21/11/2024 | 19:40 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xây dựng và bảo tồn không gian xanh: Chiến lược thiết yếu để giảm thiểu rủi ro thiên tai

Nguyễn Lương Ngọc
Xây dựng và bảo tồn không gian xanh: Chiến lược thiết yếu để giảm thiểu rủi ro thiên tai Một góc khu tổ hợp Namba Green Parks ở thành phố Osaka, Nhật Bản_Ảnh: TL
Những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, phần lớn là do biến đổi khí hậu. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này gây ra nhiều rủi ro cho cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái và cuộc sống con người. Một chiến lược hiệu quả để giảm thiểu những rủi ro này là thiết lập và bảo tồn không gian xanh.

Những lợi ích không thể phủ nhận

Không gian xanh, bao gồm công viên, rừng, vùng đất ngập nước và khu vực cây xanh đô thị,... đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, việc tạo ra và bảo tồn không gian xanh là điều cần thiết để tăng khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Không gian xanh không chỉ là một phần của cảnh quan, mà còn là hệ thống sinh thái phức tạp; như là lớp đệm tự nhiên có khả năng hấp thụ, xử lý lượng nước dư thừa từ các hiện tượng thời tiết cực đoan. 

Đất đai và hệ thống thực vật trong không gian xanh giúp hấp thụ nước mưa, giảm dòng chảy, từ đó giảm thiểu nguy cơ lũ lụt, ùn ứ nước trong các khu vực đô thị và nông thôn. Ngoài ra, các khu vực không gian xanh cũng có khả năng hấp thụ khí CO2 và các chất gây ô nhiễm khác, cải thiện chất lượng không khí, giảm bớt tác động của hiệu ứng nhà kính.

Một ưu điểm khác của không gian xanh là khả năng mang lại hiệu quả làm mát cho môi trường xung quanh. Cây cối và rừng cung cấp bóng mát, làm giảm nhiệt độ, giúp giảm bớt tác động của sóng nhiệt trong các khu vực đô thị, nông thôn. 

Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện sống cho các loài động, thực vật, tăng cường đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Điều này không chỉ giữ cho hệ sinh thái hoạt động mạnh mẽ, mà còn giúp duy trì sự cân bằng tự nhiên, ổn định môi trường sống cho con người.

Không gian xanh cũng có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tinh thần, thể chất của con người. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc với thiên nhiên và không gian xanh có thể giảm căng thẳng, lo âu, trầm cảm, đồng thời tăng cường tinh thần và cảm giác hạnh phúc. 

Ngoài ra, việc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa như đi bộ, chơi thể thao trong không gian xanh cũng giúp cải thiện sức khỏe thể chất, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến việc ít vận động.

Bài học của Nhật Bản

Là một quốc gia thường xuyên xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan, từ lâu Nhật Bản đã nhận ra tầm quan trọng của không gian xanh trong việc giảm thiểu rủi ro, tăng cường khả năng phục hồi. 

Thông qua việc lập quy hoạch cẩn thận, thực hành đổi mới, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quản lý rủi ro, Nhật Bản đã xây dựng, bảo tồn thành công không gian xanh nhằm giảm thiểu tác động của các thảm họa như bão, lũ lụt và lở đất.

Nhật Bản tích hợp không gian xanh vào quy hoạch đô thị dưới dạng cơ sở hạ tầng xanh đa chức năng. Công viên, rừng và mái nhà xanh không chỉ là nơi giải trí, mà còn là vùng đệm tự nhiên chống lũ lụt, lở đất. 

Mạng lưới công viên và vành đai xanh rộng khắp của Tokyo giúp hấp thụ nước mưa, giảm dòng chảy khi mưa lớn, giảm thiểu rủi ro lũ lụt.

Bên cạnh đó, Nhật Bản nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng trong các nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai, bao gồm cả việc quản lý không gian xanh. Rừng cộng đồng do người dân địa phương duy trì có tác dụng ngăn cháy, bảo vệ chống xói mòn đất, lở đất. 

Các sáng kiến dựa vào cộng đồng thúc đẩy ý thức làm chủ và khả năng phục hồi của người dân, tăng cường sự gắn kết xã hội và phòng chống thiên tai.

Hơn nữa, tại các khu đô thị đông dân cư, Nhật Bản khuyến khích sử dụng mái xanh và vườn thẳng đứng để tối đa hóa không gian xanh, đồng thời giảm thiểu việc sử dụng đất. Mái nhà xanh hấp thụ nước mưa, giảm hiệu ứng đảo nhiệt, cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu tác động của nhiệt độ cực cao và lượng mưa lớn. 

Tokyo và các thành phố khác khuyến khích lắp đặt mái nhà xanh thông qua trợ cấp, giảm thuế.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Việt Nam có thể học hỏi cách tiếp cận của Nhật Bản trong việc tích hợp không gian xanh vào quy hoạch đô thị như một cơ sở hạ tầng thiết yếu. Bằng cách ưu tiên hình thành các công viên, hành lang xanh và vùng ngập lũ, Việt Nam có thể tăng cường khả năng chống chọi với lũ lụt, bão và lở đất, đồng thời cải thiện môi trường sống và đa dạng sinh học.

Chính phủ nên cân nhắc trao quyền cho cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động quản lý không gian xanh, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Các sáng kiến dựa vào cộng đồng, như vườn cộng đồng và các dự án trồng rừng, có thể tăng cường khả năng phục hồi ở cấp cơ sở, đồng thời thúc đẩy quản lý môi trường và gắn kết xã hội.

Việt Nam cũng có thể đưa ra các ưu đãi, chẳng hạn như giảm thuế và trợ cấp, để khuyến khích áp dụng các giải pháp cơ sở hạ tầng xanh, bao gồm mái nhà xanh, vườn thẳng đứng, vườn mưa và vỉa hè thấm nước. Khuyến khích tài chính có thể kích thích đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng xanh, thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững.

Điều quan trọng mang tính tầm nhìn dài hạn đó là đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới để phát triển các giải pháp phù hợp với bối cảnh cụ thể nhằm xây dựng, bảo tồn không gian xanh. Hợp tác với các tổ chức học thuật, trung tâm nghiên cứu và đối tác quốc tế có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ cho việc ban hành các chiến lược bền vững, hiệu quả.

Có thể nói, xây dựng và bảo tồn không gian xanh là chiến lược thiết yếu nhằm giảm thiểu rủi ro từ các hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam, mà còn có giá trị với nhiều quốc gia. 

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải nâng cao năng lực quản lý bằng cách xây dựng chính sách, huy động nguồn tài chính, thu hút sự tham gia của các bên liên quan, thực hiện các cơ chế giám sát hiệu quả. 

Thêm vào đó, từ kinh nghiệm của Nhật Bản, thông qua quy hoạch tổng hợp, sự tham gia của cộng đồng, các biện pháp khuyến khích và đổi mới, Việt Nam có thể tạo ra các cảnh quan xanh hơn, an toàn hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn cho các thế hệ tương lai./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện