21/09/2024 | 08:11 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Palestine: Gian nan trên con đường tiến tới tư cách thành viên chính thức của Liên hợp quốc

Đình Hùng
Palestine: Gian nan trên con đường tiến tới tư cách thành viên chính thức của Liên hợp quốc Phó Đại diện thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc Robert Wood bỏ phiếu phủ quyết dự thảo Nghị quyết đề nghị công nhận Palestine là thành viên chính thức của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ngày 18-4
Ngày 28-5-2024, sự kiện 3 nước châu Âu là Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha chính thức công nhận Nhà nước Palestine, đã đưa con số các quốc gia công nhận nhà nước này lên 146/193 nước thành viên Liên hợp quốc. Trước đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Mặc dù vậy, con đường trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc đối với Nhà nước Palestine còn rất nhiều gian nan.

Lịch sử đấu tranh lâu dài

Palestine nằm ở khu vực Trung Đông - vùng đất có vị trí địa - chiến lược quan trọng trên thế giới, với nhiều tôn giáo khác nhau, chứa đựng nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào, nhưng tồn tại những tranh chấp vô cùng phức tạp. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, khu vực Trung Đông là vùng đất chịu ảnh hưởng của Đế chế Ottoman và các nước thực dân châu Âu như Anh, Pháp. 

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ngày 29-11-1947, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết xóa bỏ quyền ủy trị của Anh ở Palestine và chia cắt vùng đất Palestine thành 2 quốc gia độc lập, của người Arab (là Nhà nước Palestine) và người Do Thái. 

Ngày 14-5-1948, Nhà nước Do Thái được thành lập lấy tên là Israel nhưng không được các nước Arab công nhận. Nhiều cuộc chiến tại khu vực Trung Đông đã diễn ra kể từ thời điểm đó, cùng hàng chục cuộc đụng độ, xung đột khác nhau.

Về mặt pháp lý, Palestine là một quốc gia có chủ quyền tại khu vực Trung Đông, được đa số các nước thành viên Liên hợp quốc công nhận. Tuy nhiên, hầu hết các khu vực mà Nhà nước Palestine tuyên bố có chủ quyền đều đã bị Israel kiểm soát kể từ cuộc Chiến tranh 6 ngày (năm 1967). 

Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab năm 1974 xác định, Tổ chức Giải phóng Palestine là đại biểu hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine và được xác nhận quyền lợi hợp pháp để thành lập cấp bách một nhà nước độc lập. Nền độc lập của Nhà nước Palestine được Tổ chức Giải phóng Palestine tuyên bố vào ngày 15-11-1988.

Trong Hiệp định Oslo năm 1993, Israel thừa nhận đoàn đàm phán của Tổ chức Giải phóng Palestine là “đại biểu của nhân dân Palestine”; đổi lại, Tổ chức Giải phóng Palestine công nhận quyền tồn tại hòa bình của Israel. 

Các cuộc đàm phán về một giải pháp 2 nhà nước cho cuộc xung đột Trung Đông đã được thúc đẩy mạnh mẽ sau Hiệp định Oslo. Việc tiến tới tư cách thành viên chính thức Liên hợp quốc của Palestine cũng đã có nhiều tiến triển. 

Ngày 29-11-2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết số 67/19 nâng cấp Nhà nước Palestine lên vị thế “Nhà nước quan sát viên phi thành viên” tại Liên hợp quốc. Sự kiện này được xem như việc công nhận thực tế chủ quyền quốc gia của Palestine.

Những khó khăn, trở ngại

Ngày 10-5-2024, tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt về tình hình Trung Đông và vấn đề Palestine, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về việc trao thêm một số quyền cho Palestine với tư cách Nhà nước quan sát viên của Liên hợp quốc. 

Theo nghị quyết mới được thông qua, kể từ khóa 79 của Đại hội đồng (tháng 9-2024), đoàn đại biểu Palestine sẽ được đặc cách hưởng thêm một số quyền lợi tương tự quốc gia thành viên khi tham dự các phiên họp, hội nghị do Đại hội đồng và một số cơ quan khác của Liên hợp quốc tổ chức. 

Theo đó, đoàn Palestine sẽ được quyền thay mặt các nhóm nước phát biểu, giới thiệu và đồng bảo trợ các đề xuất; quyền ứng cử vào một số vị trí tại phiên họp toàn thể và các ủy ban chính của Đại hội đồng... 

Nghị quyết mới của Đại hội đồng tái khẳng định quyền tự quyết của nhân dân Palestine và đánh giá Nhà nước Palestine đã đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Nghị quyết cũng khuyến nghị Hội đồng Bảo an xem xét lại một cách thuận lợi việc kết nạp Palestine theo quy định tại Điều 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, nhấn mạnh sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên đối với nguyện vọng chính đáng này của nhân dân Palestine.

Tại phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc và hầu hết các nước thành viên bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với tình hình xung đột và nhân đạo tại Dải Gaza cũng như những diễn biến phức tạp gần đây ở khu vực; đánh giá nghị quyết mới được thông qua là bước đi quan trọng để hướng tới việc kết nạp Palestine làm thành viên chính thức của Liên hợp quốc, góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện giải pháp “2 nhà nước” để đạt được hòa bình lâu dài và bền vững ở khu vực Trung Đông. 

Sự kiện 3 nước châu Âu là Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha vừa qua chính thức công nhận Nhà nước Palestine sẽ thúc đẩy thêm nhiều quốc gia công nhận Nhà nước Palestine. Tuy nhiên, con đường đi đến hòa bình Trung Đông vẫn còn gặp vô số trở ngại, khó khăn.

Thứ nhất, xung đột, bạo lực vẫn thường xuyên xảy ra. Lịch sử mâu thuẫn chồng chất và dai dẳng giữa người Israel và người Palestine kéo dài hàng thập niên qua, cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát ngày 7-10-2023 và vẫn đang tiếp diễn, gây ra thảm họa nhân đạo tồi tệ với người dân, khiến việc đàm phán về giải pháp “2 nhà nước” ngày càng khó khăn.

Thứ hai, sự phản ứng của Nhà nước Do Thái. Phản ứng gay gắt của Israel đối với Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha sau việc các quốc gia này công nhận Nhà nước Palestine càng cho thấy, đến nay vẫn chưa có áp lực nào đủ lớn có thể tác động để Israel thay đổi lập trường, quan điểm cứng rắn về giải pháp “2 nhà nước”.

Thứ ba, quan điểm của các nước lớn, trong đó đáng chú ý là Mỹ - Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mặc dù tuyên bố ủng hộ giải pháp “2 nhà nước”, song Mỹ cho rằng giải pháp này cần được thực hiện thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên chứ không phải thông qua sự công nhận đơn phương của từng quốc gia. 

Điều đó có nghĩa, cho dù có thêm các nước thành viên Liên hợp quốc công nhận Nhà nước Palestine cũng chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, không mang tính quyết định đến việc Nhà nước Palestine được chấp thuận trở thành thành viên chính thức Liên hợp quốc. 

Trên thực tế, Mỹ vẫn là bên ủng hộ cho Israel bằng cách viện trợ vũ khí và ngăn cản các nghị quyết của Hội đồng Bảo an công nhận Palestine là thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Ngày 18-4-2024, Mỹ dùng quyền phủ quyết để một lần nữa ngăn chặn nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên quan tới việc ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. 

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, điều kiện tiên quyết cho việc kết nạp một thành viên mới phải được Hội đồng Bảo an thông qua trước khi đệ trình Đại hội đồng quyết định.

Ngày 13-5-2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục họp phiên khẩn cấp đặc biệt về hình hình Trung Đông và vấn đề Palestine. Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc - tuyên bố, Việt Nam đồng tài trợ và ủng hộ nghị quyết lịch sử của Đại hội đồng; khẳng định Việt Nam sẽ sát cánh với Palestine trong việc thực hiện quyền tự quyết bất khả xâm phạm và ủng hộ Palestine sớm được gia nhập làm thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. 

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng, việc kết nạp Palestine là bước đi có lợi nhất cho giải pháp “2 nhà nước”, tạo nền tảng cho đàm phán bình đẳng giữa các bên và là bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình bền vững ở Trung Đông. Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, tình đoàn kết và sự ủng hộ không ngừng nghỉ của Việt Nam đối với Palestine có nguồn gốc sâu xa từ cuộc đấu tranh chung lâu dài để giành lại độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và mưu cầu hạnh phúc cho người dân.

Điều đó cho thấy, giải pháp “2 nhà nước” khó có thể đạt được trong bối cảnh hai bên vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn khó giải quyết, cùng sự tồn tại của các phe phái trong mỗi bên với những quan điểm, chủ trương khác nhau, trong khi sự can thiệp của các nước lớn bên ngoài lại càng khiến tình hình trở nên phức tạp. 

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 10-5 vừa qua cùng với sự công nhận Nhà nước Palestine của một số nước châu Âu đã mở thêm hy vọng mới cho người dân Palestine, song con đường phía trước để trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc sẽ còn nhiều gian nan. 

Sự thay đổi chỉ có thể xuất phát từ quyết tâm, thiện chí cùng những hành động thực chất của chính Israel và Palestine, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế./.

11 June 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau