06/10/2024 | 03:01 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tác động qua lại của hai cuộc chiến

Phạm Nhẫn
Tác động qua lại của hai cuộc chiến Người tị nạn Ukraina sơ tán khỏi đất nước khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra_Ảnh: TL

Những cuộc tấn công của lực lượng Hamas ở Dải Gaza ngày 7-10-2023 làm bùng phát cuộc chiến tranh lần thứ 5 giữa Hamas và Israel kể từ khi Hamas được thành lập vào năm 1987. Như vậy, trong khoảng thời gian chưa đầy 3 năm, 2 cuộc chiến đã bùng phát: cuộc chiến ở Ukraina giữa Nga và Ukraina, cuộc chiến ở khu vực Trung Đông giữa Hamas và Israel. Ở 2 vùng khác nhau trên Trái đất, nhưng 2 cuộc chiến tranh đều tác động có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị, an ninh và ổn định ở 2 khu vực, làm thay đổi cơ bản chính trị thế giới.

Không biệt lập nhau

Diễn ra ở 2 nơi cách xa nhau về địa lý, nhưng 2 cuộc chiến này không biệt lập với nhau. Chúng giống nhau ở chỗ đều là chiến tranh giữa 2 láng giềng; đều liên quan đến khía cạnh lịch sử và chủ quyền lãnh thổ; diễn biến và kết cục đều chịu ảnh hưởng rất quyết định bởi bên ngoài; đều làm cho thế giới bên ngoài bị phân rẽ sâu sắc vì khó xử về ngoại giao, về luật pháp quốc tế và về chính trị thế giới.

Ở Ukraina, Nga chiến tranh với Ukraina trên thực địa chiến trường nhưng trong thực chất đồng thời đối địch với toàn bộ khối NATO và phương Tây. Cuộc chiến này sở dĩ dai dẳng đến nay là bởi Ukraina được khối phương Tây hậu thuẫn về chính trị, tài chính và quân sự để Ukraina không những không thua Nga mà còn đánh thắng Nga. Vì thế, cuộc chiến này chỉ kết thúc bằng giải pháp chính trị hòa bình, hoặc khi Nga hay khối phương Tây kiệt quệ về tài chính, quân sự. Giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraina gần như không thể có, vì Nga không chịu từ bỏ sự kiểm soát những vùng lãnh thổ của Ukraina đã giành được từ năm 2014 đến nay; vì phía Ukraina không thể đánh đổi những vùng lãnh thổ này lấy giải pháp chính trị hòa bình. Cuộc chiến này càng kéo dài, càng thêm bất lợi cho Ukraina và khối phương Tây. Cái giá mà khối phương Tây phải trả sẽ càng ngày càng cao về đối nội và đối ngoại, cũng như về tài chính, quân sự. Thực tiễn chiến tranh ở Ukraina thời gian vừa qua cho thấy, Nga đã chuyển từ chủ trương đánh nhanh, thắng nhanh sang trường kỳ chiến tranh; Ukraina cùng với khối phương Tây vẫn tin tưởng phe mình có đủ sức người, sức của, vũ khí và ý chí tiếp chiến Nga cho tới khi đánh bại Nga.

Ở khu vực Trung Đông, Hamas và Israel đã nhiều lần chiến tranh với nhau; giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine càng ngày càng không thể đạt được. Điều hiển nhiên là không thể có được hòa giải, cùng tồn tại hòa bình giữa Israel và Palestine nếu như không đồng thời có hòa giải, cùng tồn tại hòa bình giữa Israel và Hamas. Israel được Mỹ hậu thuẫn về chính trị, quân sự đến mức lệ thuộc về an ninh vào Mỹ, và được khối các nước phương Tây hậu thuẫn về chính trị. Hamas cũng có đồng minh quân sự và những đối tác hậu thuẫn tài chính trong khu vực Trung Đông, vùng Vịnh và trong thế giới Hồi giáo. Vì thế, đằng sau cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, cũng như giữa Israel và Hamas còn có cuộc cọ sát, thậm chí cả đối đầu giữa thế giới Hồi giáo và thế giới phương Tây. Cả ở nơi đây cũng có cuộc chơi quyền lực và ảnh hưởng chính trị thế giới, có sự giằng co về vai trò và vị thế địa - chính trị, cũng như có cuộc cọ sát về ý thức hệ chính trị và tôn giáo.

Ở lần chiến tranh này giữa Hamas và Israel, phía Israel bị bất ngờ và phơi bày những bất cập, điểm yếu về quân sự, tình báo, trong khi các cuộc tấn công của Hamas lại có quy mô lớn, mức độ quyết liệt và tính bài bản về chiến thuật chưa từng thấy. Cho nên, bất kể muốn hay không, bị động hay chủ động, Israel vẫn buộc phải coi lần chiến tranh này giữa Israel và Hamas là “trận chung kết” giữa Israel và Hamas ở khu vực Trung Đông. Không có gì là khó hiểu khi lần này Israel hạ quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn Hamas, hoặc ít nhất cũng đến mức Hamas từ nay không còn có đủ khả năng về quân sự để thách thức, đe dọa an ninh của Israel, càng không thể lại tấn công quân sự vào Israel. Vấn đề chỉ ở chỗ Hamas có thể chiến tranh du kích trường kỳ với Israel, trong khi cuộc chiến tranh với Hamas càng kéo dài thì Israel càng lệ thuộc vào viện trợ quân sự, tài chính của Mỹ và khối phương Tây.

Tác động qua lại

Ở đây bộc lộ rất rõ những tác động qua lại giữa 2 cuộc chiến ở Ukraina và khu vực Trung Đông. Cuộc chiến ở Trung Đông hiện làm lu mờ cuộc chiến ở Ukraina, khiến cuộc chiến ở Ukraina không còn là tâm điểm duy nhất về chính trị an ninh thế giới. Điều này bất lợi cho Ukraina và khối phương Tây. Xảy ra thêm một cuộc chiến tranh ở một nơi khác trên thế giới làm cho cuộc chiến tranh ở Ukraina không còn độc chiếm dư luận thế giới và chính trị thế giới. Nguy cơ các đốm lửa lẻ tẻ gộp lại thành hỏa hoạn không còn có thể bị loại trừ. Chiến tranh mới bùng phát, việc giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh đang diễn ra ở nơi khác càng thêm khó khăn.

Mỹ và đồng minh trong khối phương Tây hiện gặp 3 khó khăn, khó xử lớn bởi tác động qua lại của cuộc chiến ở Ukraina và khu vực Trung Đông.

Thứ nhất, Mỹ và đồng minh ở khối phương Tây phải đồng thời đối phó ở nhiều phía. Phe này phải chia sẻ viện trợ tài chính, quân sự cũng như cung cấp vũ khí cho cả Ukraina và Israel, mà cả hai đều đang và sẽ còn là những “chiếc thùng không đáy”, trong khi khả năng, tiềm năng thực tế của Mỹ cùng khối phương Tây đâu phải là vô hạn. Mỹ và khối phương Tây còn đồng thời vừa phải đối địch Nga ở châu Âu, lại vừa ngăn cản các đối tác khác, đặc biệt là Nga, Trung Quốc và Iran tận dụng chuyển biến mới về chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông để gây dựng, gia tăng ảnh hưởng, vai trò ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.

Thứ hai, về phương diện pháp lý quốc tế. Mỹ và đồng minh trong khối phương Tây cáo buộc Nga “xâm lược Ukraina” khi đưa quân đội vào Ukraina, nay không thể không phản đối việc Israel đưa quân đội xâm nhập vào Dải Gaza. Mỹ và khối phương Tây cáo buộc hành động quân sự của Nga khiến dân thường thương vong ở Ukraina, giờ không thể không lên án các chiến dịch quân sự của Israel nhằm tiêu diệt Hamas nhưng cũng khiến dân thường ở Dải Gaza bị thiệt mạng, phải tị nạn chiến tranh. Nói cách khác, Mỹ và khối phương Tây càng hậu thuẫn vô điều kiện để Israel chiến tranh với Hamas, càng dễ bị thế giới nhìn nhận là “tiêu chuẩn kép” và “đạo đức giả” trong cuộc chiến ở Ukraina, càng khó thuyết phục, vận động thế giới hùa vào phe Mỹ và khối phương Tây hậu thuẫn Ukraina và đối địch Nga.

Thứ ba, kết cục cuối cùng của 2 cuộc chiến này về cơ bản tương đồng nhau. Nếu Nga và Israel giành về chiến thắng bằng quân sự, sẽ có kiểu chiến tranh du kích dai dẳng ở Ukraina và Dải Gaza. Nếu có được giải pháp chính trị hòa bình, những nội dung cơ bản trong đó đều thấy có cho cả 2 nơi. Việc giải quyết hòa bình cho 2 cuộc chiến tranh này không biệt lập nhau về nội dung, cho dù có thể khác nhau về thời điểm, hình thức. Một điều giống nhau nữa là hiện chưa thể biết đến khi nào mới có được giải pháp chính trị hòa bình này./.