Để thành phố mang tên Bác tăng tốc phát triển xứng tầm
PHẠM PHƯƠNG THẢONguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Niềm tin và trách nhiệm
Xét trên các yếu tố xuất phát từ thực tiễn, nhiều năm trở lại đây, TPHCM phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về chủ quan và khách quan. Bởi vậy, việc Bộ Chính trị và Quốc hội thể hiện rõ quan điểm, chủ trương và quyết định thông qua các cơ chế đặc thù, vượt trội cho TPHCM là bước đột phá, động lực, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những “rào cản” kìm hãm sự tăng tốc của đô thị lớn nhất nước trước yêu cầu mới.
Đáp lại niềm tin đó, TPHCM đã, đang nỗ lực, ra sức triển khai thực hiện với trách nhiệm lớn bằng việc phát huy tinh thần năng động, sáng tạo để sớm trở thành một thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình; tiếp tục giữ vững vai trò “đầu tàu” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Có thể thấy, mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của TPHCM được đề ra trong các nghị quyết rất cụ thể, với nhiều giải pháp.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong bối cảnh TPHCM đang gặp không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng xung đột tại một số quốc gia trên thế giới; hậu quả tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 và cơ chế, chính sách còn chồng chéo, dẫn đến việc triển khai, thực hiện các cơ chế đặc thù, vượt trội cần phải tập trung cao độ, với những bước đi phù hợp, nhanh chóng tạo ra những sản phẩm tích cực, góp phần tạo dựng thêm niềm tin, động lực và hiệu ứng mạnh mẽ.
Cần triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm
Để vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội một cách thiết thực, hiệu quả, xứng đáng với truyền thống anh hùng và niềm vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu; TPHCM cần quan tâm triển khai tốt các nhiệm vụ quan trọng sau:
Trước hết, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Là nơi hội tụ nhiều viện nghiên cứu, trường đào tạo bậc đại học và sau đại học, đây là điều kiện cho TPHCM tăng cường đặt hàng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đạt trình độ quốc tế.
Để làm tốt việc này, TPHCM cần quan tâm chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, dự báo về thị trường lao động trong tương lai; trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cần chú trọng kỹ năng làm việc thích ứng quá trình chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo và hội nhập.
Đồng thời, thực hiện tốt chính sách đãi ngộ, thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển và vươn tầm quốc tế.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị. TPHCM là nơi được phép triển khai xây dựng mô hình chính quyền đô thị, mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước.
Tuy nhiên, ngoài việc tăng một số thẩm quyền, cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền đô thị chưa cụ thể, rõ ràng. Đáng nói là, thành phố Thủ Đức đang hoạt động “như đơn vị cấp huyện”, còn các quận, phường là đơn vị dự toán trong việc chi ngân sách nên gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, TPHCM cần nghiên cứu, đề xuất phương án để bộ máy vận hành đồng bộ hơn, nhịp nhàng hơn, xử lý mọi việc cho người dân và doanh nghiệp được nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Ba là, xem trọng việc đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Trong đó, rà soát cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp, nhất là các thủ tục gây cản trở trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Giảm tối đa số lượng, thời gian hội họp của các cơ quan, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong giải quyết công vụ.
Bốn là, về quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trên cơ sở định hướng, mục tiêu, tầm nhìn được xác định trong các nghị quyết của Trung ương, TPHCM cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch ngành, lĩnh vực.
Quá trình thực hiện quy hoạch cần có lộ trình cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực; nâng cao trách nhiệm, kỷ cương trong quản lý thực hiện quy hoạch, gắn với quản lý đô thị, tạo điều kiện phát triển nhanh, bền vững, có bản sắc và không ngừng nâng cao đời sống của người dân.
Cùng với việc nhanh chóng khởi động lại các công trình “đóng băng”, chuẩn bị khởi công những công trình mới, đó là những công trình giao thông, giải tỏa những điểm ùn tắc, gắn với chỉnh trang đô thị, phát triển nhà ở và cải tạo môi trường; đầu tư, nâng cấp các công trình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, khắc phục tình trạng quá tải về trường học, bệnh viện...
Năm là, đẩy mạnh liên kết với các địa phương thông qua những việc làm cụ thể, nhất là triển khai chương trình hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông, tạo sự thông thoáng tại các cửa ngõ TPHCM.
Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 3, tuyến đường vành đai 4 và các tuyến cao tốc kết nối TPHCM với vùng Đông Nam Bộ, các vùng lân cận cần sớm được triển khai, tạo điều kiện cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các vùng, các địa phương trong cả nước phát triển.
Sáu là, TPHCM cần nâng cao tính chủ động trong việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành của Trung ương để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế đặc thù, vượt trội. Căn cứ vào tình hình thực tiễn để tiếp tục đề xuất về cơ chế, bộ máy vận hành của chính quyền đô thị theo hướng tập trung, rõ thẩm quyền các cơ quan quản lý.
Bảy là, tăng cường lắng nghe, tiếp xúc với thực tiễn. Sau khi tổ chức triển khai, quán triệt các nghị quyết, lãnh đạo các cấp của TPHCM cần có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc; tăng cường bám sát thực tiễn để lắng nghe những khó khăn, ghi nhận đề xuất, góp ý từ cơ sở và các chuyên gia, các nhà khoa học.
Là một đô thị năng động, có trò rất quan trọng để “cùng cả nước, vì cả nước”. Trước xu thế phát triển mới, việc triển khai thực hiện các nghị quyết mới với cơ chế đặc thù, vượt trội, tin rằng sẽ tạo động lực cho thành phố mang tên Bác phát triển mạnh mẽ và xứng tầm như kỳ vọng./.
Hồ sơ sự kiện số 508 (ngày 10-12-2023)