây trồng để làm đẹp cảnh quan và bóng mát thành phố!

Tipaza ngày vắng khách

Thành phố Tipaza được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của thế giới, nơi bảo tồn di tích lịch sử của một đô thị cổ của nền văn minh Phoenicia. Đó là nền văn minh dựa vào thương mại hàng hải trải khắp khu vực rộng lớn quanh Địa Trung Hải, tồn tại hơn 1.200 năm từ giữa thiên niên kỷ thứ hai đến năm 300 Trước công nguyên.

Theo đường quốc lộ số 5 từ Thủ đô Algiers đi về phía Tây, đến Tipaza chỉ khoảng hơn 70km. Đó là con đường tuyệt đẹp, chạy giữa một bên là những triền đồi thoai thoải với những rừng thông xanh thẫm, những khu dân cư mới xây dựng khang trang, sáng sủa, một bên là màu xanh ngăn ngắt của biển Địa Trung Hải, trải ra xa tít tắp, mênh mang. Gần đến Tipaza, những triền đồi thấp dần, trở thành một vùng bình nguyên bao la với những cánh đồng trồng nho, rau màu, cây ăn trái kế tiếp nhau tưởng như không bao giờ dứt.

Sau khoảng 1 giờ xe chạy, Tipaza hiện lên trước mắt chúng tôi như 2 nửa đối xứng của cổ kính và mới mẻ, của lịch sử và hiện đại, của hoang phế và sống động. Nửa sống động của thành phố là những khu phố xây dựng trên khu vực triền đồi cao hướng nghiêng về phía biển Địa Trung Hải. 

Ngay cửa ngõ thành phố là những khu nhà cao tầng mới xây dựng, màu sơn còn sáng rỡ, với những đường phố thẳng băng, cây trồng thành hàng lối ngăn nắp. Xa xa gần về phía triền đồi thấp giáp với khu bảo tồn là những đường phố cũ, hẹp, chạy lòng vòng theo triền dốc với những dẫy nhà thấp tầng với sắc màu trầm sẫm, in hằn những dấu tích của thời gian. 

Điều đặc biệt, cho dù là những phố cũ xong vẫn thấy không ít ngôi nhà xây dựng dở dang, tầng 1 đã được hoàn thiện, có người ở, nhưng tầng trên vẫn còn phơi ra những cốt sắt, trụ bê-tông. Hỏi ra mới biết, đó là hiện tượng khá phổ biến ở đây. Người ta để những ngôi nhà dở dang như thế không phải vì thiếu kinh phí, mà chủ yếu để tránh một thứ thuế phí đánh vào xây dựng, nhưng mà chỉ nhằm những công trình đã hoàn thành.

Nửa hoang phế của thành phố Tipaza là khu bảo tồn phế tích của một thành phố cổ có từ hơn 3.000 năm trước. Đó là một khu vực rộng đến vài trăm héc-ta nằm kề sát bên bờ biển, ngổn ngang những nền đá, thềm đá, tường đá, cột đá, cổng vòm đá, cả những quan tài đá được khai quật rồi trưng bày ngoài trời. Cơ man nào là những khối đá chồng chất lên nhau, lăn lóc trên mặt đất, dưới tán rừng. 

Những cung điện, đền đài, nhà hát, đấu trường, đường phố của một đô thị phồn hoa, tráng lệ sau những hủy hoại của động đất và mưa gió suốt hơn 3.000 năm qua, tất cả chỉ còn lại là những phế tích và cát bụi. 

Có lẽ chỉ còn một con đường lát đá khối dài khoảng 50m, đi xuống mép nước biển nơi có những bậc đá của một hải cảng là còn khá rõ hình hài nguyên sơ, cho phép người ta có thể hình dung về nơi đã có một thời tấp nập những con thuyền ga-lê của người Phoenicia cập bến để trao đổi hàng hóa; nơi một thời đã chen chân những người nô lệ bốc vác; ồn ào, náo nhiệt người mua, kẻ bán, nhộn nhịp những thương nhân, quý tộc qua lại.

Có điều lạ, một khu bảo tồn nổi tiếng của Algeria với không gian rộng lớn và phế tích ngổn ngang của những công trình xây dựng hoành tráng như thế mà chỉ có mấy đoàn khách người địa phương đến để tổ chức các hoạt động tập thể và lác đác một số khách nước ngoài, trong đó có chúng tôi. Tại sao Tipaza vắng khách thế? Tôi hỏi các bạn Algeria mới hiểu ra rằng, theo tập quán lâu nay, người Algeria đi làm từ chủ nhật đến hết thứ năm. 

Bữa ăn tối thứ năm là bữa ăn sum họp gia đình, có ý nghĩa rất quan trọng. Trong bữa ăn đó, mọi thành viên trong gia đình đều có mặt, mỗi gia đình đều làm thức ăn ngon hơn ngày thường. Thứ sáu là ngày dành riêng cho tôn giáo, người ta thực hiện các nghi lễ và cầu nguyện ở nhà. Vì thế, vào ngày đó, rất ít người dân ra đường. 

Chỉ thứ bảy mới là ngày dành cho nghỉ ngơi tự do, người ta mới đổ ra đường, đi đến các trung tâm mua sắm, những địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí. Cũng vì lý do đó mà các bạn Algeria xếp lịch cho chúng tôi đi khảo sát Tipaza vào ngày thứ sáu, ngày vắng khách.

Nói là khu bảo tồn Tipaza vắng khách nhưng ở khu vực các cửa hàng ăn ở dẫy phố trước cổng vào khu bảo tồn, khách đông cứng. Chúng tôi đặt muộn nên khi đến một cửa hàng đồ biển, các bàn hầu như kín cả. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam, người quản lý nhà hàng nói: “xin lỗi, các bạn chờ mấy phút”, rồi anh ta đi dàn xếp. 

Chỉ vài phút sau, người quản lý nhà hàng đã quay lại dẫn chúng tôi đến một vị trí khá đẹp, nhìn ra phía vịnh biển. Mấy người vừa phải rời đi nhường chỗ cho chúng tôi không tỏ ra giận dữ mà còn mỉm cười với chúng tôi rất thân thiện. Khi nghe chúng tôi nói lời cảm ơn, người quản lý nhà hàng nói với giọng ôn tồn: “không có gì! Các bạn Việt Nam xứng đáng được ưu tiên!”.

***

Chứng kiến sự thân thiện và tình cảm của những người dân mà chúng tôi gặp trong những ngày thăm, làm việc tại Algeria, lại nhớ đến những lời nói trong buổi tiếp và làm việc với đoàn chúng tôi của của ông Abdelkrim Benmbarek - Tổng Bí thư Đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Algeria (FLN), Đảng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc, lập nên nước Cộng hòa Algeria dân chủ và nhân dân ngày nay: “chính tấm gương đấu tranh của Việt Nam, nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ chúng tôi đứng lên đấu tranh giành độc lập cho Algeria. Vì thế, chúng tôi luôn biết ơn Việt Nam, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Algeria, người dân ai cũng biết đến Việt Nam - Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp!”. 

Thật tự hào khi ở xa Tổ quốc hàng vạn dặm, được sống trong tình cảm thân thiện, yêu quý của những bạn bè như thế! ./.

Algiers, tháng 10-2024

8 February 2025