22/11/2024 | 00:40 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Giải pháp nào cho xung đột Israel - Palestine?

Nguyễn Quang Khai
Giải pháp nào cho xung đột Israel - Palestine? Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc oanh tạc của máy bay Israel xuống thành phố Gaza, ngày 8-10-2023_Ảnh: AFP
Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas diễn ra ngày càng nghiêm trọng khi hai bên không ngừng phát động những đợt tấn công mới, khiến việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt các cuộc đụng độ quân sự đẫm máu tại Dải Gaza ngày một cấp thiết.

Ngày 7-10-2023, phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas ở Palestine đã phát động chiến dịch quân sự mang biệt danh “Bão lụt Al-Aqsa” chống Israel. Mở đầu chiến dịch, chỉ trong vòng 20 phút, Hamas đã phóng hơn 5.000 quả tên lửa và hàng loạt máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel. Để đáp trả, Chính phủ Israel ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và lần đầu tiên (kể từ năm 1973), tuyên bố thành lập Chính phủ khẩn cấp gồm các thành viên của liên minh cầm quyền và phe đối lập. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố triển khai chiến dịch “Thanh kiếm sắt” không kích các mục tiêu chiến lược và dân cư ở Dải Gaza. Đây là cuộc xung đột vũ trang có quy mô lớn nhất, ác liệt nhất và đẫm máu nhất kể từ cuộc chiến tranh diễn ra giữa hai bên vào tháng 10-1973.

Nguyên nhân dẫn đến xung đột

Đây là lần thứ 5 như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói không phải vô cớ mà Hamas tấn công Israel. Cũng như các cuộc tấn công trước, nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột Israel - Palestine diễn ra trong vòng 75 năm mà đến nay vẫn không giải quyết được là bởi trong khi người Do Thái đã có tổ quốc của mình từ năm 1948, còn người Palestine vẫn phải sống phiêu bạt khắp nơi. Từ năm 2005 đến nay, Israel rút khỏi Dải Gaza nhưng vẫn phong tỏa toàn diện dải đất này. Hơn 2,3 triệu người dân trên Dải Gaza vẫn phải sống như những tù nhân trên chính mảnh đất của mình. Vì vậy, Gaza được gọi là “nhà tù ngoài trời” lớn nhất thế giới.

Năm 1947, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 181 chia vùng đất Palestine lịch sử thành 2 quốc gia, một là của người Do Thái Israel và một dành cho người Arab Palestine. Bên cạnh đó, còn có Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an (năm 1967) kêu gọi Israel rút khỏi Đông Jerusalem, Nghị quyết 338 (năm 1973) và Nghị quyết 2234 (năm 2016) yêu cầu Israel rút khỏi các vùng đất của Palestine bị chiếm đóng và chấm dứt việc xây dựng những khu định cư trên các vùng đất này.

Năm 2016, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra thỏa thuận thế kỷ nhằm xóa bỏ vấn đề Palestine và giải pháp 2 nhà nước là công nhận Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ về đây. Chính phủ cực hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng chủ trương xóa bỏ giải pháp 2 nhà nước và tiếp tục xây dựng nhiều khu định cư cho người Do Thái trên các vùng đất của Palestine. Các cuộc xung đột giữa người Do Thái Israel và người Arab Palestine liên tiếp xảy ra, đỉnh điểm là ngày 1-10-2023 khi hàng trăm người Do Thái đã xông vào thánh đường của người Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem khi họ đang làm lễ cầu kinh, là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.

Tác động đến khu vực Trung Đông và thế giới

Saudi Arabia, Iran, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar - những nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn ở Trung Đông - đều chịu tác động mạnh mẽ. Ngay sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, ngày 7-10-2023, thị trường “vàng đen” biến động mạnh, giá dầu Brent đã tăng khoảng 10% và dầu thô WTI của Mỹ tăng khoảng 9%, tương đương trên dưới 90 USD/thùng.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu cuộc chiến lan rộng ra toàn khu vực, Iran có thể phải đóng cửa eo biển Hormuz, nơi lưu lượng dầu trung chuyển qua đây lên tới hơn 17 triệu thùng/ngày (chiếm 30% tổng lượng dầu được vận chuyển bằng đường biển). Tình hình này sẽ gây áp lực lớn đến nền kinh tế thế giới vốn đang gặp nhiều khó khăn bởi hệ lụy của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và cuộc xung đột Nga - Ukraina.

Ngày 27-10-2023, Israel mở cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza nhằm tiêu diệt các lãnh đạo và phá hủy kết cấu hạ tầng quân sự của Hamas. Để hỗ trợ kế hoạch này, ngoài việc xem xét viện trợ khẩn cấp 10 tỷ USD cho Israel, Mỹ đã điều tàu sân bay Gerald Ford và tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower cùng máy bay chiến đấu và nhiều nguồn lực khác tới Địa Trung Hải nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho Israel, cũng như răn đe các đối thủ khác trong khu vực.

Hành động này của Mỹ như “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến tình hình căng thẳng leo thang và đẩy khu vực Trung Đông đứng trước nguy cơ mở rộng phạm vi cuộc chiến; lôi kéo sự tham gia của các tổ chức Palestine, Hồi giáo, như Jihad Islami, Hezbollah, Houthi và các nước trong khu vực ủng hộ Hamas, như Iran, Syria, Iraq, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ... Một làn sóng biểu tình chưa từng có phản đối Israel bùng nổ trên khắp thế giới, ngay cả tại Mỹ. Việc Israel tiếp tục tấn công Dải Gaza cũng có thể kích động các tổ chức khủng bố tăng cường hoạt động nhằm vào Israel và những nước ủng hộ Israel.

Thế giới Arab bị phân cực, đặc biệt sau khi 6 nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel, gồm Ai Cập, Jordan, Sudan, Morocco, UAE và Bahrain. Điều này đã đi ngược với Sáng kiến hòa bình Arab (năm 2002)(1). Saudi Arabia đã buộc phải tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel. Hội nghị bất thường cấp bộ trưởng của Liên đoàn các nước Arab (AL) diễn ra vào ngày 11-10-2023 đã khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine.

Chiến dịch quân sự của Hamas đã phủ bóng đen lên nội bộ Israel vốn đang phải đối phó với những cuộc khủng hoảng sâu sắc, bởi các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại kế hoạch cải cách tư pháp của Thủ tướng B. Netanyahu. Một cuộc thăm dò dư luận do báo Maariv (Israel) mới đây cho thấy, có tới 80% số người Israel khẳng định Thủ tướng B. Netanyahu phải chịu trách nhiệm về sự cố an ninh được bộc lộ sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10-2023.

Giải pháp cho cuộc xung đột

Trong vòng 75 năm, trải qua hàng chục cuộc chiến tranh, xung đột Israel - Palestine vẫn rơi vào bế tắc. Cuộc xung đột này chỉ có thể giải quyết được bằng thương lượng hòa bình. Các bên cần chấm dứt chiến sự, trở lại bàn đàm phán (bị gián đoạn từ năm 2014) để tìm ra một giải pháp công bằng, bền vững và lâu dài, bảo đảm lợi ích của các bên liên quan, góp phần vào hòa bình, an ninh và ổn định khu vực Trung Đông và thế giới.

Cơ sở của giải pháp này đã có sẵn, được tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế ủng hộ. Đó là Nghị quyết 181 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (năm 1947) cùng Nghị quyết 242 (năm 1967), Nghị quyết 338 (năm 1973) và Nghị quyết 2234 (năm 2016) của Hội đồng Bảo an, yêu cầu Israel phải rút khỏi các vùng lãnh thổ của Palestine và chấm dứt việc xây dựng các khu định cư trên vùng đất này. Bên cạnh đó là tuyên bố của Hội nghị hòa bình Madrid (năm 1991), Hiệp định hòa bình Oslo (năm 1993) ký kết giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Sáng kiến hòa bình Arab (năm 2002) và giải pháp 2 nhà nước quy định thành lập Nhà nước Palestine độc lập.

Chỉ khi thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem bên cạnh nhà nước Israel mới có thể chấm dứt được cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine, đem lại hòa bình thực sự cho người dân trên mảnh đất Trung Đông đầy đau thương, mất mát này./.

---------------

(1) Các nước Arab sẽ công nhận Israel nếu Israel rút khỏi vùng đất chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, chấp nhận việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem và quyền hồi hương của người tị nạn Palestine.