Xây dựng đội ngũ cán bộ tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
NGUYỄN XUÂN TẾ* - ĐỖ THỊ CƯỜNG*** PGS, TS, Tổng Biên tập Tạp chí khoa học Đại học Văn Lang - ** TS, Trường Đại học Văn Lang
Kết quả và những hạn chế
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) xác định là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng, sự phát triển bền vững của đất nước; làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, lập trường, quan điểm, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam.
Thời gian qua, việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Quy định số 55-QĐ/TW, Quy định số 08-QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” được triển khai hiệu quả.
Đặc biệt, Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,... đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, phát huy ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở.
Việc thực hiện trách nhiệm tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được triển khai tương đối đồng bộ ở các cấp; kịp thời xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Nhờ đó, hầu hết cán bộ, đảng viên có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, vai trò tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Công tác xây dựng Đảng vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục như: công tác tư tưởng có lúc còn thiếu sắc bén, tính thuyết phục chưa cao, việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên có mặt còn hình thức; định hướng dư luận xã hội còn chậm.
Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý, chỉ đạo báo chí có lúc chưa kịp thời, chưa đồng bộ...
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ Thành phố gắn với công tác phản bác, đấu tranh với các quan điểm sai trái trên Internet, mạng xã hội còn chậm; thiếu đồng bộ và chưa đạt yêu cầu...; vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm bị xử lý theo pháp luật làm ảnh hưởng đến Đảng; làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, hệ thống chính trị Thành phố...
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: cán bộ là khâu quyết định “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đây chính là sự khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Việc tiếp tục nghiên cứu, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong mỗi giai đoạn cách mạng là một yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng Đảng hiện nay.
Thời gian tới, để xây dựng đội ngũ cán bộ TPHCM tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên hiện nay.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Trên cơ sở các quy định hiện hành, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần quán triệt, cụ thể hóa, xây dựng thành các quy định cụ thể đối với mỗi đơn vị, sao cho sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, lực lượng và mỗi cán bộ, đảng viên ở những cương vị công tác khác nhau.
Hai là, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Đại hội XIII xác định tập trung xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Cần chú trọng đến việc nêu gương trong mỗi cán bộ, đảng viên. Nêu gương vừa là đạo đức của cán bộ, đảng viên, vừa là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật Đảng. Đây là vấn đề quan trọng, bảo đảm cho công tác kiểm tra, giám sát phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng phải hết sức nghiêm minh, cán bộ càng có trọng trách cao thì càng phải có ý thức chấp hành kỷ luật Đảng và khi vi phạm họ phải được xử lý nghiêm khắc.
Coi trọng công tác đấu tranh phê phán, biểu dương gương sáng về đạo đức. Đảng ta luôn coi trọng giữa xây và chống. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội.
Bốn là, nâng cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Việc tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là yếu tố bên trong đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc củng cố, hoàn thiện và phát triển phẩm chất đạo đức, nhân cách của người cán bộ, đảng viên.
Đây là biện pháp then chốt để tăng cường và nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng về đạo đức, đồng thời là phương thức để cán bộ thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, tiên phong, góp phần lan tỏa trong nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ./.
Hồ sơ sự kiện số 508 (ngày 10-12-2023)