20/09/2024 | 20:40 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thời tiết cực đoan và chính trị thế giới

Trần Nhàn
Thời tiết cực đoan và chính trị thế giới Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, tháng 12-2023_Ảnh: THX
Tác động, ảnh hưởng tai hại của thời tiết cực đoan tới muôn mặt đời sống của con người, tới sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và vùng lãnh thổ đã buộc mọi nơi trên Trái đất phải hành động quyết liệt và kiên trì để ứng phó, phòng ngừa. Thời tiết cực đoan, vì thế, đã trở thành một trong những chủ đề nội dung trọng tâm hàng đầu trên chương trình nghị sự của chính trị thế giới.

Thời tiết cực đoan xuất hiện, tác oai, tác quái ở các vùng trong khuôn khổ lãnh thổ quốc gia, ở các khu vực trên các châu lục và thế giới. Nhưng tác động, ảnh hưởng tiêu cực của nó lại không hạn chế chỉ ở trong phạm vi các vùng, các khu vực riêng rẽ mà khiến những phạm vi lãnh thổ rộng lớn hơn bị vạ lây. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thời tiết cực đoan, song không ít trong số đó con người chưa thể biết hết và chế ngự được. Một nguyên nhân chính được lưu tâm nhiều nhất là biến đổi khí hậu Trái đất. Thông qua biến đổi khí hậu Trái đất, thời tiết cực đoan trở thành một trong những nội dung mà chính trị thế giới quan tâm.

Cách tiếp cận ở đây có thể chưa đầy đủ và còn quá đơn giản, nhưng lại được coi là hợp lý và được công nhận chung. Thời tiết cực đoan là kết quả, hệ lụy của biến đổi khí hậu Trái đất và môi trường sinh thái trên Trái đất, mà hành vi của con người đóng vai trò quyết định trong việc gây ra, hoặc đưa lại sự biến đổi này. 

Liên quan đến chủ đề nội dung này, chính trị thế giới phải xử lý đồng thời 2 vấn đề: (i) Chống biến đổi khí hậu trên Trái đất; (ii) Ứng phó những tác động, hậu quả, hệ lụy tiêu cực của biến đổi khí hậu Trái đất. Cả hai vấn đề đều đòi hỏi phải được giải quyết cấp thiết, triệt để, cơ bản, ổn thoả, bền vững lâu dài.

Khắc phục những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu Trái đất

Một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu Trái đất được xác định là do hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ Trái đất dần tăng lên, làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái, môi trường sinh thái trên Trái đất, tạo nên chuỗi tác động khiến khí hậu Trái đất dần biến đổi. 

Chính trị thế giới, vì thế, tập trung trước hết vào việc khắc phục những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu Trái đất. Từ nhiều năm nay, Liên hợp quốc đã khởi động quá trình tập hợp tất cả các quốc gia trên thế giới cùng chung tay chống biến đổi khí hậu Trái đất, triển khai công việc này theo 4 tuyến khác nhau.

Một là, Liên hợp quốc chủ trì việc hình thành và thông qua những công ước, hiệp ước, nghị định thư đa phương quốc tế có tính ràng buộc đối với các thành viên về bảo vệ khí hậu Trái đất. 

Những văn kiện pháp lý này nhằm gây dựng, củng cố nhận thức chung về sự cần thiết phải cùng nhau hành động nhanh chóng, quyết liệt nhằm bảo vệ khí hậu Trái đất; ràng buộc tất các các quốc gia và vùng lãnh thổ vào trách nhiệm chung về bảo vệ khí hậu Trái đất; định hướng cho các quốc gia và vùng lãnh thổ đưa ra những chương trình, kế hoạch riêng về bảo vệ khí hậu Trái đất.

Hai là, Liên hợp quốc khởi động và kiên định tiến trình Hội nghị cấp cao thường niên của Liên hợp quốc về bảo vệ khí hậu Trái đất nhằm định kỳ nhìn lại, đánh giá những thành quả đã đạt được, cụ thể hóa mục tiêu cho từng giai đoạn ngắn cũng như dài. Cho tới nay, tiến trình này khá chật vật nhưng cũng đã đưa lại được nhiều kết quả rất quan trọng.

Ba là, Liên hợp quốc đưa việc bảo vệ khí hậu Trái đất thành một mục tiêu phát triển bền vững cho cả thiên niên kỷ. Nói cách khác, Liên hợp quốc dùng kết quả cụ thể của việc bảo vệ khí hậu Trái đất để đánh giá chất lượng của công cuộc phát triển bền vững ở mọi nơi trên thế giới.

Bốn là, Liên hợp quốc đưa ra những chương trình, kế hoạch hợp tác, hậu thuẫn cụ thể giúp các thành viên Liên hợp quốc về tài chính, công nghệ để chống biến đổi khí hậu Trái đất, để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu năng lượng, thay đổi phương cách sản xuất nông nghiệp và đô thị hóa để đáp ứng được những tiêu chí và mục tiêu đề ra về bảo vệ khí hậu Trái đất.

Cùng với Liên hợp quốc, gần như tất cả các khuôn khổ diễn đàn đa phương trên thế giới cũng dành ưu tiên thuộc diện hàng đầu trên chương trình nghị sự cho chủ đề nội dung bảo vệ khí hậu Trái đất. Chẳng hạn như mới đây nhất, nhóm G-7 thỏa thuận cho tới năm 2035 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng than đá làm nguồn cung ứng năng lượng.

Ngừng sử dụng than đá và dầu mỏ làm nguồn cung ứng năng lượng và nhiên liệu, chấm dứt tàn phá rừng tự nhiên, quy hoạch phát triển quốc gia, vùng, đô thị và nông thôn sao cho bảo vệ được môi trường sinh thái tự nhiên đều là những từ khóa chế ngự chính trị thế giới. 

Chính trị thế giới tin và kỳ vọng rằng, thành công trong công cuộc bảo vệ khí hậu Trái đất sẽ đưa lại thành quả tích cực trong việc xử lý vấn đề thời tiết cực đoan.

Ứng phó trực tiếp những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu Trái đất

Vấn đề thứ hai mà chính trị thế giới phải xử lý là ứng phó trực tiếp những tác động tiêu cực, hậu quả nguy hại và hệ lụy nặng nề của biến đổi khí hậu Trái đất, thể hiện trước hết và cụ thể hơn hết ở thời tiết cực đoan. 

Dự báo chính xác, báo động sớm, chủ động phòng ngừa giúp giảm bớt đáng kể thiệt hại về của cải của xã hội và sinh mạng con người gây ra bởi thời tiết cực đoan. Tăng cường hợp tác quốc tế về viện trợ, cứu trợ nhân đạo và khẩn cấp khi thời tiết cực đoan hoành hành cũng là chủ đề nội dung thời sự của chính trị thế giới.

Chính trị thế giới phải coi việc chống biến đổi khí hậu Trái đất, ứng phó trực tiếp những tác động, hậu quả và hệ lụy của thời tiết cực đoan là chuyện chung của cả thế giới chứ không thể phó mặc cho riêng ai, bởi thời tiết cực đoan có thể hoành hành ở nơi riêng rẽ nào đó, nhưng lại khiến cả vùng rộng lớn hơn, cả châu lục hay cả thế giới bị vạ lây. 

Chẳng hạn như thời tiết cực đoan gây ra nạn đói, dịch bệnh, đổ gãy chuỗi cung ứng ở một nơi, hay một vùng đều có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị, an ninh và xã hội ở nhiều nơi khác.

Kể cả khi chính quyền, người dân ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên Trái đất kiên định quyết tâm, thật sự thành công trong công cuộc bảo vệ khí hậu Trái đất cũng như trong công cuộc chinh phục thiên nhiên thì cũng vẫn sẽ cần rất nhiều thời gian nữa nhà nước và con người trên Trái đất mới có thể khống chế được thời tiết cực đoan. 

Vì thế, chính trị thế giới vẫn còn phải đi tiên phong trong công cuộc ứng phó với thời tiết cực đoan. Trong việc này, chính trị thế giới chỉ có thể thành công nếu gây dựng được sự đồng thuận quan điểm và nhận thức, cũng như kiến tạo nên sự phối hợp hành động của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới./.