06/10/2024 | 03:08 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nỗ lực của Nga, Trung Quốc trong giải quyết xung đột

Đình Hùng
Nỗ lực của Nga, Trung Quốc trong giải quyết xung đột Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi họp với các quan chức quốc phòng thảo luận về xung đột Nga - Ukraina và giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas, ngày 16-10-2023_Ảnh: Reuters
Ngày 7-10-2023, sau khi cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas nổ ra, cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về nguy cơ cuộc xung đột đang lan khỏi khu vực Trung Đông. Nga và Trung Quốc - thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - bày tỏ quan điểm và có động thái cụ thể trước cuộc xung đột.

Những mối quan hệ đan xen phức tạp

Vấn đề Trung Đông vốn có lịch sử phức tạp, đã trải qua nhiều cuộc xung đột, chiến tranh. Về cơ bản, đây là cuộc xung đột về đất đai, tôn giáo giữa một bên là Nhà nước Do Thái Israel và bên kia là Phong trào Giải phóng dân tộc Palestine, các nhóm kháng chiến Hồi giáo, cùng các nước đồng minh Arab... Bên cạnh đó, Trung Đông cũng là khu vực có vị trí quan trọng trên thế giới; nằm ở vị trí trung tâm, kết nối châu Á, châu Âu, châu Phi, nơi chứa đựng nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú, quan trọng đối với an ninh năng lượng của các quốc gia. Quan điểm của các nước lớn đối với vấn đề Trung Đông cũng hết sức phức tạp.

Đối với Nga, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Israel và Liên Xô (trước đây) ở hai phía đối lập. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên được cải thiện đáng kể sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Tuy nhiên, Nga cùng lúc vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước Arab, như Syria, Iran, cũng như Phong trào Giải phóng dân tộc Palestine... Tương tự, Trung Quốc cũng là nước có quan hệ với cả hai bên trong cuộc xung đột ở Trung Đông. Israel từng là quốc gia Trung Đông đầu tiên công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ngày 9-1-1950). Hiện nay, Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các nước Arab, nguồn cung cấp dầu mỏ quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc, cũng như các quốc gia hợp tác khá chặt chẽ với Trung Quốc trong một số dự án, sáng kiến toàn cầu do Trung Quốc đề xướng. Vì thế, khi cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas nổ ra, cả Nga, Trung Quốc đều đứng trước thế khó trong quan hệ với các nước tại khu vực.

Nỗ lực chấm dứt xung đột và tăng cường cứu trợ nhân đạo

Hiện nay, cuộc xung đột Palestine - Israel tiếp tục leo thang, dẫn tới thương vong quy mô lớn và khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh đó, cả Nga và Trung Quốc đều bày tỏ quan điểm mong muốn sớm chấm dứt cuộc xung đột, ủng hộ vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoan nghênh các sáng kiến bảo vệ dân thường và cứu trợ nhân đạo; đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng đóng vai trò trung gian cho giải quyết xung đột.

Cụ thể, về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã tiến hành điện đàm với hầu hết các nhà lãnh đạo của khu vực Trung Đông, bao gồm cả nhà lãnh đạo Israel và lãnh đạo của các nước Arab. Trong các cuộc điện đàm, Tổng thống V. Putin, một mặt, gửi lời chia buồn tới gia đình của những người dân Israel bị thiệt mạng trong cuộc tấn công của lực lượng Hamas; mặt khác, lên án và phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào nhằm biến người dân trở thành nạn nhân của các cuộc xung đột, tấn công quân sự. Tổng thống V. Putin còn cảnh báo việc Israel phong tỏa Dải Gaza, thậm chí so sánh hành động này với cuộc bao vây của Đức Quốc xã ở Leningrad trong Chiến tranh thế giới thứ hai; đồng thời cho rằng, cuộc xung đột này là thất bại của ngoại giao Mỹ, cáo buộc Mỹ đã từ bỏ nỗ lực để thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Tổng thống V. Putin nhấn mạnh sự cần phải nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng các biện pháp hòa bình thông qua lĩnh vực chính trị và ngoại giao, cho biết Nga có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Trung Đông.

Đánh giá về tình hình xung đột tại cuộc họp báo sau Đối thoại chiến lược Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 12 tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng tình hình hiện nay ở Palestine rất nguy cấp, đồng thời tuyên bố Trung Quốc lên án mọi hành động gây tổn hại cho dân thường và phản đối mọi hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Trước đó, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào ngày 14-10-2023, Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi “triệu tập hội nghị hòa bình quốc tế sớm nhất có thể” và cảnh báo, cuộc xung đột đang leo thang, có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.

 Về phía Trung Quốc, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến tình hình xung đột ở Trung Đông hiện nay và bày tỏ quan điểm mong muốn cuộc xung đột sớm chấm dứt. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiến hành điện đàm với người đồng cấp của cả Israel và Palestine. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Israel Eli Cohen, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng, mọi quốc gia đều có quyền tự vệ nhưng phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ người dân, không được vượt xa phạm vi tự vệ; nhấn mạnh điều bắt buộc là phải ngăn chặn tình hình leo thang xung đột hơn nữa để tránh dẫn đến thảm họa nhân đạo. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki, Ngoại trưởng Vương Nghị chia sẻ sự thông cảm sâu sắc với tình hình khó khăn của Palestine, nhất là người dân ở Dải Gaza; cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho người dân nơi đây. Trung Quốc cũng phối hợp chặt chẽ về quan điểm với Nga liên quan đến cuộc xung đột này, ủng hộ dự thảo nghị quyết của Nga đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề xung đột ở Trung Đông và chỉ trích việc Mỹ cản trở không thông qua nghị quyết do Nga soạn thảo. Đáng chú ý là việc Trung Quốc đã sớm cử đặc phái viên tới khu vực Trung Đông chỉ vài ngày sau vụ tấn công của lực lượng Hamas, với thông điệp Trung Quốc là bạn của cả Israel và Palestine, vừa thông cảm cho hành động tự vệ của Israel, vừa thấu hiểu tình hình khó khăn của người dân ở Dải Gaza, sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải, kiến tạo hòa bình cho khu vực.

Rõ ràng, do liên quan đến cả hai phía của cuộc xung đột, Nga và Trung Quốc đều thể hiện lập trường trung gian, nhấn mạnh đến nguyên tắc bảo vệ người dân, cứu trợ nhân đạo, hướng tới chấm dứt xung đột.

Mặc dù chịu áp lực từ quan điểm và động thái của các nước lớn, song khả năng tác động của các nước này nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay được cho là khá hạn chế. Theo Văn phòng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Thủ tướng B. Netanyahu từng trao đổi với Tổng thống V. Putin rằng Israel sẽ không dừng lại cho đến khi xóa sổ hoàn toàn lực lượng Hamas. Điều đó cho thấy, sứ mệnh hòa bình đối với một khu vực có lịch sử tranh chấp phức tạp như Trung Đông thực sự không hề dễ dàng./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện