05/04/2025 | 17:20 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Sự linh hoạt của Cộng đồng các quốc gia vùng Vịnh trong bối cảnh mới

Trần Thùy Phương
TS, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Sự linh hoạt của Cộng đồng các quốc gia vùng Vịnh trong bối cảnh mới Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia vùng Vịnh cùng Mỹ, Ai Cập, Iraq và Jordan ở thành phố Jedda, Saudi Arabia, ngày 16-7-2022_Ảnh: AFP

Cộng đồng các quốc gia vùng Vịnh (GCC) là một tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông. Những biến đổi trong cục diện thế giới và khu vực thời gian gần đây đã tác động mạnh mẽ đến chiến lược của các quốc gia vùng Vịnh. Quan điểm và thực tế hợp tác của GCC diễn ra không chỉ với các cường quốc thế giới, mà còn cả với các nước lớn trong khu vực và giữa các quốc gia GCC với nhau trên nhiều lĩnh vực, trong đó sâu sắc nhất là chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế.

Chủ động hợp tác đa dạng với các cường quốc thế giới

Với Mỹ, sự linh hoạt của các nước GCC trong quan hệ quốc tế, đứng đầu là Saudi Arabia, được ấn định theo hướng duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ, đồng thời tăng cường hợp tác với Nga và Trung Quốc để phát triển kinh tế và cân bằng chính trị. Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ có dấu hiệu “nguội lạnh”. Nguyên nhân bởi chính quyền Saudi Arabia có nhiều điểm không hài lòng với Mỹ, cho rằng Mỹ không còn là đồng minh thân thiết để sẵn sàng bảo vệ an ninh quốc gia cho Saudi Arabia. Những phản ứng mạnh mẽ của Saudi Arabia với Mỹ, như việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ bất chấp đề nghị của Mỹ; Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập vẫn tiếp tục triển khai các hợp đồng năng lượng và thương mại với Nga; hay việc Saudi Arabia mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, khiến Mỹ phải nhanh chóng đưa ra đối sách theo hướng quyết tâm khôi phục vai trò của mình tại Trung Đông. Nhìn chung, Saudi Arabia cùng các nhà lãnh đạo GCC khẳng định vị thế rất rõ ràng trong chính sách với Mỹ, một mặt vẫn giữ quan điểm đồng minh; mặt khác, buộc Mỹ và phương Tây phải xác định hướng đi đối với các quốc gia Trung Đông này.

Với Trung Quốc, bước ngoặt trong quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc với các nước Arab được đánh dấu bằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Saudi Arabia (tháng 12-2022). Chuyến thăm đã mở ra nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư và đặc biệt là chuyển giao công nghệ giữa Trung Quốc với các nước Arab. Việc Saudi Arabia quyết định tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với tư cách là đối tác đối thoại cũng đánh dấu quan điểm gia tăng hợp tác với Trung Quốc. Nhìn chung, đa số các quốc gia Arab đều có xu hướng gia tăng quan hệ với Trung Quốc vì những lợi ích kinh tế đối với cả 2 bên. Trong khi đó, trên cơ sở nền tảng quan hệ kinh tế Trung Quốc có thể củng cố vai trò cường quốc ở Trung Đông, thông qua trách nhiệm làm trung gian hòa giải căng thẳng trong các cuộc xung đột Saudi Arabia - Iran, xung đột Yemen, vấn đề Syria...

Với Nga, các quốc gia GCC gia tăng hợp tác trước hết vì mục đích kinh tế. Saudi Arabia, UAE, Qatar xây dựng mối quan hệ thực dụng với Nga trong khuôn khổ Nhóm OPEC+ nhằm phối hợp chặt chẽ giữa các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu để trợ giá năng lượng, giữ vững vị thế cho các nhà sản xuất dầu mỏ khi các nước phương Tây đang nỗ lực thực hiện kế hoạch chuyển đổi năng lượng. Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn đánh giá rằng, tương lai có thể hình thành khối GCC+ (tương tự khối OPEC+) nhằm thúc đẩy hơn nữa lợi ích của các bên. Ngược lại, các quốc gia dầu mỏ Trung Đông được đánh giá là bạn hàng tiềm năng, thậm chí trở thành “huyết mạch kinh tế” cho Nga trong bối cảnh Nga bị Mỹ và phương Tây cấm vận. Những lĩnh vực mà Nga quan tâm ở Trung Đông gồm quốc phòng, năng lượng, điện hạt nhân, du lịch, xuất, nhập khẩu (dầu mỏ, kim loại, ngũ cốc, thực phẩm...).

Với Ấn Độ, Saudi Arabia và UAE chú trọng hợp tác về kinh tế. Saudi Arabia là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ 2 cho Ấn Độ, Trung Đông là nguồn cung quan trọng về đầu tư và kiều hối cho Ấn Độ (hiện có 9 triệu người Ấn Độ đang sinh sống và làm việc ở vùng Vịnh, một nửa trong tổng giá trị kiều hối của Ấn Độ đến từ vùng Vịnh...). Ngoài ra, Trung Đông cũng chia sẻ với Ấn Độ những mối lo ngại về chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố có liên quan đến người Hồi giáo.

Với Nhật Bản, Saudi Arabia quan hệ chặt chẽ bởi nhu cầu phát triển khoa học - công nghệ. Nhật Bản đồng ý cung cấp công nghệ năng lượng xanh để hỗ trợ Saudi Arabia bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định trong bối cảnh đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ. Nhật Bản cũng mong muốn nhập khẩu dầu mỏ với số lượng và giá thành ổn định từ Saudi Arabia trong bối cảnh xung đột tại Ukraina chưa chấm dứt. Quan trọng hơn nữa là cả Nhật Bản, Saudi Arabia nói riêng và các nước GCC nói chung đều hướng tới chuyển đổi mô hình hợp tác từ quan hệ đối tác xuất - nhập khẩu sang quan hệ đối tác toàn cầu cho kỷ nguyên khử carbon.

Xóa mờ căng thẳng, gia tăng hợp tác với các nước trong khu vực

Với Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ các nước GCC nhấn mạnh vào nguồn tín dụng song phương hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, khi nước này đối mặt với thảm họa động đất và tình trạng lạm phát gia tăng, Saudi Arabia đã gửi 5 tỷ USD, Qatar và UAE thiết lập các giao dịch tiền tệ trị giá 19 tỷ USD với Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn tài chính này là giải pháp hiệu quả giúp Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết khủng hoảng.

Với Iran, tháng 3-2023, Saudi Arabia và Iran đã nối lại quan hệ ngoại giao thông qua thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Sau đó, với sự kiện Iran chính thức mở Đại sứ quán tại Thủ đô Riyadh (Saudi Arabia), 2 quốc gia đã chính thức nối lại quan hệ hợp tác. Dù còn nhiều khác biệt trong quan điểm chính trị và an ninh, song 2 nước vẫn có nhiều nội dung cùng quan tâm, như nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế, mong muốn giảm thiểu căng thẳng trong khu vực (vấn đề Yemen, Syria...), gia tăng lo ngại từ Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. UAE và Iran có động lực chung khi UAE bình thường hóa quan hệ với chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và rút dần khỏi cuộc chiến Yemen.

Với Israel, UAE thiết lập quan hệ ngoại giao, an ninh, chiến lược với nước này. Tháng 12-2022, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong lịch sử tới Bahrain, tiếp đó là thăm chính thức UAE. Chuyến thăm này truyền đi thông điệp của Israel về chủ trương hợp tác hòa bình với khối Arab. Tuy nhiên xét về tổng thể, GCC vẫn bất đồng quan điểm với Israel về tiến trình hòa bình Trung Đông, nhất là ở các nội dung, như sáp nhập các khu định cư và áp đặt chủ quyền với các khu vực đang kiểm soát ở Bờ Tây, vấn đề thành phố Jerusalem, chủ quyền cho người Palestine... Trong bối cảnh cuộc xung đột căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hamas hiện nay, các nước GCC nỗ lực triển khai các cuộc tiếp xúc trung gian với hy vọng chấm dứt bạo lực, bảo vệ dân thường Palestine.

Chú trọng gắn kết nội bộ để phát triển bền vững

Kể từ khi thành lập (năm 1981) cho đến năm 2017 là giai đoạn chứng kiến sự rạn nứt lớn giữa các nước thành viên GCC và Qatar. Nguyên nhân bởi nhóm 4 quốc gia Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cáo buộc Qatar ủng hộ các nhóm cực đoan, phong trào Hồi giáo, can thiệp quá sâu vào vấn đề nội bộ các nước trong khu vực (như Ai Cập) và quá “gần gũi” với Iran... Ngược lại, Qatar bác bỏ cáo buộc và tố cáo các nước láng giềng đang xâm phạm chủ quyền quốc gia. Từ năm 2017 đến năm 2020, nỗ lực ngoại giao giữa các bên hoàn toàn thất bại.

Tuy nhiên, căng thẳng đã được xóa bỏ thông qua Tuyên bố Al-Ula (ký tháng 1-2021 tại thành phố Al-Ula của Saudi Arabia). Sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh lần thứ 42 diễn ra ngày 14-12-2021 ở Thủ đô Riyadh do Saudi Arabia chủ trì, các nước GCC khẳng định kiên trì tinh thần đoàn kết và hợp tác. Việc hòa giải thành công mâu thuẫn giữa nhóm 4 quốc gia và Qatar mở ra những thuận lợi cho tương lai vùng Vịnh. Sự đoàn kết không chỉ vì lợi ích của mỗi nước, mà còn vì tương lai ổn định và phát triển của khu vực để đối phó các thách thức chung.

Như vậy, trong bối cảnh quốc tế và khu vực luôn biến động khó lường, các nước GCC luôn giữ quan điểm ngoại giao linh hoạt và chủ động. Khi khủng hoảng và mâu thuẫn xảy ra, cách thức tốt nhất để tháo gỡ chính là đối thoại cởi mở, thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau. Thông điệp ngoại giao sẽ là phương án tối ưu giữa các quốc gia nhằm đạt được sự hiểu biết chung, tiến tới ổn định và hòa bình khu vực./.


Trang: 1 2 3 4 5 ... 25 Sau