Báo chí cần chiều sâu lý lẽ và sự nhân văn
Nguyễn Tri Thức
Khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, với nhiều tính năng vượt trội, phổ biến, thân thiện; hệ sinh thái báo chí - truyền thông buộc phải chuyển động dữ dội. Báo chí mất đi ưu thế đưa tin, làm chủ thông tin. Tính định kỳ của báo in truyền thống, sự cập nhật, tường thuật trực tuyến/trực tiếp của báo mạng điện tử, phát thanh, truyền hình đều bị tác động mạnh mẽ.
Nhiều tờ báo nổi tiếng thế giới bị đình bản, hoặc chuyển sang phiên bản điện tử. Những tờ báo giảm kỳ xuất bản, giảm số lượng phát hành nhiều không kể hết, kể cả những tờ báo có tiếng tăm được gây dựng, đắp bồi qua bao năm tháng lịch sử.
Doanh thu từ quảng cáo trên tất cả các loại hình báo chí bị sụt giảm, bởi quảng cáo đã bị truyền thông xã hội đã giành lấy. Không ít phóng viên mất việc làm, thu nhập sụt giảm... Nhiều tờ báo, nhiều nền báo chí trên khắp thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng và cho đến nay vẫn đang loay hoay trong việc tìm hướng đi mới hiệu quả...
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, con người có thể chìm ngập trong biển thông tin rộng lớn, nhưng đôi khi lại “bội thực” thông tin hổ lốn, không đáng tin cậy, giả mạo mà vẫn “đói” những thông tin, tri thức khách quan, trung thực, đúng đắn.
Những thông tin ngập tràn trên không gian mạng vẫn đầy đủ các yếu tố 5W và 1H, thế nhưng không phải yếu tố nào cũng là sự thật, nên việc sàng lọc, thẩm định, phân biệt và nhận ra sự thật, bản chất của thông tin là điều không dễ dàng.
Và trong hệ sinh thái truyền thông khổng lồ, khó đoán định ấy, mạng xã hội nói riêng, truyền thông xã hội nói chung đã đẩy báo chí rơi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc, trên diện rộng và buộc phải tìm ra những con đường, giải pháp, phương cách đổi mới, phát triển, và sống chung với truyền thông xã hội.
Thời gian gần đây, ở Việt Nam, cụm từ “báo chí trí tuệ” được nhắc đến khá nhiều, với hai cách hiểu phổ biến là việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong làm báo và việc thể hiện trí tuệ trong sản phẩm báo chí.
Ở nghĩa thứ nhất, đây là vấn đề mới đối với cả thế giới, ví như việc sử dụng robot để viết tin, ứng dụng AI trong các sản phẩm, loại hình báo chí giúp báo chí ngày càng hiện đại, tiện ích, hấp dẫn hơn, đủ sức thu hút, giữ chân công chúng...
Với nghĩa thứ hai, không phải đến bây giờ, việc ứng dụng trí tuệ trong quá trình làm báo mới được thực hiện, mà việc này đã được tiến hành ngay từ thuở ban đầu báo chí xuất hiện. Nhưng có điểm khác biệt rất lớn, đó là việc đề cao phẩm chất trí tuệ trong quá trình làm báo, ở tất cả các loại hình báo chí khác nhau, để có sản phẩm báo chí chất lượng cao, để cạnh tranh với truyền thông xã hội, để khẳng định vị thế của “cơ quan quyền lực thứ tư” trong xã hội.
Sự chuyển dịch về hướng đi trong báo chí là rất rõ ràng, trong đó báo chí trí tuệ được quan tâm đặc biệt. Liên quan đến vấn đề này, cũng có nhiều ý kiến tham góp, luận bàn về công thức 5W+1H và các yếu tố 5I trong báo chí.
Với công thức 5W+1H, ai làm báo cũng thuộc, cũng ứng dụng thường xuyên, tùy từng thể loại mà thể hiện các yếu tố trong công thức huyền thoại ấy là khác nhau, có đầy đủ hay không. Nhưng 5I là gì thì chưa nhiều nhà báo thấu triệt.
Thực ra, các yếu tố trong 5I là những chữ cái viết tắt từ tiếng Anh, cụ thể là: informed (am hiểu), intelligent (thông minh), interesting (thú vị), insightful (sâu sắc) và interpretation (sáng tỏ). Cũng có ý kiến cho rằng, 5I là: informed (thông tin); intelligent (trí tuệ); interesting (thú vị); insightful (thấu hiểu); interpretive (diễn giải)...
Nói như Giáo sư báo chí Mitchell Stephens (Đại học New York, Mỹ), 5I có nghĩa là: Am hiểu, Thông minh, có tính Diễn giải, Sâu sắc và Soi sáng. Ông cho rằng, “diễn giải phải là một phần sứ mệnh của tờ báo, sứ mệnh xuất hiện ở trang nhất”. Và đó chính là nội hàm của báo chí trí tuệ.
Thực tế, từ năm 1869, nhà phê bình văn học, âm nhạc, nhà báo người Mỹ Richard Grant White (1822 - 1885) đã có bài viết với nhan đề “The Morals and Manners of Journalism” (Tạm dịch: Đạo đức và phong cách của báo chí) khẳng định rằng: Trong hai nhánh của nghề báo, một là thu thập và phát hành tin tức, hai là thảo luận và giải thích những sự kiện được công khai thì nhánh đầu là cần thiết, căn bản hơn; còn nhánh sau quan trọng hơn... Nhánh thứ hai có tính chất tranh luận của nghề báo, bởi nó luôn định hướng, như một người cố vấn thường nhật; vừa truyền đạt thông tin vừa giáo dục; mở rộng tầm hiểu biết về tư tưởng và tình cảm của con người.
Trong khi đó, Bill Keller - biên tập viên điều hành của tờ The New York Times (Mỹ) - trong một lần thảo luận trực tuyến với bạn đọc có nói rằng: báo chí trí tuệ đòi hỏi những nhà báo có kinh nghiệm đến hiện trường, làm chứng, “đào xới” hồ sơ, phát triển nguồn, kiểm tra và kiểm tra lại.
Bởi lẽ, với khả năng cung cấp tin tức rộng rãi cho công chúng từ các trang web, cần có “nguồn cung chất lượng” của báo chí. Và trong thực tế, báo chí độc quyền và điều tra, chuyên sâu vẫn có giá trị vượt trội và các nhà báo phải học cách quan niệm chất lượng trong hoạt động báo chí là sự khôn ngoan trong việc xây dựng chuyên môn, phán đoán và hiểu biết để diễn giải tin tức...
Tại Việt Nam, báo chí chuyển hướng, tiếp cận, triển khai các yếu tố 5I khá nhanh, rộng, sâu ở tất cả các loại hình báo chí với nhiều sản phẩm báo chí chất lượng cao, thu hút đông đảo công chúng, được xã hội đón nhận, đánh giá cao.
Nhiều cơ quan báo chí, cả Trung ương và địa phương đều có sự chuyển mình mạnh mẽ, từng bước thay đổi nội dung, phương thức thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số một cách phù hợp với những nền tảng khác nhau, tiếp cận đa dạng đối tượng bạn đọc, luôn làm chủ mặt trận thông tin cần thiết có sự kiểm chứng, phân tích, lý giải sâu sắc, thấu đáo của các nhà báo.
Nhiều nhà báo, cơ quan báo chí chú trọng đầu tư, đeo đuổi mục đích thông tin chuyên sâu, chuyên biệt, chuyên đề một cách công phu, độc đáo, đa diện, nhiều chiều, mang tính tranh biện, lý giải, chứng minh, sâu sắc, sáng tỏ đã mang đến những thành công bước đầu...
Trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, nhất là từ truyền thông xã hội trên nền tảng số, việc ứng dụng AI ngày càng phổ biến; việc báo chí tập trung, nỗ lực đem đến những thông tin nhanh nhạy, trung thực, khách quan, có chiều sâu lý lẽ, giàu tính nhân văn chính là việc phát huy giá trị tốt đẹp, có ích, tích cực, dựng xây góp phần ổn định xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh, vững bền./.