20/09/2024 | 20:24 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đối với sức khỏe

Vũ Thanh Vân
Ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đối với sức khỏe Người dân sơ tán khỏi các khu vực bị ngập lụt tại Beledweyne, Somalia, ngày 14-5-2023_Ảnh: AFP
Không chỉ ảnh hưởng về kinh tế, xã hội, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra tác hại trực tiếp đối với sức khỏe của con người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Sự gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đòi hỏi giải pháp vừa cấp bách, tức thời, vừa bền vững, chiến lược.

Tác hại rõ ràng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng trở nên phổ biến hơn, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người dân trên khắp thế giới. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), các hiện tượng thời tiết cực đoan là tình trạng thời tiết bất thường diễn ra trong một khoảng thời gian và có thể dẫn đến mất mùa, thiếu nước, chất lượng không khí suy giảm. 

Các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể làm gia tăng các bệnh lây truyền, làm xấu đi những bệnh mãn tính, hoặc gây ra tình trạng căng thẳng về tinh thần. Tác hại của các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể gia tăng tại các khu vực, cộng đồng thiếu thốn nguồn lực, cơ sở hạ tầng yếu kém và hệ thống y tế hạn chế.

Theo nghiên cứu của tổ chức Carbon Brief (Vương quốc Anh) - chuyên theo dõi dữ liệu về khí hậu, chính sách khí hậu và chính sách năng lượng - các đợt nóng đỉnh điểm, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, bão lớn, cháy rừng,... là các hiện tượng cực đoan có khả năng diễn ra nhất hoặc có nguy cơ nghiêm trọng hơn trong những năm tới. 

Thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng một số nhóm dễ bị tổn thương hơn. Người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người khuyết tật hay những người có bệnh lý về hô hấp, xương khớp, da liễu bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các biến đổi thời tiết. 

Các đợt nắng nóng thường có mối tương quan với tỷ lệ gia tăng số ca tử vong do mất nước, sốc nhiệt, lả nhiệt. Các đợt nắng nóng kéo dài ở đô thị có thể gây ra các đảo nhiệt đô thị, gia tăng sức ép giao thông ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, gây ức chế tinh thần, thay đổi hành vi ăn uống. 

Trong khi đó, chúng có thể gây ra nguy cơ về các đợt cháy rừng, hạn hán, thiếu nước canh tác tại những khu vực nông thôn và miền núi.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan bao gồm các đợt nóng đỉnh điểm, bão lốc, lũ lụt, hạn hán hoặc các đợt lạnh cực điểm. Năm 2018, các hiện tượng này có xu hướng gia tăng, tăng gấp 3 lần trong vòng 50 năm qua và là nguyên nhân của khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng có thể gây ra bệnh tật, dịch bệnh. Mưa lớn, lũ lụt thường làm ô nhiễm nguồn nước, môi trường sống và kéo theo các bệnh tiêu hóa, hô hấp, bệnh ngoài da,... như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, hắc lào, ghẻ lở... 

Chính vì vậy, sau mùa mưa lũ, bão lụt, người dân không chỉ phải nhanh chóng ổn định cuộc sống, khắc phục thiệt hại kinh tế mà còn phải phòng ngừa dịch bệnh. Các diễn biến bất thường, khó đoán của thời tiết dẫn đến những tác hại rõ ràng đối với người dân từ thành thị đến nông thôn, miền núi.

Jian Cheng, Đại học Công nghệ Queensland (Australia) và các đồng sự trong nghiên cứu về những đợt nắng nóng và các trường hợp người lớn tuổi tử vong chỉ ra, các đợt nắng nóng có liên quan đến việc gia tăng 28% số ca tử vong ở người lớn tuổi tại Australia. 

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người già, các đợt nắng nóng còn gia tăng gánh nặng tang lễ và chi phí gián tiếp khác. Do đó, chính quyền cần xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm và những biện pháp can thiệp dành cho nhóm dân số già. 

Các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay gắn liền với biến đổi khí hậu - một vấn nạn toàn cầu, không phải của riêng quốc gia nào và cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế.

Ứng phó chiến lược

Các giải pháp ứng phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan thường đi theo 2 hướng chính. Một mặt, các giải pháp tình thế, tức thời được đưa ra để giảm bớt, khắc phục tác hại của những hiện tượng thời tiết cực đoan đối với sức khỏe. 

Các nhóm dễ bị tổn thương được khuyến cáo nên ở trong nhà và hạn chế ra ngoài trời. Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên về việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống cho phù hợp với thời tiết. 

Ở những khu vực, cộng đồng bị đe dọa bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, việc sơ tán, đưa người dân tới các khu vực an toàn được thực hiện khẩn cấp.

Các giải pháp tình thế có tác dụng nhất định trong việc hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết cực đoan đến sức khỏe và sinh mạng. Tuy nhiên, đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan mang tính bất ngờ như bão lớn, lũ lụt..., các giải pháp tình thế có thể không phát huy được tác dụng. 

Do đó, các tổ chức, chuyên gia quốc tế về khí hậu và môi trường nhấn mạnh tầm quan trọng của những giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài. Các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay là phần nổi của tảng băng chìm, là kết quả của quá trình xâm hại và phá hoại môi trường sống của con người trong một quá trình lâu dài. Do đó, các giải pháp ứng phó cũng phải mang tính lâu dài, bền vững.

Walter Leal Filho, Khoa Khoa học tự nhiên, Đại học Manchester Metropolitan (Vương quốc Anh) và các đồng sự trong bài viết Hóa giải tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan với sức khỏe đăng trên tờ Khoa học Môi trường châu Âu cho rằng, các giải pháp mang tính phòng ngừa và thích ứng sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực. 

Các giải pháp này bao gồm theo dõi biến đổi của khí hậu tại các khu vực; nâng cao mức độ sẵn sàng của các tổ chức ứng phó khẩn cấp; cải thiện năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe và tăng cường nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Tuy nhiên, các giải pháp này sẽ phải cân bằng với những giải pháp tức thời, tình thế, bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Trong thập niên tới, tần suất và mức độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ càng gia tăng, gây ra ảnh hưởng ngày càng tồi tệ đối với sức khỏe của con người và tăng thêm áp lực không chỉ với hệ thống y tế. 

Do đó, một số chuyên gia cho rằng, cần tăng cường các nghiên cứu trước, trong và sau những hiện tượng thời tiết cực đoan để đánh giá đúng đắn, đầy đủ tác động của chúng đối với sức khỏe con người và hệ thống y tế, từ đó xác định các cộng đồng, đối tượng dễ bị tổn thương và các biện pháp giảm thiểu rủi ro phù hợp với từng nhóm. 

Các giải pháp cần tập trung ở cấp độ cộng đồng, địa phương, thành phố bao gồm xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm, những chương trình can thiệp cộng đồng và nâng cao sự bền bỉ của hệ thống y tế.

Con người đang gánh chịu hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan do chính những việc làm của mình. Việc tàn phá rừng, hủy hoại môi trường sống, thúc đẩy các hoạt động công nghiệp không gắn với bảo vệ môi trường, phát triển nóng đô thị, không kiểm soát được giao thông, tình trạng vô ý thức và vô trách nhiệm trong hành vi sinh hoạt và tiêu dùng,... đã làm cho môi trường, khí hậu ngày càng xấu đi. 

Do đó, ứng phó chiến lược là mỗi cá nhân phải thay đổi nhận thức và hành vi của mình trong khi các chính phủ phải có những giải pháp căn cơ, bền vững hơn để bảo vệ hệ sinh thái. Sự gia tăng về tần suất và mức độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, vì thế, cần được hiểu là lời cảnh báo cuối cùng./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện