06/10/2024 | 00:35 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chuyến thăm Israel của Tổng thống Mỹ Joe Biden: Chưa như kỳ vọng?

Xuân Sơn
Chuyến thăm Israel của Tổng thống Mỹ Joe Biden: Chưa như kỳ vọng? Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp tại Tel Aviv, Israel, ngày 18-10-2023_Ảnh: AFP
Trở về Mỹ sau chuyến thăm Israel kéo dài 7 giờ đồng hồ giữa cao trào chiến sự giữa Israel và lực lượng Hamas, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khép lại sứ mệnh khẩn cấp nhằm giảm leo thang chiến tranh ở khu vực. Tuy nhiên, kết quả chuyến thăm có phần chưa trọn vẹn khi diễn biến thực địa và ẩn sau là phản ứng của các bên đối với vai trò hòa giải của Mỹ đang đi ngược những kỳ vọng của quốc gia này.

Chuyến thăm đầy “sóng gió”

Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel vào ngày 17-10-2023, sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận với chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc cung cấp cứu trợ nhân đạo và các khu vực an toàn cho hơn 2 triệu người dân ở Dải Gaza đang trong tình trạng khó khăn, cần được cung cấp nước và thực phẩm khẩn cấp. Bên cạnh mục đích ngăn chặn xung đột leo thang, Tổng thống J. Biden tới thăm Israel được cho là nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với quốc gia đồng minh. Tuy nhiên, Tổng thống J. Biden chỉ đạt được mục đích thứ hai là bày tỏ sự tôn trọng sâu sắc đối với Israel, chia sẻ trước những đau thương và mất mát mà người dân nước này phải hứng chịu trong cuộc xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas. Tổng thống J. Biden không thể hoàn thành mục đích thứ nhất sau khi xảy ra vụ nổ tại Bệnh viện Al-Ahli Arabi ở Dải Gaza, khiến hàng trăm người bị thiệt mạng vào ngày 17-10-2023, đã châm ngòi các cuộc biểu tình tại nhiều quốc gia Arab. Ðó chính là thảm kịch mà Tổng thống J. Biden hy vọng ngăn chặn bằng cách đến thăm khu vực, song điều đó là không thể. Sự kiện trên cũng khiến Tổng thống J. Biden không thể thực hiện chuyến thăm quan trọng tới Thủ đô Amman (Jordan) để gặp Quốc vương Jordan Abdullah II, các nhà lãnh đạo Ai Cập và Palestine như dự kiến. Hội nghị thượng đỉnh bàn về vấn đề Dải Gaza vào ngày 18-10-2023 cũng bị hủy bỏ sau khi xảy ra vụ nổ ở Bệnh viện Al-Ahli Arabi. Cuộc gặp tại Thủ đô Amman được nhận định có ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực của Tổng thống J. Biden nhằm cân bằng sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các nhà lãnh đạo Arab - yếu tố giúp kiềm chế cuộc xung đột hiện nay. Trước đó, Mỹ đã điều 2 tầu sân bay tới gần Israel nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với nước này sau vụ đột kích của lực lượng Hamas làm thiệt mạng hơn 1.400 dân thường Israel. Do đó, việc hủy bỏ cuộc gặp này khiến Mỹ mất cơ hội để khẳng định vị thế và ảnh hưởng ở khu vực.

Thực tế, trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ J. Biden, Mỹ tích cực tham gia kiềm chế các bên nhằm tránh nguy cơ leo thang xung đột khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thuyết phục thành công Israel trì hoãn cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Dải Gaza do quan ngại một cuộc tấn công như vậy có thể khiến lực lượng Hezbollah tấn công vào biên giới phía Bắc của Israel. Tuy nhiên, việc này chỉ là giải pháp tạm thời và không thể làm nguội “thùng thuốc súng” đang tiếp tục rực cháy ở Trung Đông. Israel vẫn đang huy động mọi nguồn lực chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến với mục tiêu tiêu diệt lực lượng Hamas.

Trong cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo Israel, Tổng thống J. Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn một cuộc xung đột khu vực lan rộng sau những lời đe dọa của lực lượng Hezbollah. Tổng thống J. Biden cũng chỉ ra sự khác biệt rõ ràng giữa người dân Palestine và lực lượng cực đoan Hamas - lợi dụng dân thường vô tội - làm lá chắn cho các cuộc tấn công. Trong khi đó, tại Mỹ, vấn đề người Hồi giáo và người di cư từ Dải Gaza trở thành chủ đề được quan tâm, trong bối cảnh các bên đang nỗ lực vận động cho cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào năm 2024. Ngày 16-10-2023, trao đổi với những người ủng hộ ở bang Iowa (Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, nếu được quay lại Phòng Bầu dục, ông sẽ lập tức triển khai “sàng lọc ý thức hệ” đối với tất cả những người nhập cư và cấm những người có mối quan hệ với Hamas, cũng như những người Hồi giáo cực đoan.

Thách thức đối với vai trò hòa giải của Mỹ

Mặc dù chuyến thăm Israel của Tổng thống J. Biden đạt được một số kết quả tích cực, như việc Mỹ và Israel đạt thỏa thuận về các hành lang nhân đạo để cung cấp viện trợ cho người dân ở Dải Gaza, chuyến thăm này cũng cho thấy những giới hạn trong vị thế của Mỹ tại khu vực. Đơn cử như, sự gia tăng nghi ngờ trong khu vực về vai trò của Mỹ khi đồng tình với nhận định của Israel rằng, vụ nổ Bệnh viện Al-Ahli Arabi ở Dải Gaza do “một nhóm thánh chiến Hồi giáo” khác gây ra. Động thái này khiến người dân Palestine phẫn nộ khi cho rằng đây là tuyên bố thiếu trách nhiệm trong bối cảnh vụ nổ kinh hoàng gây ra quá nhiều thương vong cho người dân vô tội. Chưa xét đến tính đúng hay sai của sự việc, phát ngôn của Tổng thống J. Biden làm mất tính trung lập của một quốc gia đóng vai trò hòa giải, qua đó làm xói mòn khả năng của Mỹ trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng là giảm bớt căng thẳng tại khu vực. Thực tế, việc Tổng thống J. Biden tán thành tuyên bố của Israel đổ lỗi cho nhóm chiến binh thánh chiến Hồi giáo đứng phía sau cuộc tấn công dựa trên dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng cho biết, Israel “không phải là thủ phạm” gây ra vụ tấn công. Trong khi đó, lực lượng thánh chiến Hồi giáo cũng phủ nhận sự liên quan.

Ngày 29-10-2023, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant xác nhận các hoạt động quân sự của Israel chống lại phong trào Hamas đã chuyển sang “giai đoạn mới”: “chúng tôi tấn công trên mặt đất và dưới ngầm. Chúng tôi tấn công đối phương ở mọi nơi, mọi cấp độ. Chỉ thị cho lực lượng của chúng tôi rất rõ ràng: chiến dịch sẽ tiếp tục cho đến khi có mệnh lệnh mới”.

Niềm tin đối với năng lực trung gian, hòa giải của Mỹ cũng bị “đe dọa” do vấn đề viện trợ cho người dân ở Dải Gaza. Tổng thống J. Biden kêu gọi Chính phủ Israel cho phép hỗ trợ nhân đạo với điều kiện phải bảo đảm chuyển đến tận tay người dân và loại trừ các chiến binh Hamas. Tổng thống J. Biden cho biết, ông đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và đã đạt được sự nhất trí cho phép 20 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đi qua cửa khẩu Rafah vào Dải Gaza. Sự xuất hiện của những chiếc xe tải cứu trợ sẽ đánh dấu bước đột phá trong bối cảnh nhu cầu của người dân ở Dải Gaza không có nơi nào để thoát khỏi các cuộc tấn công của Israel là rất lớn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hoài nghi về việc liệu Mỹ có thể bảo đảm Israel giữ cam kết cứu trợ nhân đạo cho Dải Gaza hay không.

Một bài toán khó khác ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ trong giải quyết xung đột ở Trung Đông là cân bằng quan hệ giữa nước này với Israel và các nước Arab. Đơn cử như, thông điệp rõ nhất trong chuyến thăm Israel lần này của Tổng thống J. Biden là việc chứng minh Israel không đứng “một mình”. Tổng thống J. Biden gửi lời cảnh báo tới những đối thủ của Israel ngoài lực lượng Hamas, như nhóm chiến binh Hezbollah đóng tại Iran và Lebanon, với thông điệp rằng Mỹ sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để bảo vệ đồng minh. Sự hiện diện của Tổng thống J. Biden cũng củng cố thông điệp của Mỹ khi triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực trước đó. Thế nhưng, thông điệp ủng hộ Israel của Tổng thống J. Biden có thể sẽ khiến Mỹ gặp thêm khó khăn trong quan hệ với thế giới Arab. Tuy nhiên, nếu Mỹ không thể hiện rõ sự ủng hộ đối với Israel - đồng minh quan trọng nhất ở khu vực - sẽ làm lung lay niềm tin của các đồng minh khác đối với Mỹ. Trước tình thế lưỡng nan, việc Tổng thống J. Biden trong những ngày gần đây gia tăng áp lực lên Israel về việc bảo vệ mạng sống của người dân khỏi các cuộc không kích và bao vây cho thấy Mỹ mong muốn đạt thế cân bằng hơn trong xử lý quan hệ với các nước Trung Đông. Việc lãnh đạo các nước Hồi giáo, như Quốc vương Jordan Abdullah II bin Al-Hussein, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh bàn về vấn đề Dải Gaza vào ngày 18-10-2023 ở Amman do quan ngại kích động làn sóng phản đối trong nước cho thấy sáng kiến để cứu vãn hòa bình khu vực tại thời điểm này của Mỹ chưa tạo được niềm tin đối với các nước Arab. Bên cạnh đó, nguy cơ tình trạng bất ổn từ cuộc xung đột này lan rộng trên khắp thế giới Arab đang gây áp lực lớn đối với các nhà lãnh đạo chủ chốt trong khu vực, bao gồm cả những đối tác, đồng minh với Mỹ.

Theo giới chuyên gia, chuyến thăm Israel của Tổng thống J. Biden được coi là một phép thử không thành công về ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Ngoài việc không thể mang lại kết quả đột phá, chuyến thăm còn cho thấy vai trò hạn chế của Mỹ trong bối cảnh tình hình địa - chính trị khu vực đặc biệt nghiêm trọng và do đó, nhiều khả năng trong giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, Mỹ khó có thể ngăn chặn những diễn biến vượt khỏi tầm kiểm soát./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện