22/11/2024 | 00:28 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Sự điều chỉnh chính sách đối với khu vực Trung Đông của các nước lớn

Lê Xuân Thuận
Vụ Trung Đông - châu Phi - Mỹ Latinh
Sự điều chỉnh chính sách đối với khu vực Trung Đông của các nước lớn Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Arab diễn ra tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, ngày 9-12-2022_Ảnh: Reuters
Cùng với sự thay đổi trong chính sách phát triển của các nước, thời gian qua, cục diện khu vực Trung Đông chứng kiến bước chuyển lớn trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục giảm dần can dự trực tiếp vào các vấn đề khu vực, Trung Quốc và Nga đẩy mạnh ảnh hưởng cả về kinh tế và quân sự, tăng cường can dự để lấp dần những “khoảng trống” mà Mỹ để lại, tác động mạnh mẽ tới tình hình và cán cân lực lượng khu vực.

Mỹ tiếp tục chuyển hướng từ “kiểm soát” sang “cạnh tranh”

Dưới thời kỳ chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ tiếp tục xu hướng thay đổi tư duy từ “kiểm soát” sang “cạnh tranh” tại khu vực Trung Đông, giảm tối đa can dự quân sự trực tiếp. Thay vì mất nhiều chi phí để duy trì sự kiểm soát toàn diện khu vực Trung Đông như trước đây, Mỹ chuyển hướng duy trì vị thế ảnh hưởng số 1 tại khu vực với chi phí thấp hơn, bảo đảm ảnh hưởng tại Trung Đông lớn hơn ảnh hưởng của Trung Quốc, Nga hay bất kỳ một quốc gia bên ngoài nào khác. Theo đó, Mỹ tăng cường duy trì lợi ích chiến lược ở Trung Đông bằng “biện pháp phi quân sự”. Trong chính sách đối với khu vực, chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden cơ bản vẫn duy trì các mục tiêu cốt lõi của chính quyền tiền nhiệm, như: 1- Bảo đảm an ninh cho các đồng minh, kiềm chế sự trỗi dậy của Iran; 2- Duy trì các lợi ích kinh tế, quân sự, an ninh chiến lược tại khu vực.

Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2018 - 2022, Mỹ cung cấp khoảng 54% số lượng vũ khí cho Trung Đông, góp phần quan trọng giúp Mỹ khẳng định vị trí số 1 về xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu.

Đồng thời, chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số thay đổi quan trọng, bao gồm: 1- Củng cố quan hệ với các đồng minh trong khu vực, như Israel và Saudi Arabia thông qua hàng loạt chuyến thăm cấp cao, nổi bật là các chuyến thăm của Tổng thống J. Biden tới khu vực Trung Đông vào tháng 7-2022 và tháng 10-2023, mở rộng hợp tác về quân sự, kinh tế; 2- Can dự nhiều hơn vào giải quyết các vấn đề khu vực thông qua biện pháp ngoại giao. Trong giải quyết vấn đề xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel cũng như xung đột giữa Israel và Palestine, Tổng thống J. Biden khẳng định giải pháp “2 nhà nước” thông qua đàm phán là con đường khả thi nhất để giải quyết mọi gốc rễ của xung đột, bảo đảm hòa bình, an ninh và thịnh vượng lâu dài cho người dân Israel và Palestine, nối lại và gia tăng viện trợ cho người dân Palestine. 

Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống J. Biden cũng coi trọng giải quyết vấn đề hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, một mặt, tích cực đàm phán nối lại Thỏa thuận hạt nhân Iran; mặt khác, tiếp tục thực hiện chiến thuật kiềm tỏa, buộc Iran phải nhượng bộ; 3- Thúc đẩy các sáng kiến liên kết khu vực, mở rộng tập hợp lực lượng, như đẩy mạnh triển khai Thỏa thuận Abraham, thành lập nhóm I2U2 (bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Israel và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất - UAE, sáng kiến Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC); 4- Cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau thời gian dài “đóng băng”. Tháng 4-2022, hai bên ra thông cáo thiết lập cơ chế hợp tác mới nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, nhất là hợp tác quân sự với thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá khoảng 300 triệu USD.

Trung Quốc, Nga mở rộng hợp tác, gia tăng ảnh hưởng

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden tiếp tục triển khai chính sách thu hẹp can dự, Trung Quốc và Nga ngày càng tăng cường hiện diện, mở rộng tập hợp lực lượng, nhằm “khỏa lấp” các khoảng trống mà Mỹ để lại, thông qua chủ trương: 1- Đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các đối tác “thù địch” với Mỹ, như Iran, Syria; 2- Tăng cường hợp tác với các “đồng minh”, đối tác truyền thống của Mỹ, như Israel, Saudi Arabia, UAE,... trên lĩnh vực kinh tế, quân sự; 3- Chủ động, tích cực tham gia giải quyết các điểm nóng khu vực; 4- Thiết lập các cơ chế mới, dẫn dắt hợp tác khu vực trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), kết nạp thêm Iran, trao quy chế Đối thoại cho Saudi Arabia, UAE, Qatar, Kuwait, Bahrain) hay Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, kết nạp Iran, Saudi Arabia, UAE).

Đối với Trung Quốc, bên cạnh duy trì hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế(1), Trung Quốc điều chỉnh, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực chính trị - đối ngoại, quân sự. Cụ thể, về chính trị - đối ngoại, Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao nguyên thủ thông qua vai trò của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó nổi bật là chuyến thăm Saudi Arabia vào tháng 12-2022. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Trung Quốc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Arab lần đầu tiên với sự tham dự của lãnh đạo các nước khu vực, khẳng định vị thế cường quốc tại Trung Đông. Các sáng kiến, cơ chế hợp tác do Trung Quốc dẫn dắt, như Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), Cộng đồng chung vận mệnh, SCO,... ngày càng nhận được sự đánh giá cao của khu vực. Thành công trong vai trò trung gian bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia vào tháng 4-2023 góp phần quan trọng củng cố mạnh mẽ niềm tin của khu vực vào vai trò của Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề khu vực. Về quân sự, Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác, bán vũ khí, hỗ trợ đào tạo quân sự, công nghệ chiến lược với các đối tác chủ chốt khu vực, như Iran, Saudi Arabia, UAE. Các cuộc tập trận chung cũng thường xuyên được tổ chức giữa Trung Quốc với Iran tại Vịnh Oman hay UAE ở Tân Cương (Trung Quốc). Tháng 3-2023, Tướng Michael Kurilla - người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ - cho biết, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang Trung Đông tăng hơn 80% trong vòng 1 thập niên qua.

Đối với Nga, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin tích cực điều chỉnh chính sách, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và chính trị - đối ngoại với các đối tác khu vực, nhất là sau khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraina. Về kinh tế - thương mại, Nga xác định đẩy mạnh triển khai chính sách “hướng Đông” với khu vực Trung Đông là một trọng tâm, thúc đẩy phát triển “Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam”, hình thành một tuyến đường kết nối từ Nga tới khu vực Nam Á thông qua Trung Á và Iran. Nhân chuyến thăm Iran vào tháng 7-2022, Nga và Iran ký biên bản ghi nhớ hợp tác năng lượng trị giá 40 tỷ USD, mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ thay thế các linh kiện công nghiệp bị phương Tây cấm vận. Đồng thời, Nga còn đẩy mạnh hợp tác với các nước vùng Vịnh, nỗ lực duy trì sản lượng và giá dầu có lợi. Về chính trị - đối ngoại, Nga tăng cường đối thoại nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Đặc biệt, Nga đã thành công trong việc thúc đẩy Syria bình thường hóa quan hệ với các nước Arab, nhất là việc quay trở lại Liên đoàn Arab sau 11 năm, nối lại đàm phán hòa bình với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiếp tục điều chỉnh chính sách, duy trì lợi thế cạnh tranh

Trong bối cảnh tình hình Trung Đông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các quốc gia trong khu vực ngày càng đề cao chủ trương “tự chủ chiến lược”, Mỹ, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách hợp tác tại khu vực, duy trì lợi thế trong cạnh tranh chiến lược nước lớn.

Đối với Mỹ, nhằm nỗ lực bảo vệ vị thế và các mục tiêu cốt lõi tại khu vực Trung Đông, chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden được cho là sẽ chú trọng triển khai chính sách đối ngoại theo hướng: 1- Củng cố, tạo đột phá trong quan hệ với các đồng minh, đối tác chủ chốt, nhất là với Israel, Saudi Arabia, UAE...; 2- Tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, với trọng tâm là cuộc xung đột đang leo thang giữa Israel với Palestine và các nước Arab; 3- Duy trì chiến lược quân sự - đối ngoại ít tốn kém hơn, tiếp tục nhất quán chủ trương giảm can dự trực tiếp tối đa; 4- Tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng, phát triển xanh, kinh tế số, ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai sáng kiến IMEC.

Đối với Trung Quốc, trên cơ sở những thành tựu đạt được thời gian qua, Trung Quốc sẽ tiếp tục chủ trương ưu tiên mở rộng hợp tác với khu vực Trung Đông, theo hướng: 1- Gia tăng hợp tác kinh tế, thương mại, mở rộng đầu tư tại khu vực; 2- Chủ động tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, nhất là xung đột giữa Israel và Palestine trên cơ sở “đề xuất 3 điểm” đưa ra bởi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm của Tổng thống Palestine tới Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 6-2023; 3- Đẩy mạnh hợp tác quân sự, chính trị - đối ngoại trong khuôn khổ BRI, Cộng đồng chung vận mệnh và các cơ chế, như BRICS, SCO.

Đối với Nga, chính quyền Tổng thống V. Putin sẽ ưu tiên đẩy mạnh hợp tác với khu vực Trung Đông trên tinh thần quan hệ truyền thống, đối tác ưu tiên. Theo đó, chính sách đối ngoại của Nga đối với Trung Đông sẽ được triển khai theo hướng: 1- Tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua hợp tác với các nước này để gia tăng ảnh hưởng tại khu vực; 2- Mở rộng hợp tác với các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), gia tăng liên kết kinh tế, bảo đảm sự ổn định của giá dầu mỏ; 3- Tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, trọng tâm là tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Iran hay Syria với các nước khu vực./.

-------------------

(1) Trong giai đoạn 2005 - 2022, Trung Quốc đầu tư 273 tỷ USD vào khu vực Trung Đông, trở thành đối tác thương mại hàng đầu của khu vực.