20/09/2024 | 18:51 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

HUY HƯNG
Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu Công trình cống ngăn triều Bến Nghé (nằm bên cầu Mống ở quận 1 và 4 Thành phố Hồ Chí Minh)_Ảnh: tapchinuoc.vn
Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) thành một đô thị xanh, có chất lượng sống tốt, hạ tầng đô thị hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố hướng đến. Có môi trường an toàn, lành mạnh để sinh sống và làm việc; không còn bị ảnh hưởng bởi đường sá bị ngập lụt; tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước được kiểm soát và ngày càng giảm cũng chính là mong muốn của người dân Thành phố về một đô thị thích ứng với BĐKH để phát triển bền vững.

Nỗ lực vượt qua thách thức

Nằm ở cửa ngõ sông Sài Gòn - Đồng Nai, có địa hình thấp, TPHCM là khu vực rất nhạy cảm với các tác động của tình trạng BĐKH, nước biển dâng. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đây là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe doạ nhiều nhất bởi BĐKH. 

Những năm gần đây, hậu quả do BĐKH dễ nhận thấy nhất là tình trạng ngập lụt đô thị khi mưa lớn, thủy triều dâng cao, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguồn cung cấp nước sạch, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và đời sống người dân. 

Với dân số hơn 10 triệu người, tình trạng chất thải từ sản xuất và sinh hoạt gia tăng, mật độ giao thông trên 1km2 cao gấp 17 lần cả nước cũng là thách thức rất lớn trong việc bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân Thành phố trước tác động của BĐKH.

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đến năm 2050, nếu không có các dự án kiểm soát ngập hữu hiệu, trên địa bàn Thành phố sẽ có 61% diện tích sẽ bị ngập lụt thường xuyên và có thể lên đến 71% diện tích nếu xảy ra mưa, bão. 

Ngoài ra, những thách thức, rủi ro do BĐKH mà Thành phố phải đối diện là tình trạng thiếu nhà ở cho hàng triệu người di cư không chính thức hoặc di cư do BĐKH; tình trạng thường xuyên bị ngập lụt làm mạng lưới giao thông, nhất là giao thông đường bộ, nhanh chóng bị xuống cấp, hệ thống thoát nước hoạt động kém hiệu quả làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường; xâm nhập mặn làm suy thoái chất lượng nước mặt, nước ngầm... 

Khi các nguồn nước sông, kênh, rạch gia tăng mức độ ô nhiễm, hậu quả tất yếu là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và sức khỏe cộng đồng ngày càng bị đe dọa.

Trong nỗ lực chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH những năm gần đây, TPHCM đã đề ra nhiều chủ trương để phát triển đô thị theo hướng bền vững. Quyết định số 3481/QĐ-UBND, ngày 7-10-2021, của Ủy ban nhân dân Thành phố “Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” hướng đến tăng cường khả năng chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản; từng bước xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

Thành phố đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2030 giảm 50% thiệt hại do thiên tai, BĐKH gây ra so với giai đoạn 2011 - 2020. Bên cạnh yêu cầu phải nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai; tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát thiên tai, nhất là đối với bão, mưa, ngập lụt do triều cường, xả lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển; Thành phố ưu tiên xây dựng mới, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng trên nguyên tắc chủ động phòng, chống, không làm gia tăng rủi ro do thiên tai, BĐKH. 

Mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”. Đề án hướng tới người dân, đặc biệt là người dân ở những khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với BĐKH.

Tầm nhìn mới để thích ứng và phát triển bền vững

Trong giai đoạn phát triển mới, yêu cầu đặt ra đối với TPHCM là phải “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Đây là quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

Tầm nhìn mới phải hướng đến là xây dựng và phát triển TPHCM trở thành một đô thị có chất lượng sống tốt, có môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với BĐKH.

Để phát triển TPHCM theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH, trước hết cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt “Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, “Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060”, “Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đền năm 2050 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”. 

Theo đó, việc điều chỉnh, lồng ghép các nội dung ứng phó BĐKH trong quy hoạch xây dựng chung của Thành phố cũng như của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để phát triển đô thị theo hướng kết hợp hài hòa 3 nhân tố tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bền vững về môi trường là yêu cầu cấp thiết.

Thời gian tới, Thành phố cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, xử lý rác thải, nước thải; phát triển nhiều mảng xanh đô thị; chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống cấp nước, thoát nước, chống ngập, xử lý chất thải; quản lý nghiêm việc khai thác, sử dụng nước ngầm; củng cố hệ thống đê ven biển, cống ngăn triều, công trình thuỷ lợi ven sông phục vụ kiểm soát lũ, giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước, ứng phó hiệu quả với BĐKH, nước biển dâng. 

Đồng thời, quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước; bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Trong phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, việc nghiên cứu, ban hành nhóm giải pháp điều chỉnh, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của Thành phố, bảo đảm mục tiêu phát triển thành phố xanh, thích ứng với BĐKH, sớm khắc phục tình trạng quá tải và kết nối thiếu đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật toàn thành phố và vùng thành phố, nhất là về hạ tầng giao thông, giảm đến mức thấp nhất tác động của các vấn đề môi trường đô thị,... đang là những đòi hỏi cấp thiết. 

Trong phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho khu vực đô thị trung tâm, yêu cầu hàng đầu là có giải pháp huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cải tạo cao độ nền và thoát nước mặt toàn đô thị, đặc biệt chú trọng đến tác động kép của hiện tượng sụt lún nền đất và BĐKH.

Công tác đánh giá môi trường chiến lược cũng cần được chú trọng, căn cứ theo kịch bản ứng phó với BĐKH và nước biển dâng tích hợp với diễn biến sụt lún nền đất trên địa bàn Thành phố. 

Giải pháp này sẽ giúp giảm tác động xấu đến môi trường khi mở rộng, phát triển đô thị. Bên cạnh đó, chủ động xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường, sử dụng đất hợp lý, có cơ chế, chính sách tái cấu trúc các vùng đô thị hài hòa nhằm giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp thiên tai hoặc biến đổi môi trường lớn xảy ra cũng là một yêu cầu cấp bách./.

Hồ sơ sự kiện số 508 (ngày 10-12-2023)

Chuyên mục: Bên lề sự kiện