Cần giảm nhân họa trước khi giảm thiên tai
Đăng Bảo
Bão lũ ngày càng leo thang
Trong những ngày tháng tư nóng “không thở nổi” bất thường ở phần Đông và Nam của châu Á, một hiện tượng dị thường khác lại xảy ra ở phía Tây của châu lục này - lũ lụt trên sa mạc. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với khí hậu sa mạc khô rát và lượng mưa vô cùng thấp, đã bất ngờ bị lũ lụt nhấn chìm.
Theo Trung tâm Khí tượng quốc gia UAE, chỉ tính riêng trong ngày 16-4-2024, lượng mưa đổ xuống nước này đã lên tới 250mm, cao hơn bất cứ ghi nhận nào trong lịch sử. Hệ thống thoát nước hiện đại bậc nhất thế giới của UAE hoàn toàn tê liệt. Nước dâng ngập mọi đường phố và xe cộ trôi dạt như ca nô trên vùng Vịnh.
Một loạt cơn bão di chuyển chậm càng làm cho tình hình tồi tệ thêm. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), thời tiết ấm lên đang làm gia tăng lượng mưa, cũng như cường độ và tần suất của chúng, khiến bán đảo Arab sẽ còn phải hứng chịu nhiều trận bão lũ kinh khủng hơn nữa leo thang trong tương lai gần.
Khái niệm “bão lũ leo thang” được giới khoa học chú ý từ lâu, nhưng nó tràn ngập trên mặt báo và mạng xã hội vào năm 2023, khi cơn bão Lee gia tăng sức mạnh lên gấp đôi chỉ trong vòng 1 ngày - từ cơn bão cấp 1 (tốc độ gió 129km/h) lên thành cơn bão cấp 5 (tốc độ gió 266km/h).
Gió giật kèm mưa lớn khiến một khu vực rộng lớn phía Đông nước Mỹ chìm trong biển nước. Trước đó, cơn bão Yan (năm 2022) và bão Michael (năm 2018) cũng từng leo thang từ cấp 2 lên cấp 5 chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ trước khi ập vào Florida, cướp đi hàng trăm sinh mạng và gây thiệt hại hàng chục tỷ USD.
Tờ Nature từng có một nghiên cứu cho thấy các cơn bão dọc 400km bờ Đông nước Mỹ đang mạnh lên rõ rệt kể từ khi chúng được hình thành và ngày càng phổ biến hơn. Việc khối không khí phía trên mặt nước biển nóng bất thường, cộng với lượng nước ngọt từ sông ngòi đổ ra cửa biển ấm hơn bình thường tràn ra mặt biển đã tạo ra 2 tầng nước ấm trên lạnh dưới trong một vài tích tắc.
Sau đó, sóng biển lập tức xóa nhòa 2 tầng nước đó. Rồi khối không khí nóng cùng dòng nước ấm từ sông ngòi đổ ra tiếp lại tạo ra 2 tầng nước trên ấm dưới lạnh mới. Rồi sóng lại xóa nhòa và rồi lại tiếp tục tạo ra 2 tầng nước mới nữa. Cứ thế, vòng tròn ấy lặp đi lặp lại, “nhồi ga” cho cơn bão gia tăng cường độ, tạo ra hiện tượng leo thang của bão lũ.
Như chúng ta đã biết, chính hoạt động sống của loài người với những hiểu biết còn hạn chế về việc giữ gìn môi trường sống trong suốt thời gian dài đã gây ra hiệu ứng có thể hủy diệt nhân loại - hiện tượng ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Khi khí quyển ấm nóng lên, khối không khí trên mặt các đại dương nóng lên bất thường so với nền nước biển còn tương đối lạnh. Ở các vùng biển gần đất liền, sự chênh lệch nhiệt đẳng này còn được gia tăng bởi khối nước ngọt ấm nóng từ sông ngòi đổ ra, tạo ra 2 tầng nước ấm trên lạnh dưới, như trên đã phân tích.
Như vậy, thật không quá khi nói bão lũ là thiên tai, nhưng “leo thang” lại mang yếu tố con người - hoạt động sống thiếu trách nhiệm trong suốt một thời gian dài đã khiến Trái đất nóng lên, trở thành nhân họa. Chính con người đã tạo ra khía cạnh nhân họa của hiện tượng bão lũ leo thang.
Đòi hỏi những biện pháp ứng phó mới
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), có 3 nguyên nhân quan trọng làm gia tăng thiệt hại từ rủi ro thiên tai nói chung và tác hại của bão lũ leo thang nói riêng: 1. Biến đổi khí hậu làm gia tăng cường độ thiên tai; 2. Sự yếu kém trong quy hoạch phát triển làm gia tăng mức độ ảnh hưởng; và 3. Sự nghèo đói và suy thoái môi trường làm gia tăng tính gây tổn thương của thiên tai.
Bằng Nghị quyết số 44/236 (năm 1989) và Nghị quyết số 64/200 (năm 2009), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 13-10 hằng năm làm Ngày quốc tế giảm thiểu tác hại thiên tai.
Việc giảm thiểu tác hại của thiên tai có thể tập trung vào những việc làm thiết thực như các chính phủ phải tổ chức nghiên cứu nghiêm túc các luận cứ và nguyên nhân gây ra thiên tai; thu thập và minh bạch thông tin về thiên tai; đưa ra cảnh báo và để thị trường tự điều chỉnh giá nhà đất theo mức độ rủi ro thiên tai trong khu vực; quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với các tính toán và dự đoán về thiên tai trong từng vùng; tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát thiên tai; tạo điều kiện cho mọi tầng lớp trong xã hội tham gia các hoạt động cứu trợ thiên tai; phối hợp đồng bộ các biện pháp ứng phó với thiên tai ở cả 2 cấp độ nhà nước và tư nhân.
Bão lũ leo thang là hiện tượng mới đòi hỏi phải có những biện pháp ứng phó mới. Tiến sĩ Petteri Taalas - người đứng đầu Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc - cho biết: “nếu có một dịch vụ khí tượng hoạt động tốt, họ sẽ đưa ra cảnh báo và tiến hành sơ tán người dân, theo đó chúng ta sẽ tránh được hầu hết thương vong về người”.
Bão lũ bất bình thường cũng đòi hỏi cải tạo cơ sở hạ tầng để ứng phó. Chẳng hạn, trong công tác quy hoạch đô thị và khu dân cư, cần chọn khu vực đất đai tránh rủi ro bão lũ và sạt lở; cải tạo hệ thống cấp thoát nước, đồng thời có các phương án dự trù khi bị bão lũ leo thang mạnh bất thường; tổ chức tốt, phối hợp công - tư hợp lý công tác cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp bão lũ leo thang...
Tuy nhiên, về lâu dài, biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu bão lũ leo thang chính là phải cắt giảm bằng được các hoạt động sinh sống, sản xuất gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân sâu xa của hiện tượng ấm lên của Trái đất.
Các quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và mọi người phải đồng lòng tham gia vào các hoạt động này. Hãy giảm nhân họa trước khi giảm thiên tai là một phương châm đáng để chúng ta cùng suy ngẫm và thực hiện./.