21/09/2024 | 12:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Lữ khách ơi, đừng để lại dấu chân buồn

Đỗ Doãn Hoàng
Lữ khách ơi, đừng để lại dấu chân buồn Tác giả tại địa danh Lưỡi quỷ - TrollTunga, Na Uy_Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
Tôi đến Bắc Âu và Nam Mỹ vào cùng một tháng trong hành trình dài mê đắm. Trước khi đi, có lần tôi đã viết những loạt bài nói về những bước chân buồn của du khách và lối làm du lịch “ăn xổi ở thì” đã góp phần làm bại hoại không gian sống ở không ít cộng đồng, làm vấy bẩn di sản văn hoá quý giá của cha ông. Thật may, cùng với nhiều ý kiến tâm huyết khác, sau này, lãnh đạo các tỉnh, thành phố có chấn chỉnh những bất cập ấy. Song, dường như các nỗ lực cứu vãn ấy chỉ như muối bỏ biển.

Không có rác thải, cần gì phải thu gom?

Tôi đến Na Uy, sau hàng nghìn cây số lái xe từ Bỉ, qua Hà Lan, Đức, Thụy Điển... Và bất ngờ gặp một điểm đến lừng danh thế giới: Lưỡi quỷ - TrollTunga, thuộc địa hạt Vestland. Theo tiếng Anh, Troll là con quỷ lùn Bắc Âu nhìn rất ngộ nghĩnh, tuy gọi là “quỷ” nhưng nó đáng yêu và giống như phúc thần của người bản xứ. Tunga là cái lưỡi. Quả thật, mỏm đá nhọn thuôn, cong vênh lè ra như cái lưỡi tinh nghịch láu lỉnh của quỷ lùn quá ư gợi cảm. Nó giống cái lưỡi hơn cả cái lưỡi - bạn tôi thốt lên.

Đi bộ 12 tiếng đồng hồ, dựng lều, đốt lửa, ngủ trên tuyết trắng. Thắng cảnh Lưỡi quỷ thè ra vực sâu hơn 700m, ở độ cao hơn 1.100m so với mực nước biển. Nơi ấy, chênh vênh biển xanh đang tiếp tục xẻ đứt các khe núi hẹp cao nghìn mét để ăn sâu hơn vào vách núi. Ngoài kia, con hồ xanh ngọc bích Ringedavatnet được cả thế giới ngưỡng mộ vẫn câm lặng để ùn ùn sương khói bay lên.

Hơn 10.000 năm trước, băng tan, vài khối băng nổ tung trước sức nóng bất ngờ của thời tiết, để lại các khối đá vỡ gãy, nước biển tràn vào. Có một sự tình cờ kỳ dị của tạo hóa, đá vỡ rơi bùm bũm xuống vực sâu thăm thẳm. Trời đất xui khiến, chỉ để lại một cái phiến đá nhọn mỹ miều thò ra mép vực. Nhìn rợn tóc gáy, nhưng biển xanh uốn éo rồi vịnh hẹp hun hút, rồi núi tuyết óng ánh đã tạo ra một không gian sững sờ. Vào mùa đông, toàn bộ mặt đất, mặt núi, mặt biển nơi này phủ tuyết trắng tinh, dày cộp, Lưỡi quỷ càng huyền ảo.

Một hành trình vắt cạn sức mình theo đúng nghĩa. Cảnh đẹp phô ra suốt dọc đường, suốt 2 ngày ròng rã, chỉ có thể dùng từ là “trứ danh”! Kỳ hoa dị thảo, địa y miên man, chim chóc ánh ỏi hót chào. Các hồ nước vang danh cả thế giới, đặc biệt là hệ thống các fjord (vịnh biển hẹp). Từ fjord dần trở thành một tính từ nói về các vùng nước hẹp và đẹp trên toàn thế giới. Na Uy có hàng nghìn cái vịnh hẹp ăn sâu từ biển lạnh vào đất liền, có vịnh dài cả trăm cây số và được vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới.

Tôi thì vừa đi vừa nhấn nhá thưởng ngoạn thiên nhiên, dẫu cảm hứng chủ đạo vẫn là kiệt sức trong mười mấy tiếng đồng hồ leo các dốc núi khúc khuỷu. Điều ngạc nhiên nhất là: chúng tôi không bao giờ thấy một cọng rác, một mảnh túi nilon suốt 2 ngày leo núi, kể cả lắm lúc thở dốc dật dờ ngồi nghỉ ngắm tỉ mẩn từng viên đá màu dọc lối đi. Cố tìm cũng không thấy thùng rác, càng không thấy lao công thu gom rác. 

Cũng chẳng thấy biển báo cấm vứt rác hay vứt rác thì bị phạt nọ, phạt kia hoặc các tấm biển đầy giận dỗi “bỏ lại rác ở hiện trường du lịch thì khác gì bạn bỏ rơi văn hóa và đạo đức với môi trường của mình”. Tuyệt đối không. Trong khi, thời gian mấy ngày ở trên núi, ai cũng cần nhà vệ sinh, đốt lửa, dựng trại, ăn uống, ai cũng gùi theo đồ ăn thức uống (nhiều là đằng khác) hẳn hoi. Rác đi đâu?

Bài toán đơn giản được người bản xứ rồi người khắp địa cầu đến với Lưỡi quỷ trả lời tôi: “phát sinh cái rác nào thì bạn cầm cái đó về. Bạn mang mì Ý, pa-tê, các lon nước có cồn và không có cồn, cả nồi nấu và lều trại nặng như thế. Bạn mang được lên, tại sao vài cái bao bì mì Ý với vỏ chai nhựa nhẹ hều mà bạn không mang về được?”. Ừ nhỉ, trẻ lên ba cũng hiểu. Người Na Uy làm du lịch khiến tôi thổn thức.

Họ không tác động gì tới cả vùng núi non, tuyết trắng, hoa dại mê hồn, chim chóc reo ca đó cả. Trừ việc họ dựng vài cái nhà vệ sinh kín đáo trong hốc núi với mũi tên chỉ dẫn màu đỏ bé bằng... ngón tay. Đường đi thì khỏi vẽ vời hay xây trạm nghỉ, quán xá, bán hàng rong (người đông đến mức xếp hàng 2 tiếng mới chụp được cái ảnh với Lưỡi quỷ thì đủ biết - nếu “chỉ định thầu” cho kinh doanh hàng quán thì “trúng” thế nào!), tuyệt đối tôn trọng sự thống trị của hoang dã. 

Đến mỗi chỗ ngã ba đường, biết chắc lữ khách sẽ băn khoăn tự đi lối nào, họ sơn màu đỏ một mũi tên bé bằng ngón tay trỏ của khách. Trỏ ra lối cần đi để lên núi hoặc xuống núi (tùy theo hướng đi và tầm mắt của khách). Khỏi cần chữ viết. Khỏi cần đắp điếm cắm bảng. Lúc tuyết phủ trắng lối đi, họ cũng ý nhị sơn chữ cao hơn mặt tuyết một chút. Thế thôi. Họ cũng khỏi cần phát vé gửi xe hay vé vào cổng bằng cách in ra tờ giấy nhỏ. Mà cứ “ting ting” trừ tiền rồi đi qua. Bởi phát sinh giấy là tổn hại... gỗ rừng. Là giấy vụn làm rác rưởi ra xe của bạn hoặc ra phố xá.

Quan sát kỹ mới thấy, không phải mọi vị khách đều tử tế đến mức không thải ra môi trường bất cứ cọng rác nào. Mà nhân viên quản lý khu thắng cảnh lọt vào hầu hết các danh sách “điểm nên đến trước khi chết” của loài người này họ giám sát mọi thứ rất tinh tế và chỉn chu. Có rác là họ “gắp” đi. Thậm chí chúng tôi mệt quá, dựng lều ngủ qua đêm rồi để nguyên lều (trong trạng thái dựng) ở cách lối mòn độc đạo dăm bảy mét rồi tiếp tục leo núi. Nghĩ, lúc về, đằng nào cũng đi lối này vẫn gặp cái lều của mình để mang về. Mất thì bỏ. Chứ vác nó theo lên suốt 7 tiếng đồng hồ đi bộ thượng sơn rồi lại cõng nó xuống núi 7 tiếng hạ sơn nữa, chắc mình không đủ sức. 

Ai ngờ, lúc về, lều biến mất. Qua vị trí đất bằng lạnh giá đó tìm, thấy lều của chúng tôi được người của thắng cảnh gấp gọn, đặt ở vị trí dễ quan sát, rồi còn chẹn một hòn đá trắng bắt mắt lên trên. Chắc họ sợ nó bị gió thổi bay hay sợ chúng tôi sẽ khó tìm thấy lều khi trở xuống. Khách thì ai cũng có túi nhỏ đựng các vỏ bao bì mì gói, khăn ướt lau tay, chai nhựa sau khi uống hết nước đều gom cả lại, bỏ vào ngăn phụ của balo. Nó quá nhẹ để có thể cõng về thị trấn. Thả túi “đồ phát thải” của mình vào dãy thùng rác ngay lối đi. Xong!

Nếu để ý, bạn còn thấy các ngôi nhà ấm cúng hòa lẫn vào màu núi và cây cối ở dọc đường. Đó là nhà cứu hộ, khi chẳng may có tai nạn, rủi ro. Các biển cảnh báo nguy hiểm cũng dựng ven lối đi, lẫn vào màu rêu và địa y bám trên đá tảng dọc đường. Họ bảo, sau giờ này, trời nhanh tối, đi trên tuyết thì trượt ngã xuống vực là mất mạng. Vì thế, nếu bạn đến đây vào mùa đông mà ở đúng khung giờ này, phải hạ sơn ngay, đừng có chủ quan. Mùa hè thì vào giờ này phải xuống núi hoặc hạ trại ngủ chờ trời sáng.

Hạnh phúc với 40 hòn đảo nổi tết bằng lau sậy trên hồ Titicaca

Rời Bắc Âu, chúng tôi sang Nam Mỹ, từ Thủ đô Lima của Peru, thêm vài chuyến bay để đến với đô thị cổ Puno và thăm hồ nước ngọt cao nhất thế giới mà thuyền bè có thể đi lại được: Titicaca (cao 3.812m so với mực nước biển). Hồ trùm lên lãnh thổ 2 quốc gia Peru và Bolivia, nơi “nóng bỏng” với đông đảo khách du hồ hởi đi khám phá hơn 40 hòn đảo nổi nhân tạo làm bằng lau sậy 100%.

Từ thời của Đế chế Inca, đầu thế kỷ XII, nền văn minh rực rỡ và quyền uy nhất châu Mỹ thời tiền Columbus, lãnh thổ của họ trùm lên nhiều đất nước Nam Mỹ hiện nay, các đảo nổi của hồ Titicaca đã ra đời. Không có đất an toàn để sống, bộ tộc Uros này đã lập các hòn đảo nhân tạo tết bằng cây sậy nổi nênh để tiện “ẩy” nó đi khi bị truy đuổi. Mùa bão gió, đảo được buộc dây, neo lại để khỏi bị trôi lạc thì có giời tìm, vì chiều dài bờ hồ tới tận 1.125km! Ấy vậy mà vẫn có lần, đảo cỏ bị trôi từ Peru sang Bolivia vì... dây thừng đứt.

Tất nhiên, không phải hơn 40 hòn đảo này bất biến từ thế kỷ XIII, mà ngược lại, cứ vài ba tháng người Uros lại đi cắt cây sậy về “dặm” lại để đảo khỏi chìm, khi mà lớp sậy cũ đã oải mục tan lũa vào trong nước. Hứng lên, họ lại tết thêm hòn đảo mới, có đảo chỉ 2 hộ gia đình sinh sống giữa mênh mông trời nước.

Điều bất ngờ là giữa hẻo lánh hoang vu, giữa mênh mang trời nước mà bà con nơi này làm du lịch rất bài bản, tài tình. Đảo tết bằng lau sậy thơm nồng hương rơm rạ, họ lập ra các làng, làm các con thuyền lớn với mũi thuyền hình con báo (vật thiêng của họ), lập các ngôi nhà bằng lau sậy cao như nhà 2 tầng mang hình con vịt rất đáng yêu, có cầu thang lên để “vọng cảnh”. Có homestay vô cùng đáng yêu. 

Họ trình diễn âm nhạc, tết đủ thứ quà lưu niệm bằng cỏ cây, mặc trang phục cổ truyền, ca hát, thổi lửa nấu cơm trên đảo làm toàn bằng sậy khô mà không gây cháy. Không ăn xin, không bắt chẹt khách, không chèo kéo và dường như chưa có tí “chợ búa” nào xâm nhập vào cộng đồng thổ dân làm du lịch rất cao tay ở nơi này. 40 đảo nổi và cả thành Cusco (kinh đô của đế chế Inca, Di sản văn hóa thế giới); cả 1 trong 7 Kỳ quan thế giới mới Machupicchu của Peru,... đều như vậy cả.

Họ tổ chức du lịch, trình diễn nhuộm vải từ cây cỏ kỳ bí, lập tour đi bộ tìm các vị thần trong dáng núi, dâng lá cô ca lễ tạ Mẹ Trái đất, khám phá thành phố bị bỏ quên trong sương mù với bí ẩn mà nhân loại chưa thể lý giải nổi về Machupicchu. Có vẻ như, tịnh không một thứ dối trá. 

Tịnh thông thấy rác thải, nilon xả bừa bãi “nhảy” vào mọi khuôn hình mà du khách đã chụp. Tịnh không thấy việc thớ lợ, mua tranh bán cướp, chèo kéo xin xỏ du khách như ta thường gặp. Bước chân du khách, khi được quản lý bài bản và thực tâm, cũng sẽ không để lại những vệt buồn làm hoen ố các miền di sản.

Giữa bối cảnh đó, bài học từ các điểm đến danh tiếng, các di sản văn hóa của loài người mới đáng chắt chiu làm sao. “Con không chê cha mẹ khó”. Đi xa, không thể là cách ai đó quay đầu lại chê bai chốn cố hương thương mến của mình được. Nhưng, bước ra thế giới, để ngẫm ngợi và thẳng thắn nhận ra các bài học sửa mình. Đó là điều thiết tưởng cũng nên làm khẩn trương. Để quyết tâm xây dựng và chấn hưng cho một thứ văn hóa phát triển du lịch xanh, sạch, nhân văn.

Tại sao không?

13 March 2024