Châu Phi còn đối mặt với nhiều thách thức
Đình HùngTiềm năng to lớn
Châu Phi có diện tích hơn 29 triệu ki-lô-mét vuông, chiếm khoảng 19% diện tích Trái đất, là châu lục đứng thứ 3 về diện tích (sau châu Á và châu Mỹ). Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), diện tích đất nông nghiệp của châu lục này là khoảng 1 tỷ héc-ta, chiếm khoảng 60% diện tích canh tác của toàn thế giới, trong khi diện tích hiện nay được sử dụng mới chỉ là 210 triệu héc-ta, hàng trăm triệu héc-ta đất có thể canh tác còn chưa được khai thác. Đất châu Phi thích hợp cho sản xuất cacao, cà phê, cọ dầu và cây lương thực (lúa mỳ, ngô...).
Về dân số, tính đến năm 2022, châu Phi có khoảng hơn 1,4 tỷ người sinh sống ở 55 quốc gia, chiếm khoảng 17,8% dân số thế giới, đứng thứ 2 trên thế giới (sau châu Á). Cơ cấu dân số châu Phi thuộc loại dân số trẻ, tỷ lệ sinh đạt khoảng 4,45 con/phụ nữ. Khu vực cận Sahara có tỷ lệ sinh trung bình cao nhất thế giới, ở mức 4,6 con/phụ nữ, trong đó Niger đứng đầu với tỷ lệ sinh 6,8 con/phụ nữ, tiếp theo là Somalia ở mức 6 con/phụ nữ, Congo, Mali và Chad đều có tỷ lệ sinh là 5 con/phụ nữ. Mật độ dân số khoảng 45 người trên mỗi ki-lô-mét vuông, ít hơn nhiều so với mức 117 người ghi nhận ở châu Âu và 150 người trên mỗi ki-lô-mét vuông ở châu Á.
Về tiềm năng du lịch, tài nguyên, khoáng sản, Ai Cập - quốc gia ở khu vực Bắc Phi, từng là một trong những nền văn minh cổ đại rực rỡ nhất của nhân loại, với các di tích kim tự tháp vẫn còn đến ngày nay - có tiềm năng rất lớn về du lịch. Bên cạnh đó, châu Phi còn có nguồn khoáng sản phong phú. Các loại khoáng sản có trữ lượng lớn là vàng, kim cương, uran, đồng, dầu mỏ. Vàng tập trung nhiều nhất ở Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Gana, Tandania, Kenia. Kim cương có ở Nam Phi, Namibia, Angola và Daia. Dầu mỏ tập trung nhiều ở các nước Bắc Phi (Algeria, Libya, Ai Cập), ngoài ra còn có ở Niger, Congo, Angola, Mozambique, Tandania. Nam Phi là một trong những nước có trữ lượng vàng và kim cương lớn trên thế giới.
Những thách thức đối với châu Phi
Thế nhưng, trái với mong đợi, châu Phi lại đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Mặc dù giành được độc lập đã lâu, song đến nay châu lục này vẫn là châu lục chậm phát triển nhất trên thế giới.
Thách thức đầu tiên phải kể đến, đó là tình trạng bất ổn về chính trị ở một số nước châu Phi. Nhiều nước đến nay vẫn chìm trong vòng xoáy bạo lực và đảo chính quân sự, như tại Cộng hòa dân chủ Congo, Nam Sudan, Niger, Somalia... Mới đây nhất, Niger trở thành tâm bão khủng hoảng chính trị khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị lật đổ và bị giam giữ trong Dinh Tổng thống; quốc gia này phải đóng cửa biên giới và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc. Mặc dù các cuộc đảo chính quân sự ở châu Phi đã triền miên xảy ra trong nhiều năm qua, tuy nhiên, 3 năm gần đây, các cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra nhiều hơn. Năm 2020, có 12/13 cuộc đảo chính trên thế giới là ở châu Phi. Năm 2021, lục địa này trải qua 6 cuộc đảo chính. Các thống kê chỉ ra rằng, trong 2 thập niên qua, mỗi năm châu Phi có 2 cuộc đảo chính, cho thấy tính liên tục và dai dẳng của các cuộc đảo chính.
Bất ổn chính trị kéo theo nhiều vấn đề khác. Đó là tình trạng mất an ninh, khủng bố, bạo lực. Nhiều vụ tấn công của các nhóm vũ trang, khủng bố vào dân thường diễn ra thường xuyên ở một số nước châu Phi như Burkina Faso, Niger... Nhiều chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu cùng việc mở rộng các hoạt động nông nghiệp dẫn tới tình trạng cạnh tranh đất đai, khiến xung đột xảy ra, bất kể tín ngưỡng hay sắc tộc.
Cùng với đó, người dân châu Phi còn đối mặt với nạn nghèo đói, bệnh tật. Nền kinh tế châu Phi có tăng trưởng nhưng không đồng đều và nợ công tăng đến 50% GDP ở gần một nửa các quốc gia vùng hạ Sahara, khiến các nước châu Phi chưa thể thoát khỏi cảnh nghèo đói. Danh sách các nước nghèo nhất thế giới những năm qua hầu hết đều thuộc “lục địa đen”. Thu nhập bình quân đầu người ở châu Phi chỉ từ 656 USD/năm đến 1.350 USD/năm. Theo ước tính của Liên hợp quốc, châu lục này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Hơn 20% dân số châu Phi (tương đương 278 triệu người) phải đối mặt với nạn đói. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, gần 2 triệu trẻ em ở Ethiopia, Kenya và Somalia cần được điều trị khẩn cấp do bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Tình trạng đói kém ở vùng Sừng châu Phi còn trầm trọng hơn do cuộc xung đột ở Ukraina phần nào đã làm tăng giá lương thực và nhiên liệu, làm gián đoạn hoạt động tài trợ cho khu vực này. Thiếu lương thực nghiêm trọng cũng xảy ra tại Kenya. Cơ quan quản lý hạn hán quốc gia Kenya (NDMA) cho biết, 6 triệu người hiện lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực ở 32/47 hạt do hạn hán ngày càng gay gắt. NDMA cảnh báo, tại Kenya hiện có hơn 970.000 trẻ em dưới 5 tuổi, 142.000 bà mẹ đang mang thai và cho con bú bị suy dinh dưỡng và cần được hỗ trợ khẩn cấp để duy trì sự sống.
Nhiều quốc gia châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các dịch bệnh do điều kiện về vệ sinh, y tế còn thiếu thốn, nghèo nàn và lạc hậu. Chi phí y tế trung bình ở châu Phi chưa đến 100 USD/người/năm (trong khi tại Mỹ, con số này lên đến gần 9.000 USD/người/năm). Các loại dịch bệnh tràn lan ở châu Phi, đặc biệt là khu vực Tây Phi. Tuổi thọ trung bình của người dân châu Phi cũng thấp nhất trên thế giới, trung bình chỉ khoảng 60 tuổi. Nền giáo dục châu Phi cũng chậm phát triển. Ngoài một số quốc gia như Nam Phi, Kenya, Ai Cập, Senegal, Ghana, Uganda, hiện vẫn còn hơn 30 triệu trẻ em ở tiểu vùng Sahara chưa được đến trường.
Nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, xung đột khiến người dân châu Phi bất chấp hiểm nguy phải tìm đến những vùng đất an toàn hơn, gây ra cuộc khủng hoảng di cư quốc tế qua ngả đường Địa Trung Hải những năm gần đây. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), hàng trăm nghìn người đã gặp nguy hiểm khi vượt biển đến châu Âu, trong đó hàng nghìn người đã bỏ mạng hoặc mất tích trên đường tìm đến “miền đất hứa”.
Cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế
Tại châu Phi, tình trạng chiến tranh, xung đột, kinh tế kém phát triển, an sinh xã hội không được bảo đảm đã gây ra nhiều hệ lụy. Những năm qua, nhiều giải pháp đã được đưa ra và thực hiện, tuy nhiên chưa có giải pháp nào mang lại thành công đáng kể.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa đạt hiệu quả này. Có thể kể đến như sự viện trợ của nước ngoài nói chung được sử dụng để khuyến khích trồng các loại cây công nghiệp như bông, cacao và cà phê trong các khu vực của nền nông nghiệp tự cung, tự cấp. Tuy nhiên, các nước công nghiệp lại theo đuổi chính sách nhằm hạ giá các sản phẩm từ những loại cây này.
Châu Phi cũng phải hứng chịu dòng chảy vốn ra bên ngoài. Thu nhập đến với các nước châu Phi thường ra đi nhanh chóng, bởi các tài sản được bán ra đều là sở hữu của ngoại quốc (dầu mỏ là một ví dụ điển hình) và tiền thu về lại được chuyển cho các chủ nước ngoài. Người ta ước tính châu Phi có thể giảm sự phụ thuộc vào viện trợ của nước ngoài một cách đáng kể, nếu mọi lợi nhuận thu được tại các nước châu Phi được tái đầu tư vào khu vực trong vòng ít nhất 12 tháng.
Tháng 7-2023, Trung tâm Nghiên cứu Al Jazeera tổ chức một hội nghị trực tuyến với chủ đề “Châu Phi: Những thách thức dài hạn và rủi ro ngày càng tăng”. Hội nghị đã đề xuất nhiều giải pháp giúp châu Phi trước những thách thức ngày càng gia tăng. Chẳng hạn, như cộng đồng quốc tế cần hướng tới chính sách hỗ trợ châu Phi thiết thực, hiệu quả hơn, thay vì cạnh tranh ảnh hưởng hoặc vì một số động cơ chính trị khác. Điều cần thiết là duy trì hòa bình, ổn định ở các nước châu Phi.
Bên cạnh việc gìn giữ hòa bình, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cần có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho châu Phi, như bảo đảm tiêu thụ hàng hóa với giá cả hợp lý, cho vay vốn, đầu tư hạ tầng với lãi suất ưu đãi... Và cuối cùng, quan trọng nhất, bản thân các nước châu Phi, nhất là các nhóm chính trị, vũ trang ở các nước này cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trước hết, nhanh chóng ổn định đất nước, thi hành chính sách kinh tế đúng đắn, chăm lo đời sống người dân, đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc gia, châu lục vào sự phát triển chung của cộng đồng quốc tế. Có như vậy, châu Phi mới có cơ hội thoát khỏi chiến tranh, xung đột để đưa quốc gia, châu lục phát triển trong những thập niên tới./.