20/09/2024 | 20:32 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Châu Âu đối mặt rủi ro khí hậu lớn

Tuệ Minh
Châu Âu đối mặt rủi ro khí hậu lớn Thị trấn Ravne na Koroskem (Slovenia) ngập sâu trong đợt lũ tháng 8-2023_Ảnh: CNN
Tháng 3-2024, Cơ quan Môi trường châu Âu lần đầu tiên công bố Báo cáo đánh giá rủi ro khí hậu châu Âu (EUCRA) và cho biết, châu Âu là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó có nhiều rủi ro đã đạt đến mức cảnh báo. Nếu không có hành động quyết đoán, rủi ro có thể biến thành thảm họa.

Thời tiết khắc nghiệt

Châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất trên thế giới, với nhiệt độ tăng gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ tương ứng với mức tăng 30C trên khắp châu Âu. 

Những năm gần đây, châu Âu phải gánh chịu tổn thất nặng nề do thời tiết khắc nghiệt. EUCRA ước tính, đợt nắng nóng năm 2022 khiến 70.000 người châu Âu thiệt mạng. Lũ lụt vào tháng 8-2023 khiến Slovenia thiệt hại tương đương 16% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi cháy rừng và lũ lụt ở Hy Lạp làm giảm 15% sản lượng nông nghiệp hằng năm của nước này. 

Báo cáo cảnh báo, nếu không có quyết định kịp thời, “hàng trăm nghìn người sẽ chết vì nắng nóng, tổn thất kinh tế chỉ riêng từ lũ lụt ven biển có thể vượt quá 1.000 tỷ euro mỗi năm”.

Cơ quan quan sát Trái đất Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Bắc bán cầu đã ghi nhận mùa đông ấm nhất. Dịch vụ Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu tháng 2-2024 cao hơn 1,770C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. 

Đây là tháng thứ 9 liên tiếp nhiệt độ đạt mức kỷ lục này và đây là mùa đông bất thường đặc biệt rõ rệt ở Trung và Đông Âu. Ở một số vùng Đông Âu, nhiệt độ chạm mốc hơn 100C vào ban đêm, 200C vào ban ngày. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, ở miền Nam Romania và miền Bắc Bulgaria, nhiệt độ của tháng trước lệch so với tiêu chuẩn hơn 140C.

Cũng theo WMO, hiện tượng El Nino trong năm 2023 - 2024 lên đến đỉnh điểm, trở thành một trong những năm mà El Nino mạnh nhất được ghi nhận. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu trong những tháng tới, với nhiệt độ dự kiến sẽ cao hơn mức bình thường trên hầu hết các khu vực đất liền trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5. Trong những năm gần đây, cường độ El Nino tiếp tục gia tăng. 

Chỉ số Nino đại dương (ONI) tiếp tục tăng từ 2,0 vào những năm 60 của thế kỷ XX lên mức cao nhất là 2,6 trong thập niên qua. Các chuyên gia cho rằng, điều này có thể liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng gia tăng. El Nino càng mạnh sẽ kéo theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.

Gia tăng rủi ro

EUCRA cho rằng, EU phải đối mặt với nguy cơ ngày càng gia tăng về các cú sốc tài chính mang tính hệ thống do biến đổi khí hậu.

Thời tiết khắc nghiệt có thể làm gia tăng chi phí bảo hiểm, đe dọa tài sản và thế chấp, đồng thời gia tăng chi tiêu và chi phí cho vay của chính phủ. Lũ lụt và cháy rừng xảy ra liên tục trong những năm gần đây khiến ngân sách sẵn có của các quỹ đoàn kết EU bị đe dọa nghiêm trọng. Tác động ngày càng gia tăng của khí hậu cũng sẽ làm gia tăng khoảng cách bảo hiểm tư nhân, khiến các hộ gia đình có thu nhập thấp dễ bị tổn thương hơn.

“Lục địa châu Âu đang nóng lên với tốc độ gấp đôi tốc độ trung bình của toàn cầu. Nếu không kịp thời triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó và xu hướng ấm lên còn tiếp tục, nhiệt độ ở châu Âu sẽ tăng 70C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Do đó, điều bắt buộc là phải có các chính sách để chuẩn bị cho xã hội, đối phó với biến đổi khí hậu và những rủi ro liên quan”.

Bà Leena Yla-Mononen - Giám đốc điều hành của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA)

Theo dữ liệu của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), từ năm 1980 đến năm 2022, các hiện tượng cực đoan liên quan đến thời tiết và khí hậu gây thiệt hại về kinh tế cho các quốc gia thành viên EU lên đến khoảng 650 tỷ euro, trong đó, năm 2021 thiệt hại 59,4 tỷ euro, năm 2022 thiệt hại 523 tỷ euro, và những tổn thất tài chính có thể tăng theo thời gian. 

Do các hiện tượng cực đoan liên quan đến thời tiết và khí hậu khắc nghiệt dự kiến sẽ gia tăng hơn nữa nên những thiệt hại kinh tế liên quan khó có thể giảm vào năm 2030. Cũng theo EEA, khu vực có nguy cơ lớn nhất là Nam Âu. 

Các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng bởi các thảm họa như hỏa hoạn và hạn hán, gây ra tác động thảm khốc đối với nền nông nghiệp địa phương.

Ở Nam Âu, rủi ro do nhiệt độ cao và hạn hán gây ra đối với sản xuất cây trồng đã ở mức nghiêm trọng và các nước Trung Âu cũng đang bị đe dọa. Ngoài ra, các vùng trũng ven biển còn bị nước biển và lũ lụt xói mòn. Hiện tượng tương tự đang ngày càng phổ biến ở Bắc Âu, bằng chứng là lũ lụt gần đây ở Đức và cháy rừng ở Thụy Điển. 

Những mối nguy hiểm liên quan đến hệ sinh thái ở châu Âu đều cần có các biện pháp khẩn cấp để giải quyết, bởi hệ sinh thái là nguồn cung các dịch vụ và tài nguyên cần thiết cho đời sống con người, vì vậy những mối đe dọa này sẽ tác động đến các lĩnh vực khác. Năm 2021, lũ lụt ở Đức, Bỉ, Hà Lan khiến giảm doanh thu thuế, chi tiêu công và chi phí tín dụng tăng lên.

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí China Business News, nhà kinh tế học Bhargavi Sakthivel cho rằng, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán và lũ lụt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất mùa màng, sản lượng thủy sản, cắt đứt khả năng tiếp cận khai thác..., từ đó đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao.

EUCRA cũng khẳng định, các cuộc kiểm tra trong lĩnh vực tài chính có thể đã đánh giá thấp những rủi ro trên. Tình hình tài chính của chính phủ các nước thành viên EU sẽ còn căng thẳng hơn nữa. 

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, trong dự thảo kế hoạch ứng phó thảm hoạ, EC đặt ra “các yêu cầu tối thiểu về khả năng phục hồi khí hậu” cho tất cả các khoản chi tiêu trong ngân sách tiếp theo của EU từ năm 2027. 

EC cũng cảnh báo trong dự thảo rằng, có thể xảy ra nguy cơ “xung đột” giữa các quốc gia thành viên EU về nguồn nước. Nắng nóng khắc nghiệt sẽ dẫn đến giảm thiểu năng suất, các dịch bệnh như virus và sốt xuất huyết sẽ gia tăng...

Đe dọa an ninh lương thực

Các nước châu Âu cũng phải hứng chịu đợt hạn hán dài nhất, nóng nhất trong nhiều thập niên qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại nhiều quốc gia. 

Diễn biến thời tiết tiêu cực có khả năng làm giảm ít nhất 1/3 sản lượng nông nghiệp của Italia; tổn thất về nông nghiệp của Hungary từ đầu năm 2022 thậm chí lớn gấp đôi tổng thiệt tại của 10 năm trước cộng lại; các trang trại không có hệ thống tưới tiêu ở Slovenia có thể bị mất mùa... 

Tại Tây Ban Nha, hạn hán cũng ảnh hưởng nặng nề đến khả năng sinh trưởng của cây lúa mì, với 60% diện tích nông nghiệp và hơn 3,5 triệu héc-ta cây trồng chịu “tổn thất không thể khắc phục” do hạn hán cực độ. 

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Hợp tác xã nông nghiệp Đức, ảnh hưởng bởi thời tiết khô nóng, sản lượng các loại cây lúa mì ở Đức năm 2023 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu cho biết, rủi ro do nhiệt độ cao và hạn hán gây ra đối với sản xuất cây trồng ở Nam Âu đã lên đến mức nghiêm trọng. Hạn hán kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực và gây ra những mối đe dọa lớn đối với sản lượng cây trồng, giá lương thực, an ninh và nguồn nước.

Là khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất bởi nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt, các quốc gia Nam Âu đang có nguy cơ mất mùa nghiêm trọng và cũng đang phải đối mặt với những mối đe dọa lớn liên quan tới nguồn cung năng lượng do nhiệt độ tăng cao và hạn hán kéo dài.

Báo cáo cho biết, người dân châu Âu có thể giải quyết một phần tình trạng khan hiếm nước bằng cách chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật hơn, vì điều này sẽ làm giảm mức tiêu thụ nước ngọt để sản xuất lương thực. 

Đồng thời, Chính sách nông nghiệp chung (CAP) của EU cần được cải cách để khuyến khích các hoạt động canh tác bền vững hơn và chuyển sang những loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt hơn hoặc sử dụng ít nước hơn.

Có thể thấy, châu Âu đã thực hiện rất nhiều cách thức để giảm thiểu rủi ro khí hậu. Tuy nhiên, vẫn cần phải có những nỗ lực lớn hơn bởi không phải tất cả các rủi ro đều có thể được hạn chế, vì vậy việc đặt ra các ưu tiên là điều bắt buộc. 

Chính phủ và người dân các nước châu Âu cần phải thống nhất trong nhận thức về những rủi ro mà biến đổi khí hậu đem lại và đưa ra những chính sách môi trường linh hoạt và có sự ứng phó mạnh mẽ hơn./.