19/02/2025 | 08:05 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thế gian có bao nhiêu màu sắc, chim ở Singapore đủ ngần ấy...

Đỗ Lãng Quân
Thế gian có bao nhiêu màu sắc, chim ở Singapore đủ ngần ấy... Một số loài chim tại Singapore_Ảnh: Đỗ Lãng Quân
Từ hồi lạc vào thế giới kỳ ảo của các loài chim, tôi đã lang thang chụp ở hầu khắp các nước ba bề bốn bên quanh Việt Nam ta. Sắc màu lạ lùng, tiếng hót và hình dáng quyến rũ, tập tính sinh hoạt thơ ngộ đáng yêu. Nếu nhìn kỹ, không có con chim nào được Thượng đế sinh ra mà xấu cả. Nhưng, nếu hỏi về một ấn tượng đặc biệt của tôi quanh thế giới chim chóc đang hiện diện ở một nước nào đó trong khu vực châu Á, thì tôi chọn Singapore.

Bird Paradise - thiên đường chim lớn nhất châu Á

Quốc đảo xanh nhỏ xíu về diện tích và dân số (diện tích không rộng hơn đảo Phú Quốc của Việt Nam ta nhiều lắm, là nơi sinh sống của 5,63 triệu người) này đang sở hữu một Bird Paradise - thiên đường chim theo đúng nghĩa. Chốn này được vinh danh là công viên chim lớn nhất châu Á.

Trong bảo tồn các loài động vật hoang dã, có bảo tồn ngoại vi. Vài ví dụ về điều này là: chăm sóc, cứu hộ, phát huy giá trị của chúng một cách nhân văn trong sự kiểm soát của con người, như vườn thú, công viên chim, trung tâm cứu hộ và khu bán hoang dã... 

Thiên đường chim lớn nhất Đông Nam Á Bird Paradise và cả khu bảo tồn động vật hoang dã khổng lồ ở khu vực Mandai - Singapore đang “chứa” trong các tán rừng xanh thắm của mình tới hơn 400 loài chim độc đáo và quý giá bậc nhất quả đất, chúng “bay” từ khắp các vùng miền trên thế giới về đây.

Ngôi nhà của động vật hoang dã nói chung, chim chóc nói riêng, là chốn tự do tuyệt bích, là ngoài thiên nhiên bất tận và bầu trời tự do khoáng đạt. Nhưng quả là có rất rất nhiều loài, chúng tôi bỏ công sức, tiền của đi 10 chuyến bay, đi bộ ngày nọ qua ngày kia vẫn không tài nào “gặp” được. 

Có những loài, chúng vốn bị buôn bán bắt nhốt trái phép, không thể nào tái thả về tự nhiên được nữa. Thì đôi lúc, bảo tồn ngoại vi: tức là chăm sóc chúng bằng tất cả khoa học hiện có của loài người, rồi thả chúng vào các khu vực đủ rộng lớn để chúng cảm thấy tự do, trong lành, ghép đôi, sinh sản, cất tiếng hót vang rồi người yêu thiên nhiên có thể quan sát, thưởng lãm, trân quý. 

Thì đó cũng là một cách rất hữu ích cho cộng đồng. Từ đó thôi thúc, truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên, quyên góp tiền, bán vé 49 đô la Singapore (1 đô la Singapore bằng gần 18.820 đồng) một lượt vào thăm... Nguồn tài chính và tâm huyết thu được đó, sẽ một phần không nhỏ quay lại phục vụ bảo tồn.

Suốt nhiều năm tôi đã quyết định không đi thăm thiên đường chim lớn nhất châu Á, vì nghĩ nó là những lồng nhốt tội nghiệp kiểu “Lời con hổ trong Vườn Bách thú” trong bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ “Gậm một nỗi căm hờn trong cũi sắt”. 

Dù tới Singapore đã nhiều lần, nhưng mãi đến năm 2024, tôi mới quyết định ghé Bird Paradise trong tư lự. Rằng, liệu động vật ở đây bị đối xử có theo kiểu “cầm tù” quá không?

Sự thật giật mình: công viên chim rộng tới hơn 200.000m2. Rừng cây, cả cây cổ thụ khổng lồ, cao vút, cả các khu rậm rịt mà chắc chắn chim quý, chim lạ đang ở trong đó, nhưng bạn múa vé 49 đô la/lượt vào, mua cả chục lần, cũng không tài nào “diện kiến” được đầy đủ bọn chúng. 

Bởi nơi có sinh cảnh đủ để cho chim chóc sinh sôi, ẩn nấp, “theo dõi ngược lại” con người. Thế nên, bạn tôi ở Singapore, mê chim chóc và chụp ảnh chim, hàng tháng anh vào Bird Paradise và vẫn luôn tìm thấy điều mới mẻ!

Dù các nhà bảo tồn tranh luận thế nào, nhu cầu lập các vườn thú, safari, công viên chim vẫn là một nhu cầu có thật và rất nên làm. Làm sao bảo đảm được phúc lợi động vật, giương cao tính nhân văn trong ứng xử của con người với thiên nhiên là được. Và, có lẽ, để thấy hết số sắc màu quyến rũ nhất mà nhân gian này có được, hãy nhìn vào các chú cô chú chim ở thiên đường chim của Singapore này.

Cũng khỏi lo là bạn đến đó, đứng ở ngoài ô mắt cáo đan bằng sắt nhòm vào và các loài chim tưởng bạn bị cầm tù sau song sắt, còn bạn thì xót xa xem một “trại tù binh” động vật u sầu. Không, bạn đi bộ, leo lên các sạn đạo (cầu thang dài bắc ngang thung lũng, ngang các trảng nước, tán rừng để chiêm ngưỡng các loài chim sống tương đối tự do trong các tán cây, bụi rậm, sinh cảnh đất ngập nước...). 

Bạn đi hết khu này sang khu khác. Không thấy một tường rào nào cho bạn cả, ngoài các tấm rèm cửa phân chia khu chim châu Phi, khu châu Á, khu đến từ rừng mưa Amazon Nam Mỹ, khu chim cánh cụt, khu hệ chim nước, khu các loài vẹt, khu sinh cảnh và chim từ Úc châu, khu các loài chim thích hót ca...

Thậm chí, bạn có thể còn quên mất là tít trên trời cao, có một tấm lưới trắng mờ, để chim không bay đi mất. Họ làm rất cao, đủ để những con niệc mỏ vằn, con hồng hoàng quý hiếm mỏ to bằng bắp chuối bay ào ào tít tận “mây xanh”, khi ấy, chúng bé tới mức ống kính siêu zoom đắt đỏ của chúng tôi không tài nào chụp được. 

Phải rình khi chúng đến các cây đa, cây si, cây ăn quả cao vòi sum suê, hễ chúng xuống tìm trái chín đánh chén thì lén mà chụp ảnh trộm. Hoặc có thể, bạn sẽ đi dần lên phía các tầng cao của khu quan sát, các “cầu treo” hiện đại bắc từ khu nọ qua khu kia để thăm ngắm chúng gần hơn.


Ông Trời tạo tác ra các con chim cầu kỳ cỡ đó để làm gì?

Có chú chim xanh biếc, tím than, đỏ rực, hồng mơ, đen kịt, trắng toát. Chúng như những cục màu sinh động bay lượn, có khi ngơ ngác không để ý tới cả việc bạn đang tới gần. Bạn chỉ có thể thốt lên: sao ông Trời lại cầu kỳ tới cỡ ấy, khi thiết kế sắc diện cho một loài chim? 

Có loài xanh như một chiếc lá. Điểm xuyết vào màu xanh đó là cặp mắt nâu, với viền đỏ vàng (gam màu rất mạnh), các hạt “ngọc” đỏ vàng xếp như chuỗi trang sức quanh con mắt nàng. Trong tiếng Anh, hình như cứ cái gì đẹp, như hồ nước, cánh rừng, con chim đẹp, họ đôi khi vẫn gọi là “she” (cô ấy) cho yêu kiều. Nên tôi gọi nhan sắc chim chóc kia là nàng.

Có nàng chim to như con vịt bầu, người óng ánh lông nâu sẫm, cặp mắt đỏ ối nhìn chòng chọc khiêu khích. Rồi trên đầu bạn ấy là các sợi lông hay các “thẻ bài” to bản, mỏng dính, dựng lên chi chít. Chúng như một màn biểu diễn tuyệt kỹ của lông vũ, mỗi bước đi các lớp vương miện phủ đầy “rêu trắng” ấy lại đung đưa, nhấp nhứ. 

Nhìn xa nó mơ màng như mào của nàng được phủ tuyết trắng. Nó nhô lên như một cái vương miện bằng lông tơ thanh mảnh. Nàng ngồi trên chạc cây ấp trứng, “mào” dựng lên như cờ phướn, mắt trong veo đỏ rực rất quyền quý...

Có nàng chim đà điểu đầu mào phương Nam (tên khoa học Casuarius, đến từ Australia và Papua New Guinea...) thì vạm vỡ hơn: trên đầu gắn một cái “rừu” bóng nhẫy, nâu sậm, nhìn nó giống một công cụ bằng đá hơn cả một... công cụ bằng đá. 

Đến giờ, dù chụp bạn ấy ở Nam Mỹ rồi, nay chụp ở Singapore, dù bạn ấy to hơn con ngỗng vẫn quàng quạc canh nhà chống trộm ở quê tôi, nhưng tôi vẫn chưa hiểu nổi: “sừng” trên đầu bạn chim đó có phải bằng đá thật hay không?

Bên cạnh tiếng hót du dương, vẻ thơ ngộ khi các nàng chim nhìn chòng chọc vào người lạ, điều làm tôi ngạc nhiên nhất trong chủ đề bí ẩn của tạo hóa, chính là màu sắc và hình dáng của các loài chim hiện diện tại Bird Paradise. 

Có bạn mắt vàng óng ánh, lông trên lưng tím mê mải, tím sậm và tím thiên đường. Có chú chim châu Phi, người xanh lơ, xanh màu nõn chuối, còn mặt và đầu thì đỏ chót. Cứ như nàng vừa vục đầu và mặt vào một lọ mực đỏ điều của ông đồ nào đó. 

Có chú chim với cái đầu trọc lốc, trọc cả mái đầu và hói cả trán. Nhìn như cụ vừa xuống tóc suy tư, trong khi lông trên người dày dặn, màu sắc giản dị và cũng... nâu sồng lắm. 

Lạ nhất là loài red - billed toucan (còn gọi là toucan mỏ thuyền, chúng sống ở Colombia, Mexico...). Toucan mỏ to, diêm dúa, rực sắc màu, riêng cái mỏ đã nâu, tím, vàng, xanh pha trộn rộn ràng. Lưng đen, ngực trắng muốt, thêm vài chỗ vàng và tím loang lổ như một họa sĩ phóng tay thừa mứa đến mức thanh lý hết cả kho màu...

Một số loài mỏ to và dữ dằn khác, mỏ không chỉ sắc nhọn mà cả 2 “gươm báu” (phần trên và dưới của mỏ) tạo thành 2 gọng kìm có cả răng cưa lởm chởm để cắn xé, cứa thức ăn. 

Có loài chim, lông trầm trầm, sẫm xanh và tím rất khiêm tốn, tự dưng cái ngực, lưng, cổ, đầu và cả gương mặt, cả cái mào trên đầu đều vàng rực, vàng tươi như cục bông hay khối nhựa màu vàng. Trông vào bạn chim này, người ta không lý giải nổi, sao nó lại được “thiết kế” lạ mắt thế. 

Để làm gì nhỉ? À, đó là cái mào đẹp đẽ để thu hút bạn tình vào mùa sinh sản. Nàng là chim tunki - một loài quốc điểu (chim biểu tượng, được trân quý) của nước Cộng hòa Peru ở vùng Nam Mỹ.

Khi các bạn chim mất mạng vì cái mỏ to của mình

Có chú chim, mỏ dài đôi ba gang tay, nhìn như thanh kiếm. Có bạn nhìn mỏ đã thấy tính chất có vẻ “sát thủ” ra sao, nhưng mắt bạn ấy lại long lanh hiền từ, đầu bạc trắng với lớp mào dửng lên như một pháp sư đội mũ trắng đức cao vọng trọng.

Có chú chim nhìn đã thấy nóng nảy, cáu kỉnh: lông đen kịt ở lưng, đỏ lòm như máu ở ngực và bụng. Riêng mỏ thì vàng nâu như làm bằng nhựa dẻo, quanh mỏ và mặt lông dài cứng quèo lởm chởm, đôi mắt đen lay láy, viền trong viền ngoài rất cầu kỳ. Nàng có vẻ đẹp của sự ngái ngủ và cáu kỉnh.

Phong cách tay chơi nhất vẫn là các loài chim mỏ sừng: hồng hoàng (tên khoa học buceros bicornis, nặng tới 2,8kg; loài này có phân bố ở Việt Nam), niệc, cao cát..., toàn các bạn cơ thể to lớn. 

Mỏ của chúng (như tên gọi mỏ sừng) to đến mức tôi cứ nghĩ thân kia làm sao đủ sức cõng cái mỏ đã to lại chồng đống lên nhau hai ba lớp thế nhỉ? Nghe nói to vậy để đánh nhau giành bạn tình và để giương oai giễu võ khẳng định lãnh thổ. 

Quả thế, các bạn chim mỏ sừng lớn (như black - casqued hornbill - chim mỏ sừng đầu đen, đến từ khu vực Tây Phi) trở thành mục tiêu săn bắt của kẻ xấu, chúng không quan tâm tới thịt loài chim này (dù chúng to hơn cả con gà), mà mỏ của chúng giá chợ đen khá đắt. 

Với những cái mỏ đặc của hồng hoàng hay vài loài mỏ sừng khác bị buôn bán xuyên biên giới, những kẻ ích kỷ dùng để điêu khắc làm vật dụng đắt tiền, như cốc, chén, nhẫn, đắt hơn ngà voi nhiều lần.

Một số loài chim xanh, các gam màu xanh lá, xanh da trời, xanh đậm hay nhạt, phối màu với cặp mắt đen hay nâu, viền mắt đỏ hay vàng, đều trở thành những “tác phẩm” lộng lẫy bay lượn trứ danh (như loài green broadbill - mỏ rộng xồm ở Bird Paradise). 

Người ta chỉ có thể thốt lên: thiên nhiên thật kỳ diệu! Và tôi, bèn phải nói rằng: mô tả nào cũng sẽ là thừa, tốt nhất hãy để các bức ảnh lên tiếng: đủ màu sắc, hình dáng, đủ các con mắt cửa sổ tâm hồn và những phom mào “vương miện”, rồi các bộ lông mĩ miều trên mức cần thiết.

Người ta bảo, lũ chim phải có mào lạ, lông lạ, điệu nhảy lạ, màu sắc lạ, là bởi vì... đi mà hỏi ông Darwin ấy. Ví dụ, con chim cú phải biết nguỵ trang sao cho màu lông của mình giống hệt lớp vỏ cây thì mới sống sót được hoặc săn được mồi mà sống sót. 

Các bạn không biết nguỵ trang sẽ “thoái” dần, các bạn giỏi ẩn mình sẽ phát triển tốt, phát triển đông đàn dài lũ. Hoặc các bạn chim nào mà lông xấu, mào thấp, tiếng hót khàn khàn (ví dụ thế), sẽ không được chim mái thích, thế thì không có cơ hội hẹn hò ân ái rồi sinh ra nhiều con theo dòng máu của mình. 

Đấy là chưa kể, trong cuộc sinh tồn khốc liệt: mỏ của bạn mỏng, yếu, bé; võ của bạn chưa tinh thông; mưu chưa sâu, kế chưa hiểm; lúc đánh nhau sẽ bị đối thủ hạ gục từ “vòng gửi xe”. Có khi mất mạng, mất bạn gái, mất lãnh thổ, có khi chết đói vì không giành được thức ăn.

Và thế rồi, “cây gia phả” của bạn đẹp, bạn hót hay, sẽ phát triển thành đại diện lớn, rồi đại diện thống trị, duy nhất cho loài đó. Và sự tiến hóa cứ thế thể hiện sức mạnh không gì ngăn cản nổi, và không có lý do gì để ngăn cản, của chúng. 

Thế gian, như chúng ta, trục lợi ở chỗ: được thưởng lãm những loài chim (thú) cực kỳ lạ mắt, đẹp ngẩn ngơ và không dễ gì hình dung và lý giải nổi./.

8 February 2025