18/05/2024 | 20:29 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng lan tỏa, kết nối

NGUYỄN KHOA HUY
TS, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng lan tỏa, kết nối Một góc Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: Dũng Minh
“Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với kinh tế trong nước”[1] là chủ trương đúng đắn, đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay và mang tính chiến lược đối với Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Để thực hiện tốt chủ trương này, TPHCM cần sớm tháo gỡ những “rào cản” thực tiễn đang đặt ra.

Nhiều khó khăn, thách thức

Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng đóng vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Nhiều năm qua, TPHCM luôn là một trong những địa phương trong nhóm dẫn đầu cả nước trong việc thu hút FDI và trở thành điểm đến của các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới, như: Intel, Jabil, Rockwell Automation (Mỹ); Nidec, Nipro (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc); Sonion (Đan Mạch); Datalogic (Italia); Sanofi (Pháp)... 

Có được những kết quả đó là nhờ TPHCM không chỉ sở hữu nhiều lợi thế như vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng kết nối với khu vực và quốc tế, mà chính quyền nơi đây luôn nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư cởi mở, đồng hành với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, việc thu hút FDI ở TPHCM đang gặp một số khó khăn, thách thức, trong đó việc quản lý, sử dụng đất đai phục vụ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trở nên bức thiết. 

Ông Trần Việt Hà - Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM - cho biết: “thời gian qua, TPHCM đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đón nhà sản xuất lớn do không bố trí được mặt bằng cho thuê. Gần đây nhất, một nhà sản xuất lớn đặt vấn đề thuê đất ở Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè để sản xuất nhưng Ban quản lý buộc phải từ chối vì không có đất giao”.

Điều đáng nói hơn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại một số nơi ở TPHCM vẫn còn yếu kém. Đơn cử, Củ Chi là huyện có nhiều lợi thế về tài nguyên đất đai, tỷ lệ đất nông nghiệp của huyện chiếm 76%. 

“Tuy nhiên, vấn đề bức bối nhất là hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, hệ thống giao thông của huyện còn thiếu. Trong khi, huyện Củ Chi là nơi kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ nhưng những tuyến đường kết nối lại quá nhỏ”, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng chia sẻ.

Ngoài ra, một thực tế hiện nay là có nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nổi lên như những “ngôi sao mới” trong việc thu hút FDI, cạnh tranh quyết liệt với TPHCM, chẳng hạn như thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh và Nam Định.

Quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để thu hút FDI bảo đảm đúng định hướng mà Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra, thời gian tới, TPHCM cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, xem trọng thu hút FDI có chọn lọc, không thể vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ lợi ích lâu dài. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, TPHCM cần chú trọng tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng, ưu tiên những lĩnh vực thân thiện với môi trường và có trọng tâm, trọng điểm ở các khu vực.

Hai là, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, dịch vụ. Để thực hiện có hiệu quả nội dung này, TPHCM cần xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ để có thể phát triển vận tải đa phương thức, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa ở các khu công nghiệp. 

Do đó, TPHCM cần đầu tư, mở rộng hệ thống đường bộ để tăng cường hơn năng lực lưu thông; gấp rút tiến hành, hoàn thiện các giai đoạn ở tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đại lộ ven sông Sài Gòn nối huyện Củ Chi đến quận 1...

Ba là, cùng với việc quan tâm ưu tiên đầu tư hệ thống thoát nước và hệ thống xử lý chất thải nội bộ ở các khu công nghiệp bảo đảm chất lượng theo quy định hiện hành, các cơ quan chức năng của TPHCM tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và năng lực quản trị môi trường trong các khu công nghiệp. 

Đẩy mạnh áp dụng các cơ chế, chính sách tạo nền tảng pháp lý cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế, xã hội cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Bốn là, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là lĩnh vực đất đai nhằm tạo nguồn lực đầu tư phát triển. Thực tế hiện nay, vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai ở TPHCM, vẫn còn một số bất cập nên không thu hút được nhà đầu tư lớn, thậm chí các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ TPHCM sang các tỉnh, thành phố khác. 

Do đó, TPHCM cần chủ động quỹ đất cho ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Năm là, chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án FDI. Trong đó, đối với công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế các dự án vào các lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực làm gia tăng nhập siêu, sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, các dự án tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. 

Đồng thời, kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư những dự án chưa triển khai nhưng đã quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư không có năng lực tài chính; những dự án không phù hợp với định hướng mới, như hạn chế về công nghệ, tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường./.

Hồ sơ sự kiện số 508 (ngày 10-12-2023)


[1] Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.