20/09/2024 | 20:19 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

“Sóng nhiệt” ở Đông Nam Á và các hệ lụy

Phan Lương
“Sóng nhiệt” ở Đông Nam Á và các hệ lụy Du khách tham quan Cung điện Hoàng gia Thái Lan ở Thủ đô Bangkok, khi nhiệt độ hơn 400C, ngày 30-3-2024_Ảnh: bangkokpost.com
Đông Nam Á đang trải qua năm thứ hai liên tiếp nắng nóng kỷ lục. Nền nhiệt trong tháng tư, vốn trùng với mùa khô và nóng nhất trong năm ở hầu hết các nước trong khu vực, đã ghi nhận ở các mức cao kỷ lục. Hàng nghìn trường học tại Philippines phải đóng cửa do nắng nóng gay gắt. Thời tiết khô hạn kéo dài khiến giá gạo tăng lên ở Indonesia. Tại các vùng biển Thái Lan, nhiệt độ hiện cao tới mức giới khoa học lo ngại các rạn san hô sẽ “biến mất”.

Nắng nóng kỷ lục

Tại Thái Lan, lễ hội Songkran diễn ra trong tháng tư, vốn là dịp đánh dấu mùa gió mùa trở lại cũng như năm mới theo lịch cổ truyền Thái Lan, đã không làm thay đổi hiện trạng. Nhà chức trách Thái Lan trong tuần cuối cùng của tháng tư đã cảnh báo 15 tỉnh, đặc biệt ở miền Bắc, đang chịu ảnh hưởng của mức nhiệt “cao nguy hiểm”, khi chỉ số nhiệt ở nhiều nơi tăng lên tới hơn 520C. Nhà chức trách Thủ đô Bangkok phải ban bố cảnh báo nhiệt và khuyến nghị người dân ở trong nhà vì lý do an toàn.

Tương tự, nền nhiệt tại ít nhất 30 thành phố và vùng ở Philippines trong tháng tư đã đạt mức “nguy hiểm” 420C, thậm chí có nơi còn lên tới 470C - mức nguy hiểm mà cơ quan thời tiết cảnh báo có thể gây chuột rút và kiệt sức vì nóng. 

Hàng nghìn trường học trên cả nước buộc phải đóng cửa. Vốn dĩ tháng ba, tháng tư và tháng năm thường là những tháng nóng và khô nhất ở Philippines, tuy nhiên, năm nay tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn do hiện tượng El Nino. 

Nhà chức trách cũng khuyến cáo người dân cần hạn chế ra ngoài, uống nhiều nước, mang ô và đội mũ khi ra ngoài để phòng ngừa.

Nắng nóng gay gắt cũng đang gây thiệt hại nặng trong ngành nông nghiệp ở Đông Nam Á. Tại Indonesia - quốc gia trải qua thời tiết khô hạn kéo dài vào năm ngoái - Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho quân đội giúp nông dân trồng lúa khi mùa mưa cuối cùng cũng kéo đến vào tháng 12. 

Theo hãng tin Reuters, giá gạo - loại lương thực chủ yếu của đất nước 270 triệu dân này - đã tăng hơn 16% trong tháng hai so với năm ngoái.

Ở Việt Nam, mực nước kênh rạch hồi đầu năm nay thấp đến mức nông dân một số khu vực phải rất vất vả để tìm cách vận chuyển cây trồng. Trong khi đó, tại Thái Lan, năng suất cây trồng giảm mạnh sẽ khiến các khoản nợ của nông dân tăng tới 8% trong năm nay, theo khảo sát của tờ Bangkok Post. 

Tại Malaysia, chính quyền buộc phải triển khai máy bay gieo hạt ở những khu vực bị ảnh hưởng do thiếu mưa. Các chính phủ đã đưa ra cảnh báo về sức khỏe và tư vấn cho người dân cách tránh say nắng, dù nhiều người lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực như nông nghiệp hoặc xây dựng, không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chịu đựng cái nóng gay gắt.

Cảnh báo nghiêm trọng

Có thể nói một “đợt sóng nhiệt lịch sử” đang diễn ra khắp Đông Nam Á, khi nhiệt độ cao chưa từng có được ghi nhận vào đầu tháng tư ở khu vực. Đây là lần đầu tiên, nền nhiệt cao như vậy được ghi nhận ở thời điểm này trong năm tại đây. 

Đáng chú ý, thời tiết khắc nghiệt mới nhất diễn ra ngay sau khi Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hồi tháng ba đã cảnh báo rằng Đông Nam Á đã “bị ảnh hưởng bởi điều kiện nắng nóng khắc nghiệt” vào tháng hai khi nhiệt độ thường xuyên trên mức 300C - cao hơn nhiều so với mức trung bình theo mùa.

Theo WMO, thời tiết nắng nóng gay gắt hiện nay là do tình trạng biến đổi khí hậu mà con người gây ra, cũng như hiện tượng El Nino, dẫn đến điều kiện nóng và khô hơn trong khu vực. Không ít nhà khoa học thậm chí đã ngạc nhiên trước nền nhiệt mà Trái đất trải qua trong 12 tháng qua, cả ở đất liền và đại dương. 

Đặc biệt, châu Á là khu vực hứng chịu thiên tai nặng nề nhất do thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu trong năm 2023, khi bão lũ là nguyên nhân chính gây tổn thất về người và của.

Cũng theo WMO, châu Á đang ấm lên đặc biệt nhanh, với tác động của các đợt sóng nhiệt trong khu vực ngày càng nghiêm trọng. Báo cáo Tình trạng khí hậu châu Á năm 2023 của WMO cho thấy châu Á đang ấm lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, với nhiệt độ năm ngoái cao hơn gần 20C so với mức trung bình từ năm 1961 đến 1990. 

Phó Tổng thư ký WMO Ko Barrett cảnh báo, nắng nóng cực độ ngày càng trở thành “sát thủ thầm lặng” trong khu vực. Báo cáo của WMO đã nhấn mạnh tới tốc độ gia tăng của các chỉ số biến đổi khí hậu quan trọng như nhiệt độ bề mặt, sự suy thoái của sông băng và nước biển dâng.

Báo cáo khẳng định những hiện tượng này sẽ tác động nghiêm trọng đến xã hội, nền kinh tế và hệ sinh thái trong khu vực. Thậm chí, cũng theo WMO, tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ hiện được ghi nhận thấp hơn thực tế, do đó quy mô thực sự của số ca tử vong sớm và chi phí kinh tế đã không được phản ánh chính xác trong số liệu thống kê.

Nhanh chóng thích ứng

Trong bối cảnh hiện nay, không ít nhà khoa học đã cảnh báo, do rất ít khu vực trên thế giới có khả năng chống chịu với nhiệt độ cao hiện nay, các chính phủ và cộng đồng trong khu vực, đặc biệt ở Đông Nam Á, cần phải nhanh chóng tìm kiếm biện pháp thích ứng, khi xu hướng nhiệt độ tăng cao sẽ chủ đạo trong nhiều thập niên tới. 

Theo đó, các trường học và doanh nghiệp cần tìm kiếm giải pháp thích nghi với tình trạng hiện nay, có thể thông qua việc thay đổi lịch làm việc và học tập để người dân đi làm và trẻ em đi học sớm hơn hoặc muộn hơn trong ngày khi nhiệt độ bớt gay gắt hơn.

Cũng theo các chuyên gia, với đường bờ biển dài rất dễ bị tổn thương khi nước biển dâng và thời tiết khắc nghiệt, các chính phủ ở Đông Nam Á cần phải áp dụng một chiến lược toàn diện, không chỉ tăng cường bảo vệ ven biển, xây dựng đê kè, chống ngập mặn và xói mòn, mà còn cần nỗ lực khôi phục môi trường và di dời người dân vào sâu trong đất liền. 

Cần phải thừa nhận tình trạng ở một số nơi đã ở mức không thể phục hồi, do đó nhanh chóng thích ứng với điều kiện thời tiết thay đổi như hiện nay là rất cấp thiết. Cần nhanh chóng hành động, bởi càng chờ đợi sẽ càng chỉ khiến vấn đề nghiêm trọng hơn, cũng như khiến chi phí đội thêm.

Dự báo đến năm 2025, hơn 66 triệu người ở các thành phố ven biển ở Đông Nam Á sẽ phải sống dưới mực nước biển, trong đó những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Jakarta, Bangkok và Thành phố Hồ Chí Minh. 

Tác động của nước biển dâng cao đối với thương mại, tài chính và ổn định quốc tế ước tính lên tới 724 tỷ USD vào năm 2030. Để triển khai chiến lược bảo vệ bờ biển toàn diện ở Đông Nam Á không hề dễ và cũng không rẻ. Đây là một khoản đầu tư sẽ ngăn chặn những thiệt hại tốn kém hơn nhiều trong tương lai.

Do vậy, sẽ cần có những thỏa thuận quốc tế ràng buộc giữa các nước và với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, để phối hợp các nỗ lực tái định cư, xây dựng kết cấu hạ tầng và phục hồi hệ sinh thái với các nghĩa vụ tài trợ chung dựa trên nguồn lực và mức độ dễ bị tổn thương của mỗi quốc gia. 

Bên cạnh đó, các chính phủ cần thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư để tài trợ cho các dự án phục hồi ven biển và thu hút sự tham gia của các nhóm môi trường địa phương để dẫn đầu các sáng kiến phục hồi./.