20/05/2024 | 11:28 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đi tìm lời giải cho bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công

NGUYỄN CAO SIÊNG
Đi tìm lời giải cho bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công Xưởng thực hành tự động hóa với nhiều robot hiện đại tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Thành phố, cũng như cả nước_Ảnh: TL
Trong bối cảnh đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) hướng đến xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ đức, đủ tài, tâm huyết cống hiến cho khu vực công, góp phần đưa Thành phố phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

Chưa đủ sức hấp dẫn

Những năm qua, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố đã ban hành Nghị quyết 20/2018/NQ-HĐND, ngày 7-12-2018, của Hội đồng nhân dân TPHCM, “Về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022”; Quyết định 17/2019/QĐ-UBND, ngày 4-7-2019, của Ủy ban nhân dân TPHCM, “Ban hành quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực Thành phố có nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2022”... 

Giai đoạn 2016 - 2022, Thành phố đặt hàng nghiên cứu 529 nhiệm vụ khoa học - công nghệ, thu hút hơn 5.290 trí thức tham gia thực hiện; triển khai chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học - công nghệ trẻ nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học; hỗ trợ thực hiện 133 đề tài khoa học với hơn 1.260 trí thức trẻ, sinh viên tham gia nghiên cứu. 

Ngoài ra, Thành phố luôn duy trì tổ chức nhiều giải thưởng tôn vinh hoạt động khoa học - công nghệ đóng góp cho sự phát triển của Thành phố.

Những chính sách nêu trên góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên kết quả đạt được nhìn chung còn rất khiêm tốn, chưa tạo sức lan tỏa và thay đổi căn bản trên nhiều ngành, lĩnh vực mũi nhọn và đặc biệt là chưa thật sự hiệu quả trong khu vực công.

Thành phố đã thực hiện một số hình thức thí điểm về công tác cán bộ như: thi tuyển các chức danh lãnh đạo, tổ chức điều động, luân chuyển, có cơ chế tuyển dụng các trí thức trẻ có tài năng vào những vị trí phù hợp để bảo đảm nguồn nhân lực; đồng thời, đẩy mạnh việc đổi mới, điều chỉnh các chính sách để nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác. 

Tuy nhiên, vẫn có tình trạng công chức nghỉ việc, chấp nhận bồi hoàn chế độ ưu đãi đã nhận cho khoảng thời gian còn lại theo cam kết...

Từ tháng 1-2020 đến ngày 30-6-2022, có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc (bao gồm 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức). Từ tháng 5-2023 đến tháng 9-2023, Thành phố có 23 cán bộ, công chức và 179 viên chức nghỉ việc. Sở Nội vụ Thành phố thống kê, từ năm 2018 đến nay, khối cơ quan hành chính nhà nước chưa thu hút được sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đến làm việc. Đây thật sự là vấn đề nan giải, cần có “lời giải” phù hợp để giải quyết “bài toán” nhân lực chất lượng cao trong khu vực công.

Nhiều thách thức trong chính sách

Việc triển khai các giải pháp đổi mới phù hợp để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ đức, đủ tài, tâm huyết cống hiến cho khu vực công luôn được Thành phố xác định ưu tiên hàng đầu. Thực tế, trong khu vực công còn thiếu các chính sách, giải pháp hiệu quả để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực bền vững; chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ còn nhiều điểm chưa phù hợp. 

Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân Thành phố phân tích cụ thể các nguyên nhân, nhìn nhận có 5 yếu tố chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, gồm: chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc; tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống; văn hóa công sở.

Có thể thấy rằng, chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố được nâng cao là nhờ sự quan tâm đầu tư của chính quyền và sự mở rộng các loại hình giáo dục - đào tạo. Thành phố có thế mạnh về giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật để phát triển các ngành kỹ thuật cao và dịch vụ hiện đại. Hiện nay, hệ thống đào tạo của Thành phố phát triển khá nhanh với đầy đủ các loại hình đào tạo từ mầm non đến sau đại học và dạy nghề. 

Song, việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công đã qua đào tạo là rất khó khăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có 4 nguyên nhân chính: thứ nhất, tiêu chuẩn về chính trị không phù hợp với số đông đối tượng tuyển dụng; thứ hai, nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ khó hòa đồng văn hóa công sở ở các cơ quan hành chính nhà nước; thứ ba, chế độ tiền lương, thu nhập, đãi ngộ còn hạn chế so với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước; thứ tư, có nhiều cơ hội nhận được học bổng trong và ngoài nước nên sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thường ưu tiên cho việc học tập, chưa quan tâm nhiều đến thông tin tuyển dụng cũng như làm việc cho cơ quan hành chính nhà nước.

Một số giải pháp

Nghị quyết số 31-NQ/TW hướng đến việc Thành phố sẽ tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó đặc biệt chú ý đến nguồn lực con người. 

Theo đó, để có thể thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong khu vực công, Thành phố có thể tham khảo một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện xây dựng và thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng dự báo về nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các lĩnh vực trọng yếu. 

Tuân thủ nguyên tắc quy hoạch cán bộ theo hướng động và mở, hằng năm rà soát đánh giá quy hoạch để bổ sung, sửa đổi theo tình hình thực tế; chú ý nâng cao tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong diện quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng phát triển lâu dài.

Hai là, cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo, cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ khoa học đầu ngành, đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề.

Ba là, tăng cường đầu tư xây dựng các trường chất lượng cao và các trường công lập được quy hoạch nghề trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy các trường này đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngang với các trường trong khu vực và quốc tế.

Bốn là, có chiến lược nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng tại các trường đại học bằng các hình thức cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp; đặt hàng cơ sở đào tạo giải quyết những vấn đề cần thiết mà khu vực công đang và sẽ có nhu cầu.../.

Hồ sơ sự kiện số 508 (ngày 10-12-2023)

Chuyên mục: Bên lề sự kiện