20/05/2024 | 11:09 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tháo gỡ vướng mắc, đưa thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng

NGUYỄN NHẬT KHANH
ThS, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Tháo gỡ vướng mắc, đưa thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng Một góc thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh)_Ảnh: TL
Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, của Quốc hội, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” (Nghị quyết số 98) đã mang lại kỳ vọng cho Thành phố nhiều cơ chế phát triển nhanh, theo hướng bền vững. Trong đó, có việc tháo gỡ những vướng mắc về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành, các cơ chế tài chính vượt trội... sớm đưa thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháo gỡ các “điểm nghẽn”

Về tổ chức bộ máy chính quyền

Nghị quyết số 98 cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc thành phố Thủ Đức. 

Từ quy định này, bộ máy hành chính thành phố Thủ Đức dự kiến sẽ được kiện toàn. Với 16 phòng ban chuyên môn, cùng 4 trung tâm mới, bộ khung của thành phố Thủ Đức cơ bản được hình thành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển, giải quyết nhanh những công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. 

Như vậy, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức sẽ có 16 phòng chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhiều hơn 6 phòng so với quy định chung của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Về thẩm quyền quyết định trong một số lĩnh vực

Thành phố Thủ Đức được phân quyền quyết định các dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Cùng với đó, Chủ tịch thành phố Thủ Đức được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn trực thuộc. Thành phố Thủ Đức được thành lập Thanh tra xây dựng và Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc...

Những điểm nhấn trong quá trình triển khai thực hiện

Là một đối tượng quan trọng của Nghị quyết số 98 và cũng là nơi đầu tiên triển khai Nghị quyết, ngay từ đầu tháng 7-2023, thành phố Thủ Đức đã khẩn trương chuẩn bị để triển khai Nghị quyết trên địa bàn như thành lập tổ công tác nghiên cứu, xây dựng đề án, chương trình triển khai cơ chế, chính sách phát triển để nghiên cứu, triển khai thực hiện Nghị quyết số 98; xây dựng chương trình, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và lộ trình thu hút nguồn vốn đầu tư trên địa bàn thành phố sau khi Nghị quyết số 98 có hiệu lực... 

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, nên ngay khi Nghị quyết có hiệu lực, Trung tâm An sinh xã hội, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư là 3 đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã nhanh chóng ra mắt và bước vào hoạt động.

Giữa tháng 11-2023, Trung tâm Hành chính công của thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động. Với việc vận hành mô hình trung tâm hành chính công đầu tiên của TPHCM, người dân, doanh nghiệp không còn mất quá nhiều thời gian, đi lại nhiều nơi để làm thủ tục hành chính, thay vào đó, từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả đều thực hiện tại một địa điểm. 

Thành phố Thủ Đức cũng được thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất, giúp đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, quản lý và tạo ra nguồn quỹ đất sạch để đấu giá tạo nguồn lực đầu tư phát triển... Đây là điều mà người dân, doanh nghiệp kỳ vọng.

Vận dụng những cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết số 98, Hội đồng nhân dân TPHCM ra nghị quyết về việc cơ cấu lại bộ máy hành chính của thành phố Thủ Đức phù hợp với thực tiễn. 

Từ đó, giúp mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước cởi dần “chiếc áo chật” khi trước đây theo Luật Tổ chức chính quyền đô thị, thành phố chỉ là một đơn vị hành chính cấp quận, huyện. Địa phương đã và đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, tập trung vào 4 nhóm: y tế, giáo dục, thể dục - thể thao và văn hóa - xã hội.

Thành phố Thủ Đức đề xuất triển khai các tuyến đường giao thông, theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu; hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tại Thủ Đức.

Để mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức đạt hiệu quả

Một là, chính quyền thành phố cần có sự “tự chủ tương đối” về tài chính. Mặc dù Nghị quyết số 98 đã trao cho thành phố Thủ Đức một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy và thực hiện thẩm quyền song một nội dung rất quan trọng cần được tháo gỡ là cơ chế “tự chủ tương đối” về tài chính, để thành phố Thủ Đức triển khai mô hình thành phố thông minh trong thời gian sớm nhất.

Khi triển khai mô hình thành phố thông minh, tự chủ về tài chính là vấn đề thiết yếu quyết định sự tự quản của thành phố nhằm thực hiện các chức năng của chính quyền cấp trên giao cũng như cụ thể hóa các chính sách riêng của thành phố. Khi giao ngân sách thì nên giao theo nguồn thu (dòng tiền thu) tương ứng với mỗi loại nhiệm vụ chi (dòng tiền chi) để thành phố có quyền tối ưu hóa, tăng dòng thu, giảm dòng chi và số tiền dôi dư địa phương được toàn quyền quyết định.

Hai là, cần phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ, chủ động hơn cho chính quyền thành phố Thủ Đức theo cách thức đổi mới nội dung và phương thức của cơ chế quản lý phù hợp với mô hình chính quyền đô thị. Phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của TPHCM và thành phố Thủ Đức, các quận, huyện. 

Cần loại bỏ cơ chế ngang hàng với quận, huyện thì mới phát huy hiệu quả sức mạnh của thành phố.

Ba là, tăng cường chuyển đổi số, gia tăng sự hài lòng và kêu gọi sự tham gia vào quản trị địa phương của người dân và doanh nghiệp. Việc quản trị của thành phố Thủ Đức cần phải chuyển từ bị động sang chủ động, thay vì chỉ phản ứng khi xảy ra sự cố, bức xúc của người dân thì chính quyền thành phố có thể sử dụng công cụ thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau thông qua cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cùng khả năng phân tích thông minh để chiết xuất thông tin, tiên lượng các vấn đề xảy ra nhằm xây dựng các chiến lược phát triển và kịch bản ứng phó phù hợp. 

Xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm của sự phát triển, đồng thời có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý, xây dựng thành phố.

Bốn là, cắt giảm thủ tục hành chính, tận dụng sự tiến bộ của công nghệ để thực hiện liên thông giữa chính quyền với người dân và giữa các bộ phận trong cơ quan nhà nước với nhau để giải quyết các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. 

Cải cách thủ tục hành chính dựa trên cơ sở của công nghệ hiện đại sẽ là bước tiến lớn trong việc xây dựng mô hình thành phố thông minh, hạn chế đến mức thấp nhất việc cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu người dân; qua đó làm gia tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, mở rộng khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước./.

Hồ sơ sự kiện số 508 (ngày 10-12-2023)

Chuyên mục: Bên lề sự kiện