04/04/2025 | 11:27 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Biển Đông, sừng sững những cột mốc

Nguyễn Tri Thức
Biển Đông, sừng sững những cột mốc Lễ chào cờ trên giàn khoan Hải Thạch khiến nhiều người nhớ mãi_Ảnh: N.T.T
Đối tác nước ngoài bỏ cuộc, Tập đoàn quyết tâm dồn sức thực hiện dự án với bao gian nan, vất vả, thậm chí vừa làm vừa mày mò, học hỏi. Để rồi, cụm mỏ dầu khí xa bờ nhất hiện nay (cách Vũng Tàu 320km), nằm ở vùng biển nước sâu từ 118m - 145m, cấu tạo địa chất phức tạp,... đã được dựng lên sừng sững giữa Biển Đông, không chỉ tạo cột mốc chủ quyền nơi tiền tiêu Tổ quốc, mà còn thiết lập những cột mốc đầy tự hào trong hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí...

Những con số, dấu mốc tự hào

Cho đến giờ, nhắc lại những ngày đầu khởi động Dự án Biển Đông 01, sau khi các tập đoàn dầu khí lừng danh thế giới, như BP và Conoco Phillips rút khỏi Dự án khí Hải Thạch và Mộc Tinh (Lô 05-2 và 05-3) vào đầu năm 2009, nhiều người trong nghề vẫn không khỏi chộn rộn, bồi hồi những cung bậc cảm xúc.

Rõ ràng rồi, bởi đây là dự án phức tạp, nhiều rủi ro, từng khiến công ty dầu khí lừng danh quốc tế phải “đầu hàng”, trong khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ sẵn có quyết tâm, niềm tin sẽ thành công, vì việc tiếp tục phát triển 2 mỏ này có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng. Thế rồi, bằng ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) được thành lập ngày 13-1-2009, nghiên cứu, hoàn thiện kế hoạch phát triển mỏ và triển khai thành công dự án khai thác khí và dầu condensate tại cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh (Dự án Biển Đông 01).

Dự án Biển Đông 01 là dự án khai thác dầu khí xa bờ nhất hiện nay tại Việt Nam, với tổng khối lượng các kết cấu lên tới hơn 70.000 tấn, đòi hỏi các tiêu chuẩn ngặt nghèo về kỹ thuật. Các công trình đều sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để có thể hoạt động khai thác trong môi trường nước sâu với điều kiện địa chất phức tạp. Từng bước triển khai, luôn vững chãi quyết tâm, niềm tin, hình hài những cột mốc trên biển đã hiển hiện. Đó là 2 giàn đầu giếng Mộc Tinh, Hải Thạch và 1 giàn xử lý trung tâm Hải Thạch; 44,5km đường ống 20 inch xuất khí từ giàn đầu giếng Hải Thạch đến đường ống Nam Côn Sơn; 20km đường ống 2 pha 12 inch dẫn khí và condensate nội mỏ từ giàn đầu giếng Mộc Tinh đến giàn đầu giếng Hải Thạch; tàu chứa khí ngưng tụ (condensate) (dung tích 350.000 thùng) neo đậu tại khu vực mỏ Hải Thạch; 7 giếng khoan tại mỏ Mộc Tinh, 9 giếng khoan tại mỏ Hải Thạch... Tổng mức đầu tư ước tính tại thời điểm năm 2010 là xấp xỉ 2,4 tỷ USD, trong đó đầu tư xây dựng là 1,3 tỷ USD và công tác khoan là 1,1 tỷ USD; công suất thiết kế của Dự án Biển Đông 01 là 7,6 triệu mét khối khí/ngày (tối đa có thể đạt 10 triệu mét khối khí/ngày) và 25.000 thùng condensate/ngày...

“Bên cạnh hiệu quả về kinh tế của Dự án Biển Đông 01, các giàn khai thác của cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh còn là tiền đồn của Tổ quốc Việt Nam ở cực Đông Nam trên biển, và là một chỗ dựa tin cậy, là ngọn hải đăng cho bà con ngư dân Việt Nam... Để hoàn thành được sứ mệnh của mình, mỗi người lao động hãy phát huy tinh thần Biển Đông 01 đó chính là: đoàn kết một lòng, luôn lao động sáng tạo, nuôi dưỡng khát vọng chinh phục Biển Đông với tinh thần: đồng lòng vượt khó, đồng thuật tầm nhìn, đồng hành đích đến. Chúng ta hãy cùng bước vào giai đoạn phát triển mới của BIENDONG POC với niềm tự hào và với quyết tâm: Đoàn kết một lòng - Biển Đông ngời sáng”.

Ông Ngô Hữu Hải - Tổng Giám đốc BIENDONG POC

Những cột mốc, dấu ấn được tạo dựng sau khi trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Đó là chuyện khoan nước sâu với điều kiện mỏ có áp suất cao, nhiệt độ cao thuộc loại hiếm có trên thế giới; là vấn đề thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực con người để thực hiện dự án, là vừa làm vừa tìm hiểu, mày mò trong thiết kế, đóng, vận hành giàn khoan; là tàu nước ngoài quấy phá, ngăn cản hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của chúng ta... Nhưng rồi gánh nặng được trút bỏ, kỳ tích được lập nên, mốc son được đánh dấu, khiến không chỉ người lao động BIENDONG POC, hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xúc động, tự hào trào dâng, mà cả những người quan tâm đến sự phát triển của ngành dầu khí nước nhà... Sau hơn 1.200 ngày triển khai thiết kế, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và vận hành tuyệt đối an toàn, ngày 6-9-2013, Dự án Biển Đông 01 đã cho những mét khối khí thương mại đầu tiên. Đó là thành tích rất đáng tự hào, bởi đây chính là dự án do người Việt Nam tự thiết kế, thi công, lắp đặt, vận hành thành công với 3 giàn khai thác và hệ thống đường ống nội mỏ, tàu chứa FSO với khối lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Đặng Minh Phong - Phó Tổng giám đốc BIENDONG POC - cho biết, từ khi đi vào vận hành thương mại đến hết quý I-2019, BIENDONG POC đã khai thác tuyệt đối an toàn hơn 10 tỷ mét khối khí và hơn 17 triệu thùng condensate; tổng doanh thu đạt hơn 2,8 tỷ USD trên tổng vốn đầu tư và chi phí vận hành cho tới thời điểm hiện nay là 2,9 tỷ USD; nộp ngân sách nhà nước lũy kế đạt trên 700 triệu USD; năng suất lao động bình quân trong năm 2018 đạt 60 tỷ đồng/người/năm. “Với công suất khai thác trung bình đạt 2 tỷ mét khối khí/năm, hơn 3 triệu thùng condensate/năm, tương đương với 20% lượng khí và condensate khai thác được của Việt Nam, BIENDONG POC đang đứng thứ 2 tại Việt Nam về sản lượng khai thác khí và condensate”, ông Phong tự hào.

Điều đáng tự hào khác, cho đến nay, hệ số làm việc của các giàn khai thác đạt trên 99% (riêng trong quý I-2019, thời gian khai thác liên tục của các giàn đạt 99,9% so với mục tiêu 96%), đã đạt gần 2.400 ngày công an toàn, với chỉ số tổng tỷ lệ thương tật được ghi nhận (TRIR) là 0 (so với mục tiêu là 0,3/200.000 giờ công lao động), tuyệt đối không có sự cố nào gây mất thời gian lao động (LTI) cũng như ảnh hưởng đến môi trường... Và ông Phong nói rằng, ra tận giàn khoan, mới thấy thêm nhiều ý nghĩa, mà những con số khô khan không thể diễn tả, bộc lộ hết.


Vững chắc niềm tin nơi đầu sóng ngọn gió

Lần đầu tôi đi trực thăng, cảm giác thật phấn khích, hồi hộp, háo hức xen lẫn chút âu lo. Lần đầu trong không trình dài dặc, mãi gần 1 giờ 30 phút bay, tôi mới được bay thấp đến thế, mới được tận hưởng ngắm nhìn mặt đất từ trên cao trong khoảng thời gian dài đến thế. Tất nhiên, một loáng là ra đến biển. Biển thì rộng dài, mênh mông, nên đa phần chỉ thấy những nhấp nhô các đụn mây trắng phốp lững lờ trôi trên mặt biển thăm thẳm xanh, lăn tăn sóng... Thi thoảng, thấp thoáng những con tàu lênh đênh, nhỏ bé như những chấm nhỏ cô đơn trên biển cả bao la.

Bay cùng chúng tôi hôm ra giàn là những người lao động ra thay ca để đồng nghiệp trở về đất liền. Họ đều khá trẻ. Những khuôn mặt ngời sáng, tinh nhạy. Mỗi lao động ở Biển Đông ra giàn đều theo “nhiệm kỳ” 21 ngày ở giàn, 21 ngày ở đất liền. Theo lãnh đạo công ty, các nghiên cứu khoa học trên thế giới đều cho rằng, làm việc trong điều kiện ngoài biển cả cách ly thế giới xung quanh, tối đa chỉ nên 21 ngày. Thực ra khoảng thời gian “cách ly” đất liền nên chỉ là 2 tuần thì hợp lý nhất, nhưng như vậy thì chi phí sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến lợi nhuận trong giai đoạn giá dầu đang suy giảm. Nhưng ai tôi hỏi cũng đều thấy 21 ngày là bình thường. Thậm chí anh Nguyễn Thanh Tĩnh - Giàn trưởng - còn tếu táo rằng, 21 ngày là rất hợp lý, bởi khi làm việc bắt đầu thấy chán thì được về nhà, và khi về nhà nhìn mặt vợ đã ngây thì lại được ra biển.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, giàn khoan ở nơi xa nhất Tổ quốc này còn là điểm tựa cho bà con ngư dân trong những năm qua. Giàn trưởng Nguyễn Thanh Tĩnh cho biết, đến nay, giàn đã cứu hộ 13 ngư dân, trong đó có 2 lần chuyển nạn nhân về bờ kịp thời bằng máy bay, cứu sống ngư dân bị tai biến mạch máu não. Đồng thời, giàn cũng thăm hỏi, tặng quà các ngư dân bị nạn trên biển...

Là tếu táo vậy thôi, chứ dù giàn khoan hiện đại, rộng rãi, điều kiện sinh hoạt đủ đầy, nhưng cũng rất gò bó, quen thuộc. Bạn thử nghĩ xem, nếu 21 ngày làm việc liên tiếp, mỗi ngày 12 tiếng trong môi trường chật chội chỉ toàn đàn ông sức dài vai rộng với nhau, thì cũng dễ nảy sinh sự buồn chán, mệt mỏi... Thế nên, công ty luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để người lao động làm việc xa đất liền vợi bớt những tâm tư, như trang bị phòng tập thể thao, thư viện, xem tivi, gọi điện thoại video,... để khoảng cách giữa khơi xa và đất liền được rút ngắn. Giàn khoan có tổ công đoàn, quan tâm sát sao đến đời sống anh em, tạo tính gắn bó, đoàn kết ở biển cũng như trong đất liền. Tất nhiên, cũng rất nghiêm khắc trong việc thực hiện nội quy lao động, văn hóa doanh nghiệp. Nếu ai vi phạm sẽ bị điều về đất liền, thậm chí sa thải ngay, nếu uống rượu, đánh bạc...

Trần Đức Thắng sinh năm 1995, là người trẻ nhất mỏ, chứ không riêng giàn Hải Thành. Thắng từng làm ở công ty dầu khí khác hơn 1 năm nhưng nghe “tiếng lành đồn xa” về BIENDONG POC nên khi biết công ty có nhu cầu tuyển dụng đã nộp hồ sơ và được “đầu quân” liền. Thắng nói ở BIENDONG POC có thu nhập ổn định. Thắng làm những công việc liên quan đến bảo dưỡng thiết bị tự động hóa, lương cơ bản và phụ cấp, bồi dưỡng đi biển, thu nhập cũng khá, nhất là so với cuộc sống ở Vũng Tàu. “Em mới 24 tuổi, quá sớm để tính đến chuyện lấy vợ, có con. Em thấy công việc bình thường, không có gì bí bách cả. Như bố em cũng là người trong ngành (làm ở Vietsovpetro), sắp nghỉ hưu rồi nhưng vẫn muốn ra biển”, Thắng kể.

Trước khi đi tham quan giàn xử lý trung tâm PQP - Hải Thạch cao 6 tầng, giám sát an toàn giới thiệu về những quy định bắt buộc thực hiện an toàn lao động, yêu cầu mang đủ đồ bảo hộ (PPE) như áo, mũ, kính, giày, nút bịt tai... Tôi chụp ảnh cũng được mang thêm một thiết bị đo tín hiệu, sẵn sàng báo động nếu có thể nguy hiểm vì những cú bấm máy có thể tạo ra sự cố... Thế rồi, trời bất ngờ kéo giông đen vần vũ, gió thổi ầm ào và đổ mưa dữ dội. Giàn khoan khổng lồ sừng sững, vững chãi giữa thiên nhiên khốc liệt. Ông Trần Quang Dũng - Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - nói: “tôi đi nhiều giàn khoan, nhưng chưa bao giờ được chứng kiến nhiều kiểu thời tiết như thế này. Có nắng, có mưa, có sấm chớp. Điều đó thực sự may mắn”. Ông Dũng cho rằng, thành công của Dự án Biển Đông 01 là quyết tâm chinh phục thử thách, thống nhất ý chí từ trên xuống dưới, tìm được những con người có kiến thức, có tiềm năng, với tinh thần Biển Đông hết sức ý nghĩa. Tất nhiên, thời điểm triển khai dự án gấp rút, quyết liệt cũng có cơ hội thuận lợi, nếu làm trễ đi, dự án có thể không thành công...

Nhắc lại chuyện cũ, ai cũng thấy đầy tự hào. Không tự hào sao được, khi một dự án mù mịt lúc đầu, rủi ro lớn, chưa từng làm, lắm chông gai, không biết có đi được từ đầu đến cuối hay không mà đã rõ hình hài, đạt nhiều cột mốc lừng lững trong ngành dầu khí. Và tương lai còn dự báo những điều tươi sáng hơn, khi kế hoạch mở rộng khu vực cực Đông Nam Tổ quốc, đấu nối các mỏ lân cận, hoàn thiện hệ thống khai thác ở khu vực nước sâu, xa bờ, là tiền đồn bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc,... đã được tính đến, sớm triển khai. Điều này hoàn toàn có cơ sở, có niềm tin vững chãi, bởi nhiều năm qua công ty luôn hoàn thành xuất sắc, vượt mức kế hoạch đề ra. Tính đến nay, đã có nhiều sáng kiến, cải tiến được áp dụng, tổng giá trị làm lợi đạt gần 17 triệu USD.

Mai này, có thể sẽ là Biển Đông 02, 03, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng chắc chắn Biển Đông 01 vẫn là dấu mốc đầu tiên mà người Việt Nam đạt được, đáng được ghi những dòng xứng đáng trong lịch sử ngành dầu khí Việt Nam.

Có một điều đặc biệt khác, để lại ấn tượng đậm sâu trong mỗi người khi đến thăm giàn khoan ở nơi xa nhất Tổ quốc, đó là lễ chào cờ trên Bãi đáp trực thăng trên biển (Helideck) giữa biển trời bao la. PGS, TS. Vũ Văn Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - tâm sự chân tình rằng đã dự lễ chào cờ ở nhiều nơi, nhiều môi trường, với nhiều đối tượng khác nhau, nhưng chưa khi nào thấy xúc động như lần này. “Cảm giác như có dòng điện chạy dọc sống lưng mình. Rất xúc động”. Rồi ông ngưng lời. Cả hội trường đồng loạt vỗ tay rền vang. Thấy sự khó khăn, vất vả, thiếu thốn về tinh thần, điều kiện làm việc, sinh sống của những người đi tìm dầu, không chỉ mang ngoại tệ mạnh về cho Tổ quốc, mà còn khẳng định vị thế chủ quyền của đất nước nơi tuyến đầu Tổ quốc một cách hùng hồn, vững chãi, không gì có thể chối cãi. Chính vì thế, ông Hà mãnh liệt tin rằng BIENDONG POC sẽ lập được những dốc mốc, kỳ tích mới, như lãnh đạo công ty và Tập đoàn đặt ra, kỳ vọng.

Tôi đã may mắn được đến đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa, được đến nhà giàn trên thềm lục địa, và giờ được tận thấy giàn khoan giữa biển khơi mênh mông, điệp trùng sóng vỗ. Tôi đã vinh dự được chào cờ trên đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa Lớn, trên con tàu kiểm ngư 491. Lần nào cũng xúc động mãnh liệt, nghiêm trang, đầy tự hào. Lần này lại ở giàn khoan xa nhất Tổ quốc, là cảm giác trào dâng khác không thể nói thành lời. Cứ thấy dòng máu trong người hừng hực, rạo rực, xốn xang... Giữa mênh mông biển trời bao la, thấy đây là nhà mình. Là chủ quyền Tổ quốc bằng xương, bằng thịt, rõ hình hài! Sừng sững cột mốc chủ quyền nơi tiền tiêu Tổ quốc! Có tận thấy như thế, mới càng thêm trân quý, thương yêu đất nước mình hơn. Chỉ từ những điều bình dị mà cao cả, đã hào hùng, thiêng liêng từ thuở bé thơ, khi đứng trước cờ Tổ quốc, nghe quốc ca. Và hát: “Đoàn quân Việt Nam đi...”./.

 

30 August 2023