23/11/2024 | 16:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ngành bảo hiểm lao đao trong thời tiết khắc nghiệt

Tường Linh
Ngành bảo hiểm lao đao trong thời tiết khắc nghiệt Vùng bờ biển Myers Beach, Florida bị bão Ian tàn phá nặng nề_Ãnh: Getty
Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng tạo áp lực lên những công ty bảo hiểm và làm tăng phí bảo hiểm với người tiêu dùng. Các công ty bảo hiểm trên thế giới đang phải căng mình tìm biện pháp đối phó để có thể duy trì hoạt động.

Chi trả bảo hiểm tăng lên bởi rủi ro thời tiết

Thời tiết cực đoan luôn là một trong những rủi ro kinh doanh mà các doanh nghiệp phải đối mặt, trong đó có các công ty bảo hiểm. Ngày nay, ngay cả khi không có biến đổi khí hậu, những thách thức của các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng gay gắt hơn. 

Đó là bởi dân số Trái đất tiếp tục tăng, mô hình sử dụng đất, nước, tài nguyên,... của con người liên tục thay đổi. Hệ quả là tần suất các biến cố thời tiết ngày càng tăng, dẫn đến những điều không chắc chắn cho lĩnh vực bảo hiểm. Việc dự báo rủi ro cũng ngày càng khó khăn hơn bởi sự thất thường của thời tiết cực đoan.

Siêu bão Hagibis tàn phá Nhật Bản năm 2019 là một ví dụ điển hình. Với sự đầu tư lớn vào công tác phòng, chống lũ lụt ven biển và trong nội địa sau các cơn bão tàn phá trong những năm 50 và 60 của thế kỷ XX, ngành bảo hiểm/tái bảo hiểm đánh giá rủi ro lũ lụt ở Nhật Bản đã được giảm nhẹ trên quy mô lớn. 

Tuy nhiên, phần lớn trong số 8 tỷ USD về tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm do cơn bão Hagibis gây ra lại phát sinh từ lũ lụt. Sự phát triển đô thị từ giữa thế kỷ XX ở Nhật Bản, trong đó có Thủ đô Tokyo, cũng không tính hết nguy cơ có thể xảy ra. 

55 vụ vỡ đê và nước sông tràn bờ xảy ra ở Nhật Bản trong những năm qua cho thấy các dự báo là chưa chính xác. Hay như ở Mỹ, những công ty bảo hiểm nhà cửa, nhất là ở các bang Florida, Texas và các bang nằm dọc theo Vịnh Mexico, đặc biệt dễ bị tổn thương khi các siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Theo kịch bản rủi ro mà thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm Lloyds đưa ra, nền kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại tới 5.000 tỷ USD trong khoảng thời gian 5 năm do sự gia tăng đáng kể của các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu, dẫn tới mất mùa, thiếu lương thực và thiếu nước. 

Đây là thiệt hại ở mức trung bình trong thang bảng gồm 3 mức tùy thuộc tính chất nghiêm trọng mà Lloyds đưa ra. Ở mức độ thấp nhất, thiệt hại ước tính là 3.000 tỷ USD. Còn với mức độ nguy hiểm, thiệt hại sẽ lên tới 17.600 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, chi trả bảo hiểm đương nhiên tăng lên. Văn phòng bảo hiểm Canada cho biết, chi phí bồi thường bảo hiểm tài sản cá nhân đã tăng bình quân hơn 7 tỷ USD/năm trong 5 năm qua ở nước này, so với 2 tỷ USD vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX và những năm đầu thập niên của thế kỷ XXI. 

Riêng trong năm 2022, thời tiết đã gây ra khoảng 3,1 tỷ USD thiệt hại có bảo hiểm ở Canada. Còn theo Công ty quản lý rủi ro quốc tế Aon, các hãng bảo hiểm tại Mỹ đã phải giải ngân 295,8 tỷ USD cho các yêu cầu bồi thường thiệt hại do thiên tai trong giai đoạn 2020 - 2023. 

Hiệp hội Bảo hiểm thiệt hại tài sản Mỹ (APCIA) cho biết, đây là con số bồi thường cao kỷ lục cho một giai đoạn 3 năm.

Hệ quả là các công ty bảo hiểm phải thay đổi chính sách bảo hiểm tài sản, trong đó có việc tăng phí và chấm dứt một số điều khoản. Thậm chí, nhiều công ty bị phá sản hoặc bỏ chạy khỏi thị trường. 

Theo khảo sát từ Hiệp hội Ủy viên bảo hiểm quốc gia Mỹ, các công ty bảo hiểm tài sản lớn như Allstate, American Family, Nationwide, Erie Insurance Group và Berkshire Hathaway cho biết, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu đã khiến họ ngừng cung cấp một số loại bảo hiểm thiệt hại do bão, mưa đá và gió lớn tại các khu vực ven biển, cũng như tại các quốc gia có cháy rừng. 

Các công ty tái bảo hiểm khác như Reinsurance Group of America thì tìm cách tăng phí bảo hiểm, đặc biệt là với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Bà Carolyn Kousky - Phó Chủ tịch Quỹ Bảo vệ môi trường kiêm học giả không thường trú tại Viện Thông tin bảo hiểm Mỹ - cho biết: “các nguy cơ này khiến bảo hiểm trở nên quan trọng và việc mua bảo hiểm ngày càng khó khăn hơn”.

Linh hoạt với bảo hiểm chỉ số thời tiết

Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt không phải chỉ luôn gây hại cho ngành bảo hiểm. Nhiều công ty trong lĩnh vực này đã biết cách thích ứng và tìm ra những hình thức kinh doanh hiệu quả. 

Bảo hiểm thời tiết dựa trên tham số là sản phẩm mới đang đem lại nguồn thu cho các công ty bảo hiểm, đồng thời trở thành “phao cứu sinh” cho người lao động nghèo ở một số nước đang phát triển - nơi các cộng đồng dễ bị tổn thương trước những biến cố thời tiết cực đoan. 

Đây là chính sách bảo hiểm chi trả bồi thường khi chỉ số của một sự kiện thời tiết như nhiệt độ, lượng mưa, tốc độ gió,... vượt quá một ngưỡng xác định trước.

Nhờ hình thức bảo hiểm chỉ số thời tiết, 21.000 phụ nữ tự kinh doanh ở bang Gujarat, Ấn Độ đã trở thành những người đăng ký tham gia một trong những chương trình bảo hiểm đầu tiên trên thế giới về thời tiết cực đoan - bảo hiểm nắng nóng. Theo các điều khoản, khi dữ liệu vệ tinh cho thấy nhiệt độ 3 ngày liên tiếp cộng lại ở thủ phủ Ahmedabad đạt từ 134 - 1380C, các khoản thanh toán sẽ được duyệt chi. 

Trong khi bảo hiểm truyền thống có thể mất hàng tháng để thanh toán, bảo hiểm “tham số” cho phép người tham gia có thể được thanh toán trong vòng vài ngày khi đủ điều kiện. Các khoản thanh toán này giúp người lao động nghèo mua những thứ như găng tay, quạt để làm mát và tránh kiệt sức vì nóng, mua thuốc để giảm đau đầu do nắng nóng hoặc mua thức ăn cho gia đình... Chính sách cho phép thanh toán nhiều lần, tối đa là 85 USD.

Một số công ty bảo hiểm Nhật Bản cho ra mắt gói bảo hiểm say nắng. Đây là chính sách mới sau khi người dân tại quốc gia Đông Á này phải trải qua mùa hè khắc nghiệt trong năm 2022. Dù tháng 6 thường là mùa mưa tương đối mát mẻ, nhưng số liệu từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho thấy, nhiệt độ tại các thành phố lớn như Tokyo đã vượt quá 350C trong 6 ngày liên tiếp. 

Đợt nắng nóng diện rộng đã khiến hơn 14.000 người phải nhập viện cấp cứu trong vòng 1 tuần. Sompo Holding và Sumitomo Life Insurance - 2 trong số những công ty bảo hiểm lớn nhất ở Nhật Bản - đã cho thiết kế gói bảo hiểm đặc biệt để trang trải chi phí y tế phát sinh nếu khách hàng bị say nắng. Nếu mua trước 9 giờ sáng, bảo hiểm sẽ có giá trị từ 10 giờ sáng ngày hôm đó, bao gồm chi phí nằm viện và chi phí y tế khác do nắng nóng gây ra. 

Dù là loại bảo hiểm mới nhất tại Nhật Bản nhưng chỉ trong một ngày cuối tháng 6-2022, Sumitomo Life đã bán được tới 6.900 hợp đồng. Đối với Sompo Holding, công ty sẽ chi trả các quyền lợi trong quá trình nằm viện, phẫu thuật, thậm chí bị tử vong do tiếp xúc với ánh Mặt trời hoặc sốc nhiệt. 

Chính sách này ban đầu dự kiến chỉ áp dụng với trẻ em. Tuy nhiên, Sompo Holding đã phải mở rộng phạm vi độ tuổi khách hàng do số lượng người dân say nắng gia tăng.

Một số công ty bảo hiểm tìm cách giảm thiểu tối đa các yêu cầu bồi thường bằng cách chủ động gửi đến khách hàng những bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm/cực đoan có thể xảy ra ở nơi họ sinh sống. 

Các bản tin thời tiết tin cậy được gửi đến khách hàng thông qua SMS, email hoặc app di động. Ví dụ, trong 3 - 5 ngày tới sẽ có một cơn bão đi qua khu vực nào đó, công ty bảo hiểm sẽ gửi cảnh báo trước cho các khách hàng. Kèm theo đó là khuyến cáo những biện pháp đối phó nhằm ngăn ngừa thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, cũng như giữ an toàn cho mọi người. 

Các nội dung cảnh báo rất cụ thể. Chẳng hạn: “mưa đá - yêu cầu các khách hàng di chuyển ô tô vào trong nhà để tránh bị hư hại”, “gió lớn - cảnh báo những khả năng thiệt hại để người dân chủ động sửa chữa, gia cố tài sản có nguy cơ bị ảnh hưởng”, “cháy rừng - cung cấp thông tin đảm bảo khách hàng nhận thức được rủi ro và chủ động tạo vùng an toàn xung quanh tài sản”... 

Bằng cách giúp khách hàng chủ động phòng tránh trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các công ty bảo hiểm giảm thiểu một số lượng lớn các yêu cầu bồi thường./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện