23/11/2024 | 16:31 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vũ khí hạt nhân ở Trung Đông: Cuộc đua ngầm đáng lo ngại

Tường Linh
Vũ khí hạt nhân ở Trung Đông: Cuộc đua ngầm đáng lo ngại Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp bàn về vấn đề hạt nhân Iran tại New York, Mỹ, ngày 30-6-2021_Ảnh: TL

Mặc dù không nước nào ở Trung Đông công khai thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng xung quanh loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này là những cuộc đua ngầm khiến khu vực luôn trong tình trạng căng thẳng.

Những bí mật bị phanh phui

 Đầu tháng 10-2023, trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter), nữ nghị sĩ Revital Gotliv thuộc đảng cầm quyền Israel đã công khai kêu gọi chính phủ nước này sử dụng “vũ khí ngày tận thế” gắn trên tên lửa đạn đạo Jerich để đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng Hamas. Không một lời giải thích cụ thể, nhưng ai cũng hiểu “ngày tận thế” chỉ có thể xảy ra với loại vũ khí khủng khiếp nhất - vũ khí hạt nhân.

 Lâu nay, Israel duy trì chính sách “mơ hồ về hạt nhân” - chưa bao giờ trực tiếp xác nhận hay phủ nhận sự tồn tại của loại vũ khí này. Tuy nhiên, sự mập mờ của Tel Aviv đã bị phanh phui vào năm 1986, khi kỹ thuật viên hạt nhân người Israel Mordechai Vanunu tiết lộ chi tiết chương trình vũ khí hạt nhân của nước này cho giới truyền thông Anh. Vanunu, sau đó, bị cơ quan tình báo Mossad của Israel bắt cóc khi đang ở Italia và đưa về nước, phải chịu án tù 18 năm, trong đó có hơn 11 năm biệt giam.

Bí mật hạt nhân của Israel tiếp tục bị phơi ra ánh sáng khi tháng 6-2017, Trung tâm Woodrow Wilson ở Washington tiết lộ thông tin động trời của tướng về hưu Yitzhak Yaakov - người từng là thành viên một ủy ban đặc biệt bí mật về chương trình hạt nhân quốc gia Israel. Theo ông Yaakov, trước Chiến tranh 6 ngày giữa Israel và các nước láng giềng Arab (bùng nổ ngày 5-6-1967), một số quan chức quân đội Israel đã dự tính vào giờ chót sẽ thực hiện kế hoạch mang mật danh “Ngày phán xử”, hay còn gọi là “Chiến dịch Samson”, ném bom hạt nhân xuống bán đảo Sinai để răn đe Ai Cập.

Trước đó, vào tháng 2-2015, Lầu Năm Góc đã giải mật báo cáo dày 386 trang có tiêu đề “Đánh giá công nghệ then chốt của Israel và các nước NATO” do Viện Phân tích quốc phòng Mỹ soạn thảo năm 1987. Báo cáo nhận xét Israel đã đủ sức sản xuất bom nhiệt hạch (bom H) và các phòng thí nghiệm hạt nhân Israel đã đạt trình độ tương đương Mỹ, thậm chí còn hơn Mỹ trong một số lĩnh vực. Còn Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA) thì cho rằng, Israel ước tính có 90 đầu đạn hạt nhân và lượng vật liệu phân hạch đủ cho hơn 200 đầu đạn.

 Trong khi thường lờ đi kho vũ khí hạt nhân mình đang sở hữu, Israel lại luôn tìm cách hướng sự chú ý về phía chương trình hạt nhân của Iran. Mỹ và châu Âu bắt đầu nghi ngờ Iran chế tạo vũ khí hạt nhân từ năm 2002 sau khi một công dân Iran là Alireza Jafarzadeh chạy sang Mỹ và tiết lộ các nhà máy hạt nhân bí mật của Iran. Năm 2006, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố “Iran đã gia nhập các nước có hạt nhân”, nhưng khẳng định Iran chỉ phát triển hạt nhân dân dụng. Trong khi đó, phương Tây cho rằng Iran tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân để đối đầu với Israel và củng cố vị thế địa - chính trị. Năm 2015, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ban hành Nghị quyết 2231 cấm Iran thử tên lửa và công nghệ dùng cho tên lửa đạn đạo. Nghị quyết cũng kêu gọi Iran không tiến hành bất kỳ hoạt động nào liên quan đến phát triển tên lửa được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. Mỹ và các nước phương Tây cũng áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với Iran.

Hệ quả từ “tiêu chuẩn kép”

Ngoài 2 quốc gia đang đối đầu căng thẳng trong cuộc đua chế tạo vũ khí hạt nhân là Israel và Iran, ở Trung Đông còn ít nhất 11 quốc gia khác cũng quan tâm đến công nghệ hạt nhân ở những mức độ khác nhau là Saudi Arabia, Algeria, Ai Cập, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Jordan, Morocco, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Qatar và Oman. Các nước này đều tuyên bố quan tâm đến việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Năm 2021, UAE trở thành quốc gia thứ 2 trong khu vực (sau Iran) vận hành lò phản ứng điện hạt nhân. Hiện lò phản ứng thứ tư của UAE đang được xây dựng. Ai Cập cũng làm theo và đã bắt đầu xây dựng lò phản ứng hạt nhân 4 tổ máy dựa trên công nghệ của Nga. Jordan và Saudi Arabia thì có kế hoạch xây dựng các lò phản ứng module nhỏ và khai thác uranium.

Tất nhiên, có những động cơ chính đáng đằng sau sự quan tâm ngày càng tăng ở Trung Đông đối với năng lượng hạt nhân như lo ngại về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. Nhưng với việc Israel sở hữu vũ khí hạt nhân và Iran bí mật với chương trình hạt nhân của mình, người ta lo ngại việc phổ biến hạt nhân ở Trung Đông có nguy cơ gia tăng do thiếu niềm tin. Có một nghịch lý là trong nhiều thập niên, Mỹ và nhiều nước phương Tây đều không đề cập đến kho vũ khí hạt nhân của Israel, cho dù họ luôn lớn tiếng kêu gọi không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực và quyết liệt ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. Đầu năm 2021, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, Israel đang tiến hành mở rộng cơ sở hạt nhân Dimona và cáo buộc phương Tây là “đạo đức giả” và “tiêu chuẩn kép” vì “chĩa mũi dùi” vào chương trình hạt nhân của Iran nhưng lại phớt lờ chương trình hạt nhân của Israel. Thậm chí Israel còn không ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và cũng không cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến thăm các cơ sở hạt nhân của nước này.

Trong bối cảnh đó, nhiều người lo ngại các nước Trung Đông, nhất là Saudi Arabia, có thể theo chân Israel và Iran trong nỗ lực chế tạo bom hạt nhân để tự bảo vệ mình trước bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân nào trong tương lai. Ngay từ tháng 12-2006, ông hoàng Murqi - trùm tình báo Saudi Arabia - đã tuyên bố: “nếu Iran có bom nguyên tử, chúng tôi, các nước ôn hòa trong vùng cũng phải vũ trang thôi”. Chỉ 1 tháng sau, lời cảnh báo thứ 2 xuất hiện, lần này là của Tổng thống Ai Cập lúc đó là ông Hosni Mubarak: “chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn thiên hạ trong khu vực vũ trang bom nguyên tử”. Mọi việc tiếp theo không dừng ở những tuyên bố. Một tài liệu chiến lược bị rò rỉ tiết lộ chính giới Saudi Arabia đã đưa ra 3 lựa chọn khả thi: sở hữu năng lực răn đe hạt nhân, liên minh và được bảo vệ bởi một quốc gia hạt nhân, tìm cách đạt được thỏa thuận về một Trung Đông không có hạt nhân. Nhiều chuyên gia nghi ngờ Saudi Arabia sẽ tìm cách có được năng lực hạt nhân thông qua đồng minh thân thiết Pakistan - nước đã sở hữu vũ khí hạt nhân.

Để tháo bỏ sự mất cân bằng an ninh ở Trung Đông giữa Israel với các quốc gia Arab, cũng như khoảng cách giữa Iran và các nước láng giềng, trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, người ta cho rằng thiết lập khu vực không có vũ khí hạt nhân là chìa khóa đặt nền móng cho hòa bình ở Trung Đông. Thực ra, đây không phải là ý tưởng mới. Đề xuất về khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Trung Đông được Iran khởi xướng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1974. Ai Cập nhanh chóng tham gia và đồng tài trợ cho nghị quyết sau khi nó được sửa đổi để tập trung vào việc tạo ra khu vực Trung Đông không có vũ khí hạt nhân mà không loại trừ việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Tại hội nghị lần thứ 10 đánh giá về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân diễn ra năm 2022, các quốc gia Arab một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi thành lập khu vực Trung Đông không có vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, kể từ năm 1967, có 5 khu vực không có vũ khí hạt nhân đã được tuyên bố trên toàn thế giới, bao gồm Mỹ Latin và Caribe, Nam Thái Bình Dương, Đông Nam Á, châu Phi và Trung Á. Ông A. Guterres bày tỏ hy vọng mô hình này sẽ xuất hiện ở Trung Đông, nơi vẫn còn những lo ngại về các chương trình hạt nhân, xung đột và nội chiến gây thương vong và đau khổ cho dân thường trên diện rộng, làm suy yếu sự ổn định và phá vỡ sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếc rằng cho đến nay, các ý tưởng trên vẫn chưa đi vào hiện thực. Sự mất cân bằng trong trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến lĩnh vực vũ khí hạt nhân cũng như trong việc giải quyết các mối quan ngại an ninh giữa các quốc gia trong khu vực đã khiến mọi thứ ở Trung Đông trở nên bất ổn như hiện nay./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện