21/11/2024 | 19:39 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phát huy vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh trong thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

NGUYỄN THỊ BÍCH THÚY
TS, Học viện Chính trị khu vực IV
Phát huy vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh trong thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Samsung - một trong những tập đoàn công nghệ nước ngoài lớn đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: nld.com.vn
Thời gian qua, mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên vai trò của Thành phố trong lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng còn bộc lộ nhiều bất cập. Thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của TPHCM nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung xứng với vị trí “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Vai trò hạt nhân của Thành phố

Tính đến tháng 6-2023, tuy chỉ có diện tích 2.061,2km2, dân số khoảng 8,9 triệu người, nhưng Thành phố đóng góp trung bình hằng năm khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 

Quy mô kinh tế năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Năm 2011, đóng góp của Thành phố vào tăng trưởng của vùng đạt 54,9%, năm 2017 tăng lên 63,2%, trung bình mỗi năm đóng góp 53,5% vào mức tăng chung của vùng; Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước, tỷ trọng đóng góp so với tổng thu ngân sách địa phương trung bình mỗi năm là 34,4%.

Thành phố là trung tâm thương mại lớn nhất cả nước; là nơi tập trung các trung tâm mua sắm, cung cấp hàng hóa lớn và có quan hệ thương mại với các địa phương trong vùng và trên cả nước. 

Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011 - 2017, khu vực dịch vụ của TPHCM tăng 7,73%, cao hơn 0,58 điểm phần trăm và mỗi năm đóng góp trung bình 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung của vùng. 

Là nơi thu hút được nhiều khách quốc tế nhất, trung bình mỗi năm Thành phố thu hút được 3,9 triệu lượt khách quốc tế. Thành phố đã ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất với việc xây dựng khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu phần mềm Quang Trung, trung tâm công nghệ sinh học, Viện Khoa học công nghệ tính toán... 

Hiện nay, Thành phố có 3 khu chế xuất, 16 khu công nghiệp, trên 350.000 doanh nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 4.546ha, 1.544 dự án với tổng số vốn đầu tư lên đến 10,25 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 290.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp Thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

Thành phố đã hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm giúp kết nối hạ tầng của các tỉnh, thành phố trong vùng. Theo đó, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) đã giúp kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung; tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và tuyến cao tốc Bến Lức - TPHCM - Long Thành trở thành mạng lưới gắn kết chặt chẽ các vùng với nhau.

Bên cạnh đó, cầu Sài Gòn 2 song song với cầu Sài Gòn hiện hữu được thiết kế bảo đảm tính đồng bộ về quy mô với tuyến xa lộ Hà Nội đã và đang được mở rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng, góp phần đẩy nhanh sự kết nối trên thực tế giữa các địa phương trong vùng với nhau và với cả nước.

Với vai trò đô thị hạt nhân thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế, thời gian qua TPHCM đã phát huy hiệu ứng lan tỏa, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư với các địa phương trong vùng. 

Với vị trí thuận lợi liền kề đô thị hạt nhân, tỉnh Bình Dương đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và đô thị hóa rất cao. Các khu công nghiệp Sóng Thần, Nam Tân Uyên, Dầu Tiếng, Tân Hiệp,... nằm gần các khu công nghiệp, khu chế xuất của TPHCM, giúp 2 địa phương phát triển sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, trao đổi công nghệ và phân bố lao động hợp lý. 

Tỉnh Long An đã ký kết Kế hoạch hợp tác kinh tế - xã hội với TPHCM. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp 2 địa phương đã có nhiều chương trình, nội dung hợp tác trong các lĩnh vực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn. 

Trong lĩnh vực quy hoạch và cung cấp thông tin, 2 địa phương đã phối hợp trong việc cung cấp, góp ý và trao đổi thông tin để thống nhất việc xây dựng, quản lý và thực hiện các quy hoạch. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, các doanh nghiệp TPHCM đã mở rộng thị phần tiêu thụ cho các sản phẩm của mình đồng thời kết hợp thu mua những sản phẩm của doanh nghiệp Tây Ninh về sản xuất, tiêu thụ trong hệ thống của mình. 

Thời gian gần đây, một loạt dự án quan trọng của doanh nghiệp TPHCM đã chuyển địa bàn đầu tư về Tây Ninh, trong đó đặc biệt có các dự án đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất và phân phối sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ thương mại...

Tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân của Thành phố

Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhấn mạnh việc ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phát huy tính năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung của cán bộ Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TPHCM khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. 

Thời gian tới, để TPHCM tiếp tục phát huy vai trò của mình trong lan tỏa, kết nối, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đạt được mục tiêu Nghị quyết số 31-NQ/TW đề ra, cần phải có nhiều giải pháp mang tính đột phá:

Một là, TPHCM có trách nhiệm chủ động tháo gỡ các “điểm nghẽn” hiện tại của địa phương. Ngoài ra, Thành phố và các tỉnh trong vùng cũng cần tăng cường kết nối dữ liệu số trong quá trình hợp tác, phát triển để giải quyết nhanh các công việc, chương trình hành động của vùng. 

Các địa phương cần có phân cấp mạnh mẽ, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để phát triển; chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể và hoàn thiện quy chế hoạt động. Để thúc đẩy, phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các bên, các tỉnh và các doanh nghiệp phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TPHCM; phát huy tốt nhất lợi thế từng địa phương và của vùng. 

Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của từng địa phương, doanh nghiệp có lợi thế để tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng.

Hai là, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, của Quốc hội, “Về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”, việc ban hành cơ chế đặc thù cho TPHCM thực tế đang phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của Thành phố đối với cả nước. 

Hệ thống chính trị, chính quyền Thành phố cũng rất năng động, sáng tạo, cố gắng tận dụng các cơ chế đặc thù của Trung ương dành cho địa phương. Thành phố cần tập trung xử lý những bất cập về quy hoạch; xây dựng thành phố thành mô hình kiểu mẫu xanh, sạch, đẹp, huy động sự vào cuộc tích cực của chính quyền cơ sở và mọi người dân.

Ba là, quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực và địa bàn phát triển hợp lý; liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng chung của vùng, nhất là giao thông; liên kết giải quyết vấn đề môi trường chung và bảo vệ môi trường; liên kết phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung. 

Do đó, với vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM cần định hình cơ cấu kinh tế của mình trên phạm vi vùng và xây dựng thể chế kinh tế vùng.

Bốn là, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các chính sách vượt trội để phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới. 

Trong đó, thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố. 

Thực hiện tốt các chính sách thí điểm mang tính đột phá để Thành phố chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. 

Triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố. 

Tổ chức thực hiện cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hoá trong các lĩnh vực./.

Hồ sơ sự kiện số 508 (ngày 10-12-2023)

Chuyên mục: Bên lề sự kiện