22/11/2024 | 01:02 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xung đột Israel - Hamas: Nguy cơ làm đổ vỡ các sáng kiến kết nối khu vực

Phương Chi
Xung đột Israel - Hamas: Nguy cơ làm đổ vỡ các sáng kiến kết nối khu vực Cuộc xung đột giữa Israel - Hamas đang ngày càng leo thang tới mức khó đoán định_Ảnh minh họa
Cuộc tấn công của Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas nhằm vào Israel và việc Israel tiến hành phản kích mạnh mẽ đang gây ra nhiều hậu quả đối với khu vực và thế giới. Trong đó là nguy cơ tác động tiêu cực tới một loạt sáng kiến kết nối khu vực, như Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu do Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước thúc đẩy cùng nhiều sáng kiến khác.

Những nỗ lực có thể bị “đổ sông, đổ biển”

Được công bố bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì tại Thủ đô New Delhi vào tháng 9-2023, Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC) đã chính thức được thành lập sau khi EU và 7 quốc gia, gồm Ấn Độ, Mỹ, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Pháp, Đức và Italia ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU). Tương lai của IMEC phụ thuộc nhiều vào khả năng tham gia của các quốc gia khác ở Trung Đông vào mạng lưới kết nối khu vực mới trải dài hàng nghìn ki-lô-mét từ Ấn Độ tới châu Âu. Tuy nhiên, các cuộc xung đột vũ trang trong khu vực có nguy cơ tác động đến việc triển khai IMEC mới ra đời và đầy tham vọng. Ngoài ra, bạo lực và sự thù địch kéo theo giữa Israel và các quốc gia Hồi giáo ở Tây Á cũng có thể gây tổn hại đến một số cơ chế hợp tác được đặt nhiều kỳ vọng khác, như Nhóm I2U2 (gồm Ấn Độ - lsrael - UAE - Mỹ), hay còn được gọi là “Bộ tứ Tây Á”.

Nhóm I2U2 được thành lập cách đây 2 năm (năm 2021), khi Ngoại trưởng 4 nước Ấn Độ - lsrael - UAE - Mỹ nhất trí về khả năng thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chung trong lĩnh vực giao thông, công nghệ, an ninh hàng hải, kinh tế và thương mại. Mặc dù được mô tả là “nhóm tiểu Bộ tứ” chỉ tập trung các ưu tiên vào khu vực Trung Đông nhưng trên thực tế, nhóm này có phạm vi hợp tác mở rộng bao gồm cả với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - vốn là khối đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Bên cạnh đó, cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas cũng ảnh hưởng tới các sáng kiến hòa bình trong khu vực, làm tan vỡ mối quan hệ giữa Israel và các nước vùng Vịnh khác. Cuộc xung đột này được cho rằng đang đe dọa đến Hiệp ước Abraham, là thỏa thuận được ký kết năm 2020 giữa UAE, Bahrain và Israel, vốn đánh dấu sự thay đổi lịch sử trong quan hệ ngoại giao giữa các bên bởi hiệp ước đã góp phần xoa dịu quan hệ và tăng cường hòa bình, ổn định ở khu vực.

Thực tế, xung đột Israel - Hamas chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Đông, nhưng cũng có một số ảnh hưởng gián tiếp đến khu vực Tây Á rộng lớn. Những xung đột và bất ổn đang diễn ra trong khu vực có thể tạo ra một môi trường bất lợi cho đầu tư nước ngoài và cản trở sự phát triển của các hành lang kinh tế. Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp thường ngần ngại khi đầu tư nguồn lực vào các khu vực đang có bất ổn về an ninh.

Bên cạnh đó, một trong những khía cạnh quan trọng của bất kỳ kết nối kinh tế nào ở Trung Đông là việc vận chuyển các nguồn năng lượng. Khu vực này là trung tâm vận chuyển dầu mỏ và khí tự nhiên của thế giới, do đó bất kỳ sự gián đoạn nào do xung đột khu vực gây ra đều có khả năng tác động đến giá cả và thị trường năng lượng toàn cầu. Ấn Độ và châu Âu, với tư cách là những nhà nhập khẩu năng lượng lớn của thế giới, cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn như vậy.

Biến động địa - chính trị ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của Ấn Độ, châu Âu cùng các nước trong khu vực thông qua sự đan xen lợi ích giữa các bên. Tương tự, lập trường của Ấn Độ và châu Âu về cuộc xung đột Israel - Hamas có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với các quốc gia Trung Đông và tác động đến tiềm năng hợp tác trong khuôn khổ các sáng kiến kết nối. Việc phát triển các hành lang kinh tế thường đòi hỏi phải đầu tư đáng kể vào kết cấu hạ tầng, bao gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển... Sự bất ổn về chính trị và những lo ngại về an ninh có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai và gia tăng chi phí cho các dự án kết cấu hạ tầng. Do lợi ích kinh tế và chiến lược là những yếu tố then chốt thúc đẩy quan hệ đối tác và liên minh quốc tế, vì vậy, những hệ lụy từ cuộc xung đột Israel - Hamas có thể tạo ra sự dịch chuyển, thay đổi trong các liên minh, nhóm hợp tác ở khu vực này.

Lợi ích của các nước lớn bị đe dọa

Với Trung Quốc, lợi ích kinh tế của nước này ở Trung Đông bao gồm nhập khẩu năng lượng và các dự án kết cấu hạ tầng. Sự bất ổn trong khu vực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tuyến cung cấp năng lượng hoặc các dự án kết cấu hạ tầng, qua đó làm tổn hại lợi ích kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc bao gồm các dự án kết cấu hạ tầng đi qua Trung Đông, vì vậy bất kỳ sự gián đoạn nào do xung đột gây ra đều ảnh hưởng đến tiến độ và khả năng tồn tại của các dự án này. Đây là động lực thúc đẩy Trung Quốc tích cực cùng các nước khác tham gia vào công cuộc tái lập ổn định và an ninh ở Trung Đông để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm sự phát triển liên tục của BRI. Cách thức Trung Quốc điều chỉnh mối quan hệ với Israel, các vùng lãnh thổ Palestine, các nước trong khu vực, như Ai Cập, Saudi Arabia và Iran đều có thể tác động đến vị thế và ảnh hưởng trong tương lai của Trung Quốc ở khu vực này.

Với Mỹ, do có nhiều lợi ích kinh tế và chiến lược ở Trung Đông, vì vậy sớm ổn định tình hình khu vực là điều rất cần thiết. Israel gần đây đã bình thường hóa quan hệ với UAE và có mối quan hệ chặt chẽ lâu dài với Mỹ. Tuy nhiên, bất kỳ sự leo thang hoặc xung đột kéo dài nào trong khu vực đều có thể làm gia tăng căng thẳng các mối quan hệ này, tùy thuộc vào cách mà mỗi quốc gia nhìn nhận tình hình và lợi ích tương ứng của họ. Là đồng minh chủ chốt của Israel, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ các lợi ích an ninh của nước này. Tác động của cuộc xung đột Israel - Hamas đến mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ và UAE sẽ phụ thuộc vào cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc xung đột. Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ Israel và vẫn hợp tác với các đối tác của mình để giải quyết những lo ngại về an ninh và ổn định khu vực. UAE đã tìm cách khẳng định mình là trung gian hòa giải và kiến tạo hòa bình trong các cuộc xung đột khu vực. Sự tham gia của UAE vào cuộc xung đột Israel - Hamas và lập trường của nước này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của UAE với các nước khác. UAE có thể sẽ phối hợp với Ấn Độ và Mỹ thông qua việc sử dụng các nỗ lực ngoại giao của mình để tìm cách giảm thiểu căng thẳng leo thang và khôi phục hòa bình trong khu vực. Mặc dù là một nước Arab, UAE đã sớm lên án cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel, điều này gây ra sự khác biệt đáng kể giữa nước này với các quốc gia Arab khác ở Tây Á.

Với Ấn Độ, việc thiết lập một hành lang kinh tế giữa Ấn Độ, Tây Á và châu Âu sẽ đòi hỏi các tuyến đường thương mại được kết nối thông suốt. Các cuộc xung đột đang diễn ra có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và gây khó khăn cho việc bảo đảm sự di chuyển của hàng hóa dọc theo các tuyến đường này. Để bảo vệ IMEC, Ấn Độ, châu Âu và các chủ thể quốc tế khác đang tham gia vào các nỗ lực ngoại giao để tìm ra giải pháp hòa giải cuộc xung đột Israel - Hamas. Sự tham gia tích cực của các nước này sẽ mang lại sự ổn định và tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho hợp tác kinh tế và phát triển hành lang. Ngoài ra, để tránh sự phụ thuộc, các quốc gia thường tìm kiếm những tuyến đường thay thế, đa dạng hóa nguồn thương mại và năng lượng của mình để ứng phó với xung đột hoặc bất ổn ở từng khu vực cụ thể. Do đó, đứng trước một khu vực Trung Đông tiềm ẩn nhiều bất ổn, Ấn Độ và châu Âu có thể sẽ tìm kiếm các hành lang và chuỗi cung ứng thay thế.

Trong lịch sử, Ấn Độ luôn duy trì cách tiếp cận cân bằng đối với cuộc xung đột Israel - Palestine, ủng hộ giải pháp 2 nhà nước trong khi vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với cả chính quyền Israel và Palestine. Tuy nhiên, việc Thủ tướng N. Modi và chính phủ của ông lên án vụ tấn công của Hamas là hành động “khủng bố” đã tác động không thuận đến mối quan hệ của Ấn Độ với các quốc gia Arab trong khu vực. Do đó, tác động của cuộc xung đột Israel - Hamas đối với bất kỳ quốc gia hay liên kết nào đều phụ thuộc vào cách tiếp cận của các quốc gia đó, cũng như lợi ích mà các liên kết mang lại đối với từng quốc gia./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện