18/05/2024 | 21:23 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Giải quyết vấn đề “tắc nghẽn” để Thành phố phát triển hiện đại

NGUYỄN VĂN TRỌN - NGUYỄN THANH LONG
TS, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh
Giải quyết vấn đề “tắc nghẽn” để Thành phố phát triển hiện đại Hoạt động tại Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: TL
Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng thành phố thông minh, Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, của Bộ Chính trị, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” (Nghị quyết số 98) hứa hẹn sẽ giúp Thành phố giải quyết hiệu quả các vấn đề “tắc nghẽn”, nâng cao chất lượng phục vụ công cho người dân và doanh nghiệp, đưa Thành phố nhanh chóng trở thành “thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm trong khu vực và trên thế giới”.

Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 3.000 con sông, kênh, rạch, trong đó khu vực nội thành có 5 hệ thống kênh, rạch chính với tổng chiều dài khoảng 55km, đảm nhận chức năng tiêu thoát nước cho Thành phố. 

Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm sông, rạch để kinh doanh, xây nhà diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều mức độ khác nhau dẫn đến hệ thống kênh, rạch, cống thoát nước bị “bức tử”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tiêu thoát nước.

Năm 2021, Sở Xây dựng đã tham mưu Ủy ban nhân dân TPHCM ban hành Kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Trọng tâm của Kế hoạch là dự án rạch Xuyên Tâm (quy mô di dời 2.134 căn nhà) đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt dự án đầu tư; dự án Bờ Bắc kênh Đôi (quy mô di dời 1.017 căn nhà) hiện đã được Sở Xây dựng báo cáo trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương đầu tư công vào kỳ họp cuối năm 2023.

Thời gian qua, do những nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong một thời gian dài việc quản lý nhà ở của người dân gặp phải những vấn đề phức tạp, như: nhà không có pháp lý về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm, một phần trên đất, một phần trên kênh, rạch,... dẫn đến việc hiệp thương, bồi thường chậm, làm dự án kéo dài, nhiều trường hợp tiếp tục khiếu nại, chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo kế hoạch. 

Do đó, căn cứ vào Điều 6, khoản 3, Nghị quyết số 98, Thành phố cần nghiên cứu chủ trương cho tất cả các đối tượng là hộ gia đình đang có nhà trên và ven kênh, rạch được thuê hoặc mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống. Chính sách này sẽ tạo điều kiện để ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường của dự án.

Ngoài ra, bên cạnh giải quyết chỗ ở, để bảo đảm cuộc sống bền vững đối với người dân bị giải tỏa, thu hồi đất, Thành phố cũng đang xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có việc làm, thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Áp dụng các ứng dụng công nghệ tiên tiến để điều phối trật tự giao thông

Trước sức ép của quá trình đô thị hóa, vấn đề giao thông ngày càng trở nên bức xúc đối với người dân, nan giải đối với chính quyền Thành phố. Thời gian tới, để góp phần giải quyết thực trạng đó, Thành phố cần triển khai nhanh chóng các giải pháp công nghệ thông tin để thu thập thông tin, điều hành giao thông, vận hành Hệ thống giám sát, điều hành giao thông. 

Khi áp dụng các công nghệ này, những thông tin giao thông ngay lập tức sẽ được chuyển về trung tâm xử lý dữ liệu đa năng và nhanh chóng được chuyển đến hàng triệu điểm phát sóng (có thể tích hợp trong cột đèn điện, trụ đèn báo giao thông, trên nóc trụ rút tiền ATM...) để bất kỳ người dân nào có điện thoại thông minh cũng sẽ nhận được thông tin về các điểm ngập, mức ngập, thời gian ngập, ùn tắc đường, để tránh và đi đường khác. 

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, giao thông hiện đại sẽ có hiệu quả hoạt động cao, hệ thống quản lý giao thông tiên tiến giúp tối ưu hóa được lưu lượng giao thông trong Thành phố.

Ngoài ra, thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, chính quyền Thành phố cũng chủ động có kế hoạch bổ sung xây dựng hệ thống tránh ùn tắc, giảm tải áp lực cho các tuyến đường hiện hữu như hiện nay.

Đồng hành, dẫn dắt doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững

Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thông minh, chính quyền Thành phố đóng vai trò quan trọng, tạo điều kiện và dẫn dắt quá trình chuyển đổi của nền kinh tế. 

Chính quyền sẽ gỡ bỏ những rào cản chính sách cho doanh nghiệp, tạo ra những cơ chế để kích thích những ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính và cơ sở vật chất. 

Chính quyền nên đóng vai trò kết nối để các bên liên quan hợp tác với nhau, phát triển những sáng kiến đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.

Chính quyền Thành phố, cán bộ, công chức quản lý cần “lắng nghe và hành động” ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung những vấn đề “nóng” mà Thành phố đang nỗ lực giải quyết nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tăng tốc sản xuất. 

Trong đó, Thành phố cần tập trung giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính; chính sách tài chính, tín dụng, thuế, phí theo quy định của pháp luật và có những chính sách kích cầu sản xuất, kinh doanh.

Thành phố cần chú trọng chính sách đặc thù đối với khoa học, công nghệ, định hướng, dẫn dắt, kết nối, hợp tác, chia sẻ trong hoạt động đổi mới sáng tạo, từng bước đưa khoa học - công nghệ trở thành nền tảng vững chắc đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, TPHCM nên nghiên cứu cơ chế, chính sách mời gọi các nhà khoa học trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế trong phát triển công nghệ. 

Trong đó, chú trọng phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kết nối với doanh nghiệp; hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo./.

Hồ sơ sự kiện số 508 (ngày 10-12-2023)