20/03/2025 | 08:50 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Rome không dành cho những bước chân vội vã...

Tô Phương Thủy
(từ Rome, Italia)
Rome không dành cho những bước chân vội vã... Một góc thành phố Rome, Italia_Ảnh: Tô Phương Thủy
Sau gần 2 tháng gắn bó cùng Rome (Italia), tôi đã phải lòng thành phố mộng mơ vốn được mệnh danh với “vẻ đẹp trường tồn”. Rome đâu chỉ in bóng những di sản của đế chế La Mã hàng nghìn năm sừng sững, mà còn ru lòng người với bầu trời biếc xanh Địa Trung Hải, cảnh đẹp thơ mộng hai bên bờ sông Tiber và văn hóa cà phê đặc sắc cũng như nền ẩm thực đã nổi danh toàn cầu.

“Ngược đường, ngược nắng” yêu Rome

Trước khi đến Rome, tôi nghe từ bạn bè, người thân của mình nhiều tiếng xấu về Rome. Nào là đông đúc, lộn xộn; tham gia giao thông thì “mạnh ai, nấy đi”; trộm cắp trở thành vấn nạn ám ảnh của nhiều người... Mang theo những suy nghĩ trên về Rome, tôi khẽ thở dài khi máy bay hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Fiumicino, trước khi bật lên tiếng thì thầm: “Rome! Please be kind to me!” (Rome! Xin hãy tử tế với tôi). 

Dường như nghe thấy lời mong ước đó, thành phố đón tôi bằng bầu trời xanh biếc, với những con đường thông xanh rì rào và vẻ đẹp thơ mộng của miền Địa Trung Hải. Còn hơn thế nữa, Rome mang đến cho tôi tình cảm gia đình từ bác Eugenio và Teresa - những người Italia hồn hậu, chủ nhà nơi tôi ở trọ trong 2 năm du học tại thành Rome.

Francesca sinh ra ở Sardinia, miền Nam Italia, từng sống Turin (miền Bắc Italia) 8 năm, ở Rome 3 năm, đang định cư ở Mexico cho biết, cô không phủ nhận những “cơn ác mộng” mang tên Rome khi sống hay du lịch tại thành phố. Chẳng hạn “nếu bạn có thể lái xe ở Rome, bạn sẽ không còn ngán bất cứ con đường nào trên thế giới”. 

Song, dù đã sinh sống ở rất nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, nhưng bất cứ khi nghe ai đó nói về Rome, mắt Francesca lại sáng lên: “hãy để tôi diễn giải theo cách này, nếu bạn là người thiên về lý trí và luật lệ, có lẽ, bạn không thể sống ở Rome. Nhưng nếu là một người giàu cảm xúc, bạn sẽ thực sự yêu Rome, dù có những lộn xộn, song Rome thấm đẫm chất thơ, từ lịch sử, di tích đến văn hóa và ẩm thực...”.

Tôi chưa thể cảm nhận Rome, yêu Rome như cách đặc biệt mà Francesca chia sẻ. Song những giá trị văn hóa mà tôi đang thẩm thấu mỗi ngày như những sợi tơ, giăng trái tim tôi với thành phố.

Cần góc nhìn từ lịch sử

Trong một tiết học tiếng Italia, chúng tôi đã lăn ra cười khi nghe rằng muốn uống cà phê kiểu Italia là phải đến “bar”. Sự va chạm của các ngôn ngữ, nhiều khi, có thể tạo ra những tình huống hài hước, song để hiểu vì sao người Italia gọi các quán cà phê là “bar” cần một góc nhìn từ lịch sử. 

Phép màu kinh tế thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai chứng kiến làn sóng nhập cư từ các làng quê của Italia đổ dồn về thành phố. Số lượng các quán bar đường phố, phục vụ kết hợp đồ ăn nhẹ và giải khát, tăng từ 84.250 vào năm 1956, lên 118.029 vào năm 1971. Các quán bar này phục vụ cả đồ uống quốc dân là cà phê. Từ đó, với người Italia, “bar” có nghĩa là nơi để uống cà phê, ăn nhẹ và gặp gỡ bạn bè.

Ở bất cứ quán “bar caffe” nào ở Rome, hay ở Italia, nếu gọi “cho tôi một ly cà phê” (Vorrei un caffè, per favore), người phục vụ sẽ mặc nhiên mang đến bàn một ly espresso nóng. Sẽ không có những câu hỏi để bạn lựa chọn như ở Việt Nam: đen nóng, đen đá, nâu đá hay bạc xỉu... Muốn gọi cà phê kiểu khác, chẳng hạn như Americano, sẽ phải thêm vào đuôi thành “caffe lunggo” (cà phê cốc dài), hoặc gọi “caffe capuchino”.

Thói quen uống cà phê đã được nâng lên thành “nghi thức văn hóa” ở Italia. Với người Italia, cà phê hiện diện mọi nơi trong đời sống xã hội: cà phê sáng cùng gia đình, đi bar caffe giao lưu bạn bè, hoặc đơn giản chỉ là vì... cần uống. “Caffe, sempre! (uống cà phê bất cứ khi nào), bác Eugenio nói với tôi.

Văn hóa cà phê tại Italia quan trọng đến nỗi, trước khi lên đường sang Italia du học, khi nghe giảng về “những điều cấm kỵ trong văn hóa tại Italia”, riêng hạng mục về cà phê được nhấn nhá kỹ đến mức, tất cả sinh viên chúng tôi đều nhớ “espresso có thể uống bất kỳ khi nào, nhưng không gọi cappuccino sau giờ trưa” bởi đó là điều không ai làm ở Italia.

Uống cà phê như người Italia thực thụ là bột cà phê được đưa vào ngăn lọc ở ngăn giữa ấm moka, đun thật sôi để nước trào lên, thẩm thấu những tinh chất cà phê cho đến khi trở thành thứ đồ uống màu nâu sánh. 

Cà phê espresso được rót vào chiếc cốc sứ trắng nhỏ như ly uống trà, đặt cạnh một bình đường có hình thần đèn, trên khay nhôm màu bạc. Lúc này, bạn cần cầm chén espresso đang bốc khói trên tay, hít hà hương vị đậm đà vào sâu trong lồng ngực và uống thật nhanh. Cách uống espresso trở thành thói quen với mọi đồ uống khác, đến mức, mỗi lần bác Eugenio rủ tôi uống bia, hay uống rượu, bác chia đều đồ uống vào 2 cốc, rồi chẳng cần đợi, nâng ly, làm vài hơi cạn sạch.

Hầu như mỗi lần tôi đi học về, câu đầu tiên bác Eugenio hỏi, luôn là “To, caffe?” (Tô, uống cà phê không?). Hay khi tôi ngồi thừ người vì vừa bị móc mất ví, bác Teresa nắm tay tôi, thốt lên cụm từ chữa lành: “Bevi caffe?” (con uống cà phê nhé?). Với người Italia, cà phê luôn có cách riêng để giúp giải quyết tất cả mọi chuyện.

Sự tự hào tuyệt đối

Bên cạnh cà phê, có lẽ ẩm thực là điều gợi nhắc ngay về văn hóa Italia, giống như “di sản phi vật thể của UNESSCO” vậy. “Chỉ có 2 định luật không thể tranh cãi trên toàn vũ trụ: một là định luật hấp dẫn, và bên kia là luật của ẩm thực Italia” - nhà văn nổi tiếng người Mỹ Neil Simon từng hài hước ví von khi mô tả về sức hấp dẫn của các món ăn Italia.

Chỉ cần liếc qua một vài con số, có thể thấy mức độ lan tỏa và thu hút của ẩm thực Italia lớn đến thế nào. Theo ước tính, mỗi năm Italia cung ứng khoảng 2 tỷ chiếc bánh pizza, mang về doanh thu khoảng 10 tỷ euro. 

Số lượng thợ làm bánh pizza thường xuyên đạt con số 105.000 người, có thể lên đến hơn 200.000 người vào những ngày cuối tuần. Tổng dân số của Italia là 58 triệu người, vì vậy, số lượng bánh pizza cung ứng hẳn là để đáp ứng số lượng du khách khổng lồ vẫn đổ dồn về Italia mỗi năm.

Theo một khảo sát của hãng thăm dò Coldiretti, có tới 39% số người Italia tin rằng pizza là biểu tượng ẩm thực của nước này. Không phải ngẫu nhiên, một khảo sát trực tuyến của Viện Dante Alighieri cho thấy pizza là từ tiếng Italia được biết đến nhiều nhất ở nước ngoài. Với 8% số người được hỏi, tiếp theo là cappuccino (7%), spaghetti (7%) và espresso (6%).

Sự tự hào tuyệt đối về nền ẩm thực quốc dân khiến người dân Italia vô cùng nhạy cảm trước bất cứ sự phi truyền thống nào trong ẩm thực. Trong buổi trao đổi trước khi đi du học về những vấn đề cần tuyệt đối tránh tại Italia, người hướng dẫn nhấn mạnh nhiều lần: “ăn pizzza không được cho thêm sốt cà chua, vì đó sẽ là điều sỉ nhục với người Italia”, hay “pizza đừng bao giờ yêu cầu thêm dứa, đó là điều không thể chấp nhận được ở Italia”. 

Điều đó khiến tôi từng ngạc nhiên tự hỏi “sao người Italia lại nhạy cảm đến mức đó với ẩm thực nhỉ?”. Song khi hòa nhập với đời sống tại Rome, tôi mới hiểu, sự tự hào về nghệ thuật ẩm thực, đã trở thành bản sắc và đặc tính tự hào văn hóa của người Italia nói chung.

Chẳng thế mà khi công ty thực phẩm Heinz của Mỹ tung ra thị trường Anh món mì carbonarta đóng hộp vào tháng 9-2024, người dân Italia một phen “nóng mặt”. Mì carbonara mà tôi thường được bác Teresa thết đãi là dạng mì ống (người Italia thích luộc sơ, ăn vẫn hơi sượng chứ không mềm như cách ăn của người Việt), trộn cùng thịt ba chỉ hun khói, rắc thật nhiều tiêu, cùng sốt trộn từ lòng đỏ trứng và phomai parmesan. 

Mì carbonara phải ăn thật nóng. Với vợ chồng bác Teresa, mì carbonara còn được rắc thêm thật nhiều phomai bào cho đậm vị. Đây là món ăn thuộc vào hàng “quốc hồn quốc túy” của Italia. Vì vậy, người dân Italia phản ứng rất gay gắt với sự “xúc phạm trắng trợn” của thứ đồ ăn nhanh nhồi vào hộp, lại dám mang tên mì carbonata của họ. 

Thậm chí, không ít dân Italia đã gọi món carbonara đóng hộp là “sự sỉ nhục” đối với ẩm thực truyền thống nước này. Đầu bếp Cristina Bowerman - người từng đạt sao Michelin và là chủ một nhà hàng có tiếng ở thủ đô Rome - mạnh mẽ lên tiếng: “tôi phản đối sản phẩm lai tạp này. Nếu đã từng được ăn một đĩa carbonara chính hiệu của Italia, sẽ không ai mua món mì đóng hộp đó”.

Không có sự lưng chừng

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nghịch với những tâm lý “quá khích” về ẩm thực của người Italia. “Khoảng 10-15 năm trước, đầu bếp Gualtiero Marchesi đã cho thêm kem tươi vào mì carbonara, và giờ đây, người dân cuồng lên vì món ăn này. 

Carbonara chỉ là một công thức, đó không phải là tôn giáo!” - Alberto Grandi, sử gia người Ý vừa ra mắt cuốn sách với nhan đề “Cơn sốt ẩm thực Italia trên toàn cầu chỉ là chiêu trò marketing” cho hay. Ông Grandi cho biết, một phóng viên tại Rome đã từng đe dọa đánh ông, vì những tuyên ngôn “xúc phạm văn hóa này và lịch sử dân tộc này”. 

Theo ông Grandi, sự nổi tiếng của ẩm thực Italia hoàn toàn là cơn gió mới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chứ không có gia truyền từ hàng thế kỷ, như mô tả. “Tất cả chỉ là giả dối, từ đồ ăn carbonara, cho đến những truyền thuyết sáng tạo ra ẩm thực, thậm chí kể cả về hình tượng những thế hệ người bà của nước Italia đã thổi hồn vào món ăn quốc hồn quốc túy qua hàng thế kỷ... 

Người dân Italia không còn niềm tin vào tương lai, vì vậy, họ phải sáng tạo quá khứ thông qua nghệ thuật ẩm thực” - sử gia gây tranh cãi này, lý giải.

Trở lại với Francesca, cô kể lại đêm trước ngày rời Rome: “tôi lấy xe lúc 4 giờ sáng, và lái đến những con đường đẹp nhất ở Colosseo, Trastevere, Castel Sant’Angelo, “Lungo Tevere” (sông Tiber) và khóc, vì tôi biết sẽ nhớ nơi này mỗi ngày”.

Bất chấp tình trạng giao thông khủng khiếp, sự đắt đỏ của nhu yếu phẩm, hay kể cả những tranh cãi về văn hóa, với Francesca, sống ở Rome giống như đang ở bên “người bạn tâm giao”. 

Có những cuộc tranh cãi, những giận hờn, thậm chí, đôi khi là cảm giác ghét bỏ, nhưng đến cuối ngày, cảm xúc sẽ gắn bó bạn hết cuộc đời với Rome: bạn có thể sẽ yêu, hoặc ghét Rome, nhưng không có sự lưng chừng. 

Đối với tôi, Rome vẫn đang và sẽ luôn là thành phố tuyệt vời nhất trên thế giới. Không chỉ vì vẻ đẹp trường tồn hiển nhiên, mà bởi vì với tôi đây là thành phố duy nhất có “linh hồn”./.

8 February 2025