20/09/2024 | 16:34 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Khi AI “tiếp tay” cho nạn tin giả ở Đông Nam Á

La Tuấn
Khi AI “tiếp tay” cho nạn tin giả ở Đông Nam Á Trí tuệ nhân tạo phát triển, bên cạnh những lợi ích cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với xã hội_Ảnh minh họa
Một trong những khu vực hiện bị tác động mạnh nhất của nạn tin giả chính là Đông Nam Á, trong đó có lý do bắt nguồn từ sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI). Để đối phó với tình trạng này, các quốc gia Đông Nam Á cần cải thiện các năng lực kiểm chứng thực tế (fact-checking) và hiểu biết để chống lại thông tin sai lệch.

Với tiêu đề “Những phản ứng của khu vực và xuyên biên giới đối với thông tin sai lệch ở Đông Nam Á”, nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) và Google trình bày nhiều ví dụ khác nhau về “các chiến dịch thông tin sai lệch có sự phối hợp” đã diễn ra ở Indonesia và các nước láng giềng trong những năm gần đây. 

Theo nghiên cứu, phương tiện truyền thông xã hội đang đóng vai trò lớn trong việc lan truyền tin tức giả trên khắp Đông Nam Á. Rõ ràng, trong các cuộc bầu cử ở khu vực, các nền tảng như Facebook, X (trước đây là Twitter) và TikTok đã trở thành công cụ quan trọng trong các chiến dịch chính trị ở các quốc gia này.

Khi AI “tiếp tay”

Tại Đông Nam Á, sự phát triển của kỹ thuật số song hành với sự gia tăng của tin tức giả. Khu vực này hiện là nơi có hàng triệu người dùng điện thoại thông minh cuồng nhiệt. Người ta ước tính rằng, 68% tổng dân số trong khu vực là người dùng mạng xã hội và những người trẻ từ 16 - 24 tuổi đang dành trung bình hơn 10 giờ mỗi ngày trên Internet. 

Điều này khiến khu vực này trở thành nơi sản sinh hoàn hảo cho tin tức giả mạo. Ở Indonesia, “những kẻ tung tin đồn thổi” (buzzers) là các tác nhân nổi tiếng về những thông tin sai lệch như vậy, trong khi ở Philippines thường thấy những “kẻ lừa đảo” truyền bá tin tức giả và nhiều chiến dịch gây ảnh hưởng (IO) ở Thái Lan. 

Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do AI, khi nghiên cứu trên phát hiện ra rằng các công cụ trực tuyến phục vụ nền tảng AI cơ bản để tạo những video - giống với chân dung một người hoặc video deepfake - ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi hơn.

Một thủ đoạn đáng chú ý là sử dụng AI để giả mạo người nổi tiếng và nhắm đến các nhóm dễ bị tổn thương, như người cao tuổi và không rành công nghệ. Theo một báo cáo của nền tảng xác thực Sumsub của Anh, số lượng nội dung deepfake ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 1.530% trong thời gian 2022 - 2023. Báo cáo không cho biết con số cụ thể. Deepfake là kỹ thuật sử dụng AI để tạo ra video hoặc hình ảnh giả mạo một cách chân thực với mục đích truyền bá thông tin sai lệch.

Bên cạnh đó, AI cũng tạo ra diện mạo mới đáng lo ngại về bắt nạt trên mạng ở khu vực. Trong chỉ vài phút, AI tạo sinh có thể phân tích các bài đăng trên mạng xã hội, hoạt động trực tuyến hoặc thông tin cá nhân của mục tiêu để tạo ra các nội dung đe dọa.

Trước khi có AI, cá nhân nào muốn tấn công người khác trên mạng sẽ phải dành thời gian viết bài và thông điệp, đồng thời đối mặt nguy cơ bị xác định danh tính và chịu trách nhiệm về hành động của họ. Tuy nhiên, với AI, hành vi bắt nạt trực tuyến giờ đây diễn ra nhanh, nghiêm trọng và ở quy mô lớn hơn.

Mới đây nhất, AI đã gây náo loạn trong mùa bầu cử năm 2024 của Indonesia khi một đoạn video siêu thực về Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo nói trôi chảy tiếng quan thoại đã lan truyền rộng rãi vào cuối năm 2023 trước khi nó bị vạch trần là bản chỉnh sửa AI. Không lâu sau, một đoạn video sử dụng AI tạo ra cảnh Prabowo Subianto - Bộ trưởng Quốc phòng và ứng cử viên tổng thống - phát biểu bằng tiếng Arab cũng gây sốt trên mạng xã hội quốc gia Đông Nam Á này.

Cuối tháng 3-2024, Usman Kansong - Vụ trưởng Vụ Thông tin và Truyền thông công cộng, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia - cho biết, Indonesia đang chứng kiến xu hướng thông tin sai lệch mới nổi từ những kẻ tung tin đồn thổi kể từ cuộc bầu cử năm 2019. 

Bộ này ghi nhận, đã có 714 vụ lừa bịp lan tràn trong 2 năm 2018 - 2019. Con số này đã giảm trong cuộc bầu cử lần này khi chỉ có 204 vụ lừa bịp bị phát hiện từ tháng 1-2023 đến tháng 1-2024. Ông Usman nói: “tuy nhiên, các hình thức thông tin sai lệch ngày càng đa dạng, khiến việc xác định [trò lừa bịp] trở nên khó khăn hơn, chứ chưa kể đến việc sử dụng AI [gần đây hơn]”.

Năm ngoái, Singapore cũng trải qua một sự cố AI tương tự khi một đoạn video giả mạo về Thủ tướng Lý Hiển Long ủng hộ kế hoạch tiền điện tử được lan truyền rộng rãi. Còn tại Philippines, Facebook đã “giúp” truyền bá thông tin sai lệch miêu tả Ferdinand Marcos Jr trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines vừa qua. 

Đáng chú ý, sự lây lan của COVID-19 cũng cho thấy sự gia tăng của thông tin sai lệch ngoài lĩnh vực chính trị và bầu cử, khi những tin giả mang tính phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội giữa các nhóm dân tộc ở Malaysia đã làm sâu sắc thêm sự phân biệt chủng tộc giữa cộng đồng người Mã Lai theo đạo Hồi và nhóm thiểu số không phải Mã Lai.

Những giải pháp

Bất chấp những nỗ lực từ các chính phủ ở Đông Nam Á nhằm giải quyết thông tin sai lệch, nghiên cứu của CSIS và Google vẫn kết luận rằng cần có “cách tiếp cận đa diện” để giải quyết thông tin sai lệch. Nghiên cứu này đề xuất nhiều chính sách dành cho các chính phủ căn cứ vào Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phụ trách thông tin (AMRI) hồi tháng 9-2023, trong đó bao gồm việc nâng cao hiểu biết về truyền thông cũng như thực thi các biện pháp pháp lý và quy định.

Trong khi một số tổ chức kiểm chứng thực tế đã nở rộ ở một số quốc gia Đông Nam Á, nhà nghiên cứu Fitriani - một thành viên trong nghiên cứu của CSIS - lưu ý rằng, cần phải làm cho hoạt động kiểm chứng thực tế trở nên “bền vững” trong tương lai khi công nghệ tiếp tục phát triển. 

Bà Fitriani nói: “việc kiểm chứng tính xác thực có hiệu quả ở mức độ nào, ai sẽ kiểm chứng tính xác thực của người xác minh tính xác thực? Chúng ta cần đưa ra giải pháp cho những câu hỏi này”.

Trong nỗ lực đối phó, các công ty an ninh mạng và chính phủ đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính AI. Chẳng hạn, Cơ quan Khoa học và Công nghệ Home Team của Singapore đang phát triển bộ công cụ sử dụng AI để phát hiện các trang web và nội dung độc hại, video và âm thanh giả mạo. Một số công ty bảo mật dùng AI để đối phó nạn tấn công mạng, như phân tích kiểu hành vi để phát hiện điều bất thường có thể báo hiệu một cuộc tấn công tiềm tàng. 

Ngoài ra, các hệ thống AI có thể được huấn luyện để bảo vệ hệ thống trực tuyến, như tự động phát hiện mối đe dọa, xác định phần mềm độc hại mới và bảo vệ dữ liệu nhạy cảm. Một điều cần làm nữa là ban hành các quy định để ngăn chặn tình trạng lạm dụng AI.

Đáng chú ý, nghiên cứu CSIS còn cho biết trình độ hiểu biết về truyền thông cũng đang ở mức nghiêm trọng vì các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dễ có thông tin sai lệch hơn, bởi vì họ có trình độ học vấn và hiểu biết vẫn tương đối thấp hơn. 

Những vấn đề như vậy đòi hỏi nỗ lực phối hợp giữa các quốc gia Đông Nam Á, vì nghiên cứu này chỉ ra rằng thông tin sai lệch “không phân biệt biên giới” và các chiến dịch của nó có thể bắt nguồn từ trong nước hoặc nước ngoài. Ông Usman kết luận: “đã đến lúc các nước Đông Nam Á phải hợp tác cùng nhau và củng cố niềm tin của người dân trong khu vực này”./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện