21/11/2024 | 17:00 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Lãng mạn quê choa

Mai Nam Thắng
Lãng mạn quê choa Làng du lịch Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình_Ảnh: vietnamplus.vn

Tháng 10-2023, miền Trung bị lũ lụt khá nặng. Mấy huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Lệ Thủy của Quảng Bình quê tôi cũng khốn đốn. Một hôm, đã gần 11 giờ đêm, có anh bạn đồng nghiệp trẻ của một tờ báo nọ đang tác nghiệp ở Quảng Bình điện thoại, khẩn thiết cầu cứu một tấm ảnh về lũ lụt quê tôi. 

Hàng trăm tấm ảnh anh lặn lội sấp ngửa chụp được suốt mấy ngày qua, đều bị “sếp” của anh vứt vào sọt rác, bởi “ảnh lũ lụt mà tấm nào cũng thấy dân cười thoải mái thế này thì đăng thế nào được?”.

Tôi liền bấm số máy của “sếp” anh ta, vốn cũng là chỗ thân quen: này ông ơi, dân quê tôi là rứa đó! Ông có biết đa phần những chuyện cười “bôi bác dân bọ” hồi đánh Mỹ đều là do các bọ tự bày đặt ra không? Phải biết cười như rứa, trung bình mỗi người dân quê tôi mới đội nổi 8 tấn bom đạn Mỹ chớ! Trong lũ lụt cũng vậy, khóc than buồn phiền thì làm sao mà sống được ở miền đất khắc nghiệt này?

Quả thật, tôi không lộng ngôn chút nào về sự can trường chịu đựng và tinh thần lạc quan vui sống của người dân quê tôi trong khó khăn, gian khổ do địch họa, thiên tai. Cái hôm nhà tôi ở quê bị ngập trong trận lũ trung tuần tháng 10-2016, tôi đang công tác ở Việt Bắc, sốt ruột quá gọi điện về cho mẹ tôi 84 tuổi đang ở nhà một mình, giọng mẹ vẫn điềm tĩnh: mấy bác trong xóm sang giúp chuyển đồ đạc lên gác cả rồi. Lụt đã lên đến cửa sổ. Mạ đang ngồi trên gác. Cứ yên tâm, mạ có phích nước sôi với bịch mì tôm đây rồi. Khỏi lo!

Một lúc sau tôi gọi lại. Giọng mẹ tôi có vẻ gấp hơn, nhưng vẫn quả quyết: như ri mạ quen rồi, đừng lo chi cả. Từ khi tôi sinh ra cho đến nay, thấy năm nào quê tôi cũng bị lũ lụt. Có những năm mưa như trời thủng nên lũ ập về trở tay không kịp. Chỉ một loáng cả thôn, cả xã, cả huyện,... đã ngập trắng nước. Đường bộ, đường sắt qua đây bị tê liệt hoàn toàn. 

Có đợt trong vòng hơn nửa tháng mà liên tiếp 3 trận lũ kinh hoàng như thế. Ấy vậy mà người dân vùng lũ quê tôi vẫn chịu nổi, gượng dậy và vươn lên.

Lại nhớ trận lũ hồi tháng 10-2020, nước vừa rút khỏi làng là tôi về ngay. Ấy vậy mà vừa đến đầu làng, tôi đã gặp những chiếc ô tô biển số khắp trong Nam ngoài Bắc đang hối hả cấp phát hàng cứu trợ cho bà con quê mình. Mẹ tôi một hộ một khẩu, nhà có các con đều là cán bộ thoát ly nên không thuộc diện hộ nghèo, nhưng cũng được rất nhiều quà cứu trợ. Gạo, mì gói, đường, sữa, cá tôm khô,... ngổn ngang một góc giường. 

Tôi về dọn lũ, giúp mẹ sắp xếp các thứ hàng quà cho gọn gàng nơi khô ráo, chợt bắt gặp những gói khoai deo. Chao ơi đã lâu lắm rồi mới lại gặp khoai deo - loại “lương khô truyền thống” của quê nhà. Mẹ tôi nói, đó là quà của bà con vùng Quảng Trạch và Đồng Hới gửi cho dân làng mình ngay sau hôm lũ rút. 

Món quà quê nghèo khó mộc mạc và những tấm lòng trong cơn hoạn nạn khiến tôi cay cay con mắt. Khoai deo được làm từ củ khoai lang luộc chín, thái lát rồi phơi khô. Lát khoai cứ héo dần, khô dần, bé dần,... và nhăn nheo xù xì, nên gọi là khoai deo. Cái thức quà quê mùa cực khổ đói kém xấu xí như vậy, nhưng là thức cứu đói của biết bao thế hệ dân quê chúng tôi. Nhiều nhà quanh năm bữa ăn nào cũng nồi khoai deo cõng lưa thưa vài hạt cơm.

“Lụt thì lút cả làng”, nhưng vùng quê tôi có xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình được coi là “rốn lũ” ở phía Bắc tỉnh vì lọt thỏm giữa bốn bề núi đá dựng đứng. Thời trẻ trai dạy học ở quê nhà, nhiều lần tôi từ thị trấn Đồng Lê dắt xe đạp vượt dốc Lớ vào thăm mấy người bạn đang làm giáo viên “cắm bản” ở đấy. 

Có hôm gặp trời mưa, đường ngập không ra được, tôi phải ở lại trường. Đêm nằm trong ngôi nhà tường đất dành cho mấy giáo viên độc thân, văng vẳng tiếng ru hời từ ngôi nhà trong xóm: “Trời mưa nác chảy quanh hồi/ Anh không lấy vợ, ai giã bồi cho anh ăn”...

Bồi là thức ăn được chế biến từ bột ngô trộn bột sắn rồi đồ lên như đồ xôi. Bột ngô thường là thứ ngô tươi vừa gỡ ở bắp. Nếu không có ngô tươi thì hạt ngô xúc ở chum vại ra phải ngâm một đêm cho nó trương lên rồi mới cho vào cối giã. Sắn tươi bóc vỏ ngâm qua đêm cho rã bớt độc tố rồi đem mài nhỏ, vắt lấy bã trộn vào bột ngô rắc thêm vài hạt muối, rồi cho vào chõ đồ chín. Bữa cơm bồi có thêm bát canh lá khoai lang nấu với ốc vặn khe suối, được gọi là... thịnh soạn.

Một vùng rốn lũ heo hút, quanh năm ăn bồi, vậy mà trung tuần tháng 11-2023, xã Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới bầu chọn là Làng Du lịch tốt nhất năm 2023. 

Chuyện là, cách nay hơn 10 năm, một vài gia đình khấm khá trong xã có sáng kiến làm nhà trên “bè phao” kết nối các thùng phi rỗng với nhau. Bình thường thì cả nhà, cả bè nằm vững chãi trên mặt đất. Khi ngập lũ thì nhà nổi trên bè. Mô hình “nhà thích ứng” được phát triển thành “làng thích ứng”. 

Thế rồi du khách đi qua Quảng Bình trên đường Hồ Chí Minh, đến đoạn giữa 2 trọng điểm nổi tiếng thời đánh Mỹ là Đá Đẽo và Khe Ve thì ghé vào xem “làng thích ứng”. Nhiều người thích được trải nghiệm qua đêm, thích được ăn cơm bồi với canh cá khe và ốc suối, thích được người dân địa phương dẫn đi xem rừng lim cổ thụ nguyên sinh hơn 20ha và khám phá hệ thống hang động Tú Làn kỳ bí... 

Có cầu thì có cung, các hình thức dịch vụ du lịch hình thành, nhiều ngôi “nhà thích ứng” được đầu tư thành homestay... Và những món ăn dân giã đã trở thành những đặc sản ẩm thực làm khoái khẩu cả những du khách nước ngoài. Khúc cơm bồi được đóng gói đẹp mắt từ những cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có thời hạn sử dụng đến 7 ngày. 

Lát khoai deo được sản xuất theo quy trình khép kín hiện đại, có bao bì công nghiệp, nhãn mác hẳn hoi... Khoai deo Quảng Bình và cơm bồi Minh Hóa hiện rất ăn khách tại các siêu thị, cửa hàng ở Đồng Hới, Ba Đồn và các tiệm fast food ở động Phong Nha, động Thiên Đường, biển Nhật Lệ...

Không chỉ cơm bồi, khoai deo và “rốn lũ” được thay đổi số phận, mà còn nhiều những khó khăn, bất lợi của mảnh đất “gió Lào, cát trắng” cũng đang từng bước thay đổi theo quyết tâm “biến nguy thành cơ” của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình. Là địa phương có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, với lượng gió và Mặt trời đo được xếp vào nhóm đầu cả nước, Quảng Bình đang tích cực, chủ động lập quy họach phát triển điện gió và điện Mặt trời, phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước. 

Đã có 4 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án và được chấp thuận, trong đó có dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành. Những “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” đang dần trở thành những “cánh đồng năng lượng” ngút ngát, những khu du lịch hấp dẫn khu khách trong và ngoài nước.

Vậy đó quê tôi, nghị lực kiên gan cùng tinh thần “lãng mạn quê choa” đã làm nên những kỳ tích trong đấu tranh giành giật sự sống với bom đạn của kẻ thù và khắc nghiệt của thiên nhiên. Và mùa xuân như là sự đền bù của trời đất cho những người dân chịu thương chịu khó quê tôi, đến hẹn đã về! Kìa cây lộc vừng xù xì gầy guộc trên bến sông quê, sáng nay đã bừng lên trong nắng ấm những mơn mởn chồi non lá biếc.../.

4 March 2024