Xuân về trên đỉnh Ia O
Nguyễn Văn Chiến![Xuân về trên đỉnh Ia O Xuân về trên đỉnh Ia O](/upload/iblock/5c4/5c44d16c42c57da60a5c2de429431bb1.jpg)
Gần dân, sát dân, lo cho dân
Đồn Biên phòng Ia O đứng chân trên địa bàn xã biên giới xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Đường biên giới của xã tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc 5,346km đường biên giới, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã vượt lên gian khó với tình yêu biên giới thiêng liêng.
Trung tá Phạm Văn Quỳnh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O - tâm sự: “với phương châm xuyên suốt “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ còn có nhiệm vụ chính trị rất cơ bản là chăm lo, giúp nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số”.
Đặc biệt, Ia O là xã có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống với 2.676 hộ, 11.132 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Gia Rai. Đời sống của bà con tuy đã có tiến bộ song vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhiều tập tục lạc hậu vẫn tồn tại, ý thức tự vươn lên dựng xây cuộc sống mới còn hạn chế, phương thức canh tác sản xuất còn xưa cũ, không hiệu quả là những vấn đề được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O đưa vào chương trình trọng tâm, xuyên suốt giúp dân trong nhiều năm qua.
Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Thượng úy Rơ Lan Tân dẫn chúng tôi đến thăm cháu Ksor Chơnh, người dân tộc Gia Rai - trường hợp được Đồn nhận làm con nuôi - mới thật sự hiểu được tình cảm đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O dành cho “đứa con đặc biệt” này.
Đầu năm 2019, đồn nhận Chơnh làm con nuôi. Từ một cô bé 12 tuổi nhút nhát, khó gần, mặc cảm, Ksor Chơnh giờ đã trở thành cô gái rắn rỏi, hay nói, hay cười, chăm học. Cơ duyên gắn kết Chơnh với Đồn Biên phòng Ia O đến từ những lần anh em chiến sĩ đi tuần tra địa bàn.
Khi ấy, đang học lớp 6, cả bố mẹ qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Cô bé Chơnh ở với bà ngoại nhưng bà của cháu đông con, là hộ rất nghèo. Vì vậy, anh em đưa Chơnh về đồn với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ cháu thêm vững bước trong cuộc sống.
Hôm chúng tôi đến thăm, bà ngoại của Ksos Chơnh cứ ôm riết lấy cháu và nắm chặt tay Thượng úy Tân, Trung tá Quỳnh, rồi bà khóc thành tiếng: “gia đình biết ơn bộ đội, nuôi cháu giúp, già bớt được khó khăn”. Còn Ksor Chơnh cũng ôm chặt lấy bà ngoại rơm rớm nước mắt: “con biết ơn các bố bộ đội nhiều lắm”. Hiện nay, cháu được bố trí một phòng riêng ở tại đồn, nuôi cháu ăn, sinh hoạt với bộ đội, cung cấp các nhu cầu thiết yếu bảo đảm sinh hoạt, học tập.
Tại các làng Bi, làng Kúc, làng Mít Kom..., ngoài bà con là dân tộc bản địa người Gia Rai, còn có bà con Tày, Nùng, Thái,... từ các miền quê phía Bắc vào định cư trên vùng biên giới này, họ làm công nhân cạo mủ cao su. Thời gian đầu, gần 90% là hộ nghèo. Nhà cửa, đường sá đi lại tại khu vực này rất khó khăn, giao thông chia cắt, nhất là vào mùa mưa. Được sự quan tâm của chính quyền, nhất là sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O, đời sống người dân từng bước ổn định.
Ông Ksor Chung - thôn trưởng làng Kloong - bộc bạch:“được cán bộ, chiến sĩ biên phòng giúp đỡ làm ăn kinh tế, cải tạo vườn tạp, chăn nuôi gia súc, tăng gia sản xuất, cuộc sống của bà con đã khá hơn trước rất nhiều, chỉ có bộ đội biên phòng mới có “cái bụng” tốt như vậy thôi”.
Theo Thượng úy Rơ Lan Tân, thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn của bà con, cán bộ, chiến sĩ đội vận động quần chúng thường xuyên trực tại địa bàn, đến từng hộ dân để vận động, hướng dẫn, giúp đỡ bà con mọi việc.
Từ dựng nhà, sửa nhà, thu hoạch lúa, mì, cà phê, cải tạo vườn tạp đến trồng rau, hỗ trợ chăn nuôi bò, gà, phát dọn cỏ điều, làm tường rào, dọn vệ sinh môi trường, tưới cà phê, chăm sóc cao su, xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, nhà “Mái ấm Biên cương”,... đều được cán bộ, chiến sĩ tận tình, giúp dân chu đáo, hiệu quả.
Đảng bộ đồn phân công 9 đảng viên sinh hoạt tại 9 chi bộ thôn, làng và 22 đảng viên phụ trách, giúp đỡ 100 hộ gia đình. Nhiều dấu ấn, công trình do bàn tay người lính biên phòng thực hiện càng tô đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên dải đất biên cương.
Bí thư Đảng ủy xã Ia O Ksor Tuy cho hay: từ năm 2015 đến nay, Đồn Biên phòng Ia O tích cực triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, giúp đỡ 6 học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/tháng, kinh phí do cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp.
Đồn triển khai và duy trì có hiệu quả mô hình “Tay kéo biên phòng” cắt tóc miễn phí cho người dân; mô hình “Tủ quần áo từ thiện”. Đặc biệt, mô hình “Tiếng loa biên phòng” tuyên truyền đến từng ngõ, từng nhà, từng người dân trên địa bàn.
Nội dung tuyên truyền được phát bằng 2 thứ tiếng Kinh và Gia Rai. Những chiếc loa di động được các chiến sĩ biên phòng buộc vào phía sau xe máy chở đi phát trên mọi tuyến đường trong xã đã trở thành hình ảnh đẹp trên vùng quê biên giới Ia O.
Xây chắc “thế trận lòng dân”
Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia O, Thiếu tá Đỗ Quang Cường tâm sự: “người dân chính là thành lũy vững chắc nhất. Vì vậy, với chức năng bảo vệ an ninh biên giới, lãnh thổ quốc gia, cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải phát huy sức mạnh nhân dân, xây dựng cho được “thế trận lòng dân” vững chắc. Muốn làm được điều đó, đơn vị luôn xác định phải sát dân, gần dân và phải có thật nhiều việc làm hiệu quả giúp dân”.
Đồn duy trì 6 đội công tác thường xuyên đến từng nhà dân thực hiện công tác vận động quần chúng với phương châm 3 bám, 4 cùng là: “Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thiểu số”.
Có những làng xa đồn hàng chục cây số, anh em đi xe máy băng rừng, lội suối nhưng tuần nào cũng vậy, các tổ công tác không khi nào vắng mặt. Nhiệm vụ cơ bản nhất là tập trung tuyên truyền cho bà con trên địa bàn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Kết quả đã làm thay đổi nhận thức của quần chúng nhân dân trong lao động, sản xuất, chấp hành quy chế biên giới, luôn tin tưởng và cùng làm theo bộ đội biên phòng.
Thượng tá Đinh Hữu Ninh - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai - cho biết, do làm tốt công tác dân vận, người dân ở địa bàn biên giới hăng hái, tích cực tham gia các mô hình, phong trào như: tiếng loa biên phòng, tự quản đường biên, cột mốc và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Khi được người dân đồng thuận tiếp sức, giúp đỡ, ủng hộ, mọi việc sẽ thuận lợi, thành công.
Những ngày cuối cùng của năm Giáp Thìn. Đêm biên giới gieo vào lòng chúng tôi nhiều cảm xúc. Đây là chủ quyền của Tổ quốc thiêng liêng cùng với đồng bào ruột thịt đang ngày đêm bám đất, giữ rừng, cùng bộ đội biên phòng canh giữ đất trời Tổ quốc.
Trong men rượu cần nồng ấm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ia O Rơ Mah Thạo vít cần rượu thật sâu mời chúng tôi cùng uống. Xong, ông nắm chặt lấy tay Đồn trưởng Quỳnh, Chính trị viên phó Cường, Đội tưởng Đội vận động quần chúng Tân, nói: “cán bộ à, người dân Ia O với bộ đội biên phòng như anh em một nhà thôi. Cái bụng của bộ đội nó tốt lắm, mang lại niềm vui cho dân làng mình đó”.
Xuân Ất Tỵ đang tới thật gần. Trên đỉnh Ia O xanh thẳm, những người lính biên phòng vẫn âm thầm thả bước tuần tra, lặng lẽ mang niềm vui, cuộc sống mới đến với buôn làng.
Đi dọc đường biên, ca từ quen thuộc bài hát “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung vọng vào vách núi: “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn, như đầu sông đầu suối, như đầu mây đầu gió, như tình yêu đôi ta...” như dệt nên bức tranh xuân tươi đẹp, mùa xuân của hạnh phúc, ấm no./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn
![](/upload/resize_cache/iblock/084/271_140_1/084033e94a1a17ffc28f1ab1d6fd4a6d.jpg)
![](/upload/resize_cache/iblock/d96/271_140_1/d96c54f14dd65d7d117eea14add54b59.jpg)
![](/upload/resize_cache/iblock/e62/271_140_1/e620c3b938840d96d6a91f3d57217b4b.jpg)
![](/upload/resize_cache/iblock/207/271_140_1/20789a4078d1703ae9d5f54354c48ec4.jpg)
![](/upload/resize_cache/iblock/116/271_140_1/1162029c10cbd9cc68aa1a6efe92b12d.jpg)
![](/upload/resize_cache/iblock/fbe/271_140_1/fbe9f6dcc31b89ac166d3fedb3486c88.jpg)