21/11/2024 | 19:48 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cơ chế vượt trội trong quá trình quản trị đô thị

NGUYỄN HỮU SƠN
TS, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh
Cơ chế vượt trội trong quá trình quản trị đô thị Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần tạo điều kiện thu hút đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ làm việc, cống hiến xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh minh họa
Là đô thị đặc biệt, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ lớn, sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) có sức lan tỏa, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian qua, TPHCM luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng và Nhà nước, tiên phong trong thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá.

Cơ chế liên kết vùng, liên kết đô thị cùng phát triển gắn với công tác quy hoạch và triển khai dự án đầu tư, xây dựng cơ bản

Hầu hết những dự án phát triển kinh tế, đô thị và hạ tầng kỹ thuật, thương mại của Thành phố đều có tính liên kết vùng và liên quan đến nhiều lĩnh vực của các địa phương. Do đó, các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm cần phối, kết hợp hiệu quả, tránh tạo ra “độ vênh” giữa cơ chế của các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Thành phố. 

Qua đó, những đột phá của Thành phố sẽ mang tính bước ngoặt có tác động lan tỏa ra toàn vùng, thúc đẩy các dự án phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Trên cơ sở liên kết chính sách và cơ chế như vậy, có thể áp dụng các dự án mang tính liên vùng để kết nối đồng loạt trong đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư một cách thống nhất trong sự phát triển đô thị chung gắn với giao thông công cộng, thúc đẩy đồng loạt các lĩnh vực khác phát triển. 

Đây là một trong những chính sách có tính đặc biệt bởi các dự án độc lập nhưng tính liên kết rộng và mở, sẽ tạo ra cơ hội phát triển các quỹ đất, phục vụ hệ thống cơ sở kết nối giao thông công cộng toàn vùng. Đó cũng là một trong những quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị, về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Mặt khác, phương thức xây dựng và chuyển giao (BT) cần được nghiên cứu lại và làm rõ, tăng tính đột phá của cơ chế mở thực hiện hợp đồng. Phương thức này nếu biết cách tổ chức thực hiện, có cơ chế kiểm tra, giám sát và thúc đẩy sẽ có ý nghĩa rất lớn và quan trọng đối với sự phát triển đô thị, đầu tư công trong y tế, giáo dục và văn hóa, xã hội đối với đô thị TPHCM. 

Cùng với đó, phương thức đối tác đầu tư công - tư (PPP) cần được vận dụng linh hoạt, chủ động tạo ra hiệu quả trong các lĩnh vực như thể thao, văn hóa, du lịch, bảo tàng - bảo tồn di sản và thúc đẩy hệ thống hạ tầng giao thông bằng các phương thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). 

Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24-11-2017, của Quốc hội, “Về việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” chưa thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhưng Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, của Quốc hội, “Về việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” ra đời đã tạo ra hiệu lực và hiệu quả pháp lý về cơ chế để có thể vượt qua những “rào cản” hiện nay ở một số quy định pháp luật để thúc đẩy hoàn thiện các dự án và hoàn thành các công trình của Thành phố mà từ trước đến giờ chưa thực hiện được do luật định.

Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực xã hội có vai trò, ý nghĩa hết sức to lớn và quan trọng đối với sự phát triển của Thành phố, nhất là những nguồn lực tư nhân trong xã hội còn rất lớn. 

Vì vậy, Nghị quyết số 98/2023/QH15 phải được vận dụng có tính chủ động thực sự với những biện pháp cụ thể có thể tạo ra cơ chế riêng, cho phép Thành phố có thể huy động trực tiếp các nguồn lực tại chỗ trong xã hội và những nguồn lực khác một cách chủ động so với hiện nay vẫn còn phải trông chờ vào việc xin ý kiến và sự cho phép từ những cấp có thẩm quyền hoặc phải đẩy lên xin ý kiến của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Cơ chế về tổ chức, bộ máy, mô hình chính quyền đô thị hiện đại

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng trong tổng thể phát triển của đô thị TPHCM là đô thị thành phố Thủ Đức. Về cơ chế, tuy đã trở thành thành phố, song thành phố Thủ Đức vẫn bị ràng buộc bởi những cơ chế quản lý và vận hành bộ máy, điều hành kinh tế tương đương như một quận của TPHCM, thực sự không có sự khác biệt nhiều so với trước khi sáp nhập. 

Tốc độ đô thị hóa ở TPHCM vốn dĩ đã cao, nhanh, mạnh hơn so với cả nước thì ngay trong Thành phố, tốc độ đô thị hóa của thành phố Thủ Đức còn đặc biệt nhanh và đòi hỏi phát triển không ngừng so với sự quản lý và điều hành của chính quyền có phần nào chưa theo kịp.

Nhiều vấn đề của đô thị, trong đó có vấn đề về bất động sản, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở thành phố Thủ Đức mang tính cấp bách đặt ra nhưng nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các ban, ngành đã tìm cách tháo gỡ nhưng những vấn đề phát sinh, các cơ quan ở cấp tỉnh, thành phố thường phải trình lên bộ, sau khi các bộ tham vấn ý kiến thì trình lên Thủ tướng Chính phủ, những vấn đề còn vướng luật phải thông qua Quốc hội.

Mặc dù Nghị quyết số 54/2017/QH14 đã mở ra nhiều cơ chế pháp lý linh hoạt cho phép TPHCM có thể chủ động trong quá trình phát triển, nhưng thực tiễn cho thấy hành lang pháp lý vẫn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của đô thị. 

Vậy nên Nghị quyết số 98/2023/QH15 là sự kế thừa, phát huy mạnh mẽ những cơ chế đột phá về phân cấp, phân quyền cho các đô thị để có thể đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển của nền kinh tế. Chính cơ chế đặc biệt sẽ cho phép người đứng đầu dám quyết, chịu trách nhiệm thay vì phải tham mưu các bộ ngành và Chính phủ hay Thủ tướng quyết định cho phép.

Cơ chế đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ đãi ngộ tương ứng

Để trở thành trung tâm dịch vụ công nghiệp phát triển theo định hướng của Nghị quyết số 31-NQ/TW, nguồn lực quan trọng, đóng góp không nhỏ và mang tính quyết định là nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia đầu ngành, đội ngũ trí thức khoa học của Thành phố. 

Nội dung này đã và đang trở thành cốt lõi khi Thành phố hướng tới là đô thị thông minh, nền kinh tế số gắn với xã hội số. Do đó, không thể thiếu vai trò của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức và nhà đầu tư chiến lược (chuyên gia từ bên ngoài vào). 

Chính sách để thu hút các nhà khoa học, các nhà đầu tư chiến lược cho những khu vực mà Thành phố còn nhiều cơ hội. Cơ chế này rất được kỳ vọng sẽ gỡ “nút thắt” lớn trong vấn đề nguồn nhân lực nói chung, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học nói riêng của TPHCM suốt nhiều năm qua.

Thời điểm khi tiến hành xây dựng cơ chế đặc thù cho TPHCM, xã hội chưa nghĩ nhiều đến trí tuệ nhân tạo (AI) mà chỉ nói đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. AI đã và đang trở nên gần gũi với cuộc sống của người dân hơn bao giờ hết, đang dần “phủ sóng” ở mọi lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cư dân độ thị hiện đại. 

Vì vậy, vai trò của lực lượng trí thức chất lượng cao, đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà đầu tư chất lượng cao,... cần phải được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi về thu nhập để có thể yên tâm phát huy năng lực và không gian sáng tạo, phát triển./.

Hồ sơ sự kiện số 508 (ngày 10-12-2023)

Chuyên mục: Bên lề sự kiện