22/11/2024 | 00:56 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Báo chí giải pháp: Sức hấp dẫn và những thách thức

Vũ Thanh Vân
Báo chí giải pháp: Sức hấp dẫn và những thách thức Báo chí giải pháp phân tích nguyên nhân, đề xuất cách thức giải quyết vấn đề và đánh giá tác động của giải pháp_Ảnh minh họa
Đúng như tên gọi, báo chí giải pháp tìm kiếm lời giải, phương án giải quyết cho các vấn đề xã hội phức tạp, thay vì chỉ phản ánh vấn đề. Việc thực hành báo chí giải pháp mang lại những lợi ích không thể phủ nhận cho cơ quan báo chí và công chúng, nhưng cũng đặt ra những thách thức, sức ép nhất định. Song, chính điều đó tạo nên sức hấp dẫn, vị thế của báo chí giải pháp như đỉnh cao của báo chí trí tuệ.

Thực tế sinh động

Đầu năm 2010, Solutions (giải pháp) - một ấn phẩm báo in và trực tuyến do nhà kinh tế học sinh thái người Mỹ Robert Costanza và chính trị gia Dân chủ David Orr sáng lập - ra đời với mục tiêu tìm kiếm các sáng kiến giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội và sinh thái của thế giới. 

Với khẩu hiệu “Vì một tương lai bền vững và như ý”, Solutions tập trung vào những vấn đề như đầu tư cho thiên nhiên để chuyển hóa nền kinh tế hậu COVID-19, chăn nuôi nhân đạo và thân thiện với hệ sinh thái, sản xuất dầu cọ bền vững... 

Với công thức 1/3 bài viết đề cập đến thực trạng, 2/3 bài viết thảo luận giải pháp, Solutions thực hành báo chí mang tính xây dựng, không phản ánh vấn đề thuần túy, không tiếp cận phê phán.

Worldchanging (thay đổi thế giới) là một ấn phẩm tương tự với mục tiêu tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề môi trường, xã hội. Được thành lập năm 2003 và ngừng hoạt động năm 2010, Worldchanging thực hành báo chí giải pháp với tinh thần chủ động thay cho thái độ yếm thế. 

Tuyên bố hoạt động của tạp chí này khẳng định: “Worldchanging là tạp chí trực tuyến dựa trên giải pháp, hoạt động trên nền tảng cơ bản rằng, những công cụ, mô hình và sáng kiến để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn nằm ngay bên cạnh chúng ta... Mục đích, phương tiện và cơ hội để thực hiện thay đổi tích cực, sâu sắc đã vốn có. Một thế giới tốt đẹp hơn là có thể. Nó ở đây, chúng ta chỉ cần tìm các giải pháp cho nó”.

Năm 2003, tổ chức phi chính phủ Phóng viên hy vọng (Pháp) thành lập mạng lưới các nhà báo và chuyên gia truyền thông có chung mong muốn thúc đẩy tin tức báo chí dựa trên giải pháp. Phóng viên hy vọng xác định sứ mệnh của mình “thúc đẩy các cơ quan báo chí không chỉ trình bày các vấn đề đương đại mà còn tìm kiếm giải pháp cho chúng. Biến đổi khí hậu, đói nghèo, thất nghiệp, bạo lực không phải là không tránh được và có những giải pháp để khắc phục”. 

Tổ chức này còn thực hiện các nghiên cứu nhằm theo dõi sự phát triển của báo chí giải pháp, đánh giá tác động của báo chí giải pháp với công chúng và chính báo chí, đồng thời triển khai các khóa tập huấn dành cho các nhà báo về kỹ năng viết bài.

Năm 2010, tờ The New York Times mở chuyên mục Fixes (giải pháp) với mục đích tìm kiếm lời giải cho các vấn đề xã hội, lý giải hiệu quả của chúng. Chuyên mục đăng bài báo của các nhà báo thảo luận, gợi ý giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách. 

Một số bài viết tiêu biểu trong chuyên mục này bao gồm: Những gì cảnh sát biết về thiếu niên? Chưa đủ; Xã hội phương Tây có thể học từ các cộng đồng bản xứ; Trong cuộc đua tìm thuốc chữa COVID-19, các phòng thí nghiệm nhỏ có vai trò quan trọng; Để nhận diện thông tin sai trái trên mạng, hãy sớm dạy thế hệ trẻ... 

Chuyên mục này là sự cân bằng cần thiết với các chuyên mục tin tức, bình luận, đồng thời cũng là giải pháp thu hút công chúng trong bối cảnh tình trạng “chán nản tin tức” ngày càng gia tăng.

Solutions, Worldchanging và chuyên mục Fixes của The New York Times chỉ là một số trong nhiều ví dụ về báo chí giải pháp. Báo chí giải pháp đã trở thành xu hướng trong bối cảnh ngày càng nhiều vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội phức tạp nảy sinh, trong khi công chúng cảm thấy quá mệt mỏi với những tin tức giật gân, thông tin tiêu cực. Công chúng ngày càng hoài nghi, chán nản thứ báo chí nêu vấn đề, phản ánh hiện trạng tiêu cực bởi ngoài chức năng thông tin, nó chỉ làm cho công chúng thêm bi quan. 

Xét cho cùng, xã hội nào, thời đại nào cũng không thiếu vấn đề, nhưng giải pháp cho những vấn đề đó là gì, lối thoát ở đâu, cơ hội nào cho việc xây dựng một xã hội, tương lai tốt đẹp hơn? Những câu hỏi và mong muốn của công chúng về một nền báo chí mang tính xây dựng như thế là có thể hiểu được và hoàn toàn chính đáng. Báo chí giải pháp ra đời từ những năm 90 của thế kỷ XX xuất phát từ thực tế đó.

Triển vọng, thách thức

Báo chí giải pháp phân tích nguyên nhân, đề xuất cách thức giải quyết vấn đề và đánh giá tác động của giải pháp. Nếu như báo chí phản ánh tập trung trả lời các câu hỏi ai, cái gì, ở đâu, khi nào, thì báo chí giải pháp tập trung trả lời câu hỏi: giải quyết vấn đề như thế nào? 

Những người ủng hộ báo chí giải pháp cho rằng, báo chí giải pháp là báo chí đầy trí tuệ, phân tích sâu sắc thực trạng, nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc cạnh, lớp lang, đánh giá tác động đa chiều để tìm ra phương án khả thi cho các vấn đề, thách thức ngày một nhiều, ngày một phức tạp. Hơn thế, báo chí giải pháp đem lại cho công chúng hy vọng, sự lạc quan về một xã hội tốt đẹp hơn.

Để tìm kiếm giải pháp, các nhà báo không chỉ dày công nghiên cứu tình hình, làm sáng tỏ lịch sử vấn đề, mà còn tiếp cận, phỏng vấn, trao đổi với các chuyên gia, các nhà khoa học và các bên liên quan khác để xem xét giải pháp từ nhiều góc độ. Để giải pháp mang tính khả thi, hiệu quả, có tính thuyết phục, các nhà báo phải tìm kiếm các bằng chứng thực tế và khoa học để làm cơ sở cho các lập luận. 

Quá trình này đòi hỏi thời gian, công sức, năng lực nghiên cứu, năng lực lý giải, thuyết phục, nên báo chí giải pháp không phải dành cho tất cả mọi người và không phải lúc nào cũng thực hiện được. Trong bối cảnh các cơ quan báo chí cạnh tranh về tốc độ thông tin, báo chí giải pháp như dòng nước ngược dòng.

Báo chí giải pháp cũng được đưa vào chương trình giảng dạy của các trường báo chí trên thế giới. Khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học bang Arizona, Trường Báo chí và Truyền thông marketing tích hợp của Đại học Northwestern, Trường Truyền thông và Báo chí của Đại học Stony Brook, Trường Báo chí và Truyền thông đại chúng của Đại học Georgia (Mỹ) đã hợp tác với Mạng lưới Báo chí giải pháp, cam kết trở thành những cái nôi đào tạo báo chí giải pháp. 

Kristin Gilger - Quyền Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học bang Arizona - cho biết, báo chí giải pháp bắt đầu được giảng dạy tại khoa từ năm 2016. Ông cho rằng: “một ngộ nhận về báo chí giải pháp là loại “báo chí xoa dịu” nhưng điều này thực sự không đúng. Báo chí giải pháp giải quyết những vấn đề xã hội thực sự phức tạp, thực sự khó khăn, đòi hỏi thông tin chuyên sâu”.

Một nghiên cứu trong khuôn khổ Dự án tin tức gắn kết của Đại học Texas ở Austin (Mỹ) cho thấy, các bài báo giải pháp thu hút được sự gắn kết của công chúng nhiều hơn so với các bài báo bình thường. Công chúng có xu hướng dành nhiều thời gian hơn để đọc các bài báo giải pháp và sẵn sàng chia sẻ những bài báo này hơn trên các mạng xã hội. 

Bên cạnh đó, báo chí giải pháp cũng được coi là có hiệu quả trong việc cải thiện uy tín của các cơ quan báo chí. Nghiên cứu trên Tạp chí Communication Research Reports (Mỹ) cho thấy, công chúng đánh giá các cơ quan báo chí thường xuyên đăng các bài báo giải pháp là đáng tin cậy hơn những cơ quan báo chí chỉ phản ánh vấn đề.

Tuy nhiên, báo chí giải pháp cũng đối diện với một số phê phán. Một số người cho rằng, báo chí giải pháp tuy là cần thiết nhưng không phải là báo chí phổ biến, khả thi và có thể tồn tại lâu dài. Họ chỉ ra trường hợp các tờ báo giải pháp đã dừng hoạt động như Solutions và Worldchanging do không có khả năng duy trì được tài chính và thu hút được công chúng. 

Một số khác lại cho rằng, nhà báo không phải là chuyên gia, cũng không ở vị thế và càng không có khả năng đưa ra giải pháp cho các vấn đề kinh tế, xã hội phức tạp. Thực hành báo chí giải pháp đòi hỏi họ phải làm thứ họ không thể làm và không đủ thời gian để làm trong bối cảnh áp lực thời gian, sức ép bài vở. Ngay cả khi nhà báo có thể đưa ra giải pháp, giải pháp đó chưa chắc đã khả thi và chưa chắc đã được các bên liên quan đón nhận.

Dù như thế nào, báo chí giải pháp vẫn được coi là báo chí mang tính xây dựng, là một xu hướng mới mẻ, đáng trân trọng. Ở một mức độ nào đó, báo chí giải pháp góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, đem đến liệu pháp tâm lý - xã hội cho công chúng trong bối cảnh ngày càng nhiều vấn đề phức tạp xuất hiện, ngày càng nhiều căng thẳng nảy sinh. 

Không phải nhà báo nào cũng có thể trở thành nhà báo giải pháp, không phải cơ quan báo chí nào cũng theo đuổi định hướng này, nhưng chính điều này tạo nên vị thế, đẳng cấp và sức hấp dẫn riêng của báo chí giải pháp như một loại hình báo chí đầy trí tuệ./.