21/02/2025 | 03:09 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bất ngờ 2 “khu phố đặc biệt” Nghèo và Khó làm du lịch

Vũ Toàn
Bất ngờ 2 “khu phố đặc biệt” Nghèo và Khó làm du lịch Xanh biếc đồng lúa giữa bao quanh núi đá ở khu phố Nghèo_Ảnh: Vũ Toàn
Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe 2 địa danh khu phố Nghèo và khu phố Khó thuộc thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ngạc nhiên hơn khi biết 2 “khu phố đặc biệt” này đang tìm cách “kích hoạt” tiềm năng du lịch để thu hút du khách về với một vùng thiên nhiên hiếm có dưới chân dãy rừng Pù Luông.

“Sự tích” địa danh Nghèo và Khó

Chị Hà Thị Kiều - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Hồi Xuân - không còn lạ gì cảnh khách đường xa đến thị trấn Hồi Xuân lộ vẻ ngạc nhiên rồi hỏi chuyện về khu phố Nghèo, khu phố Khó. Chị nói: “anh là người thứ... rất nhiều rồi đã ngạc nhiên và hỏi chuyện tỉ mỉ về 2 địa danh Nghèo - Khó của thị trấn chúng tôi. Kể ra cũng vui đấy”.

Rồi chúng tôi bắt đầu câu chuyện với 2 địa danh Nghèo - Khó ngày xưa khi còn thuộc xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Theo chị Kiều, gốc gác của 2 khu phố bây giờ là 2 bản có tên là bản Nghèo và bản Khó. Tuổi đời của 2 bản có cách đây hơn 400 năm, nằm dưới chân dãy rừng Pù Luông (nay là Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông). 

Cư dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mường, Kinh. Hồi trước, 2 bản chỉ có một con đường độc đạo nhỏ hẹp, quanh co, dốc lên, dốc xuống. Con đường cũng hướng ra trung tâm thị trấn huyện nhưng con đường khổ ải ấy còn in dấu trong câu nói của người dân địa phương: “từ bản chúng tôi ra đến thị trấn huyện là một cuộc hành trình”.

Hành trình là bởi hồi đó, người dân 2 bản phải men theo các tảng đá cheo leo trên núi đá để đi. Đi mãi rồi đất, đá cũng thành con đường mòn cheo leo, khúc khuỷu. Người dân quen đi bộ đường trường và kiên nhẫn với sự khổ sở như thế. Cả bản làng không nhà nào có xe đạp. 

Mãi đến năm 1999, chiếc xe đạp đầu tiên mới xuất hiện trong bản Nghèo. Nhưng nhà có xe đạp cũng chỉ dùng để “bỏ hàng lên baga” rồi dắt bộ cho đỡ phải gùi hoặc mang vác. Vì một lý do đơn giản là không tìm ra đường có thể đi được xe đạp.

Khó khăn về đường xá khiến việc giao thương, buôn bán, việc nâng cao dân trí cũng khó khăn theo. Bà con Thái và Mường nghĩ, con đường không khác gì cái xương sống của làng bản. Sự khó khăn, khổ sở của con đường là sự khó khăn, khổ sở của con người, của làng bản. Từ ý nghĩ này, người dân 2 bản đặt tên cho bản mình là bản Nghèo và bản Khó (nghĩa của từ nghèo và khó của người Thái là đường đi khúc khuỷu, quanh co, đồi dốc).

Mở hướng từ du lịch gia đình

Từ thị trấn Hồi Xuân, anh Cao Văn Khánh - Bí thư Chi bộ kiêm trưởng khu phố Nghèo - chở tôi vào thăm thú quê anh. Thoáng chốc, chiếc xe máy đã lướt trên con đường dài gần 5 cây số. Anh bảo, năm 2011 quê anh mới có con đường này nối với thị trấn huyện. Đoạn nào tốt thì rải nhựa. Đoạn nào khó thì đổ bê-tông. Đi qua địa bàn khu phố Khó mới vào đến khu phố Nghèo quê anh.

Nói là khu phố cho thuận với cách gọi của thị trấn này với 12 khu phố khác chủ yếu nằm ở trung tâm huyện, chứ khu phố Nghèo gồm đất nông nghiệp (13ha) chủ yếu trồng lúa nước 1 năm 2 vụ và các loại rau, củ, quả. Đất lâm nghiệp rộng tới 1.400ha xanh rì các rừng cây tự nhiên và rừng cây luồng, keo, tràm là nơi làm kinh tết của 115 hộ gia đình, 538 người dân bản. 

Phía ngoài vùng đất lâm nghiệp là hơn 800ha đất bảo tồn với những rừng gỗ dổi. Chính khu phố không có phố phường đô hội mà chỉ toàn rừng cây, đồng lúa với nhà sàn cổ mới là “của hiếm” trong thời nay để Đảng bộ thị trấn Hồi Xuân đưa vào nghị quyết giúp 2 khu phố Nghèo và Khó mở hướng làm du lịch cộng đồng.

Nhắc đến chi tiết này, anh Khánh cho hay, quý IV/2023, nghị quyết làm du lịch ở khu phố Nghèo bắt đầu triển khai. Nói đoạn, anh hướng mũi xe máy về phía đồng lúa đang thì con gái, đưa tôi đến trước ngôi nhà sàn cổ, rộng hơn 200m2 của gia đình ông Cao Xuân Thủy. “Đã có gần 400 lượt du khách từ Hà Nội, Hòa Bình, thành phố Thanh Hóa và một số tỉnh khác đến lưu trú tại homestay này với homestay của gia đình ông Trọng Hồng ở gần đó rồi đấy”, anh Khánh vui nói.

Nghị quyết của Đảng bộ thị trấn Hồi Xuân và chi bộ 2 khu phố Nghèo và Khó là không được bỏ phí những ưu thế riêng có của địa phương tại 2 “khu phố đặc biệt” này. Đó là, hơn 100 ngôi nhà sàn, gần 24ha ruộng bậc thang, vườn ổi tự nhiên 40ha, một “Vịnh Hạ Long trên cạn” do các mỏm đá thiên tạo nổi lên giữa các thửa ruộng Na Kim, Na Táy, Na Khóa, Na Ngân... (tiếng Thái, Na nghĩa là ruộng). 

Ngoài ra, các đặc sản về các sản vật như khoai mán, cá dốc nướng, lợn cỏ đen, cơm lam, xôi đa màu được tạo từ các lá cây cẩm tím, gấc đỏ, nghệ vàng và các loại rau, củ, quả trong vườn và trên rừng. Rồi trang phục đẹp mắt như váy Thái, khăn piêu, áo khóm (dành cho nữ), áo thổ cẩm (dành cho nam)... Tất cả hiện lên giữa khí hậu trong lành của hàng trăm héc-ta rừng dưới chân dãy Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là một lợi thế hút du khách thập phương. 

Nhưng anh Khánh bộc bạch: “do không dư dả vốn liếng nên chúng tôi phải đi từng bước một cho chắc. Đó là làm du lịch gia đình theo dạng các homestay, trước hết là ở khu phố Nghèo. Khi các homestay nở rộ, chúng tôi sẽ chú trọng thiết kế các mảng du lịch cộng đồng để nâng cấp sức thu hút du khách về đây”.

Chúng tôi vừa đi chiêm nghiệm vừa trải lòng với những cán bộ trẻ như chị Hà Thị Kiều, anh Cao Văn Khánh, anh Lương Văn Tuấn (bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố Khó). Chị Kiều nhắc khéo: “ngày xưa hồi vừa khó vừa nghèo mà không ít người dân 2 địa phương đồng cam cộng khổ không chỉ để thoát nghèo mà còn trở thành cán bộ tiêu biểu của huyện như bà Phạm Thị Hoa - nguyên Trưởng ban Tổ chức huyện ủy Quan Hóa; ông Cao Văn Thêu - nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp huyện Quan Hóa (người có chiếc xe đạp đầu tiên ở bản Nghèo); ông Cao Xuân Thủy - nguyên Chính trị viên huyện đội huyện Quan Hóa; ông Vi Văn Bâng - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồi Xuân... Chúng tôi đang đi theo hướng này để khu phố Nghèo và Khó sẽ giàu lên”./.

8 February 2025