11/11/2024 | 05:13 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bước chuyển mới về quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học

Vũ Toàn
Bước chuyển mới về quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học Ông Thái Cảnh Toàn (giữa) giám sát việc lắp đặt máy ảnh bẫy thú rừng_Ảnh: V.T
Vẫn câu chuyện về bảo vệ rừng và thú quý ở nước ta, nhưng đây là một bước chuyển mới đến từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) với Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam” (VFBC). Chúng tôi tiếp cận Vườn quốc gia Vũ Quang - Vườn Di sản ASEAN ở miền Tây tỉnh Hà Tĩnh để hiểu thêm về bước chuyển ấn tượng này.

Dự án vì tương lai của đại ngàn và muông thú

Dự án do USAID tài trợ, tổng vốn 646.082 triệu đồng (tương đương 27,87 triệu USD). Cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ban quản lý các dự án lâm nghiệp làm chủ dự án. Dự án thực hiện trong 6 năm (2021 - 2026). 

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, dự án đã trải qua nửa chặng đường tại 11 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (Vườn quốc gia Vũ Quang), Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng và 3 vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm Nghiệp (Cúc Phương, Bạch Mã, Cát Tiên).

Anh Nguyễn Việt Hùng - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Vũ Quang - cho hay, mục tiêu tổng quát của dự án cô đọng trong 2 ý chính: một, giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ carbon trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng trồng của Việt Nam; hai, bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu vực rừng có giá trị cao về đa dạng sinh học của quốc gia. 

Theo đó, có 5 mục tiêu cụ thể: một, giảm phát thải khí nhà kính do chuyển đổi và suy thoái rừng tự nhiên; hai, tăng hấp thụ carbon thông qua quản lý bảo vệ rừng và quản lý tốt hơn rừng trồng sản xuất; ba, cải thiện chất lượng, đa dạng sinh học và năng suất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; bốn, duy trì và tăng cường chất lượng rừng ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao; năm, bảo vệ và cân bằng các quần thể động vật hoang dã ở các vườn quốc gia, các khu bảo tồn loài và sinh cảnh tại các tỉnh có giá trị bảo tồn cao.

Tìm hiểu thực chất hoạt động dự án, chúng tôi phấn khích bởi ngoài việc cải thiện quản lý rừng cộng đồng dân cư, quản lý rừng có sự tham gia của người dân, hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cộng đồng địa phương để tham gia hiệu quả việc quản lý rừng, thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng sống phụ thược vào rừng..., dự án còn đặc biệt quan tâm đến việc tạo cơ hội chuyển nghề cho thợ săn và người khai thác gỗ bất hợp pháp. 

Đây là vấn nạn nhức nhối gây rất nhiều bức xúc xã hội. Chúng tôi xem đây là nội dung cốt lõi nhất của dự án để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Dự án còn đưa ra mục tiêu tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã; đánh giá thực trạng để giải quyết tận gốc các động cơ của nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép ở cấp độ vùng, liên vùng...

Đội tháo gỡ bẫy thú

Vườn quốc gia Vũ Quang đón nhận Dự án VFBC với kinh nghiệm và tư thế của Vườn Di sản ASEAN. Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quyết định thành lập Ban quản lý dự án VFBC tỉnh Hà Tĩnh (BQLDA VFBC) trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh.

Anh Đinh Trọng Hoàng - cán bộ trẻ của Phòng khoa học Vườn quốc gia Vũ Quang - nêu bước chuyển mới đến từ dự án, bắt đầu từ công việc bám sát các mục tiêu của VFBC trên 11 tỉnh và 3 vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm Nghiệp như nêu trên. BQLDA VFBC Hà Tĩnh dồn tâm sức vào mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học. 

Cụ thể, duy trì và nâng cao chất lượng rừng bằng việc tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã nhằm bảo vệ và ổn định quần thể động vật hoang dã của vùng dự án tập trung tại Vườn quốc gia Vũ Quang.

Mục tiêu của nhiệm vụ này là hoạt động gỡ bẫy thú của những người chuyên hành nghề săn bắt, bẫy động vật hoang dã. Anh Hoàng cho hay, đội tuần tra, gỡ bẫy thú được chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm gồm 1 cán bộ kỹ thuật, 1 kiểm lâm địa bàn và 3 người dân địa phương dẫn đường. Trong đó, cán bộ kỹ thuật làm nhóm trưởng. 

Ông Vương Khả Sơn - Phó Hạt trưởng của Vườn - phụ trách chung 3 nhóm. Tất cả các nhóm đều “đóng” lán trong rừng thường xuyên. Bình quân mỗi tháng, các nhóm thay nhau đi 13 ngày để theo sát từng bẫy thú rình rập ngày đêm trong diện tích rộng lớn 57.000ha thuộc Vườn. 

“Nhiệm vụ này của chúng tôi nhằm giảm thiểu tối đa mối đe doạ sinh học từ từng bẫy thú ác nghiệt. Nhiệm vụ đã được ký kết trong các biên bản với Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học của Dự án VFBC quản lý”, anh Hoàng nhấn mạnh.

Giai đoạn 2021 - 2023, đội tháo gỡ bẫy thú đã có 114 ngày đi tuần tra trong 21 đợt. Số đường rừng đi tuần tra lên tới hơn 112.000km với 164.761 giờ. Kết quả, 518 bẫy thú được phát hiện, tháo dỡ; 8 lán trại của người cài bẫy bị phá hủy. 

Anh Hoàng cho biết thêm: “ngoài việc tuần tra, tháo gỡ bẫy thú, các nhóm công tác còn hướng dẫn, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng thuộc các vùng đệm, tiếp tục tuyên truyền về ý thức bảo vệ động vật hoang dã là nhiệm vụ chung của mọi người”.

Mạng lưới bẫy ảnh, bẫy thú

Cùng với đội tháo gỡ bẫy thú, đội bẫy ảnh, bẫy thú cũng được tiếp sức với cường độ, quy mô cao hơn hẳn so với trước đây. Đó là một hệ thống mạng lưới bẫy ảnh, bẫy thú được xây dựng bởi 3 nhóm kỹ thuật thực địa. Mỗi nhóm có 1 cán bộ tư vấn của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD), 5 cán bộ kỹ thuật và kiểm lâm địa bàn. 

Từ tháng 10-2021 đến tháng 7-2023, bẫy ảnh, bẫy thú được “cài” đặt tại 85 điểm trong toàn diện tích của Vườn quốc gia Vũ Quang. Các nhóm đã triển khai 33 đợt, 271 ngày thực địa tại các khu vực dự đoán có nhiều thú quý. Đó là những vùng núi non hiểm trở, giáp ranh biên giới Việt Nam - Lào có độ cao trung bình 100 - 200m so với mực nước biển. 

Anh Hoàng kể: “tại những vùng rừng phức tạp về địa hình như thế này, thời tiết cũng vô cùng “đa đoan”. Ví như, trời mưa rất nhiều về mùa khô khiến dốc rừng trơn trượt trên những nẻo rừng cheo leo”.

Tác nghiệp trong môi trường khắc nghiệt, những thành viên của Vườn quốc gia Vũ Quang phải thực sự vượt khó, thực sự kiên gan trong gian khổ mới có thể đặt những chiếc máy ảnh tại vị trí có thể bẫy được nhiều thú quý. 

Tháng 5-2023, anh Phạm Văn Sơn - cán bộ CCD - đang cần mẫn gùi trang thiết bị và đồ dùng cá nhân leo rừng thì bị con rắn lục đuôi đỏ cắn vào bắp chân. 

Vụ tai nạn hiểm nguy khiến anh em trong nhóm thay nhau cõng bộ ròng rã 20 cây số đường rừng mới đến trạm kiểm lâm để sơ cứu rồi tiếp tục chuyển ra ngoài để điều trị tại bệnh viện. Rất may, 5 tháng sau, anh Sơn đã được cứu sống.

Bàn sâu thêm về bước chuyển ấn tượng của hoạt động bẫy ảnh, bẫy thú, ông Thái Cảnh Toàn - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang, người từng bám sát các nhóm bẫy ảnh, bẫy thú trong rừng sâu - nêu nhận định gan ruột: “gian nan lắm, vất vả lắm mới đặt được một cái bẫy ảnh ưng ý. Ưng ý là bởi tại các điểm rừng hoang vu, hiểm hóc - nơi có thể bẫy được ảnh của loài động vật hoang dã bí ẩn hoặc quý hiếm - để yên tâm đặt một cái bẫy ảnh tại địa điểm ưng ý, cán bộ khoa học, kiểm lâm Vườn phải dò xét từng dấu vết chân con thú từng “bước” qua đây (có khi dấu chân rất mờ, nằm khuất dưới những chiếc lá mục). Sau khi thiết lập xong hệ thống bẫy ảnh, các nhà nghiên cứu không cần có mặt bởi các dữ liệu hình ảnh của thú rừng do những máy ảnh này “bẫy” được dựa trên cảm biến hồng ngoại sẽ đưa ra đánh giá hiện trạng con thú, loài thú tại khu vực và toàn diện tích lâm phận”.

Kể chuyện đặt máy bẫy ảnh, bẫy thú, ông Toàn nói vẻ từng trải: tại một điểm, khoảng cách giữa 2 máy ảnh là 20m. Hai máy hướng về 2 phía khác nhau. Bẫy ảnh được đặt trong rừng khoảng 60 - 80 ngày tại mỗi điểm/mỗi đợt. 

Dữ liệu sẽ được quản lý bằng cách sử dụng, kết hợp cấu trúc thư mục logic được copy từ thẻ nhớ các máy bẫy ảnh và máy tính theo thứ tự (số điểm bẫy ảnh - tên bẫy ảnh - hình ảnh), sau đó nhập dữ liệu cho cán bộ khoa học đầu mối của đơn vị. Việc phân tích dữ liệu hình ảnh dựa trên sự phối hợp của cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang và chuyên gia định loài phân tích dữ liệu. Các phần mềm định danh được phép sử dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Tại 85 điểm trong 57.000ha Vườn rừng Vũ Quang đã thu được 263.384 bức ảnh được định danh trên nền tảng kỹ thuật của Wildlife Insights (WI) dựa trên điện toán đám mây của Google, có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI). Phương pháp định danh bằng WI cho phép thực hiện cùng lúc với tất cả các dữ liệu hình ảnh từ các thiết bị bẫy ảnh, kết quả chính xác nhờ sự kết hợp giữa công nghệ máy tính và kiến thức chuyên gia. Toàn bộ dữ liệu có tính bảo mật cao.

Ông Toàn nêu kết quả như một ấn tượng của bước chuyển mới của dự án: “đến thời điểm hiện tại, ghi nhận 58 loài thú và chim, trong đó có 27 loài nguy cấp, 9 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn (trong 14 loài chỉ thị đặc hữu của dãy Trường Sơn thì bẫy ảnh của Vườn quốc gia Vũ Quang ghi nhận được 9 loài”. Hy vọng, Vườn quốc gia Vũ Quang sẽ tạo thêm nhiều bước chuyển mới, mang đến những hữu ích đích thực trước mắt./.

11 July 2024