21/11/2024 | 19:44 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kinh tế xanh - động lực cho sự phát triển mới

NGUYỄN HỮU KỶ TỴ
ThS, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Kinh tế xanh - động lực cho sự phát triển mới Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”, ngày 15-9-2023_Ảnh: xaydungdang.org.vn
Phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành địa phương tiên phong, xứng đáng là trung tâm chính trị - văn hóa, đầu tàu kinh tế của cả nước.

Sự lựa chọn tất yếu

Thành phố Hồ Chí Minh luôn được Trung ương quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển, cụ thể: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 31); ngày 24-6-2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15, về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”. 

Đây được xem là những định hướng, khung pháp lý để Thành phố có điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nhằm triển khai quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh được thuận lợi hơn.

Tăng trưởng xanh hay phát triển kinh tế xanh được hiểu như một mô hình phát triển nhằm bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bền vững về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên, cân đối mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Do đó, trong kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, Thành phố đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách. 

Khung chiến lược xác định: người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột, đó là: phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.

Nhằm mục tiêu tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói chung và các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của Thành phố nói riêng, tháng 9-2023, Ủy ban nhân dân TPHCM chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thường niên, với chủ đề: “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”. 

Thông qua diễn đàn, Thành phố có những trao đổi, đóng góp thẳng thắn, thực chất, sâu sắc và toàn diện về hiện trạng và xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm và đề xuất khả thi có thể áp dụng đối với thực tiễn của Thành phố như: phát triển nguồn lực bằng việc huy động tài chính xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh kết nối trong nước và quốc tế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hệ thống chính sách liên quan nhằm đảm bảo trọng tâm giúp quá trình chuyển đổi xanh diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn...

Để thực hiện mục tiêu này, trước mắt, Thành phố định hướng tập trung đầu tư xây dựng Cần Giờ ở các lĩnh vực giao thông xanh, trong đó các phương tiện giao thông trên địa bàn phải sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh; xử lý rác thành điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; xây dựng điểm đến này không rác thải nhựa; phát triển du lịch xanh và thí điểm tín chỉ carbon với rừng Cần Giờ...

Đối diện với nhiều thách thức

Các chính sách phát triển kinh tế xanh hiện nay còn thiếu hoặc chưa đồng bộ, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư năng lượng sạch nhưng biểu giá điện từ năng lượng tái tạo chưa đủ hấp dẫn, vốn đầu tư lớn trong khi thời gian thu hồi vốn dài.

Phát triển kinh tế xanh đòi hỏi ứng dụng khoa học công nghệ, trong khi năng lực phát triển công nghệ của doanh nghiệp Thành phố và năng suất lao động còn hạn chế.

Đối với môi trường, thị trường tái sử dụng, tái chế chất thải đã được hình thành nhưng chưa có tính liên kết và còn nhiều vướng mắc về giấy phép thực hiện.

Tỷ lệ người sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường hay phương tiện công cộng còn thấp. Lượng xe máy tại Thành phố vẫn tiếp tục gia tăng là những thách thức về lượng khí carbon thải ra.

Một số giải pháp cơ bản

Để thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình phát triển nền kinh tế xanh, TPHCM cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, trong quá trình triển khai phát triển kinh tế xanh không thể làm theo phong trào mà cần có trọng tâm, trọng điểm. Cần xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đầy đủ, đồng bộ, tập trung để hỗ trợ lựa chọn, đánh giá nhà đầu tư, dự án tiềm năng sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, nhất là trong các ngành, lĩnh vực Việt Nam và Thành phố ưu tiên phát triển, có lợi thế so sánh...

Hai là, cần có lộ trình và cơ chế, chính sách cụ thể để chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao và chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp.

Ba là, tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các viện nghiên cứu, trường đại học,... nghiên cứu, tổ chức, chủ trì các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam và tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học ở nước ngoài trên các lĩnh vực phát triển kinh tế xanh như giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường,... tích cực lựa chọn, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam và của Thành phố.

Bốn là, cần có chính sách đầu tư tài chính, ngân hàng mạnh mẽ vào các dự án xanh như năng lượng, vận tải, sản xuất...; có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp trong Thành phố còn sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh.

Năm là, đẩy mạnh hoạt động thông tin - tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin chính sách, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững của Nhà nước và Thành phố, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, đề cao trách nhiệm xã hội, tích cực chuyển hướng đầu tư sang sản xuất xanh, góp phần nâng cao tính hiệu quả của các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động mà Chính phủ và Thành phố đã đề ra./.

Hồ sơ sự kiện số 508 (ngày 10-12-2023)