20/05/2024 | 13:34 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hướng đến chính quyền số hiện đại, điển hình

THÚY DUY
Hướng đến chính quyền số hiện đại, điển hình Người dân tra cứu thông tin qua cổng thông tin 1022 - Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: Bảo Linh
Xây dựng chính quyền số là một trong những mục tiêu quan trọng mà Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) quan tâm, đầu tư, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cả hệ thống chính trị, trên mọi lĩnh vực và xác định lấy hiện đại hóa nền hành chính làm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Qua đó, đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Lợi ích từ chính quyền số

Hướng đến nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 2-11-2023, Ủy ban nhân dân TPHCM ban hành Kế hoạch số 5440/KH-UBND, về triển khai Công trình “Xây dựng Chính quyền số Thành phố Hồ Chí Minh” chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). 

Mục tiêu của kế hoạch nhằm đổi mới và phát triển chính quyền Thành phố hướng tới mô hình chính quyền số hiện đại, điển hình và tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để quản trị Thành phố và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; giúp cơ quan nhà nước tăng cường minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng thành phố thông minh.

Thành phố xác định, sản phẩm tiêu biểu đại diện cho kết quả công trình là hệ thống phục vụ quản trị thực thi và điều hành Thành phố dựa trên các nền tảng và dữ liệu số: Thành phố chuyển đổi số nhằm đổi mới toàn diện mô hình tổ chức vận hành chính quyền Thành phố dựa trên dữ liệu và công nghệ hiện đại nhằm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả và trách nhiệm giải trình.

Chính quyền số là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Tất cả hoạt động của các cơ quan ở các cấp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, giúp giảm chi phí, tăng tính tương tác, cung ứng dịch vụ công theo hình thức trực tuyến nhanh và hiệu quả hơn.

Đi đầu cả nước về số hóa

Với tầm nhìn đến năm 2030 TPHCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, nhằm cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Thành phố chủ động nghiên cứu, xây dựng, tổ chức triển khai và ra mắt hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với quy mô toàn thành phố. Hệ thống được triển khai đồng bộ, liên thông và thống nhất tất cả sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức. 

Đồng thời, tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống định danh người dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm cung cấp thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính được nhanh chóng. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố đã giải quyết 10.249.129/10.386.278 tổng hồ sơ tiếp nhận; trong đó hồ sơ đúng hạn chiếm tỷ lệ 99,80%, và 20.825 hồ sơ quá hạn (chiếm tỷ lệ 0,20%), 100% số hồ sơ quá hạn đã thực hiện thư xin lỗi...

Thành phố cũng phát triển kho dữ liệu dùng chung với phương châm: dữ liệu là “trái tim” của chuyển đổi số, hình thành các dịch vụ thông tin hữu ích phục vụ người dân, doanh nghiệp và cán bộ trên địa bàn. Đồng thời, quan tâm xây dựng các cơ sở dữ liệu về y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, đất đai - đô thị, tài chính - doanh nghiệp và dữ liệu liên quan đến người dân,... phục vụ công tác quản lý của các ngành.

Ngoài ra, Thành phố tăng cường hoạt động quảng bá nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số; tổ chức hoạt động ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. 

Vào tháng 10-2023, Thành phố tổ chức Lễ khai mạc chuỗi sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số, với chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”. Nổi bật với 40 gian hàng, trưng bày các mô hình, nền tảng số từ các sở, ban, ngành, địa phương của Thành phố. 

Triển lãm cũng giới thiệu các giải pháp, ứng dụng công nghệ gắn với các lĩnh vực: chính quyền số, dữ liệu số, giáo dục số, y tế số, văn hóa số, du lịch số, doanh nghiệp số, ngân hàng số, Fintech; các ý tưởng, sản phẩm công nghệ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các xu hướng công nghệ mới như: AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật), Big Data (Dữ liệu lớn), Blockchain (chuỗi khối), 5G...

Ghi nhận những nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc triển khai chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) đã trao giải thưởng ASOCIO 2023 cho Thành phố về hạng mục Chính quyền số xuất sắc. 

Trong đó, đáng chú ý là công tác đổi mới phương thức phục vụ, lắng nghe, ghi nhận ý kiến và xử lý kiến nghị người dân thông qua cổng thông tin, App và tổng đài 1022 của Thành phố được thực hiện hiệu quả. 

Đây được xem là động lực để Thành phố tiếp tục đẩy mạnh chính quyền số nhằm thúc đẩy kinh tế số, xã hội số với mục tiêu xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Nội dung và kế hoạch triển khai bài bản, đồng bộ

Để công tác triển khai thực hiện Công trình “Xây dựng Chính quyền số Thành phố Hồ Chí Minh” bảo đảm tiến độ đề ra, chất lượng, hiệu quả, Thành phố đề ra 4 nội dung để thực hiện, cụ thể:

Một là, chuyển đổi số hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số nhằm:

Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về thủ tục hành chính, quy trình giải quyết, thời gian giải quyết, kết quả giải quyết,... giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, nắm bắt và thực hiện thủ tục hành chính.

Đổi mới quy trình giải quyết thủ tục hành chính, từng bước tự động hóa các bước trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính, từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, phê duyệt kết quả đến trả kết quả, giúp rút ngắn thời gian giải quyết, giảm thiểu chi phí và thủ tục hành chính.

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp: giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, không cần phải đến trực tiếp cơ quan hành chính nhà nước, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức.

Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước: lãnh đạo nắm bắt thông tin về tình hình giải quyết thủ tục hành chính, từ đó có biện pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả.

Hai là, chuyển đổi số hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành. Chuyển đổi các hoạt động quản lý, lưu trữ, xử lý và truy cập các tài liệu và văn bản từ giấy sang sử dụng công nghệ số hóa giúp cải thiện quy trình làm việc; tăng cường hiệu suất và khả năng quản lý thông tin.

Ba là, chuyển đổi số các hệ thống thông tin chuyên ngành. Triển khai, vận hành các hệ thống quản lý chuyên ngành trên các nền tảng số, trong đó tập trung chọn lựa các lĩnh vực cần ưu tiên trọng điểm để thực hiện số hóa nhằm mục tiêu cải thiện quản lý, vận hành và các hoạt động liên quan đến lĩnh vực, ngành và chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản trị thực thi và điều hành của Thành phố.

Bốn là, triển khai, vận hành hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế, xã hội Thành phố. Triển khai các hệ thống phục vụ tổng hợp, theo dõi các chỉ tiêu kinh tế xã hội phục vụ quản lý điều hành của lãnh đạo Thành phố, địa phương trên các màn hình giám sát tại Trung tâm điều hành, thiết bị di động của lãnh đạo. Ứng dụng AI, Big Data trong phân tích dự báo phục vụ ra quyết định./.

Hồ sơ sự kiện số 508 (ngày 10-12-2023)

Chuyên mục: Bên lề sự kiện