Con đường và sự đổi thay “ốc đảo” Hà Loan
Dương TrườngMột thời gian khó
Về thôn Hà Loan vào một buổi chiều tháng 10-2024, sau khi cơn bão số 3 càn quét qua tỉnh Quảng Ninh chừng 1 tháng. Từ trung tâm xã Cộng Hòa, chúng tôi đến thôn Hà Loan trên con đường bê-tông uốn lượn qua những quả đồi trồng keo, sim, mua, bằng lăng... Thi thoảng, bắt gặp một số cây đổ rạp nằm phơi mình trong cái nắng hanh của chiều cuối thu tĩnh lặng.
Con đường bê-tông rộng tầm 3m, hai bên được xây kè kiên cố cho thấy sự vững chãi trước sóng cả, gió to. Những cọc tiêu 2 bên được sơn màu trắng, bên trên màu đỏ thẳng tắp. Bước đến thôn Hà Loan là một cổng chào thiết kế rất đẹp, hình vòng cung, hai đầu đua ra những mũi thuyền trước sóng đứng sừng sững oai nghiêm.
Con đường trục bê-tông chạy thẳng tắp trong thôn, ven đường có hàng rào bằng tre gối lên nhau. Những hàng hoa đang nở đủ mầu sắc. Những ngôi nhà cấp 4 mái Thái kiên cố nằm lấp ló trên những quả đồi thấp; bên dưới thấp là cánh đồng lúa xanh mướt đang vươn mình trổ bông. Hà Loan thanh bình khác hoàn toàn với sự ồn ào tấp nập đô thị hóa ở nhiều vùng nông thôn.
Dừng chân tại ngôi nhà mái bằng nằm ở trục đường chính của thôn, anh cán bộ dẫn đường tên Nam nói, đây là nhà của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Trương Văn Bình. Không giống như nhiều người miền biển, anh Bình có nước da trắng, giọng nói nhẹ nhàng, thoạt nhìn không ai nghĩ đã 51 tuổi.
Anh Bình cho biết, cuộc sống ở Hà Loan đã đổi thay nhiều. Từ khi Đảng, Nhà nước quan tâm làm con đường nối thẳng ra đảo đã mang lại cho vùng đất này diện mạo mới. Trước đây, khi chưa có đường, việc vận chuyển hàng hóa, vật dụng vô cùng khó khăn.
Chiều dài giữa thôn Hà Loan với đất liền chỉ khoảng 1km, nhưng đó là khoảng cách vời vợi. Việc đi lại thông thương vận chuyển hàng hóa ra đây khó khăn, nhất là vật liệu xây dựng có thể đội giá gấp 2 - 3 lần.
Đặc biệt là việc đưa người ốm đau, cấp cứu, khi nước lên thì chạy thuyền, lúc nước xuống phải huy động thanh niên thay nhau cáng qua bãi đầm; có những đoạn bùn sâu đến ngang hông, vận chuyển mất rất nhiều thời gian, có trường hợp nguy kịch cả tính mạng.
Học sinh mầm non, tiểu học thì học tại điểm trường trong thôn, nhưng khi lên trung học cơ sở phải vào trong trường chính học... Kể đến đây, anh Bình không thể diễn tả hết những khó nhọc mà thôn Hà Loan trải qua khi chưa có đường nối với đất liền.
Vào giai đoạn trước năm 2008, số đảng viên ở thôn Hà Loan không đủ để thành lập một chi bộ, đảng viên của thôn phải sang sinh hoạt tại chi bộ thôn Sơn Hải. Từ năm 2008 trở lại đây, khi số lượng đảng viên tăng, chi bộ thôn Hà Loan được thành lập, bảo đảm sinh hoạt theo quy định.
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hà Loan Trương Văn Bình cho biết, Chi bộ thôn Hà Loan hiện có 7 đảng viên, hệ thống chính trị của thôn đầy đủ 5 đoàn thể và 8 chức danh theo quy định. Băn khoăn nhất hiện nay là công tác phát triển đảng, vì các cháu đi học, đi làm công nhân sinh sống ở địa bàn khác không thường xuyên ở địa phương. Tuy nhiên, chi bộ sẽ phấn đấu cố gắng phát triển đảng theo chỉ tiêu.
Sinh hoạt hằng tháng, Chi bộ thôn Hà Loan thường xuyên quán triệt các nghị quyết của đảng, giao nhiệm vụ cho từng đảng viên để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Do đó, thời gian qua, toàn thôn đã phát huy được tinh thần đoàn kết, cùng nhau ra sức thi đua lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Thôn Hà Loan hiện có 74 hộ dân với gần 300 nhân khẩu của 5 dân tộc, gồm: Kinh, Sán Dìu, Tày, Hoa, Dao; phần lớn là người Kinh và Sán Dìu. Người dân sống bằng nghề làm ruộng năm 2 vụ lúa, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Theo Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Trương Văn Bình, người dân tuy chưa có sự bứt phá lớn trong phát triển kinh tế nhưng đời sống ổn định, thôn có vài hộ thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm, chủ yếu kinh doanh tổng hợp, nuôi trồng thủy sản.
Đơn cử hộ ông Châu Quốc Tuấn (52 tuổi) là hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế vươn lên làm giàu. Ông Tuấn cho biết: “từ khi làm con đường từ thôn Hà Loan ra bên ngoài phá vỡ thế độc đạo “ốc đảo” này. Nắm bắt được cơ hội đó, gia đình tôi đã mở kinh doanh mặt hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu của bà con trong thôn. Với truyền thống nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của người dân trong thôn, tôi thu mua của bà con cung cấp cho các nhà hàng tại địa bàn. Giờ đây điều kiện kinh tế của gia đình có của ăn của để, doanh thu khoảng 600 triệu đồng/năm”.
Được biết, năm 2024, thôn Hà Loan không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Phát triển du lịch sinh thái, tại sao không?
Thôn Hà Loan nằm ở phía Đông của xã Cộng Hòa, sát với xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn). Hà Loan có diện tích tự nhiên khoảng 300ha, được ví như “cái mâm khổng lồ” nằm nhô trên cánh rừng ngập mặn rộng lớn. Hà Loan vốn có tên gọi cũ là làng Hà Giụm, được thiên nhiên ban tặng tiềm năng, lợi thế không phải nơi đâu cũng có, như hồ nước ngọt, rừng ngập mặn, đồi sim, nguồn lợi thủy sản...
Theo lịch sử của làng, vào năm 1823 một nhóm người phát hiện ra đảo có đồng ruộng nhưng không có người sinh sống đã rủ nhau đến định cư tại đây. Sau đó, những người đến đây xây dựng miếu Hà Giụm để làm nơi thờ cúng thành hoàng làng, cầu nguyện bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngôi miếu hiện là nơi sinh hoạt cộng đồng và giáo dục đạo đức cho người dân.
Ông Trương Văn Hồng (76 tuổi, dân tộc Sán Dìu) - người uy tín của thôn Hà Loan - cho biết, gia đình ông sinh sống ở đây nhiều đời. Từ thời các cụ truyền lại rằng, Hà Loan là vùng đất địa linh trong lành để con người sinh sống phát triển, nên đã chuyển từ vùng đất Đầm Hà (ngày nay) về đây an cư lập nghiệp.
Dù thủy triều dâng hay bão to nhưng Hà Loan không bao giờ bị ngập. Ngay cả cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, nhiều thôn, nhiều làng trong xã bị thiệt hại, nhưng Hà Loan chỉ có vài cây đổ, mức thiệt hại không đáng kể.
Nhận thấy những lợi thế sẵn có, đầu năm 2024, người dân làm đơn đề nghị thành lập làng du lịch cộng đồng thôn Hà Loan. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Trương Văn Bình cho biết đã trực tiếp khảo sát tại các địa phương triển khai thành công mô hình du lịch cộng đồng, như: mô hình du lịch cộng đồng làng quê xã Yên Đức (thị xã Đông Triều), làng du lịch cộng đồng Sơn Dương (thành phố Hạ Long)...
Qua thực tế khảo sát thấy rằng, mô hình du lịch cộng đồng là loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch, hình thành và phát triển dựa trên cơ sở văn hóa do chính cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức và thụ hưởng. Nguồn thu từ du lịch cộng đồng vừa giúp người dân có thêm thu nhập, phát triển kinh tế bền vững vừa góp phần bảo tồn thiên nhiên và các giá trị văn hóa của địa phương.
Dẫn chúng tôi đến thăm một số khu vực nằm trong Đề án làng du lịch cộng đồng thôn Hà Loan, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Trương Văn Bình chỉ hồ nước ngọt có diện tích rộng khoảng vài héc-ta hiện cung cấp nước ngọt phục vụ trồng lúa nước và sẽ được cải tạo thành khu du lịch, đạp vịt...
Hay khu vực hồ sen sẽ thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng giúp du khách du ngoạn ngắm cảnh; khu vực miếu Hà Giụm sẽ được đầu tư, cải tạo, nâng cấp thành nơi du lịch tâm linh, xây dựng lễ hội theo phong tục văn hóa mang đặc trưng địa phương. Thôn tận dụng khu vực tiếp giáp biển là bãi chiều tổ chức trải nghiệm đánh bắt hải sản, câu cá, chèo thuyền kayak và hoạt động thể thao dưới nước...
Trong khi đó, ông Trương Văn Hồng bày tỏ, người dân rất mong muốn xây dựng phát triển làng du lịch cộng đồng thôn Hà Loan. Ông Hồng chỉ vào ngôi nhà cấp 4 kiên cố đang để không, bảo rằng, “ngôi nhà này tôi đang định sửa chữa lại cho khang trang để du khách đến nghỉ ngơi, trải nghiệm thăm đảo, tìm sự cân bằng”.
Nói về việc phát triển du lịch cộng đồng, bà Triệu Thị Minh (70 tuổi) đang thu gom rác thải trên con đường trục thôn hồ hởi cho rằng, người dân mong muốn thôn Hà Loan sẽ thu hút được nhiều du khách. Con đường bê-tông rất thích hợp cho du khách đi xe đạp trải nghiệm các khu vực trong thôn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cộng Hòa Điệp Văn Nguyên cho biết: quan điểm của địa phương mong muốn thôn Hà Loan phát triển mô hình du lịch sinh thái để người dân được thụ hưởng những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Điều đó mới phát triển du lịch bền vững./.