Vẫn chưa có hồi kết cho cuộc xung đột Nga - Ukraina
Nguyễn Quang Khai
Để giải quyết cuộc xung đột, năm 2014, chính quyền Ukraina và những người ly khai ở Donbass đã ký Thỏa thuận Minsk-1. Năm 2014, Đức, Nga, Pháp và Ukraina ký “Định dạng Normandy” tại Thủ đô Paris (Pháp). Năm 2015, Nga, Ukraina và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) gồm 56 nước đã ký Thỏa thuận Minsk-2.
Theo các thỏa thuận này, Ukraina sẽ trao cho 2 khu vực Donetsk và Luhansk quy chế đặc biệt và quyền tự quyết đáng kể, các bên đồng ý ngừng bắn, tiến hành thương lượng để tìm ra giải pháp đáp ứng lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Tám năm trôi qua, các thỏa thuận này đã không được thực hiện do Mỹ, các nước châu Âu và Ukraina không tôn trọng thỏa thuận. Mặt khác, mặc dù đã cam kết với Nga không mở rộng về phía Đông, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại kết nạp một loạt nước Đông Âu và sẵn sàng kết nạp Ukraina, triển khai các vũ khí chiến lược giáp biên giới với Nga.
Nga cho rằng, việc sử dụng Ukraina như một “công cụ” để đối đầu Nga là một mối đe dọa rất lớn đối với an ninh của Nga, và đây là việc không thể chấp nhận được. Vì vậy, để bảo đảm an ninh quốc gia, ngày 24-2-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraina, mục tiêu là “phi quân sự hóa”, “phi phát xít hóa”, ngăn cản Ukraina gia nhập NATO.
Tình hình xung đột 2 năm qua
Trên thực tế, về bản chất, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraina thực chất là cuộc xung đột giữa Nga và 31 nước thành viên NATO, do Mỹ đứng đầu. Kể từ khi bùng nổ xung đột, các nước phương Tây đã viện trợ cho Ukraina lên tới 203 tỷ USD.
Còn NATO đã cung cấp cho Ukraina các loại vũ khí hiện đại nhất, gồm hơn 2.000 đơn vị tên lửa và pháo binh, hơn 200 hệ thống phòng không, hơn 5.200 xe tăng, xe bọc thép và 23.000 máy bay không người lái (UAV). Các loại vũ khí hiện đại nhất từ hệ thống tên lửa Patriot, Storm Shadow, HIMARS, xe tăng Leopard-2, Abrams, Challenger,... đến máy bay F-16 đã và đang được “đổ” vào Ukraina.
Về quân sự, năm 2023, Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraina là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia (khoảng 20% lãnh thổ Ukraina). Ngày 20-5-2023, Nga quản lý được toàn bộ Bakhmut. Ngày 17-2-2024, Nga giành quyền kiểm soát thêm thành phố chiến lược Avdeevka và lực lượng Nga đang mở rộng nhiều cuộc tấn công trên các mặt trận.
Giai đoạn đầu, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây, Ukraina đã đẩy lùi được một số cuộc tấn công của Nga, gây cho Nga không ít thiệt hại và khó khăn. Tuy nhiên, sau đó Ukraina càng gặp khó khăn do Mỹ và phương Tây cắt giảm viện trợ. Cuộc phản công của quân đội Ukraina vào mùa hè năm 2023 đã không đạt được kết quả và mới đây, Ukraina đã phải rút lui khỏi thành phố Avdeevka và một số khu vực khác.
Ở châu Âu, nhiều cuộc biểu tình bùng phát, đòi chính phủ phải giải quyết các vấn đề trong nước trước khi ủng hộ Ukraina. Theo kết quả thăm dò dư luận của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), hiện chỉ còn 10% trong tổng số người dân châu Âu tin vào chiến thắng của Ukraina (so với con số 61% khi bùng nổ xung đột). |
Về chính trị, Nga phá vỡ được thế cô lập nhờ Chính sách hướng Đông, mở rộng quan hệ với những nước bạn bè truyền thống. Đặc biệt, Nga thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, các nước vùng Vịnh, châu Phi, Mỹ Latin, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)...
Trong nước, Chính phủ Nga, Duma Quốc gia Nga, Hội đồng An ninh quốc gia Nga, Hội đồng Liên bang Nga, các đảng phái chính trị của Nga,... có sự nhất trí cao đối với chiến dịch quân sự ở Ukraina. Người dân Nga có sự đoàn kết, ủng hộ chính quyền Tổng thống V. Putin. Theo kết quả thăm dò ý kiến, hơn 80% số người dân Nga ủng hộ chiến dịch này.
Trong khi đó, giữa Mỹ và châu Âu đã xuất hiện nhiều bất đồng do Mỹ lợi dụng tình hình cấm vận Nga, bán khí đốt cho châu Âu với giá cao. Tại Mỹ, bất đồng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về việc viện trợ cho Ukraina ngày càng trở nên gay gắt. Các nước châu Âu cũng bắt đầu chia rẽ trong việc hỗ trợ cho Ukraina, biểu tình đang diễn ra tại nhiều nước châu Âu để chống lại việc các sản phẩm nông nghiệp Ukraina tràn vào châu Âu và đòi chính phủ giải quyết các khó khăn về đời sống cho người dân châu Âu.
Ukraina gặp nhiều thách thức không chỉ về kinh tế mà còn do những khó khăn trong nội bộ nước này.
Về kinh tế, Mỹ và phương Tây áp đặt hơn 18.000 lệnh trừng phạt khốc liệt chưa từng có đối với Nga khiến nền kinh tế Nga phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn đứng vững nhờ vào nguồn thu nhập dầu mỏ và khí đốt đem lại hơn 320 tỷ USD/năm và thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước.
Có thể nói, các lệnh trừng phạt chống Nga đã không phát huy được hiệu quả mong muốn. Năm 2023, tỷ trọng hợp tác thương mại Nga - Trung Quốc đạt mức kỷ lục 220 tỷ USD, với Thổ Nhĩ Kỳ đạt 62 tỷ USD, với Ấn Độ đạt gần 40 tỷ USD. Hợp tác với Iran, các nước vùng Vịnh được đẩy mạnh, đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Quan hệ với các nước thế giới thứ ba, BRICS và SCO được tăng cường. Nhiều biện pháp đối phó với lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây, trong đó có việc sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán, được nhiều nước ủng hộ.
Hai năm qua, nền kinh tế Nga không những đã đứng vững mà còn phát triển. Năm 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mặc dù dự báo kinh tế Nga chỉ tăng trưởng ở mức 2,6%, nhưng thực tế đã đạt 3,6% và năm 2024 dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng và đạt mức 4,1%.
Trong khi đó, kinh tế châu Âu gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của các tổ chức kinh tế thế giới, nền kinh tế châu Âu thiệt hại trực tiếp hơn 200 tỷ euro và gián tiếp khoảng 1.000 tỷ USD do giá năng lượng tăng. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, kinh tế Liên minh châu Âu (EU) mất đà tăng trưởng trong năm 2023 và hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của cả khối trong năm 2024 từ mức 0,8% xuống 0,6%.Chiều hướng xung đột thời gian tới
Trước bối cảnh mới phức tạp hiện nay, chưa thể dự đoán khi nào cuộc xung đột Nga - Ukraina kết thúc. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị và quân sự cho rằng, việc Ukraina giành chiến thắng trước Nga là điều khó xảy ra nếu không muốn nói là không thể. Thời gian tới, cuộc xung đột có thể diễn ra theo một số kịch bản sau:
Một là, Ukraina phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ và phương Tây. Nếu nguồn viện trợ này bị cắt giảm, Ukraina sẽ gặp nhiều khó khăn về vũ khí, đạn dược và sẽ phải rút về phòng thủ. Hiện nay, Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát đang tìm cách ngăn cản gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraina. Tương lai cuộc chiến có thể sẽ được định đoạt vào cuối năm 2024, khi bầu cử Tổng thống Mỹ ngã ngũ. Nếu ông D. Trump thắng cử, có khả năng sẽ giải quyết được cuộc xung đột.
Hai là, tiếp đà thắng lợi sau khi kiểm soát được 2 thành phố Bakhmut và Avdeevka, các lực lượng Nga đang tập trung gây sức ép trên các mặt trận, mở các cuộc tấn công mới theo hướng Tây, nhằm vào Rabutino, Kharkov, Zaparogia, Nikolaev.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev khẳng định, không loại trừ khả năng Nga có thể quay trở lại hướng Thủ đô Kiev và thành phố Odessa, nơi đặt các cơ quan đầu não của Ukraina. Nếu Mỹ và châu Âu tiếp tục duy trì viện trợ cho Ukraina, Nga sẽ phải tính đến khả năng kéo dài cuộc chiến.
Mặc dù quan điểm các bên còn nhiều khác biệt, Nga, Ukraina và một số nước châu Âu đã bắt đầu mong muốn đàm phán, bởi đàm phán là biện pháp duy nhất để chấm dứt đổ máu và tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột, bảo đảm được lợi ích của các bên liên quan.
Trước đó, ngay sau khi bùng nổ xung đột, ngày 28-2-2022, Nga và Ukraina đã tổ chức 3 phiên đàm phán trực tiếp tại Belarus và sau đó, ngày 29-3-2022 đàm phán đã được nối lại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Các cuộc đàm phán đều đạt được kết quả tích cực.
Đoàn Ukraina đã trao cho phía Nga một văn bản đề xuất về thỏa thuận hòa bình có chữ ký của Trưởng đoàn David Arakhamia, trong đó Ukraina đồng ý quy chế trung lập, phi hạt nhân hóa và không tham gia các khối quân sự. Đáp lại, phía Nga quyết định giảm bớt các hành động quân sự ở các hướng Kiev và Chernigov. Tổng thống V. Zelensky lúc đó đã nói, đàm phán là biện pháp duy nhất để giải quyết các vấn đề trong quan hệ với Nga. Tuy nhiên, do Mỹ và phương Tây ngăn cản, thỏa thuận này đã không được ký kết.
Có thể thấy rằng, hồi kết của cuộc xung đột Nga - Ukraina vẫn chưa thể đoán định rõ bởi còn nhiều thách thức từ mỗi bên, nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi phải giải quyết không chỉ một sớm, một chiều. Cuộc xung đột này sẽ không chỉ còn là câu chuyện của Nga, Ukraina, Mỹ, châu Âu, mà còn là câu chuyện của toàn thế giới./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn




